Tĩnh Tâm Linh Mục GP.BMT - 12.11.2020

Thứ năm - 12/11/2020 02:13 |   840
Hành trình những ngày Tĩnh Tâm hàng giáo sĩ giáo phận Ban Mê Thuột năm nay (2020) bước sang ngày thứ tư.
Tuần Tĩnh Tâm Hàng Giáo Sĩ Giáo Phận Ban Mê Thuột
Ngày 12.11.2020


Hành trình những ngày Tĩnh Tâm hàng giáo sĩ giáo phận Ban Mê Thuột năm nay (2020) bước sang ngày thứ tư. Thánh lễ đồng tế cử hành vào lúc 5g sáng do Đức Giám mục Giáo phận chủ sự; Cha Gioan Vianey Ngô Hồng Phúc, SVD, chia sẻ sau Phúc Âm.            

Hôm nay, Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn, tiếp tục hướng dẫn thiêng liêng 2 bài cuối: “SỎI ĐÁ CŨNG CẦN CÓ NHAU” VÀ ĐỜI ĐỘC THÂN LINH MỤC.    

Bài 6: MẺ LƯỚI RỖNG VÀ MẺ LƯỚI ĐẦY

Cần một lý tưởng

1. Chúng ta để ý tới tâm trạng của 7 người môn đệ trong trình thuật Ga 21,1-11. Họ không còn thất vọng nhưng đã thấy vui mừng vì được gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh. Mỗi người đã lấy lại được niềm tin, cậy và sự thanh bình. Thế nhưng, họ vẫn còn loạng choạng chưa có được một định hướng và dự phóng nào trong tư thế như là của một Hội thánh.

2. Các môn đệ này dù đã nghe Đấng phục sinh nói: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21), tức là đã có một “sứ vụ”, nhưng như đang ở trong đám mây mù dày đặc họ chưa thấy trong thực tế con đường phải đi. Chúng ta cũng đôi khi rơi vào tâm trạng này, mong chờ “những dấu chỉ” chỉ đến điều cần phải làm cụ thể. Khi gặp phải kinh nghiệm này ta cần cầu nguyện, xin Chúa cứu gỡ ta khỏi sự nóng vội mất kiên nhẫn, ngã lòng, cám dỗ buông mình cho tính bốc đồng, hay cứ ngần ngại mãi.

Sự hiệp thông Hội thánh là điều quan trọng

3. Simon Phêrô nói: “Tôi đi đánh cá đây” (Ga 21, 3). Đó là một sáng kiến cá nhân chỉ liên hệ đến bản thân Simon, với lời nói đó ông không thi hành một quyền bính nào và không áp đặt quyền uy trên ai cả. Những người bạn kia đáp lại: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Trong khi không biết làm gì, họ chỉ theo đuôi cùng tham gia với Simon. Kết quả của lối hành động tự do độc lập này là “họ không bắt được gì cả”. Họ là những người chuyên nghề thuyền chài, ở đây xem ra họ có vẻ hành động bộc phát và tài tử nhưng không có Chúa Giêsu ở cùng, họ không có một khởi nguyên qui tụ lại trong một mối hiệp thông duy nhất.

Chiếc lưới không rách

4. “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá” (Ga 21,6). Ở đây họ có Chúa Giêsu, Người truyền lệnh và họ làm theo, kết quả là: “họ không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá”. Cả Simôn Phêrô cũng thay đổi: “ông Simôn Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ” (Ga 21, 11). Simôn bây giờ không còn chỉ là một cá nhân tự mình hành động, mà là một Phêrô thủ lãnh hành động với quyền bính và quyết định thay mọi người. Ở đâu có Chúa Giêsu, ở đó có Hội Thánh cùng với các thừa tác viên với những trách nhiệm được giao phó; và ở đâu có Hội Thánh thì ở đó có sự phong nhiêu, nghĩa là sự sống triển nở dồi dào.

5. “Lưới không bị rách” (Ga 21, 11): một sự may mắn chăng? Vì lẽ ra lưới vốn vô dụng ấy phải rách vì đầy cá như thế trong lần đánh bắt thứ hai nhọc nhằn đến kiệt sức sau một đêm.

Câu phúc âm ấy mang một ý nghĩa biểu tượng rõ ràng: cho dù sứ vụ được giao phó có lớn lao và không tương xứng với tầm vóc và sức lực nhỏ bé của mình, Hội Thánh vẫn cố gắng kiên trì đảm nhận, và sau cùng sẽ là khí cụ hữu hiệu mang ơn cứu độ cho con người.

Chúa Kitô hiện diện trong Hội Thánh

6. “Chúa đó” (Ga 21, 7) người môn đệ Chúa yêu mến đã hứng khởi thốt lên như thế lập tức chạm tới Phêrô và lan đến những người khác. Họ không chỉ nhận ra Đức Giêsu mà còn nhận ra Người như là “Đức Chúa”, nghĩa là Đấng duy nhất mà họ phải vâng phục tuyệt đối và vô điều kiện.

Chúa Giêsu đứng đó, trên bờ hồ trước mắt họ, cả trong thời gian các ông thực hiện mẻ lưới thất bại cũng như trong lúc diễn ra mẻ cá phong nhiêu. Như đã thấy, trong mẻ lưới đầu tiên các ông thực hiện theo tư cách cá nhân, dựa trên sáng kiến riêng tư; còn trong mẻ lưới thứ hai, các vị đã vâng theo lời mời gọi của Đức Kitô. Trong việc thứ nhất, các ông chỉ là một nhóm người như mọi tập thể con người; trong công việc thứ hai họ là một cộng đoàn Giáo hội.

Một điều quan trọng nữa, đó là: trong công việc thứ nhất, khi không là Giáo hội họ không nhận ra sự thật Chúa Giêsu hiện diện (“họ không nhận ra đó chính là Chúa Giêsu”, c. 4); còn trong công trình thứ hai, khi đã là Hội Thánh Chúa các ngài nhận ra Người: “Chúa đó!”.
 
Bài 7: CHỈ TÌNH YÊU THÁNH THỂ THÚC BÁCH

1. Bữa ăn sáng trên bờ biển hồ Tibêriat của Chúa Giêsu Phục sinh với các môn đệ được Tác giả Phúc âm thứ tư mô tả với ám chỉ rõ ràng đến bữa tiệc Thánh Thể (Ga 21, 9-19).

Thức ăn ở đây là bánh và cá, giống như trong đoạn nói về dấu lạ bánh hóa ra nhiều của Phúc âm Gioan chương 6 dẫn vào bài giáo lí căn bản về đề tài “Bánh hằng sống” (Ga 6, 35) và “Thịt ban cho thế gian được sống” (Ga 5, 51). Phần thứ nhất của chương 21 này gợi cho ta suy nghĩ về sự hiện diện của Chúa như là yếu tố căn bản làm nên Hội Thánh và sự thuộc về Hội Thánh là điều kiện cốt yếu để ta được phát sinh hoa quả dồi dào (phong nhiêu).

2. Trên bờ biển Chúa Giêsu đang chờ các ngư phủ trở về với bữa ăn chuẩn bị sẵn: “các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa” (Ga 21, 9). Nhưng Người muốn họ mang đến cho Người những gì họ kiếm được bằng sức của con người: “Đem ít cá mới bắt được tới đây” (Ga 21, 10); đó là cá bắt được từ sáng kiến của Người, và là ơn huệ bởi lòng nhân lành của Người.

Ta thấy ở đây có một qui luật trong mầu nhiệm Thánh Thể. Lễ vật trên đôi tay của chúng ta, làm hi lễ dâng lên Chúa, là bánh và rượu vật chất của chúng ta. Ơn ban khôn tả của Chúa có phần khởi đầu thiết yếu là từ những sản phẩm nghèo nàn của ruộng đất và lao công của con người mà chúng ta đem đặt dưới quyền năng biến đổi của Thánh Thần. Nói cách khác, hiến lễ mà chúng ta dâng lên cho Chúa Cha là “của ơn huệ Ngài ban cho chúng ta” (“de tuis donis ac datis”) do lòng nhân hậu của Ngài.

Tình yêu thống hối của Phêrô

3. Toàn thể chương 21 của Phúc âm thứ tư trình bày khuôn mặt của Simon Phêrô. Vị Tông đồ tiêu biểu cho nhiều bộ mặt. Tiêu biểu cho một con người tội lỗi được tình yêu cứu vớt; qua ngài ta nhận ra bản tính của mọi hành động mục vụ trong Hội Thánh; tầm quan trọng của đoàn sủng và phận vụ ưu việt của Phêrô trong đời sống Hội Thánh.  

Trong đoạn đối thoại giữa Chúa Giiêsu và Phêrô, với câu hỏi Người hỏi tới ba lần, có một sự ám chỉ rõ ràng và chua chát về ba lần Phêrô chối Thầy. Vị Tông đồ biết điều đó và cảm thấy đau đớn vô cùng: “Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” (Ga 21, 17).

Trong cái đêm chết chóc ấy Đức Giêsu đã ngoái nhìn Phêrô sau khi chối Thầy đã khiến ông khóc thảm thiết, trong niềm cay đắng. Hình phạt ấy chẳng bao lâu sẽ biến thành niềm vui: vui mừng vì thấy mình được tha thứ. Đó là niềm vui của kẻ tội lỗi nhận ra tội lỗi của con người không bao giờ mạnh hơn Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Niềm vui khám phá ra rằng trong người Kitô hữu không có một lỗi tội nào, dù lớn đến đâu, mà không thể được tha thứ và xóa bỏ bởi tình yêu vì Chúa Giêsu.

Sứ vụ mục tử của Phêrô

4. Phêrô được Đức Kitô đặt làm mục tử. Trong chương Mười cũng của Phúc âm thứ tư này, Đức Giêsu xác định và giải thích Người là “Mục tử nhân lành”, như thế Người tuyên bố mọi người trong Hội Thánh (từ người lớn nhất đến người nhỏ nhất) đều là con chiên của Người và phải cảm thấy mình thuộc về đàn chiên ấy. Nhưng ở đây đề tài được trình bày rộng hơn nữa về mầu nhiệm “tham dự vào sứ mạng mục tử”; nghĩa là về mầu nhiệm một con người, dù vẫn là con chiên như tất cả mọi người thuộc đàn chiên của Đức Kitô, vẫn tùng phục Người nhưng được đại diện Người, trở thành mục tử. Ở đây Đức Giêsu nói: “các chiên con của Thầy”, “các chiên của Thầy”; nhưng Người cũng nói: “hãy chăn dắt”. Đàn chiên luôn tuyệt dối thuộc về Chúa; nhưng Người gọi một số người trong “đàn” làm nhiệm vụ của mục tử.

Vai trò tối thượng của Phêrô

5. Ta thấy cho tới nay Phêrô là hình ảnh tiêu biểu cho mọi tín hữu và mục tử. Những vẫn còn một điều quan trọng nữa, đó là: chỉ một mình Phêrô được Chúa nói: “hãy chăn dắt các chiên của Thầy”. Rõ ràng tác giả Phúc âm có ý nêu ra cho cộng đoàn Hội Thánh sứ vụ đặc biệt và độc nhất của Phêrô, là một sứ vụ nổi bật và đứng trên giữa sứ mạng tông đồ nói chung của Nhóm Mười Hai. Bởi thế mà Phêrô được Chúa hỏi: “Anh có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (Ga 21, 15).

6. Như ta thấy, từ Lời Chúa chúng ta một lần nữa được thúc đẩy tái khám phá dấu lạ về Hội Thánh. Hội Thánh khởi dầu từ việc người ta đi theo Đức Kitô. Lời Chúa kêu gọi Phêrô: “hãy theo Thầy”, cũng hướng tới mỗi người, những người không khép lòng mình lại trước lời mời gọi hấp dẫn của chân lí tuyệt đối và vẻ đẹp của vĩnh cửu. Nhưng trước hết, lời ấy hướng đến chúng ta, là những người được mời gọi thực thi sứ vụ của các Tông đồ. Chính vì Chúa Giêsu vẫn còn làm cho tâm hồn ta say mê và hấp dẫn, nên Hội Thánh, dù có như thế nào, cũng luôn được bền vững và tươi trẻ mãi.

Từ trái tim Chúa Cha đổ tràn lòng Thương Xót của Ngài xuống trên chúng ta. Mỗi ngày chúng ta hãy nài xin lòng Thương Xót ấy được chúng ta đón nhận vào thực tế cuộc sống và thúc bách chúng ta dấn thân làm việc và hiến dâng (theo lôgich mầu nhiệm sâu xa của Thánh Thể mà chúng ta cử hành hằng ngày) cho thế gian được sống.

Giờ chầu Thánh Thể và tuyên hứa linh mục cử hành vào lúc 16g30 chiều do Đức Cha Giáo Phận, chủ sự. 19g30, Đức Cha Giáo phận gặp chung Quý Cha.
 
VHTT-GP.BMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây