Thằng mõ

Thứ bảy - 02/05/2020 03:21 |   1964
Thằng mõ là người có nhiệm vụ đi khắp làng gõ mõ thông báo chỉ thị của các chức sắc trong làng.
thằng mõ
thằng mõ

Thằng mõ

Thằng mõ là người có nhiệm vụ đi khắp làng gõ mõ thông báo chỉ thị của các chức sắc trong làng. Ngoài ra, thằng mõ còn có nhiệm vụ tuần phòng ban đêm và gõ mõ báo hiệu giờ giấc dưới sự hướng dẫn của tráng đinh trong làng.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử về truyền thông đại chúng ở nước ta thì thằng mõ được xem là phương tiện truyền thông sơ khai trong xã hội cổ truyền Việt Nam, “hệ thống truyền tin” này đã tồn tại đến giữa thế kỷ thứ XX và đóng góp giá trị nhất định trong việc mang tin tức đến cho dân làng. (theo Bách khoa toàn thư Wikipedia).

Mõ bị dân làng khinh rẻ, nhưng không ai căm thù như căm thù bọn trộm cướp, bọn cường hào. Khi làng có đình đám, cả gia đình Mõ được huy động ra giúp “việc làng”. Lúc chia phần, dân làng chia cho Mõ một cỗ riêng, ăn không hết thì mang về…

Thằng mõ dưới con mắt của Nam Cao là một kẻ đê tiện, lầy lội, tham ăn và vô liêm sỉ:

“Hơi thấy nhà nào lách cách mâm bát là hắn đến ngay. Hắn ngồi tít ngoài xa, ngay chỗ cổng vào. Người ta bưng cho một mình hắn một mâm. Hắn trơ tráo ngồi ăn. Ăn xong, còn thừa bao nhiêu, trộn tất cả vào, lấy lá đùm thành một đùm to bằng cái vế đùi, để đem về cho vợ, cho con. Có khi hắn còn sán đến những chỗ người ta thái thịt, dỡ xôi, lấy cắp hoặc xin thêm một đùm to nữa. Hắn bỏ cả hai đùm vào cái tay nải rất to, lần đi ăn cỗ nào hắn cũng đem theo. Thế rồi một tay xách tay nải, một tay chống ba toong, hắn ra về, mặt đỏ gay vì rượu, và trầu, đầy vẻ phè phỡn và hể hả…” (Tư Cách Mõ – Nam Cao)

Thằng mõ trong tác phẩm “Việc Làng” của Ngô Tất Tố thì giống như một “thiên tài”. Hắn có tài băm thịt không khác gì “nghệ sĩ” tài ba. Chỉ một con gà mà thằng mõ có thể chặt ra làm 28 cỗ với 83 suất để chia cho cả dân làng, không ai tranh cãi nhiều ít, tránh được chuyện đánh nhau vì tí xôi, tí thịt.

Thằng mõ không được đi học, nhưng khi thông tin phải có vần điệu. Chẳng hạn, muốn thông báo cho dân làng biết lệnh cấm thả trâu làm hại lúa, thằng mõ rao như sau:

“Lẳng lặng mà nghe
Cấm trâu ăn kẹ
Cấm nghé băng đường
Cấm ruộng cấm nương
Nhược bằng ai cố ý không nghe
Quan viên thì bắt vạ
Dân đinh thì phạt đòn…”

Trong vở kịch Thị Mầu. Thị Mầu chửa hoang bị dân làng phạt vạ. Thằng mõ đi rao:

“Chiềng làng, chiềng chạ
Thượng Hạ, Đông, Tây
Con gái phú ông
Tên là Thị Mầu
Tự tình ngoại ý
Mãn nguyệt có thai
Mời già, trẻ, gái, trai
Ra đình ăn khoán…”

Thằng mõ không chỉ phục vụ cho người có chức sắc trong làng mà cho cả người dân. Làng có việc mời dân làng đi họp cũng nhờ mõ, nhà ai có việc hiếu hỉ, đám ma, đám giỗ thì thằng mõ được huy động đi thông báo mời cả làng.

Ca dao xưa đã ghi:

“Con cò chết rũ trên cây
Cò con mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri rả rít bò ra lấy phần
Chào mào thì đánh trống quân
Chim chích cởi trần vác mõ đi rao”.

Qua bài ca dao, ta dễ dàng nhận thấy mỗi loại chim đại diện cho một tầng lớp người trong xã hội và chim chích đại diện cho kẻ thấp hèn nên phải “cởi trần vác mõ đi rao”.

Nói đến vai trò của thằng mõ, vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) có một bài thơ trào phúng, như sau:

“Mõ này cả tiếng lại dài hơi,
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi.
Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi,
Kim thanh rền rĩ khắp muôn nơi.
Trẻ già chốn chốn đều nghe lệnh,
Làng nước ai ai phải cứ lời.
Trên dưới quyền hành tay cắt đặt,
Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.”

Ngày nay, việc thông tin liên lạc trên thế giới đã trở nên quá hiện đại, quá phong phú. Vì vậy, thằng mõ thời @ được gọi bằng cái tên khá mỹ miều: Giới truyền thông.

Thời @, người ta ví von: “Giới truyền thông là cơ quan có sức mạnh lớn thứ tư sau các cơ quan lập pháp, hành pháp, và tư pháp”.

Để hình dung diện mạo giới truyền thông, người ta đưa ra một ví dụ về sự việc báo Thanh Niên đưa tin “Uống nước ép bưởi bị ung thư” không chính xác đã làm cho nhiều nông dân, doanh nghiệp phá sản, làm cho cộng đồng tiếp thu sai thông tin. Ví dụ này phần nào đã chứng minh sức mạnh và ảnh hưởng của giới truyền thông đối với xã hội.

Và vì thế, dân tình chẳng ưa gì thằng mõ thời @. Thông tin có lợi cho họ thì không sao. Nhược bằng, đụng chạm đến quyền lợi của ai đó thì bị “mần thịt” ngay.

Mõ nhà đạo cũng nằm trong định luật ấy. Một năm làm việc 365 ngày, không được nghỉ ngày nào, kể cả ngày Chúa nhật, lễ trọng, lẫn ngày tết. Thông tin phải mang tính thời sự: nóng bỏng, chính xác và phải đúng ý nhân vật chính trong sự kiện. Ví dụ: Lễ đặt đá xây dựng nhà thờ thì phải kể khó, kể khổ để dễ xin tiền. Lễ khánh thành thì nhớ nhắc đến công lao của cha xứ, không thì… hỏng bét! Chớ dại mà nêu khuyết điểm của vị nào ra bàn dân thiên hạ mà phê phán. Đấy không phải việc của mõ đâu nhé!

Cái nghề mõ lắm truân chuyên là thế mà lắm kẻ bon chen thi thố. Bởi thời nay chỉ cần chiếc điện thoại con con và một chút liều lĩnh là đã có thể trở thành mõ nổi tiếng khắp thế giới. Như bà Tân Vlog chẳng hạn. Nhờ anh con trai lập kênh Youtube, hướng dẫn bà sử dụng. Chỉ sau 20 ngày ra clip đầu tiên đã cán mốc 1 triệu người đăng ký, được nhận giải thưởng nút vàng Youtube. Tuy nhiên, sau khi nhận nút vàng Youtube bà Tân Vlog cũng nhận được không ít “gạch đá”.

Năm 2013, nhạc sĩ Ngọc Đại tự phát hành CD “Thằng Mõ 1”, chưa đầy 1 tháng ông đã bán gần hết 1000 bản. Nghe nói, sau đó “Thằng Mõ 1” bị thu hồi vì nội dung vi phạm chi đó… Nội dung chưa cần xét tới, chỉ nghe tên “Thằng Mõ” thôi là đủ cho người ta ghét rồi!!!

Trời sinh ra phận gã là thằng mõ, dẫu rằng mõ thời @, lắm lúc cảm thấy tủi cực cho số kiếp hẩm hiu. Nhưng đôi khi nằm gẫm sự đời, gã lại có chút tự hào do mình là mõ chính tông:

“Vì thiên hạ điếc đã lâu ngày
Trời mới sanh ra chiếc mõ thầy
Phép nước vang lừng ran cửa miệng
Lệnh làng thét lẹt khét trong tay
Việc quan thúc bách ba dùi đốp
Lộc thánh gia ban mấy hộc đầy
Lốc cốc tre già măng lại mọc
Đầu đình chót vót bổng tầng mây”. (Vịnh Thằng Mõ).

Đến như Nam Cao ghét thằng mõ như “chan tương, đổ mẻ” vậy mà vẫn phải công nhận thằng mõ là bậc phong lưu: “Hà Hà! Phong lưu thật! Tụi bây cứ cười khỏe đi!…” (Tư Cách Mõ - Nam Cao)

Tạ ơn Trời, cám ơn Đời vì gã là… thằng mõ.

 
Vũ Đình Bình
 Tags: Thằng mõ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây