Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 11/10/2024 19:07 |   85
“Xưa dân Ni-ni-vê đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.” (Lc 11,29-32)

14/10/2024
Thứ hai tuần 28 THƯỜNG NIÊN

Thánh Callistô I, giáo hoàng, tử đạo

t2 t28 TN

Lc 11,29-32


để có đức tin
“Xưa dân Ni-ni-vê đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.” (Lc 11,29-32)

Suy niệm: Người Do Thái đòi dấu lạ từ Đức Giê-su, nhưng Chúa cho biết chỉ có dấu lạ Giô-na, mà dấu lạ đó báo trước chính Ngài mới dấu lạ đích thực, dấu lạ lớn “còn hơn ông Giô-na nữa”. Tiên tri Giô-na “ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm”, rồi đến rao giảng cho dân thành Ni-ni-vê, để rồi từ vua quan cho đến thứ dân đều sám hối và nhận được ơn tha thứ. Dấu lạ Giô-na báo trước “Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy” (x. Mt 12,40). Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến, làm nhiều phép lạ và rao giảng sám hối để được cứu độ nhờ tin vào Ngài. Việc Ngài phục sinh từ cõi chết là dấu lạ tối thượng. Dấu lạ có đó nhưng người Do Thái coi như không có. Chính vì thái độ cao ngạo cứng lòng mà họ không thể nhận biết Vị Thiên Chúa tự hủy mình để cứu độ con người. Cần có tâm hồn đơn sơ và khiêm tốn để nhận ra Đức Giê-su chính là vị Thiên Chúa đến trong trần gian để cứu độ trần gian.
Mời Bạn: Để có niềm tin, thánh Bô-na-ven-tu-ra khuyên: “Bạn hãy hỏi ơn thánh chứ đừng hỏi kiến thức, hãy hỏi lòng khao khát thâm sâu chứ đừng hỏi lý trí, hãy hỏi Thiên Chúa chứ đừng hỏi người phàm… [bởi vì Ngài là] ngọn lửa đốt cháy cả con người và đưa lên con người lên tới Ngài bằng ân phúc chứa chan và tình mến yêu nồng nàn”.
Sống Lời Chúa: Bạn cần có lòng sám hối trong khiêm tốn trước khi thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho con.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết bình tâm đặt mình trước nhan Chúa, lắng nghe Chúa nói trong tâm hồn và thêm lòng tin yêu Chúa. Amen.

Ngày 14: Lạy Mẹ Mân Côi! Xin cho chúng con biết cùng Mẹ chiêm ngắm các mầu nhiệm Năm Sự Mừng với lòng sốt mến, để chúng con luôn biết hướng tới một đời sống mới trong Đức Kitô, một đời sống tuyệt diệu của ngày Lễ Ngũ Tuần. Xin cho chúng con luôn biết hướng lòng về trời cao, để trong cuộc lữ hành về Thiên Quốc, chúng con luôn can đảm làm chứng cho Tin Mừng: Chúa đã phục sinh, đó là niềm hy vọng chắc chắn cho toàn thể nhân loại chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ hai tuần 28 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, lạy Chúa, nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, nào ai chịu nổi được ư? Vì lạy Thiên Chúa Israel, Chúa thường rộng lượng thứ tha.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy, Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 1, 1-7

“Nhờ Ðức Kitô, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về đức tin”.

Khởi đầu bức thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi.

Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma, được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 4, 22-24. 26-27. 31 – 5, 1

“Chúng ta không phải là con của nữ tỳ, nhưng là con của người vợ tự do”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, có lời chép rằng: Abraham có hai người con trai: một sinh bởi người nữ tỳ, và một sinh bởi người vợ tự do. Nhưng con sinh bởi nữ tỳ, thì đã sinh ra theo lối xác thịt, còn con sinh bởi người vợ tự do, đã sinh ra bởi lời hứa. Những sự ấy đã được nói cách bóng bảy, vì hai người vợ tiêu biểu cho hai giao ước: một bởi núi Sanai, sinh con cái làm nô lệ, đó là Agar. Còn Giêrusalem ở trên cao thì được tự do, đó là mẹ chúng ta, vì có lời chép rằng: “Hỡi người son sẻ, chẳng sinh con, hãy hân hoan! Hỡi người không sinh sản, hãy vui reo và hò lên! Vì con cái của người vợ bị ruồng bỏ, lại đông hơn con của gái có chồng”.

Bởi đó, anh em thân mến, chúng ta không phải là con của nữ tỳ, nhưng là con của người vợ tự do; chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 112, 1-2. 3-4. 5a và 6-7

Ðáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng đến muôn đời! (c. 2).

Xướng: Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa! Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời! 

Xướng: Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen! Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa. –

Xướng: Ai được như Thiên Chúa chúng ta, Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất? Người nâng kẻ hèn hạ lên khỏi trần ai, và rước người nghèo khó khỏi nơi phẩn thổ.

Alleluia: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 29-32

“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, để làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Bọn giàu sang đã sa cơ nghèo đói; nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

Hoặc đọc:

Khi Chúa tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng cao cả. Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô làm của ăn nuôi dưỡng chúng con; chúng con nài xin Chúa cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Người, Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm

LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ SỰ CỨNG TIN
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa Giê-su đã từng thấy đám đông dân chúng và Người chạnh lòng xót thương. Tin Mừng hôm nay mô tả cảnh Chúa Giê-su thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại liền phán: “Dòng giống này là giống gian ác” (Lc 11,30).

Tại sao Chúa Giê-su lại nặng lời đối với họ như thế? Thưa là vì họ đòi những điềm lạ. Chúa Giê-su nhắc đến điềm lạ của tiên tri Giô-na thời Cựu Ước, khi Thiên Chúa muốn dân Ni-ni-vê ăn năn sám hối để được Chúa xót thương, liền sai phái Giô-na đến kêu gọi họ hoán cả đời sống. Kết quả là cả dân thành Ni-ni-vê nghe lời Giô-na giảng và sám hối, Chúa không trừng phạt họ như đã định. Nay dân chúng thời Chúa Giê-su tội lỗi, cứng lòng tin, chính Chúa Giê-su chứ không phải phàm nhân nào khác đến rao giảng kêu gọi họ ăn năn sám hối để được sống, họ chẳng chịu sám hối ăn năn. Chúa Giê-su tuyên bố: “Đây còn hơn cả Giô-na nữa” (Lc 11,32).

Nếu Giô-na là con người được Chúa sai đến thì Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật thân hành xuống thế đến với con người. Giô-na bị Thiên Chúa bắt đi làm tiên tri, nghĩa là ông bị miễn cưỡng đến rao giảng, còn Chúa Giê-su vì yêu thương con người, đã tự nguyện đến tìm con người. Nếu Giô-na được Chúa cho vào bụng cá ba ngày không chết, thì đây Chúa Giê-su tự ý nộp mình chịu khổ hình chết ba ngày sau sống lại. Đó là dấu lạ lớn lao của ơn cứu độ. Tiếc rằng người Do thái không tin. Vì thế họ sẽ bị phán xét nặng nề. “Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa” (Lc 11,32).

Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp để con người thời nay biết sám hối ăn năn trở về với Chúa mỗi khi tội lỗi. Amen.

 

CẢNH CÁO NHỮNG KẺ CỨNG LÒNG TIN
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

1. Khi Đức Giê-su cứu chữa một người bị quỷ câm ám, thì dân chúng chia làm ba nhóm khác nhau: nhóm tin, nhóm không tin, còn nhóm thứ ba cũng không tin, nhưng đòi phải đưa ra một dấu chỉ “từ trời” để chứng minh Người là kẻ được Thiên Chúa sai đến. Đức Giê-su từ chối vì biết họ chỉ có ý khiêu khích. Người hứa cho họ xem một dấu lạ lớn lao, tuyệt hảo nơi bản thân Người khi dựa vào câu chuyện ông Giô-na  đã làm thời xuất hành để hứa  ban một dấu lạ nơi chính bản thân Người là sự tử nạn và phục sinh của Người để kêu gọi mọi người sám hối.

2. Chắc mọi người chúng ta ít nhiều đều đã trải qua kinh nghiệm gặp một con người ngoan cố, cãi bướng, không biết phục thiện, không bao giờ có lòng khiêm tốn đủ để nhìn nhận  lỗi lầm hay sự sai trái của mình. Họ sẽ tìm đủ mọi lý do để biện hộ, để tránh né vấn đề, để khỏi phải nhìn nhận sự thật. Trong số những người Do-thái nghe Chúa Giê-su rao giảng và nhìn thấy tận mắt những dấu lạ Ngài thực hiện cũng có những người ngoan cố không tin, thậm chí còn tìm cách giải thích khác đi. Họ đòi Chúa Giêsu phải làm một dấu lạ “từ trời” xuống thì họ mới tin. Nhưng Chúa không làm theo ý họ.

3. Dấu lạ hay phép lạ chỉ hỗ trợ cho lời rao giảng và góp phần nâng đỡ niềm tin. Bởi vì khi đã thấy tỏ tường thì không còn là đức tin nữa, mà là một sự chấp nhận bất  đắc dĩ không thể chối cãi. Nếu niềm tin chỉ dựa vào phép lạ sẽ rất nông cạn nhất thời và gặp khi thử thách sẽ bỏ cuộc. Chúa Giê-su và các Tông đồ chỉ làm phép lạ khi cần thiết và hợp ý Thiên Chúa, các Ngài luôn từ chối thực hiện phép lạ theo đòi hỏi của con người. Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc người biệt phái đòi Chúa Giê-su làm một dấu lạ, nhưng Chúa Giê-su đã từ chối và lên án sự cứng lòng của họ.

4. Ngày xưa, tiên tri Giô-na được Chúa sai đến thành Ni-ni-vê, loan báo thành này sắp bị phá hủy. Dân Ni-ni-vê từ vua tới dân (thậm chí cả súc vật) đã ăn chay, mặc vải thô, xức tro lên đầu và thống hối ăn năn, cuối cùng được Chúa tha thứ. Ấy thế mà, hôm nay Đấng là Thiên Chúa (cao trọng khôn vời so với Giô-na) đang kêu gọi: “Hãy ăn năn sám hối, vì Nước Thiên Chúa đã gần”. Người Do-thái đã không đón nhận và không chịu sám hối, cải thiện đời sống mà trở về với Thiên Chúa.

Đó cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta, vẫn thả mình buông theo tội lỗi và làm bao nhiêu việc sai trái trong ‘bóng tối’. Lời Chúa hôm nay mời gọi những ai đang sống trong tội, hãy mau ăn năn thống hối, bỏ đường tội lỗi, trở về với Chúa qua bí tích Hòa giải và đón nhận ơn tha thứ của Chúa, hầu cuộc đời chúng ta được đổi mới và nên thánh hiện (Hiền Lâm).

5. Trước khi đi chợ, mẹ dặn hai cậu con trai ở nhà, không được đi chơi xa kẻo kẻ trộm vào nhà. Hai đứa bé không tin vì nghĩ kẻ trộm không đến vào ban ngày. Cả hai cùng đi chơi. Thế là trộm vào nhà. Hôm nay, dân Do-thái, đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ. Trước đó, Người đã làm nhiều phép lạ khi còn ở giữa họ, sao họ còn đòi thêm một dấu lạ? Chẳng lẽ họ đã quên phép lạ Chúa đã làm cho con trai bà góa thành Nain sống lại, hay làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê rồi sao, hay vì họ muốn trốn tránh lời kêu gọi sám hối của Chúa?

Khi tiên tri Giô-na đến rao giảng và kêu gọi sám hối, dân thành Ni-ni-vê tin lời ông và ăn năn hối cải. Dân Do-thái đã thấy dấu lạ Chúa Giê-su làm, nhưng vì không chịu tin Người là Con Thiên Chúa, nên họ đóng cánh cửa lòng mình trước lời kêu gọi sám hối của Người.

6. Để tin nhận Chúa, cần phải thực hiện cuộc ăn năn hoán cải, chừa bỏ những thói hư tật xấu của mình, những ác ý của mình như dân thánh Ni-ni-vê khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giô-na ngày xưa. Vì thế mà Chúa Giê-su nói tiếp: Quả thực, ông Giô-na là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì con người đây cũng sẽ làm một dấu lạ cho thế hệ này như vậy”.

Sự ăn năn hối cải là bước đầu tiên cần thực hiện để đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Chúa, không có phương thế nào khác để thay đổi sự ngoan cố của con người, bằng chính lời mời gọi người đó khiêm tốn hối cải, thoát ra khỏi những tật xấu và thái độ tự mãn tự kiêu, thoát ra khỏi những ác ý của họ (R.Veritas).

7. Truyện: Đức Ki-tô là một mầu nhiệm.

Một người đàn ông đến với vị linh mục và muốn thắc mắc các cớ về đức tin, ông nói:

– Làm sao mà bánh, rượu biến thành Mình, Máu Chúa Kitô được?

Linh mục trả lời:

– Có gì đâu. Bản thân ông cũng biến thức ăn thành máu thịt ông đấy. Thế thì lẽ nào Chúa Ki-tô không làm được như vậy?

– Nhưng, làm sao mà Chúa Ki-tô toàn thể ở trong tấm bánh nhỏ tí được?

– Này, cả vùng trời bao la trước mặt còn nằm gọn trong mắt ông, thì Chúa Ki-tô cũng vậy đấy.

– Vậy cùng một Chúa Ki-tô làm sao có thể hiện diện đồng thời ở khắp các nhà thờ?

Lúc bấy giờ linh mục cầm chiếc gương cho ông ấy soi mình vào. Sau đó, ngài thả rơi chiếc gương xuống đất nó vỡ thành nhiều mảnh, rồi nói với kẻ hoài nghi:

– Đấy chỉ có một mình ông thôi, vậy mà ông có thể thấy gương mặt mình trên từng mảnh gương vỡ. Chúa Ki-tô cũng thế (Willi Hoffsuemmer).

Người đời thường nói: “Mặt trời vẫn có đó nhưng chỉ có những ai không dùng bàn tay che kín mắt mình lại, thì người ấy mới có thể thấy được ánh sáng huy hoàng rực rỡ của nó”.
 

DẤU QUYẾT ĐỊNH
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy!”.

“Không phải sự ăn năn cứu rỗi tôi; sự ăn năn là dấu cho thấy ‘tôi nhận ra’ những gì Thiên Chúa đã làm trong Đức Kitô. Ơn cứu độ của Chúa không dựa trên logic của con người mà dựa trên cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Con. Ngài là ‘dấu quyết định’ cho mọi tội nhân nam nữ có thể được biến đổi để trở nên những tạo vật mới!” - Oswald Chambers.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho thấy, trước sự tự phụ đầy kiêu hãnh và cứng lòng của những người đương thời, Chúa Giêsu ngao ngán. Họ đòi Ngài một dấu lạ. Ngài nói, như Giôna là dấu cho dân thành Ninivê thế nào, thì Ngài là ‘dấu quyết định’ cho họ như vậy!

“Không phải sự ăn năn cứu rỗi tôi!”. “Có nhiều Kitô hữu nghĩ rằng họ được cứu dựa trên những gì họ làm. Các việc làm là cần thiết, nhưng chúng chỉ là hậu quả, là sự đáp trả cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa đã cứu rỗi chúng ta. Những việc làm không có tình yêu thương xót thì chẳng có ý nghĩa gì. “Hội chứng Giôna” là việc làm mà không có tình yêu!” - Phanxicô.

Trong cuộc sống, không ít lần, chúng ta cũng tự tin và kiêu hãnh với những gì mình làm, kể cả sự ăn năn. Cùng lúc, như thách thức Thiên Chúa, chúng ta thách thức Ngài khi chạy tìm kiếm dấu lạ này dấu lạ kia để đưa ra những quyết định nên làm hay không nên làm điều này điều nọ. Chúa Giêsu cho biết, sẽ không có dấu lạ nào được ban thêm ngoài dấu lạ Giôna. “Dấu lạ Giôna” ám chỉ đến sự đóng đinh, cái chết, ba ngày trong mộ và sự phục sinh của Ngài. Cái chết và sự sống lại của Ngài là ‘dấu quyết định’ cho người đương thời của Ngài và cho cả chúng ta ngày nay.

Như vậy, đừng tìm kiếm điều gì khác ngoài mầu nhiệm đức tin trung tâm này! Bởi lẽ, mọi câu hỏi, mọi vấn đề, các mối quan tâm và sự bối rối… đều có thể được giải đáp và xử lý nếu chúng ta bước vào mầu nhiệm cứu chuộc vĩ đại này. Chỉ cần bước vào cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài, chúng ta tìm được câu trả lời cho mọi nan đề. Tìm kiếm một dấu lạ nào khác ngoài mầu nhiệm - ‘dấu quyết định’ này - sẽ là sai lạc vì nó nói lên rằng, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô là không đủ.

Khi tìm kiếm một số dấu lạ nổi bật, ngoạn mục từ Chúa Giêsu, chúng ta có thể bỏ lỡ những dấu lạ đang có trước mắt. Khi tìm kiếm điều phi thường, chúng ta có thể bỏ lỡ sự phong phú trong điều bình thường. Theo nhiều cách, Chúa Giêsu rất bình thường; Thánh Thể của Ngài trong các nhà chầu cũng ‘khá bình thường’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy!”. Hôm nay, nếu bạn thấy mình đang đấu tranh với những câu hỏi trong cuộc sống, hãy hướng mắt về Chúa Kitô! Hướng mắt về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, trung tâm của đức tin chúng ta. Chính tại đó, mọi câu hỏi đều có thể được giải đáp và mọi ân sủng đều được ban tặng. Chúng ta không cần gì hơn thế. Trong nhà chầu Thánh Thể rất đỗi âm thầm và ‘bình thường’, Ngài đang chờ đợi chúng ta!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cất khỏi con mọi tự phụ. Đừng để con thách thức Chúa, nhưng dám làm những gì Chúa thách thức, hầu con sớm trở nên một tạo vật mới!”, Amen.

 


AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Hai tuần 28 Thường niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây