BÀI 34 VĂN HOÁ ỨNG XỬ

Thứ hai - 22/08/2022 02:09 | Tác giả bài viết: LM ĐAN VINH – HHTM |   398
Thánh Phao-lô khuyên dạy : “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau (Cl 3,12-13).
BÀI 34 VĂN HOÁ ỨNG XỬ
BÀI 34
VĂN HOÁ ỨNG XỬ - MỘT SỰ NHỊN BẰNG CHÍN SỰ LÀNH
 
1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô khuyên dạy : “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau (Cl 3,12-13).
2. CÂU CHUYỆN : GƯƠNG NHẪN NHỊN CHỊU ĐỰNG THA NHÂN.



Một hôm, có một gã khùng kia nghe Đức Phật dạy rằng : “Đừng lấy oán báo oán”. hắn liền tìm đến xin gặp Đức Phật để thử xem Phật có sống được điều Ngài giảng không. Hắn bắt đầu tuôn ra đủ mọi lời mang tính phỉ báng, và gọi Ngài là tên đần độn. Trong khi hắn liên tục xổ ra đủ thứ lời lăng mạ, thì Đức Phật vẫn kiên nhẫn lắng nghe. Chờ cho đến khi hắn mỏi miệng không nói thêm lời nào nữa, Phật mới lên tiếng :
- Này con, nếu có một người nào đó không chịu nhận món quà mà kẻ khác biếu cho, thì món quà ấy sẽ đi về đâu ?
Gã khùng cay cú đáp :
- Thằng điên nào mà chả biết, dĩ nhiên là món quà ấy sẽ trở về với người cho.
Đức Phật liền nói :
- Hỡi con, con vừa tặng cho ta rất nhiều lời thóa mạ, nhưng ta chẳng nhận đâu nhé !
Gã khùng liền câm miệng không thốt ra được lời nào nữa. Đoạn Đức Phật nói tiếp :
- Kẻ nào lăng mạ một người thánh thiện, thì cũng giống như hắn ta khạc nhổ lên trời. Những thứ hắn khạc ra không làm nhơ bẩn bầu trời, trái lại sẽ rơi xuống làm nhơ bẩn mặt của chính hắn. Cũng thếkẻ nào thóa mạ một người nhân đức, thì khác nào tung bụi ngược chiều gió, bụi sẽ bay lại làm mù mắt hắn thôi.

3. SUY NIỆM :
1) Nhẫn nhịn là gì ?
Là khi sự việc xảy đến trái ý mà ta vẫn làm chủ được tinh nóng của mình. Nhẫn nhịn là lùi một bước để có thể tiến tới ba bước, vì không phải lúc nào chúng ta cũng nên tranh cãi hơn thua với kẻ khác. Đừng vội bực tức mà hãy bình tĩnh lắng nghe, quan sát sự thể và suy nghĩ trước khi quyết định nên ứng xử thế nào cho xứng hợp.
2) Lợi ích của sự nhẫn nhịn
Nhưng nhiều người lại cho rằng “nhịn” là “nhục”, là tỏ ra ngu dốt, hèn nhát và làm cớ cho kẻ xấu tiếp tục lấn lướt bắt nạt. Nhưng thực tế có phải như vậy không ? Nên nhớ câu người xưa dạy : “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng. Lùi một bước biển rộng trời cao”.
3) Tập sống đức tính nhẫn nhịn thế nào ?
Nhẫn nhịn tiêu cực : Khi gặp những vấn đề lớn nhỏ khiến bạn sắp phá vỡ ranh giới giữa sự phản kháng và sự chịu “nhịn”. Lúc này, chúng ta cần im lặng và dành một ít phút để hít thở thật sâu. Hoặc tạm thời bỏ qua và làm một việc khác để thư giãn tinh thần. Chẳng hạn : Nghe một bản nhạc, xem một video thú vị nào đó để quên đi chuyện vừa qua.
- Nhẫn nhịn tích cực : “Hãy làm giống như cách phản ứng của cây dừa : người ta ném đá vào nó mà nó lại cho qủa dừa rụng xuống cho họ uống”. Như thế nguyên việc không đáp lại sự xúc phạm của kẻ khác thì chưa đủ. Hãy làm điều tốt cho kẻ đã làm điều xấu cho ta.
4. SINH HOẠT :
Tông đồ Phê-rô dạy các tín hữu : Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1 Pr 3,8-9). Vậy bạn nên phản ứng thế nào khi nghe có người nào đó nói xấu nhằm làm mất danh dự của bạn ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Xin giúp chúng con học nơi Chúa sự nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân. Cho chúng con năng hát bài Kinh Hoà Bình để xin ơn húa biến đổi chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa bằng hành động : “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…” .- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây