Một lần ghé thăm Công ty Cao Phát

Thứ ba - 14/04/2020 06:53 |   795
Những ngày cuối tháng 5, trời Bà Rịa-Vũng Tàu có cảm giác oi bức
Một lần ghé thăm Công ty Cao Phát
Một lần ghé thăm Công ty Cao Phát
[09.06.2013 11:18]

Những ngày cuối tháng 5, trời Bà Rịa-Vũng Tàu có cảm giác oi bức, mọi người chờ đợi những cơn mưa hiếm hoi để giải tỏa không khí ngột ngạt của những đợt nắng kéo dài. Đúng ra mùa mưa tới đã lâu nhưng sự khác thường của biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm ảnh hưởng và thay đổi cả một vùng khí hậu luôn tràn ngập gió biển.

Kể từ khi thành lập cộng đồng Lê Bảo Tịnh vùng Sài-gòn – Đông Nam bộ, thỉnh thoảng anh em chúng tôi lại gặp nhau… Phan Đình Khương, Nguyễn Văn Sáng và Nguyễn Doãn Du ghé vào Phú Mỹ đón tôi để cùng đi. Xe ghé vào Hải Sơn và Bà Rịa để đón thêm 2 người bạn; Hải Sơn là một địa danh nổi tiếng mà hầu như những thuyền nhân vượt biển của thập niên 80-90 đều biết tới… Trên con đường từ Bà Rịa về Ngãi Giao rợp bóng cây xanh, đường phân luồng được chăm sóc chu đáo với những thảm hoa xinh đẹp càng làm nổi bật thêm nét duyên dáng của thành phố biển.

Chúng tôi tìm đến Công ty Cao Phát, công ty chế biến hạt điều xuất khẩu của vợ chồng Cao Quý Ngữ tọa lạc tại Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngữ ra tận cổng đón chúng tôi. Anh em gặp nhau mừng rỡ, chủ nhân đích thân đưa mọi người đi giới thiệu một vòng. Đây là cơ sở Cao Phát 2, quy mô hoành tráng với những dãy nhà xưởng nối liền, những lò sấy, khu vực chế biến máy móc tự động và những khu bóc tách quy tụ khoảng 500 công nhân. Trong khuôn viên công ty, nhiều nhà xưởng đang được tiếp tục xây dựng, có cả can-tin phục vụ bữa trưa cho công nhân. Chúng tôi thăm khu vực đóng gói bao bì, dán nhãn mác hoàn tất cho việc xuất xưởng và kinh ngạc hơn là có cả một trạm cân dành cho xe tải chuyên chở hàng xuất khẩu…

Ngữ muốn chiêu đãi chúng tôi tại một nhà hàng hải sản tại Vũng Tàu nhưng anh em ngại đi xa và đề nghị chọn một điểm gần công ty. Chúng tôi ghé vào một nhà hàng được che phủ dưới những tán cây xanh. Len lỏi giữa những đám đông thực khách bên ngoài, chúng tôi chọn một căn phòng nhỏ ấm cúng, trên tường treo sẵn một cây ghita. Chúng tôi bàn nhanh một số vấn đề liên quan tới sinh hoạt chung, tới ngày lễ bổn mạng 24 tháng 06, tới ngày họp mặt tại BMT và nghe Khương trao đổi một số công việc trong các hoạt động tông đồ… Lệnh bà Cao Quý Ngữ cũng tranh thủ tới gặp chúng tôi chốc lát để còn về điều hành công việc tại cơ sở 1…

Kts Sáng có cảm giác như lâu ngày mới được dịp, ôm cây ghita gẩy lên một vài giai điệu, mọi người hưởng ứng và cùng hát chung một vài bài quen thuộc. Lâu lắm rồi, mọi người không còn tìm được một không gian thích hợp ngồi bên nhau, gạt bỏ những bộn bề của công việc, và sẻ chia với nhau những tâm sự chưa bao giờ bộc lộ… Sáng muốn nghe tôi hát và muốn kiểm chứng những lời đồn thổi về một tâm hồn nghệ sỹ không có cơ hội thành danh. Tôi lắng giọng chia sẻ về một thưở xa xưa của thời niên thiếu, khi mà mọi người phải rời bỏ những ước mơ, những mộng ước không thành, đèn sách để trở về với đời sống thôn dã. Tiếng ghita trầm buồn trong căn phòng nhỏ đưa chúng tôi trở về một thời dĩ vãng.

Tôi chỉ là một hòn đất
Nằm yên quên phận buồn
Nhưng sự đời lắm đổi thay
Hòn đất  phải vỡ tan
Thành muôn vàn hạt bụi
Bay khắp khắp nơi nơi
Hòn đất muốn nằm yên
Sự đời cứ luân phiên
Xin cho tôi trở về
Hòn đất thuở bình yên
……………………………….
Nghe quên thân phận buồn
Nghe đau thương chảy dài
Xin cho tôi trở về
Hòn đất thuở bình yên
(Hòn Đất-La Ngàn)

Được dịp, Tay Chiêu chia sẻ thêm những ngày tháng cùng cực của thập niên 80, khi mà bạn bè rời bỏ trường lớp, sách vở, với những mộng ước được lưu trữ trong tiềm thức, trở về nông thôn làm quen với những công việc đồng ruộng. Ai cũng có một thời gian khổ, tưởng chừng như tương lai đứt đoạn mà không có cơ hội gặp lại cố nhân: 

Xa vắng lâu rồi không gặp lại
Bạn bè đôi đứa đầu xanh dại
Một thời niên thiếu không còn nữa
Lửa khói tương lai dập cay xè
Nghe hoang vắng lặng hồn thương nhớ
Ngồi ru ôn lại chuỗi ngày thơ
Tiếc thương mộng ước xây ngày cũ
Day dứt niềm tin chợt thẫn thờ
Ngập ngừng lê gót chân lạc hướng
Sỏi đá chông gai ngại bước đường
Tuổi hoa niên bây giờ nhuộm kín
Bụi đỏ đường xa bao bịn rịn
Khi nào gặp lại người năm cũ
Nhắn gửi đời ta mãi mịt mù
Cuốc xới tương lai ngày hai buổi
Tuổi xanh kết lại thả dòng xuôi
Ngược nước thời gian về lại bến
Ủ  ấp tương lai suốt đời
(Nhắn gửi – La Ngàn)

Nhưng sự đời đã thay đổi, ánh sáng đã lóe lên ở cuối đường hầm. Ngày bạn bè, anh em gặp lại trong Thánh lễ truyền chức Linh mục cho 4 Tân chức đầu tiên ngày 03/12/1993 đã làm cho mọi người thoát khỏi những ám ảnh nặng nề và khởi sắc niềm hy vọng.

Hôm nay gặp lại bao người
Bạn bè năm cũ rạng ngời niềm vui
Tình xưa nhắc lại bùi ngùi
Người xưa nay đã đủ mùi trần gian
Cuộc trần nhiều nỗi gian nan
Nhiều khi đã tưởng úa tàn thời gian
Ánh bình minh chân trời ló dạng
Chính nơi đây khơi mạch nước nguồn
Khánh vàng điệu nhạc reo vang
Khoa văn trang sử cõi đời còn ghi
Dòng đời tiếp nối sử thi
Tre già măng mọc có gì khác đâu?
Khác đâu ý Chúa nhiệm mầu
Đoàn con khấn nguyện cúi đầu tạ ơn.
(Niềm vui – La Ngàn)

Niềm vui miên man kéo dài trong suốt cả buổi chiều, Cao Quý Ngữ cao hứng hát nhiều bài ca nổi tiếng của giai đoạn chúng tôi , chỉ những người ở độ tuổi quá thì này mới có thể đồng cảm và chia sẻ những giai điệu của một thời quá vãng. Ngữ kể chuyện khi tham gia các đám cưới người dân tộc K’Ho ở khu vực gần công ty, hát những làn điệu âm nhạc Radhe họ cũng cứ ngỡ ông chủ của mình là người cùng sắc tộc… Những bài nhạc của Đỗ Thất Kinh phổ thơ Nguyên Sa cũng được cất lên:

Hôm nay sao em buồn
Như chó con thấy ốm
Hôm nay sao em buồn
Như con mèo…, ngái ngủ trên tay anh
Như chim di mùa Đông
Đôi mắt ướt đá lạnh
Anh giận sao không là  tổ ấm cho em nương
Sao không là viên thuốc trong cơn đau
Sao không là giấc ấm cho em mơ
Hôm nay sao em buồn
Không thắp hương đôi mắt biếc
Hôm nay sao em buồn
Như con mèo…, ngái ngủ trên tay anh.
(Nguyên Sa – Đỗ Thất Kinh)

Phan Đình Khương thể hiện một năng khiếu đặc biệt. Với chất giọng Opera, Khương ngẫu hứng hát những đoản khúc mang tính tổng hợp của những câu chuyện mà trong bàn tiệc vừa bàn tới. Hai vị khách được mời cùng tham dự ngỡ ngàng tưởng rằng đây là một tác phẩm hoàn chỉnh của một nhạc sỹ nào đó. Đặc biệt trong các bài hát được Khương sử dụng nhiều làn điệu khác nhau và kết thúc là sự quy hướng về Thiên Chúa.

Nguyễn Văn Sáng chàng trai lãng tử vừa hát vừa kể lại những chuyện tình của thời sinh viên. Nguyễn Doãn Du không hiểu sao lại biết rõ về cuộc đời Sáng đến thế, kể cả những lần vợ Sáng giận dỗi bỏ về nhà Nội. Qua câu chuyện cho thấy nội tướng của Sáng cũng đáng mặt “Nữ nhi”, rất khôn khéo trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình và Sáng cũng đáng mặt “Anh hào” khi hạ mình quỳ gối xin nương tử tha thứ cho những lỗi lầm. Quả thật là những con người biết bảo vệ biên cương lãnh thổ!...

Chương trình văn nghệ bỏ túi quá bất ngờ đã giữ chân anh em chúng tôi lại lâu hơn, khi mặt trời tắt bóng vẫn chưa ai muốn về; kể cả 2 vị khách mời cũng chia sẻ hết những nỗi lòng và bộc lộ những tình cảm chân thành. Lần đầu tiên họ sinh hoạt với anh em LBT và đã bị cuốn hút vào chất lãng tử của những tâm hồn nghệ sỹ, những con người bất phùng thời nhưng vẫn luôn giữ được những giá trị thuần khiết và lý tưởng mà họ đã được gieo vào thời niên thiếu. Có lẽ sống giữa đất miền Nam, không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng tinh thần khoáng đạt của những người dân vùng sông nước, đầy tính vị tha, yêu đời và sẵn sàng gạt bỏ hết những riêng tư để nhập cuộc.

Chúng tôi chia tay nhau, hẹn gặp mặt trong ngày Lễ thánh quan thầy Gioan Baotixita và sau đó sẽ bàn tới cuộc hành trình về Đất tổ trong tháng 7 để viếng mộ các Đức cha, các vị Ân sư, gặp lại bạn bè và sẻ chia với nhau những tâm sự trong ngày Hội Về Nguồn.
 
Hoàng Công Nga

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây