Như 1 lời tri ân

Thứ tư - 22/04/2020 04:42 |   772
Trong bài viết này, tôi xin phép được gọi Ngài là Thầy.
Lavâng
Lavâng

NHƯ MỘT LỜI TRI ÂN 

Lê Văn Lavâng

Dịp họp mặt lớp Têrêxa vào cuối tháng 9-2015 tại nhà Lê Ngọc Thái ở giáo xứ Châu Sơn, tôi hân hạnh có được một bức ảnh chụp chung với cha Gioan Bùi Quang Đạo, lúc đó đang làm quản xứ. Và từ tấm ảnh đó, tôi có chia sẻ một cảm nhận về Ngài trên FB cá nhân đăng ngày 30-9 năm đó. Nay xin trích lại bài chia sẻ này với một vài chỉnh sửa nho nhỏ để phù hợp hơn với chủ đề tri ân của Kỷ yếu này.

Thật ra, bài chia sẻ này chỉ là một kỷ niệm nho nhỏ về Ngài thôi, nhỏ đến mức Ngài có thể không còn nhớ nữa. Nhưng kỷ niệm ấy đã để lại một dấu ấn không nhỏ trong tôi và các anh, em của mình. Trong bài viết này, tôi xin phép được gọi Ngài là Thầy. Một người thầy không chính danh vì chúng tôi chưa bao giờ được ngài dạy trực tiếp ở trường và những gì mình học được từ Ngài là những bài học không có trong giáo trình nào cả. Đó chỉ như những hạt giống rơi vãi dọc đường đã may mắn không bị những chú chim thời gian ăn mất, mà trái lại còn nẩy nở khá tốt trong tâm hồn chúng tôi. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ những ngày xưa gian khó...

Cũng như nhiều gia đình khác, do những thay đổi sâu rộng trong xã hội sau 1975, chúng tôi phải cùng dắt díu nhau tìm kế mưu sinh để tiếp tục tồn tại. Một trong những mối bận tâm nhất của anh, chị, em chúng tôi là phải chứng minh được với đời là mình có khả năng… “làm thuê, cuốc mướn”!?!... một công việc dễ nhất để kiếm tiền đối với chúng tôi, những cậu ấm, cô chiêu mới rời ghế nhà trường. Ai tin được chúng tôi lại có thể moi được những đồng tiền của người khác bằng sức lao động đáng ngờ của mình. Nhưng với quyết tâm sinh tồn, “Hãy tự cứu mình đi rồi Trời sẽ giúp”. Và chúng tôi đã gặp nhiều “Ông Trời” thiệt…

Sự cố gắng của chúng tôi đã làm động lòng rất nhiều người và họ đã tạo nhiều cơ hội cho chúng tôi. Đáng nhớ nhất là cơ hội mà chúng tôi có được từ cha Gioan Bùi Quang Đạo. Đáng nhớ không chỉ vì đã giúp chúng tôi mưu sinh mà còn mở ra cho chúng tôi một chân trời mới. Chính vì lý do này mà chúng tôi đã gọi cha Gioan là Thầy với tất cả sự yêu mến và hãnh diện. Ngày ấy, vào giữa những năm 1980, thay cho dáng vẻ trang nghiêm, đạo mạo vốn có là một phong thái an nhiên tự tại của một Hiền Nhân, Thầy đã cùng mấy anh em chúng tôi “tăng gia” trong vườn tiêu của thầy tại Tòa Giám Mục. Trò cuốc cỏ thì thầy bón phân, trò vun gốc thì thầy tưới tiêu… Cứ thế mà chúng tôi cùng làm việc chung và thù lao cho những công việc này không chỉ là những đồng tiền đương nhiên phải có mà quan trọng hơn là cả một trời kiến thức mà Thầy đã cho chúng tôi trong gần một năm trời cùng làm việc.

Những bài học bắt đầu bằng những cuốn sách của Thầy, Thầy đã gieo cho chúng tôi niềm đam mê đọc sách qua những hướng dẫn cần phải đọc sách nào, đọc như thế nào để hiểu đúng từng tác giả. Cứ thế mà chúng tôi được làm quen với rất nhiều nhà văn, kể cả những đại văn hào. Từ những phiên bản của “Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến” cho đến Léon Tolstoi, từ Dostoiepski đến Eric Marie Remarque… Rồi cứ mỗi cuối tuần, mấy thầy trò lại cùng nhau đến rạp ciné với nhiều thể loại phim. Sau buổi chiếu phim lại là những bài học bắt đầu bằng nội dung của phim, sau đó là những lời giải thích về ngôn ngữ điện ảnh. Từ hình ảnh trong đoạn phim cụ thể đã xem, Thầy giải thích tác giả đã dùng hình ảnh đó với dụng ý gì? Và thêm một vài ví dụ để nêu rõ bài học - Làm thế nào để thể hiện ý tưởng bằng hình ảnh... Cứ thế, Thầy đã làm cho chúng tôi hiểu rằng, cho dù có khó khăn đến đâu thì cuộc đời không chỉ là những nhọc nhằn mưu sinh, không chỉ là những giọt mồ hôi đắng chát mà còn cả một đời sống tinh thần không thể thiếu. 

Với những bài học không có giáo trình như vậy, thầy Gioan Bùi Quang Đạo đã gieo cho chúng tôi một số kỹ năng và khơi dậy trong chúng tôi khí phách và năng lực tiềm tàng. Để từ đó, chúng tôi có thêm niềm tin vào chính mình mà vững bước. Quãng thời gian học hành đó là một tiền đề cho những công việc lớn nhỏ của chúng tôi sau này. Riêng cá nhân tôi, cái quyết tâm không được phép và không thể là một phế nhân của mình đã có được một nền tảng vững vàng từ những bài học ngày ấy. Sau hơn 10 năm ấp ủ, chúng tôi đã bắt đầu áp dụng những bài học đó để tổ chức những sự kiện nho nhỏ một cách dễ thương hơn với đám học trò trẻ con của mình. Coi như là thử tay nghề. Đến năm 2004, thêm một lần thử sức nữa khi hỗ trợ cho anh Nguyễn Quốc Minh Đạo thực hiện “Giữa Đời Thường Còn Chút Gì Để Nhớ”, một cuốn kỷ Yếu của Lớp Têrêxa mà một số dữ kiện đã được dùng trong Kỷ Yếu “40 Năm Lê Bảo Tịnh”. Rồi năm 2009, Bài học ngày ấy đã phát huy tác dụng một cách rõ ràng hơn khi chúng tôi thực hiện thành công hai DVD liên tiếp là “Đôi Nét Về Giám Mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản” và DVD “Về Khung Trời Tuổi Xanh”. Rồi cũng mới đây thôi, chính Thầy đã giúp anh em chúng tôi tìm được mạch ý tưởng xuyên suốt giữa bề bộn những sự kiện đan xen nhau của dòng lịch sử Giáo Phận Banmêthuột để hỗ trợ cho đoàn làm phim hoàn thiện DVD “BanMêthuột, 50 Năm ĐỒNG HÀNH VÀ TIẾN BƯỚC”. Một dạng kỷ yếu của Giáo Phận nhân sự kiện mừng Kim Khánh Thành Lập. Những bài học mà chúng tôi đã học được từ Thầy Gioan Bùi Quang Đạo ngày xưa đã góp phần không nhỏ vào những thành quả trên.

Xin chia sẻ bài viết này NHƯ MỘT LỜI TRI ÂN một người thầy vô cùng đáng kính, đáng yêu ở một lớp học “ngoài luồng” ngày xưa - Thầy Gioan Bùi Quang Đạo của chúng con.

Tưởng cũng cần chia sẻ thêm ở đây một câu chuyện có liên quan đến những thành quả nói trên để lời tri ân trong bài viết này được thêm tròn trịa hơn. Nhân khi anh em chúng tôi nhận được nhiệm vụ thực hiện DVD “Kỷ Yếu Giáo Phận”, tôi có đề nghị với chú em trưởng đoàn làm phim là nên mời một số anh em trong nhóm cựu học sinh LBT cho một số hạng mục lớn, nhỏ thích hợp. Ngoài hai cha Nguyễn Thư Hùng, lớp Phan Xi Cô và cha Trần Mạnh Tiến, lớp Savio được mời cho phần nói về chủng viện ra còn có anh Tú, lớp Giuse ở Phước Long; anh Công KC, lớp Phanxico ở Mỹ; anh Phạm Viết Ngữ, lớp Savio ở Dak mil; và một số bạn lớp Têrêxa như: anh Vương Đình Nguyên ở Mỹ và Anh Nguyễn Đình Trọng ở Canada; anh Bùi Ngọc Mai và Nguyễn Văn Sáng ở Sài gòn; gia đình anh Ninh Văn Thể (đã mất) ở Dakmil và một số bạn trong lớp nữa. Cám ơn vì các cha và tất cả đã tham gia hết sức nhiệt tình. Đặc biệt xin cám ơn hai cha giáo Gioan Bùi Quang Đạo và cha Augustino Hoàng Đức Toàn đã cung cấp cho chúng tôi những tài liệu quý giá để hoàn thành mục nói về Chủng Viện Lê Bảo Tịnh của chúng ta. Đó là chưa kể một số người có năng lực và uy tín trong trường Lê Bảo Tịnh cũng được mời nhưng lại vắng mặt. Riêng về Đức Cha Joseph Nguyễn Thế Phương thì lại tham gia với tư cách là Hoa Trái của Giáo Phận. Còn cha Giuse Nguyễn Văn Khánh lại là nhân chứng của MỘT SỐ GIAI ĐOẠN lịch sử. Cha Giuse Trần Ngọc Cầu thì được mời như một tư liệu sống để tham khảo. Ngoài ra, còn 2 người khác đã hỗ trợ cho chúng tôi hết sức tích cực nhưng với tư cách là người của các Ban Mục Vụ. Anh Vũ Đình Bình, lớp Truyền Tin, thuộc ban VHTT và anh Đỗ Kim Châu, lớp Vô Nhiễm, thuộc ban Thánh Nhạc. Tôi nghĩ rằng, sự tích cực của hai anh chắc hẳn cũng một phần do tình đồng môn ngày xưa. Riêng anh Đỗ Kim Châu thì đây không phải là lần đầu anh dành cho tôi sự quan tâm như vậy. Ngoài ra, còn có bạn Vinh Sơn lớp Têrêxa và anh Phạm Anh Sơn lớp Giuse, với tư cách là người của ban VHTT, cũng đã cùng chúng tôi chung tay hoàn thành DVD “Đôi nét về GM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản” cách đây đã lâu. Cám ơn tình đồng môn và tinh thần kết nối trong gia đình Lê Bảo Tịnh. Mong là sẽ có những câu chuyện hay hơn về tình kết nối được chia sẻ qua những bài viết để Kỷ Yếu lần này của chúng ta thêm ngọt ngào hơn vì những hương vị của tình thầy - trò, tình đồng môn và tình bạn.

 Ban Mê Thuột, tháng 10 năm 2017

Lê Văn Lavâng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây