Đi lạc từ 1 tấm hình

Thời xa xưa ấy, khi còn là các chú “tiểu”, năm nào các cha giáo cũng tổ chức một giải bóng tròn

ĐI LẠC TỪ MỘT TẤM HÌNH

[01.06.2007 07:48]

Lạc Nhân

Thời xa xưa ấy, khi còn là các chú “tiểu”, năm nào các cha giáo cũng tổ chức một giải bóng tròn, có cúp hẳn hòi, để các lớp tranh tài với nhau. Năm 1972, chúng tôi đang học lớp 8 và một trong những kỷ niệm rõ nét là giải bóng tròn năm đó.

Qua thi đấu vòng loại (có cả thảy 5 đội bóng của 5 lớp), lớp Truyền tin chúng tôi và anh cả, lớp Vô Nhiễm được lọt vào vòng chung kết. Bình luận viên trận thi đấu này là cha giáo Stêphanô  Nguyễn Văn Đậu.

.....Chúng tôi xin tường thuật trực tiếp trận chung kết bóng tròn giữa đội tuyển lớp Truyền tin và Đội tuyển lớp Vô Nhiễm. Trận đấu  diễn ra trên sân vận động

“Giờ chơi buộc”, nằm cạnh quốc lộ 26 (Đường đi Nha Trang). Đội tuyển lớp Truyền Tin trong đồng phục áo thun xanh lơ viền trắng, quần soọc trắng,. Nguyễn Quốc Loan đeo băng Đội trưởng. Hàng tiền đạo gồm có: Đặng Đức Hải, Bùi Xuân Mỹ, Nguyễn văn Linh, Vũ đăng Khoa... Đứng trước khung thành phía lớp Truyền tin là thủ môn Nguyễn Ngọc Đốc. Đội tuyển lớp Truyền Tin sử dụng đấu pháp 4- 2- 4-1.

Đội tuyển lớp Vô Nhiễm xuất hiện trong đồng phục áo thun vàng viền đỏ, quần soọc đen. Bùi Quang Thành đeo băng Đội trưởng... Thủ thành là Phạm ngọc Minh (thủ môn dự bị: Nguyễn Quang Năm). Đội tuyển lớp Vô Nhiễm dàn quân theo đội hình 4- 2- 4- 1.

Toe.e. éù..t. Tiếng còi của trọng tài (anh Phạm Xuân Lương, nay là cha xứ Kim Phát) đã nổi lên. Bóng đang ở trong chân Bùi Quang Thành. Thành chuyền lên cho Chính. Chính tạt sang trái cho Kim... Kim dẫn bóng vượt qua trung vệ Nguyễn Quốc Loan. Hậu vệ bên phía Truyền tin là Phạm Sĩ Sứ băng mình ra cản phá. Nguyễn văn Kim đã lách bóng qua Sứ và sút thẳng. V À À À...O!  Không vào!... Thủ môn Nguyễn Ngọc Đốc đã tung mình bắt gọn bóng. Tiếng vỗ tay rào rào hoà chung với gió...

Và cứ như thế, từng đợt rồi lại từng đợt tấn công của cả hai phía cho đến hết hiệp một, hết cả hiệp hai và hết cả hai hiệp phụ mà vẫn bất phân thắng bại. Tỉ số vẫn là 0 - 0. Lớp tôi hồi ấy sao mà “sung” thế! Có lẽ cũng do lớp Giuse đàn anh đã chuyển nhượng cho chúng tôi hai cầu thủ là Nguyễn Văn Nam và Vũ Đăng Khoa. Cuối cùng trận đấu cũng hạ màn nhờ loạt đá luân lưu. Chúng tôi thắng với tỷ số 3-2. Và đây là lễ trao giải cho đội tuyển lớp chúng tôi chiều Chúa nhật hôm ấy. Cha giáo Giuse Bùi Trung Phong trao giải cho “Thủ quân” Nguyễn Quốc Loan (hiện nay đang là cha xứ Kim Châu).

.......

Ừ thì đó là chuyện tấm hình. Còn sau những cầu thủ chụp hình đó là cái sân banh. Nó liên quan tới thời khoá biểu chủng viện:

16.30h - 17.15h: Chơi buộc.

Thuở ấy, với trí tuệ còn non dại, chúng tôi chỉ biết đó là giờ chơi để cho cơ thể được vân động sau những giờ học còng lưng trên ghế, để tinh thần được sảng khoái do chạy nhảy la hét. Và rất nhiều năm sau...,qua những nếm trải vui buồn, vinh nhục, tôi mới thấy rõ cái ý tưởng mà những vị làm luật chủng viện đã đề ra từ cái giờ buộc chơi đó. Xin mượn chuyện của bác Định còm (Lm Jos. Nguyễn Ý Định) để “chấm phá” ý tưởng trên.

