BÀI 102 BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG

Thứ bảy - 19/11/2022 02:56 | Tác giả bài viết: LM ĐAN VINH – HHTM |   365
“Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6,1-4).
BÀI 102 BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG
BÀI 102
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – DẠY CON TRÁNH TẬT NÓI LEO
 
1. LỜI CHÚA Thánh Phaolo khuyên cha mẹ như sau : “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6,1-4).
2. CÂU CHUYỆN : TẬT NÓI LEO - NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH KHẮC PHỤC.
Con gái tôi năm tuổi, khá tự tin, lanh lợi. Tuy nhiên, mặt trái của sự tự tin đó là tật nói leo. Khi người lớn nói chuyện, bé thường xen vào câu chuyện mà lại nói to, khiến tôi nhiều phen bị xấu hổ với bạn bè.
Có khi bé nói chẳng ăn nhập gì với nội dung của người lớn đang trao đổi; có khi lại còn phản bác, vặn vẹo lại.
Nếu có người khen “bé dạn dĩ, lanh lợi quá” là cháu lại càng cảm thấy hưng phấn, “cướp” luôn “diễn đàn”. Nếu tôi trừng mắt tỏ vẻ không bằng lòng thì cháu có lui vào bên trong được vài phút, rồi sau đó lại trở ra tiếp tục tham gia câu chuyện. Chẳng những nói leo tại “hiện trường”, cháu còn giành điện thoại hay micro, thò đầu vào trang webcam khi tôi đang "chát" với người khác. Tại sao con tôi lại thích chen vào câu chuyện của người lớn như thế, đang khi tại nhiều nhà của người khác, tôi thấy các cháu nhỏ thường nhút nhát, lánh mặt khi người lớn ngồi nói chuyện với nhau ? Tôi phải làm gì để giúp con tôi tránh cái tật nói leo này ?
3. SUY NIỆM :
1) Nguyên nhân trẻ nói leo :
- Một bé hay nói leo có thể do vô tư, thích nói, chưa biết để ý đến cảm nhận của người khác, càng chưa biết phép lịch sự giao tiếp.
- Nguyên nhân nữa có thể do bé thích thể hiện bản thân. Có thể do bé bị cấm đoán nhiều thứ trong sinh hoạt, trong khi bản thân bé lại hiếu động, nên khi nhà có khách là cháu được dịp “sổ lồng” vì cha mẹ sẽ không la mắng.
- Cũng có bé do được cha mẹ chiều, nói leo một vài lần không bị phản ứng, thậm chí có cha mẹ còn tỏ ra tự hào vì con khôn lanh, nên quen dần và thành tật xấu.
2) Cha mẹ nên làm gì để giúp con tránh tật nói leo ? :
- Nguyên tắc đầu tiên là cha mẹ không nên trách mắng khi cháu nói leo mà nên ôn tồn dạy dỗ trong tình yêu thương.
- Hãy Khen bé nhiều hơn trong các sinh hoạt hàng ngày khi bé làm tốt; Giao việc cho bé để bé cảm thấy mình được tôn trọng… Khi có nhiều cơ hội khẳng định bản thân và được người khác ghi nhận, bé sẽ không còn hay nói leo để được khen nữa.
- Cha mẹ cần kiên nhẫn phân tích cho bé biết nói leo là bất lịch sự.
Và bản thân cha mẹ cũng cần làm gương bằng cách không chen ngang ngắt lời khi con đang nói.
- Nếu bé được chiều, nói leo thành tật xấu thì cha mẹ cần thống nhất với nhau để sửa lỗi cho bé, kiên trì nhắc nhở khi bé phạm lỗi.
4. SINH HOẠT Ngoài các nguyên tắc trên, cha mẹ nên làm gì để dạy con tránh thói xấu hay nói leo chen ngang vào câu chuyện của người lớn ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Xin cho các bậc cha mẹ chúng con biết quan tâm dạy dỗ con cái nên người tốt, cụ thể là không cho con ngồi gần khi cha mẹ và người lớn đang nói chuyện. Nhờ đó con cái chúng con sẽ ngoan ngãn hiếu thảo hơn, sẽ làm vui lòng Chúa và làm đẹp lòng mọi người chung quanh hơn.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây