Thương Lắm Ngoại Ơi!

Thứ ba - 26/07/2022 10:17 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   596
Hôm nay nhớ ông bà ngoại, thương lắm ngoại ơi! Ngoại đã cho một người con tuyệt vời là Mẹ Maria, Mẹ của chúng con, đầy nhân đức, đầy ân nghĩa của Chúa.
Thương Lắm Ngoại Ơi!

Thương Lắm Ngoại Ơi!


Ai cũng muốn nhớ về quê ngoại, ở đó có vườn cây, ao cá, sân trước vài cảnh hoa, gà vịt sân sau. Đồng quê tuy vất vả nhưng tâm hồn lại nhẹ nhàng thanh thoát, đi đâu cũng gặp người thân, chào hỏi và dễ dàng mời nhau chén trà, ly nước dừa mát lạnh. Quê ngoại của Đức Maria, ông bà Gioakim và Anna, nếu có một lần về thăm chắc cũng đượm tình bác ái yêu thương.

Quê ngoại, một miền đất khá trù phú, dù chẳng có nhiều đất, chỉ vài ba công đất, đủ lúa gạo quanh năm. Có một ít cây trái sau nhà quanh sân, trồng nho, vài cây Oliu. Nhà nào cũng có vài con dê hay cừu cung cấp sữa, vài con gà, vịt.
Ngày ông bà ngoại lấy nhau cũng môn đăng hộ đối, quan trọng vì đạo nghĩa chứ thường không quan trọng giàu nghèo. Ông bà ngày cưới đơn giản như thời xưa ấy, mâm quả, buồng cau, vài mâm cơm đãi làng xóm bạn bè.
Gia đình nào cũng mong có con, người con là một gia tài lớn lao với hồng ân Chúa ban cho. Dù thời ấy, người Do Thái quan niệm như người Việt: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Ông bà ngoại thì không quan niệm như vậy, dù trai hay gái đều là tặng phẩm tuyệt vời Chúa ban. Ông bà nuôi dạy con với trách nhiệm cao cả: “Nên người và nên thánh”. Những năm đầu đời của con, ông bà quan tâm con mình với cách nuôi dạy tuyệt vời theo truyền thống của người Do Thái. Con quanh quẩn bên cha, bên mẹ, học lễ phép, thưa gửi, kinh nguyện và thuộc được vài đoạn trong Ngũ kinh (Kinh Tora). Người Do thái có một đặc điểm hơn các dân tộc khác, họ đọc lịch sử dân tộc của mình dưới ánh sáng Lời Chúa, và lấy Chúa làm trọng tâm của lịch sử. Bởi vậy trẻ em Do Thái, rất mến yêu Lời Chúa, thuộc làu những câu truyện trong Thánh Kinh do cha mẹ kể. Người con gái học cha dạy chữ, mẹ dạy đọc và nghe chuyện kể Thánh Kinh. Con gái thì học thêm về bếp núc, chăm nom nhà cửa, cừu, dê, gà vịt. Những công việc không tên ấy, được ngoại dạy cho làm với tinh thần “Trung tín trong việc nhỏ cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16, 10).
Nhớ về quê ngoại nhiều hơn quê nội, có lẽ cũng như người Việt nam thường nói: “Cháu bà nội, tội bà ngoại”. Chúa Giêsu có lẽ cũng rất thích thời thơ bé của mình ở quê ngoại. Nếu thời thơ bé của Chúa Giêsu, ông bà ngoại còn sống, về quê ngoại, chắc cũng leo lên vai ông ngoại vừa hỏi vừa thưa vài câu Thánh Kinh. Cũng có khi nằm trong lòng bà ngoại nghe những câu truyện Abraham, Giacop, Isaac và các tiên tri, rồi ngủ khèo trên tay bà ngoại cách thích thú. Nhớ nhiều chuyện ông bà ngoại kể lại, vuông sân, chái bếp ông bà, nên Chúa hay kể về “gà con nấp cánh gà mẹ”, hay như những con cừu được chăm sóc, để nói về tình yêu thương của Thiên Chúa.
Những vần thơ, ca khúc hát về ngoại sao đầy nhớ thương, dù ngoại không còn nhưng đâu đó vẫn còn một quê ngoại: “Xa cách quê nhà thương ngoại tôi nơi ấy, Quanh năm cánh cò, gánh gồng nuôi cháu thương con. Lâu lắm không về, biết ngoại giờ ra sao? Tuổi ấu thơ ngày nào bên ngoại giờ đã xa” (Thương lắm ngoại ơi, Nghiệp Lê). Nghe khúc hát mà muốn chạy về ngay quê ngoại mà nhớ câu ví dầu: “Ơ ví dầu ví dầu ầu ơ. Ơ ví dầu ví dầu ầu ơ. Con nhớ chim kêu trên đồng lúa, con nhớ dáng ngoại đang hái rau. Canh cá dưa bầu, ngọt ngào mùi thơm ngoại nấu.” (Ngoại ơi, con về, nhạc và lời Minh Vy)
Ông bà ngoại được thương mến nhiều vì tình thương luôn đổ về phía mẹ như người Việt Nam. Khi sanh nở, con gái thường hay về ngoại để tiện đàng chăm sóc, như xưa bà ngoại đã từng nuôi nấng mẹ, kinh nghiệm chăm con, giờ đây chăm cả con, cả cháu. Bà ngoại dễ mến là vậy, đi đâu ra đường, chào hỏi các cụ bà, thường hay xưng hô: “Ngoại ơi, ngoại à!” nghe êm tai thích thú, gợi nhớ cả một thời thơ ấu ấm êm. Nói vậy chứ cũng có nhiều lúc nghe “Nội ơi” ấm cúng không kém, nhớ về nội, lòng nhớ không nguôi, khi nội đã đi xa.
Hôm nay nhớ ông bà ngoại, thương lắm ngoại ơi! Ngoại đã cho một người con tuyệt vời là Mẹ Maria, Mẹ của chúng con, đầy nhân đức, đầy ân nghĩa của Chúa. Thương lắm ngoại ơi!
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây