Gia Lai du ký

Thứ tư - 15/04/2020 04:35 |   591
Chuyến đi mừng Tân linh mục ở Gialai đã để lại trong tôi một kỷ niệm sâu sắc. Mặc dầu đã nhiều người viết về sự kiện này, nhưng với một góc nhìn khác, xin gửi đến anh em như một tâm sự.
GIALAI DU KÝ
[23.06.2013 17:34]

Gia đình Lê Bảo Tịnh, một phần đời của tôi.
   
Anh chị Thêm – Hương hân hoan mừng trưởng nam Giuse Giang Tử Dương lãnh nhận chức linh mục. Là dân gốc Đông Sơn, nhưng lập nghiệp ở Chư Sê, nên anh chị ấy dự tính tổ chức hai nơi: Giáo xứ Mỹ Thạch, nơi sinh sống, và về giáo xứ Đông Sơn vinh quy bái tổ. Đương nhiên lớp Giuse được mời tham dự.

   
Có ý kiến rằng, để thuận tiện cho anh em trong lớp, xin được tham dự ở Đông Sơn.


Lời đề nghị đột ngột khiến anh Thêm phải suy nghĩ.

Ừ nhỉ! Cũng có lý đấy chứ, nhưng xin anh em cho mình suy nghĩ lại.

Ngày hôm sau, anh mong mọi người thông cảm. Mặc dầu đường xa nhưng vẫn phải mời anh em về Chư Sê – Gialai.

Ngày lễ có mặt đông đủ anh em trong lớp. Có người từ Sài gòn, kẻ thì Bà Rịa…, nhưng không ai tỏ vẻ mệt nhọc hoặc ngán ngẩm. Tất cả đều vui; anh chị Thêm vui; tân linh mục vui. Đặc biệt, trước rất đông khách mời, gia đình Lê Bảo Tịnh cùng khuấy động sân khấu, nhưng nghiêm chỉnh  trong huy hiệu của gia đình.

Tàn tiệc, anh chị Thêm – Hương tỏ vẻ bằng lòng, còn tân linh mục thì nói:

Hôm nay cháu rất vui. Vui vì những lời chúc tụng, mọi người đông đủ và nhiệt tình, nhưng vui nhất là sự hiện diện của lớp Giuse, của gia đình Lê Bảo Tịnh.

Khi quyết định như thế, mặc dầu không nói, nhưng có lẽ trong thâm sâu, anh chị Thêm muốn giới thiệu cho mọi người ở Mỹ Thạch biết rằng: Đây! Gia đình Lê Bảo Tịnh, một phần đời của tôi.
 
Dù ở đâu vẫn được trọng dụng.

Một câu chuyện vui:

Một cán bộ thôn mẫn cán rất được lòng dân làng. Ngày ông mất, cả làng tỏ vẻ thương tiếc. Sau khi chôn cất được ít lâu, có một đoàn cán bộ khác đến nhưng không phải để chia buồn. Một người dân tò mò đến hỏi bà góa phụ.

- Họ đến làm gì vậy?

- Họ đến để trao tặng ông nhà cái giấy khen. Người góa phụ nói.

- Tôi đã bảo mà, ông hiền lành giỏi giang như thế thì dù ở đâu cũng được khen thưởng!

Đó chỉ là câu chuyện vui, thế nhưng....
 
Chủng viện Lê Bảo Tịnh có lẽ là chủng viện trẻ nhất Việt Nam thời ấy, nhưng chưa trưởng thành đã vội chết yểu. Ngày 30/6/1983, chủng viện Lê Bảo Tịnh chính thức bị giải tán. Cơ sở vật chất mất hết, nhưng tinh thần Lê Bảo Tịnh vẫn âm ỉ cháy. (Xin xem thêm “Kết thúc hay khởi đầu – kỷ yếu 40 năm CV Lê Bảo Tịnh”).
 
Tạ ơn Chúa vì biến cố đó, nhờ thế mà khắp thế giới, nơi đâu cũng có dấu ấn Lê Bảo Tịnh.

Nhớ lại cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ trước, ở nước ngoài, cái tên Lê Bảo Tịnh xa lạ quá, chẳng ai biết tới. Tuy nhiên, một thời gian sau, tin vui khắp nơi đổ về vì sự trưởng thành của tên Lê Bảo Tịnh. Còn ở trong nước, các thầy LBT lần lượt được thụ phong linh mục. Đến thời điểm này, CV Lê Bảo Tịnh đã đóng góp cho Giáo hội toàn cầu 35 linh mục, chưa kể năm 2006, Đức cố Giám mục Giuse Nguyễn Tích Đức tuyên bố: “Giáo phận Banmêthuột chỉ có một nơi đào tạo ơn gọi linh mục duy nhất, kể cả các thầy sau này, đó là CV Lê Bảo Tịnh”.

Hiện nay, dù ở trời Âu hay tại quê nhà, các linh mục Lê Bảo Tịnh đang giữ những vị trí trọng yếu nơi giáo phận mình mục vụ.

Tại các giáo xứ, các môn sinh Lê Bảo Tịnh cũng đang phụ trách nhiều lãnh vực quan trọng, từ hội đồng giáo xứ, ca đoàn, đến giáo lý viên….

Vì mưu sinh, một số đông anh em LBT đến Gia lai lập nghiệp. Mặc dầu là dân nhập cư, nhưng các bạn đã nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng sở tại, đồng thời  thể hiện được linh đạo LBT, và dùng sở học cuả mình để phục vụ giáo xứ mới.

Cụ thể, anh Thêm chân ướt chân ráo về Mỹ Thạch, nhưng đã tham gia vào ban xây dựng Nhà thờ Mỹ Thạch, được bầu làm thường vụ Hội đồng Giáo xứ, trưởng ban Giáo lý, và đặc biệt dâng hiến một Linh mục tiên khởi của giáo xứ sau 57 năm thành lập.

Các anh Chính, Lưu, Huyến cũng cống hiến hết mình, và hiện đang phụ trách ca đoàn của giáo xứ.

Anh Bùi Đình Khánh lưu lạc về Pleikly – Phú Nhơn cũng phụ trách tất cả các ca đoàn trong khu vực, và hầu như dành tất cả thời gian cho công việc này. Có thể nói đây là người không thể thay thế.

Thế đấy, từ một dân nhập cư, trở thành công thần của giáo xứ.

- “Tôi đã bảo mà, dù ở đâu, ông ấy vẫn được khen thưởng”

Nhìn lại các sự kiện của CV Lê Bảo Tịnh, về nghĩa đen cũng có thể ví như là mầu nhiệm Giáo hội: LBT đau khổ, LBT chiến đấu, LBT vinh quang.
 
Những chồi xanh  hy vọng.

Hằng năm, CV Lê Bảo Tịnh nói chung và các lớp nói riêng, thậm chí các vùng miền đều có buổi họp mặt truyền thống. Nội dung các buổi họp mặt đó chủ yếu là để vui chơi. Có nhiều người đã có ý kiến nên làm một cái gì đó có ý nghĩa hơn. Thế nhưng mọi sự đang dừng lại ở đó.

Anh Khôi Canada trong kết nối 3 (?) cũng đã có ý kiến tương tự. Thậm chí anh còn nhấn mạnh: “… Chỉ còn ca đoàn Lê Bảo Tịnh đang có mục đích rõ rệt của gia đình…”.
 
Không anh Khôi ạ! Lê Bảo Tịnh không dừng lại ở đó. Tôi cũng đã từng nghĩ như anh, bởi cái chính của chúng ta còn hơn thế, đó là cổ vũ và hun đúc ơn thiên triệu để tiếp bước cha anh. Lớp Giuse đã từng lên kế hoạch có chủ đề hội thảo cho mỗi lần họp mặt, thế nhưng cũng chẳng đến đâu. Tuy nhiên, về nghĩ lại, tôi thấy như vậy là được, bởi chỉ cần gặp nhau, thăm hỏi nhau, chia vui xẻ buồn và thấy nhau còn khỏe mạnh, nghe các cha giáo tâm sự cũng đủ hâm nóng linh đạo Lê Bảo Tịnh là đã hơn không có gì. Từ đó như mưa dầm thấm sâu, cuộc sống cũng thay đổi, và quan niệm về bổn phận của một môn sinh Lê Bảo Tịnh cũng thay đổi theo.

Bằng chứng cụ thể là các con cháu LBT thế hệ 2 đang rất nhiều người theo con đường tận hiến. Kẻ đã về đến đích, người đang loay hoay trên con đường nhiều ngã rẽ.
 
Trong KẾT NỐI 2 – ĐỒNG HÀNH CÙNG GIÁO HỘI, BBT đã dành riêng mục “NHỮNG CHỒI XANH HY VỌNG” liệt kê các cháu đang theo đuổi ơn gọi, trong đó có 5 thầy và 6 soeurs, thế nhưng hình như còn thiếu rất nhiều. Sau đó, mục này không được cập nhật và bị lãng quên.

Thế rồi sự kiện thầy Giuse Giang Tử Dương thụ phong linh mục, mọi người đều vui mừng và phấn khởi, đồng thời dành nhiều thời gian để lên kế hoạch, loan tin mừng khắp nơi trên các phương tiện truyền thông. Đúng là vui thật, hãnh diện thật, thế nhưng trước đó cũng đã có một số soeurs đã khấn trọn đời, nhưng vì lý do nào đó đã không được nhắc tới như Sr Lê Thị Kim Mai con của anh Lê Xuân Nghĩa (lớp Don Bosco), Sr Lê Kim Hằng con anh Lê Đức Phượng (lớp Truyền Tin) và còn nhiều nữa. Vô hình trung, chúng ta lại rơi vào quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”.
 
Thêm một điểm cộng cho lớp Giuse.
Lớp Giuse được cha Cố Giám đốc Aug. Nguyễn Văn Tra đặt tên là “lớp gấu” với nhiều cái nhất (Xin xem “Kỷ niệm nào cho Giuse – Kỷ yếu 40 năm CV Lê Bảo Tịnh”). “… Từ những cánh chim lưu lạc, lớp Giuse lại đứng đầu về số linh mục: 10 người VÀ CHƯA HẾT. Hẳn điều đó làm các cha giáo vui lòng” (Lm Nguyễn Công Minh)

Lần đó tưởng cha Minh nói đùa cho vui. Và chưa hết! Đâu nữa nhỉ? Chắc là cha Minh muốn nói về trường hợp Nguyễn Phước Lộc (USA)…

Thế mà lại thành sự thật.

Trong số 5 thầy (Kết nối 2), đã có 2 thầy là con cháu Giuse.

Hôm chúc mừng tân linh mục Giuse Giang Tử Dương, có ai đó đã lỡ miệng giới thiệu lớp Giuse có 11 linh mục. Cha Thành trên đường về ngây thơ hỏi mình:

Hồi nãy giới thiệu lớp mình có 11 linh mục, ai nữa nhỉ?

Có tiếng trả lời:

Thì Cha Dương nữa là mười một!!!

Hết ý kiến. Mà nghĩ cũng đúng.

Dù thế nào đi nữa, thì lớp Giuse cũng xứng đáng nhận thêm một điểm cộng.
 
Xin được kết thúc bài viết với lời dí dỏm của cha Khoa trong ngày mừng cha Dương:

Tạ ơn Chúa vì đã cho xuất một thằng để có thêm một linh mục.

Ừ! Cứ xuất một thằng để có thêm một linh mục thì sẽ ra sao nhỉ?!
 
(Ghi chép nhân lễ mở tay của  tân linh mục Giuse Giang Tử Dương – Kontum)
 
Phạm Anh Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây