Nhân dịp Giỗ Thầy

Anh em nhà họ Lê rất tự hào được làm môn sinh của Đức cố Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực.

Nhân dịp Giỗ Thầy

Giỗ ĐC Trực

Nhân dịp Giỗ Thầy

Anh em nhà họ Lê rất tự hào được làm môn sinh của Đức cố Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực. Ngài sinh ngày 25 tháng 10 năm 1925, tại giáo xứ Bút Đông, thuộc xã Trác Bút, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Từ năm 1939 đến năm 1945, ngài học Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Nội. Từ năm 1945 đến năm 1948 giúp xứ Hoàng Nguyên, Hà Nội. Giai đoạn năm 1948 đến năm 1954 học Đại chủng viện Xuân Bích, Hà Nội.

Ngày 31 tháng 5 năm 1954, ngài được Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê truyền chức Linh mục tại Hà Nội, sau đó được cử đi phục vụ Cô nhi viện Têrêxa ở Hà Nội và Giáo phận Ban Mê Thuột. Năm 1955, là Phó xứ Thánh Tâm, Giáo phận Ban Mê Thuột. Năm 1960, quản xứ Châu Sơn, Giáo phận Ban Mê Thuột. Năm 1967, quản xứ Thánh Tâm (Chính tòa Ban Mê Thuột), kiêm Tổng Đại diện Giáo phận Ban Mê Thuột.

Năm 1972, ngài là Giám đốc Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh. Ngày 15 tháng 8 năm 1981, được tấn phong Giám mục tại Giáo phận Ban Mê Thuột do Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai chủ phong, và nhận chức Giám mục phó Giáo phận Ban Mê Thuột. Năm 1990, lên kế vị làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột.

Từ 29 tháng 12 năm 2000, nghỉ hưu tại Tòa Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột và kết thúc hành trình dương thế vào ngày 23 tháng 09 năm 2011 (nhằm ngày 26 tháng 8 năm Tân Mão).

Nhân ngày giỗ Đức Cha cố Giuse, chiều 23.9.2015, Cha Phêrô Trương Văn Khoa (lớp Giuse), hiện đang quản xứ Thánh Linh, quy tụ một số anh em Lê Bảo Tịnh miền Banmêthuột về họp mặt tưởng nhớ đến vị ân sư kính yêu.

Trong Thánh lễ cầu nguyện sáng nay, Cha Khoa nhắc đến công đức lớn lao của Đức cố Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực đối với Giáo phận, đặc biệt trong thời kỳ đất nước đổi mới, ngài đã chèo lái con thuyền Giáo phận vượt qua bao nhiêu gian nan thử thách. Ngài là một vị mục tử nhân hậu, giàu lòng thương xót, có tầm nhìn xa trông rộng. Ngài luôn quan tâm đến lãnh vực đào tạo con người và phát triển cộng đoàn. Đức Cha đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý giá, đó là đội ngũ giáo lý viên và nền tảng giáo dục nhân bản trên khắp Giáo phận.

Nhân ngày giỗ Thầy, gặp gỡ anh em, (có người ba, bốn mươi năm nay mới lại được ngồi gần nhau, đó là anh Nguyễn Văn Dũng lớp Truyền Tin). Ngày giỗ Thầy có rượu, có hoa, có bạn chợt nhớ mấy câu thơ Nguyễn Bính:

Một tối nhà Nhi có giỗ thầy,

Chị Nhi cho uống rượu cay cay,

Chừng đâu chén nhỏ làm hai đứa

Mặt đỏ lên rồi chếnh choáng say.


Hai đứa ôm nhau đánh giấc dài,

Bất đồ ngủ đến sáng ngày mai.

Chị Nhi cứ chế làm sao ấy,

Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười.

Mấy câu thơ chẳng ăn nhập gì nhưng có lẽ tại tên Dũng nhắc: “Hồi xưa mình ngồi học gần nhau, ngủ gần nhau, ăn cơm cùng bàn,…”. May mà cả hai đứa đều “đực rựa” chứ không thì…

Như truyện Tương Như và Trác Thị  

Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng *       

Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng.

Tôi với em Nhi kết vợ chồng... (Hoa và Rượu – Nguyễn Bính, 1941)

VDB

* Chuyện đời Hán, kể lại rằng: Trác Thị (tức Trác Văn Quân) đẹp người, giỏi văn, vì goá chồng về ở với cha ở đất Lâm Cùng. Tương Như (tức Tư Mã Tương Như) có lần qua chơi đã gảy khúc "Phượng Cầu Hoàng" để quyến rũ, Văn Quân cảm tiếng đàn, bỏ nhà trống, theo Tương Như về thành đô. Sau hai người lại đưa nhau về mở quán ở Lâm Cùng.

Mời xem HÌNH ẢNH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây