Thầy Giáo Làng

Thứ tư - 22/04/2020 04:58 |   769
“Những gì đơn giản nhất, cô đọng nhất sẽ đeo bám người ta cho đến mãi cuối đời…”
Cha Tra  1
Cha Tra 1

THẦY GIÁO LÀNG

Lạc Nhân

“Những gì đơn giản nhất, cô đọng nhất sẽ đeo bám người ta cho đến mãi cuối đời…”

Vào những ngày đầu tháng 8 năm 70 của thế kỷ trước, chúng tôi được gọi tựu trường, vào lớp 6, Chủng viện Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột. Một tòa nhà đồ sộ nhưng xây dựng chưa xong, tọa lạc trên một mảnh đất thật rộng, đang còn vẻ hoang sơ. Mặt đất đầy cỏ dại, hoa trinh nữ cùng với cả những bụi lau lách. Xa xa là cánh rừng cao su xanh tươi nhưng chứa đầy hoang vắng. Những cậu bé trạc 11, 12 tuổi như chúng tôi, xa nhà, xa mẹ…, lạc lõng trong một khung cảnh như vậy. Phải gắng để làm quen thôi !

Ngoài nơi ở mới lạ lẫm đã đành, những bạn đồng môn khắp nơi cùng tụ về đây thì cũng chẳng có mấy người quen. Nhưng lạ nhất, đáng chú ý nhất là các cha giáo. Có 7 hay 8 vị gì đấy. Những người bây giờ thay cha mẹ dạy dỗ chúng tôi làm người, và làm linh mục.

Trong hàng ngũ “trưởng lão” ấy, có một vị tạo ấn tượng mạnh mẽ (chí ít là cho tôi), không phải vì vẻ bề ngoài bảnh bao hay khuôn mặt uyên bác, mà vì hình tượng này như lạ như quen, tôi vẫn nhớ ở đâu đó trong sách “Quốc Văn Toàn Thư” hồi ở tiểu học… Cha Augustinô Maria Nguyễn Văn Tra, cố Giám đốc Chủng viện Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột. Người tầm tầm, đứng tuổi, mặt nhỏ; dáng đi khề khà, chậm rãi. Áo chùng thâm của ngài không cài nút “một hàng dọc chính giữa” như các linh mục khác, mà chỉ vỏn vẹn có 4, 5 chiếc nút màu trắng ngà, cài từ cổ vòng xuống nách như áo the thâm của các bô lão mặc cùng bộ với khăn đóng. Ngài không đội khăn đóng, chỉ thấy “mái đầu đinh” điểm bạc. Với cái nhìn thời trẻ nhỏ, tôi nghĩ ngay đến hình ảnh của “Thầy Giáo Làng.”

Nói đến thầy giáo, ai đó sẽ nghĩ ngay đến bảng đen và bục giảng. Riêng “Thầy Giáo Làng” của chúng tôi, ngoài môn Tiếng La-tinh, ngài còn phụ trách những buổi huấn đức ban chiều. Ngài còn phụ trách cả “Phòng thuốc,” chữa những bệnh thông thường cho các chú, vì năm ấy chưa có các Soeur về giúp.

Những phòng học của các lớp ngày ấy đều giống nhau. Bước vào cửa lớp là thấy ngay bục giảng và bàn giáo viên. Trên bức tường sát đấy là chiếc bảng bằng các-tông sơn màu xanh đen, rộng gần hết bức tường. Phía trên treo Thánh giá bằng gỗ màu nâu sậm.

Khi vào lớp, “Thầy Giáo Làng” cắp theo vài quyển sách, tập vở và một cây thước kẻ gỗ. Cây thước này, theo tôi nhớ thì chưa “đét đít” trò nào cả. Nó chỉ làm nhiệm vụ chỉ trỏ trên bảng khi giảng bài và nhất là để giữ nhịp…

Bắt đầu giờ học, cha giáo cùng các chú học sinh đọc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi…,” và kết thúc giờ học bằng kinh “Sáng Danh.” Thói quen này vẫn theo một số anh em chúng tôi cho đến bây giờ. Những kinh này được thì thầm khi bắt đầu một công việc, khi ngồi vào máy tính, hay khi gặp một khó khăn nào đó... Chúng tôi đã dạy con cháu mình cũng làm như vậy.

“Người ta có thể cùng một lúc làm nhiều việc phức tạp khác nhau, miễn là những công việc ấy được biến hóa để trở thành đơn giản, hết sức đơn giản.”

Thuở ấy, mới chỉ là lớp 6, chúng tôi đã phải học đến hai ngoại ngữ : Tiếng Pháp và Tiếng La-tinh. Đến năm lớp 8 lại thêm môn Tiếng Anh. Ba ngoại ngữ cho một học sinh trung học !

Ai đã từng đi học đều biết rằng thầy cô giáo, ngoài việc truyền đạt kiến thức cho đám học trò, còn có một nhiệm vụ quan trọng hơn, đó là “truyền lửa” cho chúng. Thầy giáo yêu môn mình dạy làm cho học trò yêu môn mình học. Yêu môn học nào thì giỏi môn học đó.

“Thầy Giáo Làng,” không biết ngài yêu tiếng La-tinh bao nhiêu, nhưng cách ngài dạy đám học trò chúng tôi thì… chắc chỉ ở thời các “Thầy Đồ” ngày xưa mới có. Chiếc thước kẻ gỗ cứ nhịp nhịp xuống mặt bàn, thầy đọc trước và học trò lặp lại…

  • Cạch, nô-mi-na-tí-vụt : rô-da. (Nominativus : Rosa.)
  • … Nôô – mii – naa – tí - vuụt : rôô-daa. Đám học trò đồng thanh họa lại.
  • Cạch, vô-ca-tí-vụt : rô-da. (Vocativus : Rosa.)
  • … Vôô – caa – tí – vuụt : rôô-daa…
  • Cạch, dê-ni-tí-vụt : rô-dê (Genitivus : Rosae.)
  • … Dêê – nii – tí – vuụt : rôô – dêê…

Cứ thế, nếu có ai đi ngang qua lớp chúng tôi chắc mẩm tự hỏi rằng, không biết tí nữa chúng nó có đọc tới “Tam Tự Kinh” hay không !

Tiếng La-tinh khó là vậy mà “Thầy Giáo Làng” đã dạy cho đám nhỏ chúng tôi hiểu được. Đó là kỳ tài ! Thế mới biết, một môn học khó, nếu người thầy biết cách làm cho nó đơn giản thì học trò nào cũng lãnh hội được. Và chỉ người thầy có tính cách đơn giản mới làm cho môn học trở thành đơn giản được mà thôi. May mắn thay, tôi đã học được một số môn học với những vị thầy có tính cách như vậy.

… Người thầy ấy giờ đây đã đi xa. Tiếng La-tinh thì bây giờ chẳng ai trong chúng tôi dùng đến nó cả. Điều còn lại trong chúng tôi là cái tính cách đã hấp thu từ các vị thầy, trong đó có “Thầy Giáo Làng.” Những tính cách đơn giản !

……..

Một tâm hồn đơn giản có được từ cách nhìn đơn giản, cách nhìn của trẻ thơ.

Điều nầy không có nghĩa là nhìn một cách hời hợt, ngu ngốc. Định kiến phát xuất từ sự ngu dốt và tâm hồn hẹp hòi. Cách nhìn của trẻ thơ là nhìn bằng trái tim. Nhìn bằng cách này chắc chắn sẽ thấy nhiều điều mà mắt thường không thể thấy.

Mỗi lần nghe đoạn Kinh Thánh viết về chuyện Chúa chữa người mù từ thuở mới sinh (Ga 9, 1- 41), lần nào tôi cũng cảm thấy lạnh sau gáy ! Chúa đã trả lại cho anh mù đôi mắt từ thời trẻ thơ. Tại sao phương thuốc chữa mắt mù lại là bùn làm từ nước bọt Chúa nhổ vào đất nhỉ ?

Nhà văn Saint Éxupéry đã viết trong tác phẩm “Hoàng tử bé” câu này : “Voici mon secret. Il est très simple: on ne voit bien qu'avec le cœur. L'essentiel est invisible pour les yeux.” (Đây là bí mật của tôi. Nó rất đơn giản : người ta chỉ nhìn thấy rõ bằng trái tim. Cái cốt yếu thì vô hình với đôi mắt.)

Cuộc sống của mỗi người đang trôi dần về đích với bao nghiệt ngã trên đường về. Xin tạ ơn cuộc đời đã ban tặng chúng tôi những vị thầy đáng yêu, đáng kính. Mỗi người thầy đã tạo ra trong chúng tôi một giai điệu của bài ca cuộc sống. Tiếng thầy, tiếng nhịp của thước kẻ gỗ như còn vẳng đâu đây:

  • Cạch, đa-tí-vụt : rô-dê (Dativus : Rosae.)
  • ………………………………………….
  • Cạch, áp-bla-tí-vụt : rô-da (Ablativus : Rosa.)
  • ………………………………………….
  • Cạch, ắc-cu-da-tí-vụt : rô-dăm (Accusativus : Rosam.)
  •  

Lễ Truyền tin 2017

 Lạc Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây