Tháng 3, trời SàiGòn nắng như đổ lửa nhưng không ngăn được bước chân của những người bạn.
Gia đình Lê Bảo Tịnh vùng SàiGòn hội ngộ đầu xuân
[06.03.2013 13:49]
Tháng 3, trời SàiGòn nắng như đổ lửa nhưng không ngăn được bước chân của những người bạn. Ban đại diện gia đình Lê Bảo Tịnh vùng SàiGòn đã quy tụ được một số anh em về họp mặt tại nhà hàng Hoàng Lan, 320 Lê Văn Sĩ, nhân dịp đầu xuân mới. Buổi hội ngộ ngoài một số anh em tại SàiGòn như Ngọc Lương, Thanh Toàn, Doãn Dư, Phan Khương, Văn Sáng, Hồng Hải, Ngọc Mai, còn có sự hiện diện của anh Hoàng Công Nga và Cao Quý Ngữ từ Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là sự có mặt của cha Trần Mạnh Tiến sau dịp nghỉ tết chuẩn bị rời VN về lại Canada.
Khoảng 11 giờ, hầu như các thành viên dần có mặt với lời chào “Chúc mừng năm mới!”. Những cái tay xiết chặt như để nói lên sự thân thiết của những người bạn. Sau một hồi hàn huyên, cha Tiến đã thánh hóa bữa ăn bằng lời nguyện xin Thiên Chúa hiệp nhất chúng con nên một trong bữa ăn này. Mọi người vừa ăn vừa nói chuyện…
Niềm vui bất ngờ ập đến khi câu chuyện thăm hỏi giữa Cao Quý Ngữ và cha Trần Mạnh Tiến xảy ra. Anh Ngữ vốn quê ở Mường Mán – Phan Thiết, khi nghe cha Tiến kể về người bà con của cha là cụ già cao tuổi vừa mừng lễ thượng thọ trên trăm tuổi, sau 3 ngày đã vội quy tiên. Ngữ nhận đó chính là người thân của mình. Câu chuyện qua lại, 2 người nhận ra nhau là họ hàng, vừa cả huyết tộc, vừa cả linh tông. Ngữ vai trên được làm anh, với danh xưng là “Anh cố”, cùng với lớp Giuse đã có Ông cố Giang Tiến Thêm, Ông cố Hoàng Mạnh Kha, nay là Anh cố Cao Quý Ngữ. Được biết thêm Cao Quý Ngữ có thời gian lấy tên là Cao Quý Ngôn; đúng ngôn ngữ thiệt là cao quý! Xin chúc mừng cha Tiến và anh Ngữ đã nhận ra bà con sau bao năm lưu lạc…
Sau đó từng người đã trải lòng ra, anh Nga chia sẻ một số vấn đề liên quan tới tình liên đới trong gia đình Lê Bảo Tịnh, mọi người phải đúc kết được những kinh nghiệm sống để luôn có một cách làm việc tế nhị và khôn ngoan, tránh gây ra những hiểu lầm đáng tiếc, ngay cả những lúc làm việc bác ái nhưng không tế nhị cũng dễ bị hiểu lầm...
Phan Đình Khương cũng trình bày thêm về dự án làm việc tông đồ được khởi xướng trước đây, Khương cũng cảm ơn sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều người. Tuy nhiên vấn đề đã đặt ra thì phải làm tới nơi tới chốn, không thể qua quýt được. Khương hứa sau khi nắm chắc vấn đề đầy đủ sẽ có báo cáo và thư cảm ơn tới mọi người…
Tiếp theo Ngọc Lương yêu cầu cha Tiến cho biết những ý định cụ thể mà cha muốn trao đổi với anh em, cha Tiến đã có những gì và muốn anh em cộng tác về phần việc gì?...
Cha Tiến trình bày, trong 18 năm qua, vào tháng 10 hàng năm, cha cùng với một nhóm người hảo tâm, chủ yếu là các y bác sĩ về Việt Nam làm việc bác ái, khám bệnh, phát thuốc, giúp người nghèo tại một số tỉnh thành. Việc này trước đây đã từng trao đổi với một số anh em Lê Bảo Tịnh tại BMT, nhưng hoàn cảnh chưa thuận lợi. Làm việc thiện nguyện đòi hỏi tinh thần hy sinh và chấp nhận phần chia sẻ của mỗi cá nhân trong việc làm của mình thì mới mang lại một giá trị đích thực. Phương thức làm việc cần có sự cộng tác của những người tại chỗ bằng cách liên lạc tìm địa điểm, liên hệ với địa phương và cha xứ giúp khâu tổ chức; phần tài chánh và thuốc men do đoàn chịu trách nhiệm… Hy vọng anh em Lê Bảo Tịnh SàiGòn sẽ cộng tác đắc lực để có thể tổ chức chương trình bác ái trên. Cha Tiến cũng thể hiện ưu tư về tình hình sinh hoạt của Gia đình Lê Bảo Tịnh. Cha cũng nhận ra đây là một tổ chức do anh em cựu chủng sinh đứng ra mà thiếu hẳn sự cộng tác của anh em Linh mục. Rất tiếc cha Lượng lại đang du học xa. Vì thế cần phải có sự hiện diện của những anh em Linh mục khác để có thể quy tụ mọi người lại với nhau dễ hơn…
Cha Tiến còn cung cấp thêm một số thông tin về cha Thế Phương, hiện đang phụ trách về ơn gọi tại GP Vancouver. Cha Phương là một Linh mục được đánh giá cao về đức độ và tài năng, tương lai có thể là Đức…Ông và biết đâu có thể là… ĐC. Gia đình Lê Bảo Tịnh có lẽ là sắp có tin vui chăng?... Riêng cha Lượng đã vượt qua được năm học đầu tiên, ngôn ngữ bây giờ không còn phải là rào cản. Cha Tiến ngày xưa tuổi mình còn trẻ mà nghe tiếng English còn như tiếng đại liên nhả đạn, ù cả tai, mãi lâu sau mới làm quen được vậy mà cha Lượng vượt qua được là điều đáng khâm phục. Bây giờ cha Lượng chắc quen rồi, sắp làm English professor! Khi nào về Việt Nam, mình xin được thọ giáo. Tạ ơn Chúa, xin Ngài đỡ nâng 2 người anh em Linh mục của gia đình chúng con.
Bùi Ngọc Mai thể hiện nỗi niềm trăn trở, thân xác này mặc dầu ở chốn phồn hoa đô hội nhưng chỉ là nơi sống tạm mà hồn trí vẫn ở lại vùng đất “buồn muôn thưở”. Một chàng “ngoại tình” có đẳng cấp, phục thì có nhưng xin miễn bái… Hắn vừa nói vừa gạt tay người bên cạnh như không muốn để ai cắt đứt dòng suy nghĩ, thể hiện một sự mãnh liệt của tâm hồn đa cảm làm cho người muốn phát biểu cũng dè dặt e ngại…
Thánh Toàn, vẫn luôn là “thánh”, do mới hội tụ lại với Gia đình Lê Bảo Tịnh nên chỉ biết lắng nghe và “suy niệm các sự ấy trong lòng”. Bên cạnh “thánh” còn có cả người em út Hồng Hà nữa.
Nguyễn Văn Sáng, con người luôn thể hiện cá tính của vùng miền, một người đã từng có ước mơ làm Giám mục để được quyền điều chuyển các Linh mục theo ý muốn. Tiếc thay mộng ước không thành và bây giờ trở thành người xây nhà cho các Linh mục.
3 giờ chiều, cha Tiến phải về vì có hẹn, anh em chia tay nhau. Mọi người xác định làm việc gì cũng đừng vì cái danh nhưng cần phải chính danh thì ngôn mới thuận. Ngày đầu tháng 3, khi mùa Xuân còn sót lại, anh em gặp nhau hẹn hò cho những chương trình sắp tới. 24 tháng 6, lễ Gioan Baotixita quan thầy anh em Lê Bảo Tịnh SàiGòn, hẹn gặp nhau tại Bà Rịa nhà anh Cao Quý Ngữ. 23 tháng 7 hẹn gặp nhau trong ngày Giỗ tổ tại BMT… Hình như Nguyễn Văn Sáng đang níu kéo anh Nga và anh Ngữ ghé qua Thanh Đa để tiếp tục được bày tỏ niềm ưu ái…
“Sáng danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.” Lời kinh kết thúc bữa tiệc “Agape” (huynh đệ) anh em cùng xướng lên, chia tay nồng đượm men tình gia đình Lê Bảo Tịnh.
Jos. Ngọc Lương