Nhân chuyến đi Sài Gòn vào tháng 4. 07 vừa qua, tôi tìm “nơi công tác” của bác. Đó là Giáo xứ Đông Hoà (Gp. Xuân Lộc), nằm trên quốc lộ 1K (đường đi từ Thủ Đức tới Biên Hoà). Chúng tôi buôn chuyện suốt 3 giờ liền.

Tôi hỏi thăm:

- Bác sống ở đây thế nào?

- Đây là xứ biên giới của Giáo phận Xuân Lộc. Bước khỏi hàng rào nhà thờ mười bước là Giáo phận Sài gòn. Thành ra ở đây không bao giờ cúp điện. Giáo dân ở đây có khoảng 2500 người.

- Vậy... chắc cũng đỡ?

- Đỡ mẹ gì! Có hôm tớ nghe được tiền trong thùng nhà thờ nói chuyện với nhau. Các đồng tiền nhỏ nói với đồng tiền lớn: “Các chị mệnh lớn, toàn được đi du lịch, đi nhà hàng. Chúng em mệnh nhỏ, chỉ có đi nhà thờ...”

- Y như kịch! Chả trách ngày xưa bác soạn kịch rất hay. Bác còn nhớ những vở mà bác đã biên soạn để diễn trong những đêm văn nghệ ở chủng viện xưa không?

- Tớ nhớ chứ! Cha Phong (ngày xưa đoàn Hướng đạo đặt cho cụ cái tên là: “Hươu nho nhã”), chính cụ đã “lôi” tớ ra và bắt tớ soạn kịch. Vở kịch đầu tiên tưởng thất bại, ai dè họ khen quá “chời”. Và kể từ đó, hễ tớ soạn kịch là anh em trong lớp lại nhao nhao xin được phân vai. Sau này nghĩ lại, tớ dám nói rằng chính anh em trong lớp đã đưa tớ tới chức linh mục, bắt đầu từ những chuyện nhỏ bé như vậy.

- Hừm! Chẳng dính gì với nhau! Bác là linh mục bây giờ với bác viết kịch ngày xưa ấy chẳng dính gì với nhau cả...

- Chính là nhờ sự công nhận của anh em trong lớp và của cả nhà trường khi tớ soạn kịch khiến tớ tin vào chính mình và từ đó nhìn thấy chung quanh,còn mọi người ai cũng đáng yêu. Còn nữa, cái vỏ tư ti, mặc cảm do những yếu đuối bất cập của mình đã được phá vỡ. Cái vỏ ấy khiến người ta không thể bước đi trên con đường mình chọn. Nó cần được phá vỡ. Đập vụn cái vỏ ấy ra để nó không còn có thể bọc kín mình lần nữa...

Đến đây bắt buộc tôi phải trầm tư một đỗi để xem cái lý thuyết kia có đúng không. Nếu đúng thì nó có bao nhiêu nghiệm. Tôi liên tưởng đến những người thành công đương thời mà tôi biết để xem họ đã phá cái vỏ của họ ra sao. Tôi lại nhớ đến một cuốn sách tựa đề “ Vị thương gia tuyệt vời nhất thế gian” (của tác giả Onan thì phải, vì sách hay nên đã bị chôm mất). Sách viết về một thương gia thời Chúa Giêsu. Ông ta được một chiếc rương trong đó có những cuộn da ghi chép bí quyết kinh doanh siêu hạng. Ông ta làm theo đó và trở nên cực kỳ giàu có. Câu chuyện có liên quan đến Chúa Giêsu thời ấy. Và những cuốn sách da đó ghi những tư tưởng hay ho giúp người đọc tự kỷ ám thị để phá bỏ cái vỏ vướng víu của mình.

Tôi lại nhớ đến cái sân banh và giờ chơi bắt buộc thời xưa ấy. Các vị thầy đã bắt chúng ta phá cái vỏ của mình khi đua tài trên sân cỏ, khi la hét khan cả cổ và chạy hụt hơi để dành quả bóng. Đến bây giờ, chẳng còn sân banh cũng chẳng có giờ để chơi buộc, mà qua bao thăng trầm cuộc sống, cái vỏ còn đó hay đã bị phá đi. Nó ngăn bước tiến của chúng ta. Bạn đồng ý với tôi về điều này chứ?...

Lạc Nhân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây