Thương Về Cố Hương

Banmêthuột đối với tôi ngày càng lùi dần trong dĩ vãng, nhưng sao tôi chẳng thể nào quên được miền đất đỏ năm xưa.

THƯƠNG VỀ CỐ HƯƠNG

[10.12.2006 20:35]
Bài viết của Cha giáo Giuse Trần Xuân Lãm

Banmêthuột đối với tôi ngày càng lùi dần trong dĩ vãng, nhưng sao tôi chẳng thể nào quên được miền đất đỏ năm xưa. Càng ở lâu nơi xứ lạnh, cái cảm giác nhớ nhung càng chỗi dậy với bao niềm bâng khuâng xao xuyến. Làm sao quên được những kỷ niệm buồn vui của Chủng viện Ban-mê dấu yêu, dù năm tháng đã trải màu hưng phế nhưng vết thời gian cũng chẳng dễ xóa nhòa.   

Tôi nhớ nhất những buổi sáng mù sương mang hơi lạnh của miền cao nguyên, từng cơn gió heo may rít qua tàng cây kẽ lá. Cơn gió ấy càng lùa vào phòng ngủ thì các chủng sinh càng thu mình trong chăn. Tội nghiệp nhất các chú nho nhỏ, mới bấy nhiêu tuổi đời mà đã xa cha mẹ để khép mình vào đời tu chủng viện. Tuy không ai bảo đi tu là khổ, nhưng nếu dám nói thật thì phải nói đôi lúc cực khổ quá chừng. Tôi nghĩ lại thấy thương quá các chủng sinh đã chịu nhiều cay đắng mà trong  đó, có thể tôi đã là tác giả của nhiều nỗi đắng cay. Tôi đã từng la rầy to tiếng hoặc xử gắt gao với các chú nhỏ không thức giấc bật dậy đúng giờ. Ôi chao, cái thời của mình sao mà hách dịch ghê vậy. Tôi nghĩ lại thấy ân hận vì chợt nhớ khi mình còn trẻ  thường hay nóng nảy hơn là nhẫn nại yêu thương. Thế nhưng chắc cũng chẳng còn ai chấp nhất với tôi những lối cư xử soi mòn cũ kỹ ấy. Tôi đã học được bài học yêu thương đầu đời linh mục nhờ rút kinh nghiệm dại khờ từ cái nôi chủng viện xưa.

Tuy ở xa, nhưng mỗi khi nhớ về chốn cũ, lòng tôi không khỏi bùi ngùi. Nhớ quá những chiều chơi chung với các chủng sinh, những sân cỏ một thuở thanh bình từng bị dập vùi dưới gót chân của lũ thầy trò ham chơi nghịch ngợm. Rồi cũng chính những bãi cỏ ấy đã bị bom đạn cầy lên xơ xác. Chỉ một sớm một chiều mà thầy trò đành đoạn biệt ly!  Ôi vết tích chiến tranh tàn phá đến cả cỏ cây cũng tiêu điều, nói chi những con người phải tứ tán tha phương nhưng vẫn nặng tình với bạn cũ trường xưa. Chủng viện thân yêu của tôi một thời vươn mình trong ánh bình minh rực rỡ sẽ nhắc nhở người phương xa một quá khứ huy hoàng với danh xưng “Lê Bảo Tịnh”. Nhưng Chủng viện của tôi có thể vì cảnh biệt ly phải  thu mình ủ dột dưới những cơn mưa chiều cao nguyên buồn bã. Dù vui hay buồn, trong tôi vẫn là tình yêu đầu đời với phần đất xa tắp tít nhưng rất dấu yêu kia.

Tôi đang thương về quê xưa với tình người xa xứ. Có ai ra đi biền biệt mà lòng không chút vấn vương! Dù cảnh cũ đã nhạt nhòa nhưng hồn xưa vẫn đậm nét. Chủng viện Lê Bảo Tịnh của tôi còn sống mãi đến thiên thu, vì từ cái lò ấy đã sản sinh nhiều hoa trái. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12: 24). Lời Phúc âm ấy đã củng cố đức tin yếu đuối của tôi. Vì khi xa chủng viện một lần đi không trở lại, tôi cứ ngỡ thôi thế là hết. Có ai ngờ đâu sau những năm tháng ngủ quên, các bông hạt của chủng viện vẫn âm thầm mọc lên tươi tốt. Các cựu chủng sinh Ban-mê đã tiến bước rất xa, trong nước cũng như hải ngoại. Mỗi lần nghe tin một cựu chủng sinh Lê Bảo Tịnh lên bàn thờ chịu chức để ra đi truyền giáo, hoặc lên “xe hoa” xây dựng gia đình là các tiểu Hội Thánh, lòng tôi vẫn có chút gì rung động. Dù chẳng nhớ mặt nhớ tên hết các anh em ấy, nhưng thâm tâm tôi có chút tự hào lây lan. Ít ra, mình cũng đã là dân Ban-mê, các anh em ấy một thời là học trò của mình, nay dù sống trong bậc tu trì hay giáo dân, chúng ta sẽ sát cánh với nhau trong việc tông đồ và truyền giáo. Các Đức giám mục,  các ân sư, các cha giáo và mình có chết đi, các lớp đàn em hậu duệ vẫn tiếp tục tiến bước. Xin cho tôi trân trọng cảm thông với tình anh em gắn bó bên quê nhà, dù chúng ta đã xa nhau nửa vòng trái đất. Xin cho tôi gửi lại chút tình như một lời thương mến đến tất cả các anh em cựu chủng sinh: quý cha xuất thân từ Lê Bảo Tịnh cũng như các anh em đã yên bề gia thất và quyến thuộc thê tử. Riêng các anh em còn độc thân, tôi cầu chúc anh em chọn được con đường Chúa sẽ dẫn đưa. Chúng ta tất cả mang tâm nguyện đền ơn đáp nghĩa Thiên Chúa vì Ngài đã gọi chúng ta một thời vào trong chủng viện Lê Bảo Tịnh. Tôi xin gửi chung cho anh chị em một chút quà nhỏ để nói lên tôi yêu quý anh chị em và muốn phơi  trải lòng mình như tình ruột thịt không chút e ngại. Món quà nhỏ ấy được gừi kèm với bài viết này để anh em dùng vào việc chung và dùng khi gặp gỡ trong đại hội gia đình Lê Bảo Tịnh.

Đối với các Đức cha, các cha cựu giám đốc và toàn ban giáo sư, các cha trong giáo phận, con xin kính chúc quý ngài bình an và dồi dào sức khỏe. Con cầu xin Chúa ban muôn hồng ân trên  quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ trong giáo phận nhà nhân dịp trọng đại kỷ niệm bốn mươi năm thành lập. Con cũng  muốn nói lên nơi đây lời chân thành tri ân. Với tất cả quý ông bà và anh chị em giáo dân trong giáo phận, tôi muốn đoàn kết với quý vị trong lời cầu nguyện và tình quý mến sâu đậm trong Đức Ki-tô và Mẹ Maria.

Cũng trong dịp kỷ niệm trọng đại 40 năm thành lập Giáo phận Banmêthuột, tôi cầu chúc tất cả anh chị em đại gia đình Lê Bảo Tịnh tiếp tục ra đi gieo vãi Tin mừng, để đáp đền công ơn của Thánh tổ chúng ta, và của Đức Giám mục tiên khởi, với các cha giáo đã dầy công mà nay đã ra đi trước chúng ta. Chúng ta nguyện sống xứng đáng với di sản của các Ngài, để mãi mãi là con cháu ngoan hiền của các bậc tiền bối kính yêu, nêu gương sáng giữa lòng đời dương thế.

Lm Giuse Trần Xuân Lãm 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây