Lòng Hiếu Khách

Thứ hai - 27/07/2020 02:21 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   703
“Dù bạn có thể bị gọi là người vô gia cư, người ăn mày
nhưng bạn thật sự là sứ giả của Thiên Chúa”.
Lòng Hiếu Khách
Lòng Hiếu Khách

 Nguyễn Thái Hùng

Chuyện xưa kể rằng:

Ông lão nọ, một hôm, trong giấc ngủ mơ được Chúa Giêsu hiện đến và nói: “Ngày mai, Cha sẽ đến thăm con.” Tỉnh dậy, ông rất vui mừng. Ông mau mắn dọn dẹp nhà cửa tươm tất để đón Chúa Giêsu. Ông mặc bộ áo đẹp nhất. Ông chuẩn bị một ấm trà nóng và một cái bánh ngon nhất có thể để tiếp đón Ngài.

Tờ mờ sáng, khi ánh bình minh bắt đầu ló dạng, những tia sáng ấm áp soi sáng khung trời mùa đông tuyết lạnh, ông đã chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để đón Chúa. Thi thoảng ông mở cửa nhìn ra đường xem Ngài đã đến chưa. Gần trưa, ông chỉ thấy một người phu quét đường đang gom tuyết mùa đông trong giá lạnh, ông vội vàng mời người phu quét đường vào nhà cho ấm một chút, đôi mắt ông lướt nhanh để xem có Chúa đến không? Sau khi dùng một ly nước ấm và một miếng bánh, người phu quét đường cám ơn lòng tốt của chủ nhà và ra đi làm công việc của mình.

          Lần nữa, ông lại mở cửa ra nhìn, ông thấy một cậu bé co ro trong chiếc áo mỏng manh đang bước qua cửa nhà, ông kêu cậu vào nhà sưởi ấm. Uống một cốc nước ấm, ăn một chút bánh, cậu cám ơn và ra đi. Bồn chồn và lo lắng, không biết mình có bỏ sót giây phút nào khi Chúa viếng thăm không! Ông lại mở cửa ra, nhìn tất cả mọi ngã đường, chẳng thấy bóng dáng Chúa đâu? Ông chỉ thấy một người phụ nữ trẻ bế đứa bé lạnh cóng. Ông vội vàng đón 2 mẹ con vào. Uống một tách trà ấm, ăn một chút bánh. Người thiếu phụ trẻ cám ơn ông chủ nhà tốt bụng và ra đi. Hoàng hôn dần xuống. Bao hy vọng được Chúa viếng thăm dần tắt trong lòng ông. Ông bồn chồn và mệt mỏi thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc mơ, ông lại thấy Chúa Giêsu đến và nói với ông: “Cám ơn con rất nhiều, hôm nay con đã tiếp đón Ta.”

Trong giấc mơ, ông mỉm cười bước vào cõi thiên thu.

Lòng mến khách trong Thánh Kinh

Thánh Kinh cũng nhiều lần nhắc đến những cuộc tiếp đón rất đẹp và mang đến sự sống.

Thiên Chúa hiện ra tại Mam-rê

1 Đức Chúa hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. 2 Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy3 và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. 4 Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây.5 Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây!” Khách trả lời: “Xin cứ làm như ông vừa nói!”

6 Ông Áp-ra-ham vội vã vào lều tìm bà Xa-ra mà bảo: “Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh”7 Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt.8 Ông lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa.

9 Khách nói với ông: “Bà Xa-ra vợ ông đâu?” Ông đáp: “Thưa nhà tôi ở trong lều.”10 Người nói: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai.” Bà Xa-ra bấy giờ đang nghe ở cửa lều, phía sau.11 Ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra đã già nua tuổi tác, và bà Xa-ra không còn điều thường xảy đến cho đàn bà.12 Bà Xa-ra cười thầm tự bảo: “Mình đã cằn cỗi rồi, còn hưởng được vui thú nữa sao? Ông nhà mình lại là một ông lão!”13 Đức Chúa phán với ông Áp-ra-ham: “Tại sao Xa-ra lại cười và nói: “Có thật tôi già thế này mà còn sinh đẻ được chăng?14 Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức Đức Chúa? Vào độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ngươi, và Xa-ra sẽ có một con trai.”15 Bà Xa-ra chối và nói: “Con đâu có cười!” Vì bà sợ. Nhưng Người bảo: “Có, ngươi đã cười!” (St 18,1-15)

Và sau đó, bà Xa-ra đã nói:

“Thiên Chúa đã làm cho tôi cười;
tất cả những ai nghe biết sẽ cười tôi.
Ai dám báo trước cho ông Áp-ra-ham rằng Xa-ra sẽ cho con bú? Thế mà tôi đã sinh cho ông một con trai, khi ông đã về già!” (St 20,6-7)

Ông Ê-li-sa và mẹ con người phụ nữ Su-nêm

8 Một hôm, ông Ê-li-sa đi qua Su-nêm. Ở đó có một phụ nữ giàu sang. Bà ta giữ ông lại dùng bữa. Từ đó, mỗi lần đi qua, ông đều ghé vào dùng bữa.9 Bà ấy nói với chồng: “Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa.10 Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó.”11 Một hôm, ông đến nơi ấy, ông lui vào phòng trên lầu và nghỉ ở đó.

            14 Ông Ê-li-sa nói với tiểu đồng: “Nên làm gì cho bà ấy?” Giê-kha-di đáp: “Tội nghiệp, bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già.” 15 Ông Ê-li-sa bảo: “Đi gọi bà ấy.” Nó đi gọi bà, và bà ấy đến đứng ngoài cửa.16 Ông Ê-li-sa nói: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai.” Bà mới nói: “Không, thưa ngài, người của Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài!”17 Quả nhiên, bà ấy có thai, và năm sau, vào thời kỳ, vào độ mà ông Ê-li-sa đã nói, thì bà sinh con trai.
18 Đứa trẻ lớn lên. Một ngày kia, khi đi kiếm cha nó ở giữa những người thợ gặt, 19 nó nói với cha: “Ôi, cái đầu con! Cái đầu con!”  Người cha bảo anh đầy tớ: “Bồng nó về cho mẹ nó.” 20 Người tớ trai bồng nó, đem về cho bà mẹ. Đứa trẻ ngồi trên đầu gối bà đến trưa, rồi nó chết. 21 Bà đem nó lên đặt trên giường dành cho người của Thiên Chúa, đóng cửa lại, để nó ở trong rồi đi ra.

 27 Khi đến gần người của Thiên Chúa ở trên núi, bà ôm lấy chân ông.

32 Khi ông Ê-li-sa tới nhà thì cậu bé đã chết, nằm trên giường của ông.33 Ông đi vào chỗ cậu bé, đóng cửa lại, chỉ có hai người ở bên trong, rồi cầu nguyện với Đức Chúa. Rồi ông nói: “Bà hãy đem con đi!” (2V 4-11. 14-21. 27. 32-33)

Đứa con của bà đã được cứu sống.

Gia đình Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô

Gia đình Mác-ta và Ma-ri-a đã nhiều lần đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ, nên ngài quý mến họ. Như thánh sử Lu-ca trình thuật: 

38  Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. 39  Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40  Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” 41 Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! 42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10, 38-42)



1 Có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a.2 Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô.3 Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng.” 4 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.”

5 Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô (Ga 11,1-5). Đáp lại, Chúa Giê-su đã làm cho La-da-rô chết 4 ngày sống lại (x. Ga 11,43-44).

Và chúng ta hôm nay ...

Sự tiếp đón niềm nở bởi lòng hiếu khách đã mang lại những ân huệ bất ngờ.

Khi đọc những câu chuyện về lòng hiếu khách trong Cựu ước, chúng không được hiểu theo nghĩa thời nay là chỉ đón tiếp khách, và cho khách ăn ở. Nó còn mang một ý nghĩa triệt để hơn, đó là coi khách như người nhà, bảo vệ khách chống lại địch thù, đùm bọc che chở khách, dẫu phải hy sinh nhiều điều như ông Lót (x. St 19,1-29), kính trọng khách một cách sâu xa vì là một con người, và quan tâm đến khách bằng cách chăm lo cho các nhu cầu của khách. (1)

Và hơn nữa, tổ tiên trong đức tin của chúng ta là Áp-ra-ham từng là người du mục, đã sống một cuộc đời khách lạ trên đất Ai-cập. Vì thế, Ít-ra-en hiểu thấu thân phận và hoàn cảnh đau khổ của người khách lạ, và biết khách lạ cần được lòng hiếu khách thế nào. Thực vậy, mỗi khi Ít-ra-en bị cám dỗ khinh miệt khách lạ, lời cảnh cáo trong Thánh Kinh luôn rất rõ ràng: “Khi có ngoại kiều cư ngụ với ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp nó. ... Ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai-cập. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi.” (Lv 19,34) (2)

Lòng hiếu khách trở thành cơ hội để gặp gỡ Thiên Chúa, như thánh Phao-lô nói trong thư Do thái: “Anh em đừng quên tỏ lòng mến khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Dt 13,2). Và đó cũng là bổn phận mà thánh Phê-rô khuyên mọi tín hữu: “Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca.”(1P 4,9).

Chúng ta cũng không bao giờ được quên lời của Thầy Giê-su: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Mt 10,40) và “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10,42).

Trong trình thuật về Cuộc Phán Xét Chung (Mt 25,31-46) Chúa Giê-su Ki-tô đã tự đồng hóa mình với những người nghèo khó: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (c. 34-36) vì “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (c. 40).

Lòng hiếu khách cũng là một đòi hỏi mà thánh Phao-lô yêu cầu các “giám chức” Ti-mô-thê (1Tm 3,2; 5,10) và Ti-tô (Tt 1,8) phải có trong các đức tính của người lãnh đạo.

Trong dòng lịch sử, ở thế kỷ thứ V, Hội Thánh đã buộc các giám mục thành lập các ngôi nhà tiếp đón khách trong mỗi giáo xứ. Những ngôi nhà này mở cửa đón tất cả những ai nghèo đói, bệnh tật, mồ côi, già cả và túng thiếu. Xuất phát từ ý tưởng là, phải luôn luôn nhận ra Đức Ki-tô trong khuôn mặt người không quen và vì thế mọi giáo xứ, mọi gia đình đều có chỗ cho Đức Ki-tô, dành sẵn để đón nhận các sứ giả của Chúa, đến trong hình dáng của người đang túng thiếu.(3)

Như Peter Maurin,  trên tờ Catholic Worker, tháng 10 năm 1933, đã viết :
“Dù bạn có thể bị gọi là người vô gia cư, người ăn mày
nhưng bạn thật sự là sứ giả của Thiên Chúa”. (4)

Điều này, ngày nay đã bị chúng ta quên sót.

Khởi đầu triều đại, vào ngày 8 tháng 7 năm 2013,  trong chuyến đi đầu tiên trong cương vị Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô thăm đảo Lampedusa, miền nam nước Ý, để nâng đỡ tinh thần người tị nạn sống sót sau các vụ đắm tàu và các vụ vượt biên giới để đến Châu Âu. Đức Phanxicô đã lên án cái mà ngài gọi là “dửng dưng hóa toàn cầu” và cũng lên án những kẻ lợi dụng sự nghèo đói của người khác để làm giàu. (5)

Nói như Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, để loan báo Tin Mừng hôm nay, ngôn ngữ được nhân loại hiểu rõ nhất là bác ái, không phải là những lời giải thích thần học uyên bác (6).

Lòng bác ái được biểu lộ bởi sự hiếu khách, chính là tiêu chuẩn để chúng ta được phán xét vào ngày tận thế, ngày Chúa Giê-su Ki-tô để đến hoàn tất công trình cứu chuộc mà Ngài đã thực hiện.

Bao nhiêu người đã đi ngang đời tôi cần được cứu giúp? Những người nghèo khổ ? Các trẻ cô nhi và người góa bụa? Tôi đã làm gì cho họ?
Và còn bạn? Bạn thì sao?

Nguyễn Thái Hùng
Nhưng ngày cuối tháng 7.2020

Ghi chú

(1) http://www.donggioanthienchua.net/khai-niem-ve-long-men-khach.html
(2) http://www.donggioanthienchua.net/khai-niem-ve-long-men-khach.html
(3) http://phanxico.vn/2019/06/25/tinh-men-khach/     
(4) http://phanxico.vn/2019/06/25/tinh-men-khach/     (5)http://www.archivioradiovaticana.va/storico/2013/07/08/%C4%91%E1%BB%A9c_th%C3%A1nh_cha_phanxic%C3%B4_t%E1%BB%91_gi%C3%A1c_s%E1%BB%B1_d%E1%BB%ADng_d%C6%B0ng_%C4%91%E1%BB%91i_v%E1%BB%9Bi_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_t%E1%BB%8B_n%E1%BA%A1n/vie-708665
(6) https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2020-06/tagle-ngon-ngu-tin-mung-bac-ai.html

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây