Bạn tôi là linh mục
Trong tác phẩm "Dagestan của tôi", nhà văn Rasul Gamzatov có kể lại câu chuyện "người đi tìm chân lý". Anh đã tìm kiếm qua biết bao làng mạc phố phường, đã phải băng rừng lội suối, trải qua bao gian nguy hiểm trở. Lên tới đỉnh núi cao mới tìm gặp được chân lý, vì chân lý ở trên đỉnh cao... Đã có những con người thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất, xông pha trận tuyến với tinh thần của người chiến sỹ. Họ đã đạt tới đỉnh cao.
Tôi tới thăm người bạn linh mục, quản xứ Gia Nghĩa. Có lẽ chúng ta không tưởng tượng được một giáo xứ nằm tại trung tâm tỉnh lỵ mà lại buồn bã eo sèo như thế. Trong lòng tôi dâng lên một nỗi cảm thương xen lẫn niềm cảm phục.
Trong một chuyến đi thăm cha xứ Gia Nghĩa của Hoàng Công Nga+Huấn. |
Đèo lại đèo,
Cảnh sống cheo leo.
Loanh quanh lên xuống lại qua đèo,
Thử thách lòng người qua mấy nẻo,
Gian truân đâu dễ mấy ai theo.
Cách đây hơn một năm, linh mục Giuse Nguyễn Văn Khánh người bạn của tôi đồng thời là cha xứ của tôi tại Thổ Hoàng đã xung phong về vùng đất mới Gia Nghĩa. Không thiếu gì những người cho là liều mạng. Đang sống ở một giáo xứ ổn định, có tinh thần đạo đức và nhiều người cộng tác, ngôi thánh đường vừa xây dựng còn tươi màu sơn, lại xung phong đi một vùng đất mới... tại Đăknông.
Người ta đang nhen lên niềm tự hào cho tỉnh mới là sẽ biến Đăknông thành Đà Lạt thứ hai.Từ Đăknông đi Đà Lạt chỉ cách hơn 100km, địa hình cũng không khác gì Đà Lạt. cũng đường đèo đồi dốc, cũng đồi thông và đỉnh gió, cuộc sống cheo leo trông rõ cảnh nghèo. Đăknông xưa kia gọi là Quảng Đức, là một tỉnh lỵ có tính chiến lược về quân sự, được hình thành trong những năm cuối của thập niên 50.
Tại thị xã Gia Nghĩa, nơi giáo xứ của bạn tôi, một giáo xứ có địa bàn rộng, bao gồm trung tâm thị xã, một phần của huyện Đăksông, huyện Đăkglong, họ đạo Đăksom giáp Di Linh cách xa trung tâm 85km, nơi mà xưa kia cha Morisseau đã tới truyền đạo. Trên vùng núi rừng bao la này, giữa những câu chuyện thần thoại của đại ngàn, lại có những câu chuyện truyền kỳ đánh động lòng từ tâm. Hình ảnh của các cha thừa sai như những ông tiên trong truyện cổ tích. Hình ảnh của “Mẹ Hai” một nữ tu tận tụy 36 năm giữa đồng bào Mnông, khi Mẹ ra đi về cùng Chúa, cả không gian như lắng đọng nhường lại cho tiếng khóc nức nở và tiếng kêu nói lên tình thâm ruột thịt: Mẹ Hai, Mẹ Hai ơi…
Giáo xứ Gia Nghĩa có 7500 giáo dân rải rác khắp các buôn làng xa xôi. Khu vực nhà thờ được quy hoạch tại đồi Đức Mẹ (đây là tên được ghi trên bản đồ tỉnh Đăknông). Nhà thờ hay nói đúng hơn là nhà nguyện tạm thời, mái lợp tôn, chung quanh trống rỗng nằm chơ vơ giữa đỉnh đồi heo hút. “Ở đây buồn quá” ai lên đến nơi cũng đều thốt lên một câu chung chung như vậy. Tôi chợt nghĩ tới giá trị của đời tu và trong hoàn cảnh này mới hiểu hết được ý nghĩa của hai từ tận hiến, vậy mà nơi đây đã từng có những thánh lễ quy tụ hàng mấy nghìn người tham dự. Cha Đaminh Phạm Sỹ Hiện, một người bạn đồng môn, trước phụ trách ở đây cũng đã từng chăm sóc cho những cư dân của đại ngàn từng miếng ăn, chỗ ở trong các dịp đại lễ Giáng Sinh, Phục Sinh. Những nhà hảo tâm tại thành phố HCM đã cung cấp hàng mấy nghìn khẩu phần ăn trong các dịp lễ này. Niềm tin nơi đồng bào Thượng giống như hạt giống được gieo vào mảnh đất tốt, phát triển vững chắc, trung thành và bền bỉ mặc dầu đã nhiều năm qua vắng bóng linh mục.
Cha Nguyễn Văn Khánh, một con người hiền từ, nước da ngăm đen, tóc quăn mang dáng dấp của dân tộc Tây Nguyên về đây vừa tròn một năm. Ngài mừng rỡ khi có khách ghé thăm và lại hăm hở khi nói về những dự định tương lai cho giáo xứ. Nhiều người chạnh nghĩ: không biết nơi đây khi nào mới có thể xây dựng được nhà thờ, nhưng cha xứ lại rất quả quyết.
Tôi đứng trên đỉnh đồi Đức Mẹ, dõi mắt theo con dốc thẳng đứng, hình ảnh của những con người hiện rõ dần. Tôi nhận ra từng người một, kìa cụ già, em bé, cả những con người trai trẻ, họ đang đi tới đỉnh cao.
Buổi chiều hôm nay, trong mùa Chay thánh tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc: “nhà thờ là tổ ấm của người Kitô hữu”. Một lần ghé thăm đầy ý nghĩa, tôi muốn mời mọi người làm một chuyến hành hương về Gia Nghĩa, ở nơi đó có bạn tôi là linh mục.