Tháng Mân Côi, đọc lại Thánh mẫu học của Đức Hồng Y Ratzinger

Thứ sáu - 22/10/2021 10:50 |   630
"Để hỗ trợ tôi trong lời hứa này, tôi cầu xin sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria Chí Thánh, Đấng mà tôi đặt hiện tại và tương lai của con người tôi và Giáo hội".
Tháng Mân Côi, đọc lại Thánh mẫu học của Đức Hồng Y Ratzinger

Tháng Mân Côi, đọc lại Thánh mẫu học của Đức Hồng Y Ratzinger/Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI

Vũ Văn An



Ngày đầu tiên sau khi đắc cử, Đức Bênêđíctô XVI đã ngỏ lời với các Hồng Y bằng một thông điệp về sự hiệp nhất và lòng trung thành. Ngài cam kết sẽ "làm việc không tiếc sức lực để tái lập sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của tất cả những người theo Chúa Kitô". Nhìn lên Chúa Kitô, Đức Bênêđíctô XVI nhắc lại "lời hứa vô điều kiện về lòng trung thành. Tôi có ý định phục vụ một mình Người, hiến thân hoàn toàn cho việc phục vụ Giáo hội của Người", Và sau đó ngài nói thêm: "Để hỗ trợ tôi trong lời hứa này, tôi cầu xin sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria Chí Thánh, Đấng mà tôi đặt hiện tại và tương lai của con người tôi và Giáo hội".

Phó thác cho Đức Maria

Josef Ratzinger không coi nhẹ những điều mình nói ra. Chúng ta có thể yên tâm, phương thức hành động của vị tân Giáo hoàng sẽ không thiếu điều người Đức gọi là Gründlichkeit hay sự thấu đáo. Nói cách khác, điều ngài nói về Đức Mẹ là suy tư chín chắn của ngài. Mặc dù một tuyên bố hoa mỹ về Đức Mẹ thường vừa có tính qui ước vừa có tính xác tín, nhưng câu cuối cùng trong thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng ngỏ với các Hồng Y đầy chất chân thực và hơn thế nữa đầy một niềm thiết tha nhiệt tình. Lời lẽ của ngài về Đức Maria – hết sức cô đọng - là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô vào đặc tính Thánh Mẫu của Giáo hội. Con người Phêrô tự đặt mình, hiện tại và tương lai mình, trong tay Đức Maria Rất Thánh. Ngài cũng đã làm cùng một điều ấy nhân danh toàn thể Giáo hội. Cử chỉ đặt ngôi vị Giáo hoàng và Giáo hội trong tay Đức Maria này có ý nghĩa của một hành động phó thác, một cử chỉ khôn ngoan và đồng thời là một cử chỉ trẻ thơ nói lên cả nhu cầu lẫn tín thác. Đức Giáo Hoàng nhìn nhận "tình mẫu tử bảo bọc tất cả" của Đức Maria, một kiểu nói thân thương của người bạn đáng kính của ngài là Hans Urs von Balthasar. Ngài nêu bật vai trò tôn quí của lời cầu bầu từ mẫu của Đức Maria, và do đó chỉ ra mối liên hệ chính đáng, cao qúi và hoàn toàn lệ thuộc của Mẹ vào Chúa Kitô. Nói về sự phó thác: Đức Hồng Y Ratzinger, trong bài giảng lễ tang của ngài, đã giao phó “linh hồn thân yêu” của Đức Gioan Phaolô II cho Mẹ Thiên Chúa để Mẹ có thể hướng dẫn ngài đến vinh quang vĩnh cửu của Con Mẹ.

Một phong cách khác

Đức Maria có ý nghĩa gì đối với Đức Bênêđictô XVI? Có phải Đức Mẹ chỉ là một trong nhiều nhân vật trên bàn cờ thần học có giá trị để người ta nhanh chóng nắm lấy mà bênh vực danh tính của Chúa Kitô? Hay vị trí và tầm quan trọng của Đức Mẹ chỉ là vấn đề ngẫu nhiên đối với ngài? Đức Bênêđíctô XVI không phải là Đức Gioan Phaolô II. Ngài chưa bao giờ cho mình là môn đệ dấn thân của Thánh Grignion de Montfort. Ngài không bao giờ nổi tiếng dạt dào lòng sùng kính Đức Mẹ kiểu Ba Lan hay Mỹ La Tinh. Trầm tĩnh và kỷ luật, hầu như không cởi mở chan hòa, ngài giữ cho các rung động của trái tim mình ở lại các tầng sâu siêu hình trong tâm hồn Đức của ngài. Đức Bênêđíctô XVI có phải là vị Giáo hoàng của Đức Maria không? Về vấn đề này, ai cũng biết: ngài vốn không muốn bắt chước phong cách của Đức Gioan-Phaolô II, một phong cách dấn thân và mời gọi dấn thân, giàu cảm xúc, và thậm chí táo bạo. Đức Bênêđíctô XVI là một người chơi phong cầm và là người yêu thích âm nhạc Mozart. Giống thiên tài âm nhạc thành Salzburg, người thành Regensburg chuộng sắc thái và nhịp điệu, một thần học gia điêu luyện sử dụng các biến thể một cách đầy nghệ thuật và cân đối vốn gắn liền với khúc ca cố định (cantus firmus) (*) gồm các yếu tố thiết yếu nhất của mạc khải. Ngoài ra, thái độ của Đức Bênêđíctô XVI đối với Đức Maria phù hợp với bối cảnh thần học của Đức. Theo chính lời ngài: "Về phương diện bản thân, ngay từ đầu thái độ của tôi đã được xác định bởi khía cạnh qui Kitô mạnh mẽ của phong trào phụng vụ, và thái độ này càng được củng cố hơn nữa trong cuộc đối thoại với các bạn bè Thệ phản của chúng ta" (Seewald, 296). Ở đây, chúng ta có khúc hát cố định bắt nguồn từ Kinh thánh, phụng vụ và tín điều. Các biến thể là các việc sùng kính tháng Năm, kinh Mân Côi tháng Mười, và các địa điểm hành hương. Và có thể có một biến thể nữa do tuổi tác: "... Tôi càng lớn tuổi, thì Mẹ Thiên Chúa càng quan trọng đối với tôi và gần gũi với tôi." (đd.)

Trường học của Đức Maria

Các chữ “gần gũi” và “sự gần gũi” xem ra có một sức lôi cuốn đặc biệt đối với Đức Giáo Hoàng. Khi được hỏi, đối với bản thân ngài, Đức Maria có ý nghĩa gì, phản ứng đầu tiên của ngài là: "Một biểu thức của sự gần gũi Thiên Chúa". Chữ “gần gũi” có hai ý nghĩa: Đức Maria ban cho Đức Bênêđictô XVI sự gần gũi của một người mẹ, nhưng điều còn quan trọng hơn, Đức Mẹ chính là biểu thức của sự gần gũi Thiên Chúa. Đức Maria, gần gũi Thiên Chúa và gần gũi chúng ta, chúng ta có thể rút ra một kết luận hợp luận lý, một kết luận quả được chính Đức Giáo Hoàng phát biểu vào đầu tháng Năm này: Người mời gọi các tín hữu “chiêm ngưỡng Đức Kitô bằng đôi mắt của Đức Maria”. Khi làm như vậy, ngài đã tiếp nối gương sáng của Đức Gioan Phaolô II: "Bằng những lời nói của ngài và hơn thế nữa bằng gương sáng của ngài, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dạy chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Kitô bằng con mắt của Mẹ Maria, đặc biệt quý trọng lời kinh Mân Côi" (Zenit, ngày 2 tháng 5) Theo cách riêng của mình, Đức Bênêđíctô XVI cũng coi trọng lời cầu nguyện bằng chuỗi mân côi. Đối với một "tinh thần bồn chồn" như của ngài, kinh mân côi "giúp linh hồn lắng đọng trong yên tĩnh... (làm nó) thanh thản và thư thái và ban cho nó một viễn kiến về Thiên Chúa” (Seewald, 319). Đức Giáo Hoàng liên kết kinh mân côi với sự an ủi và chữa lành, một nơi trú ẩn nội tâm, và niềm tin chắc “được bảo bọc trong nhịp điệu cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội” (Seewald, 320). Đọc ba chuỗi mân côi mỗi ngày, thậm chí một chuỗi, cũng quá nhiều đối với ngài: "Tôi bị chia trí quá nhiều". Phù hợp với ngài là hai hoặc ba mầu nhiệm "trong khoảng thời gian nhất định giữa hai sự kiện khi tôi muốn rời xa công việc và tìm thư thả đôi chút, khi tôi muốn được yên tĩnh và giải tỏa đầu óc mình". Ngài khiêm tốn nhìn nhận rằng "tuổi càng cao, bạn càng ít có khả năng thực hiện các nỗ lực tinh thần lớn lao" (Seewald, 320). Ngài cũng khiêm tốn thừa nhận: “Tôi làm điều đó khá đơn giản, giống như cha mẹ tôi đã từng cầu nguyện.” (319) Nhưng ngài rất ý thức ý nghĩa thần học sâu xa hơn của chuỗi Mân Côi. Nó đưa người ta “ra khỏi họ" để cảm nghiệm sự gần gũi đầy nữ tính và tình mẫu tử của Đức Maria, và làm cho linh hồn trở nên "một với các lời kinh", những lời truyền tải sự gần gũi với Chúa. Ngay từ những ngày đầu tiên trong triều giáo hoàng của ngài, Đức Giáo Hoàng đã thúc giục rất nhiều du khách đa dạng của ngài "bước vào Trường học của Mẹ Maria để học cách yêu mến và bước theo Chúa Kitô hơn hết mọi sự" (Yết kiến chung, ngày 4 tháng 5). Trường học của Mẹ Maria là một trong những "điều tốt lành nữ tính và mẫu tử", và là xa lộ để đi vào các mầu nhiệm sâu sắc nhất của Chúa Kitô (Nói với những người hành hương Đức vào ngày đăng quang của ngài).

Một Thánh Mẫu Học đàm luận?

Đọc qua thư mục đáng kể của Đức Hồng Y Ratzinger, người đọc phát hiện ra một số lượng khá khiêm tốn các đầu sách về Đức Mẹ, hầu hết là các bài báo và bài giảng và chỉ có một chuyên khảo duy nhất, đó là cuốn Thiếu Nữ Sion (Daughter of Zion) (1977, tiếng Anh, 1983). Đức Hồng Y Ratzinger không tự phát, càng ít tự buộc mình cầm bút lên để viết về Đức Maria. Chính Đức Hồng Y Hans Urs von Balthasar đã phải "kiên nhẫn giành giựt" bản thảo cuốn Thiếu Nữ Sion từ tay ngài, cũng chính Đức Hồng Y Balthasar này đã chỉ trích sự thiếu rõ ràng của Đức Hồng Y Ratzinger trong việc diễn tả tư cách con thần linh của Chúa Giêsu, và được Đức Hồng Y Ratzinger thừa nhận: "Vâng, tôi nhận là mình đã không làm điểm đó đủ rõ ràng" (Thiếu Nữ Sion, tr. 51, chú thích 11) Hầu hết những gì Đức Hồng Y Ratzinger viết về Đức Maria là những trước tác được ủy nhiệm hoặc do hoàn cảnh đưa đẩy. Vị Giáo hoàng tương lai có vẻ thoải mái hơn đối với việc nói chuyện về Đức Maria, khi được hỏi trong các cuộc đàm đạo với các nhà báo, chẳng hạn như với V. Messori (Tường trình Ratzinger, Ignatius 1985) và P. Seewald (Thiên Chúa và Thế giới, Ignatius, 2000). Năm 1985, Đức Hồng Y Ratzinger thấy nơi Đức Maria một phương thuốc và một khoa sư phạm: "hơn bao giờ hết, Đức Maria phải là một khoa sư phạm, để loan báo Tin Mừng cho con người thời nay" (Messori, 106). Ngài thúc giục phải trở về với Đức Maria để khám phá lại sự thật về Chúa Giêsu Kitô, sự thật về Giáo hội, và sự thật về con người: "Nếu vị thế Đức Maria là điều thiết yếu đối với sự thăng bằng của Đức tin, thì ngày nay, cũng như trong một ít thời đại khác trong lịch sử Giáo hội, điều khẩn thiết là khám phá lại vị thế đó" (Messori, 105). Trong cuộc phỏng vấn của Messori, chính ngài thú thực, khi còn là một nhà thần học trẻ tuổi, ngài đã có "một số dè dặt đối với một số công thức cổ kính về Đức Mẹ, chẳng hạn như công thức "De Maria nunquam satis" (nói về Đức Maria không bao giờ đủ) và "Đấng chinh phục mọi dị giáo". Ngài coi đó là các điều cường điệu.

Messori cũng cho hay năm 1968, lúc còn là một giáo sư thần học, linh mục Ratzinger nhận định như sau về tín điều Đức Mẹ được triệu về trời cả hồn lẫn xác: “Xu hướng nền tảng đang hướng dẫn đời sống ta trong ít năm gần đây đã thay đổi đến nỗi ngày nay ta thấy khó mà hiểu được sự phấn khởi và niềm vui từng nổi bật lúc đó ở nhiều nơi trong Giáo Hội Công Giáo... Kể từ đó, nhiều điều đã thay đổi, và ngày nay, tín điều đó, tín điều mà vào lúc đó đã nâng cao tinh thần của ta đến chừng nào nay đã buột khỏi ta. Ta tự hỏi liệu có phải vì nó ta đang đặt ra nhữg cản trở không cần thiết cho con đường hợp nhất lại với các đồng Kitô hữu tin lành của chúng ta, liệu có phải dễ dàng hơn không nếu hòn đá này không nằm giữa đường, hòn đá mà chính chúng ta đã đặt ở đó trong một quá khứ hết sức gần đây. Ta cũng tự hỏi liệu có phải với một tín điều như thế chúng ta đang đe dọa xu hướng sùng kính Kitô giáo hay không. Nó có bị điều hướng sai, thay vì qui hướng về Chúa Cha và về đấng trung gian duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, Đấng như người phàm là anh em của chúng ta và đồng thời là một với Thiên Chúa đến nỗi chính Người cũng là Thiên Chúa hay không?

Nhưng đến năm 1985, nghĩa là thời điểm của Ratzinger Report, không còn như thế nữa. Như trên đã nói, Ngài ngỏ với Messori, “Nếu vị thế Đức Maria là điều thiết yếu đối với sự thăng bằng của Đức tin, thì ngày nay, cũng như trong một ít thời đại khác trong lịch sử Giáo hội, điều khẩn thiết là khám phá lại vị thế đó”.

Messori cho rằng, có thể coi con đường Thánh Mẫu Học của Đức Hồng Y Ratzinger như là “con đường đích thân tái khám phá, thâm hậu hóa tiệm tiến, gần như theo nghĩa một cuộc ‘hoán cải’ trọn vẹn đối với mầu nhiệm Đức Maria”.



Sáu dấu mốc

Làm thế nào Đức Hồng Y thấy được nơi Đức Mẹ một sự bảo đảm cho “trạng thái thăng bằng của đức tin”? Ngài liệt kê sáu điểm, "sáu lý do để đừng quên". Điều đáng lưu ý nhất là những lý do này chủ yếu không phải là những đặc tính hay đặc ân của chính Đức Maria, mà là những dấu mốc thần học cho thấy Đức Maria và Thánh Mẫu Học có nghĩa gì đối với đức tin của chúng ta. Sáu lời nhắc nhở này có thể không gây ngạc nhiên chi:

1. Trong tín điều và truyền thống về Đức Mẹ, chúng ta có một nền tảng vững chắc cho Kitô học chân chính.

2. Thánh Mẫu Học diễn tả mối liên hệ và sự hợp nhất đúng đắn giữa Thánh kinh và Thánh truyền.

3. Đức Maria, vừa là người con gái Do Thái vừa là mẹ của Đấng Mêxia, "liên kết với nhau, một cách sống động và không thể hủy tiêu, Dân cũ và Dân mới của Thiên Chúa, Israel và Kitô giáo, hội đường và Giáo Hội" (Messori, 107).

4. Lòng sùng kính Đức Mẹ đúng đắn tạo nên sự cân bằng không thể thiếu giữa trái tim và khối óc, bảo đảm đức tin trong mọi chiều kích của nó.

5. Đức Maria là hình bóng và nguyên mẫu của Giáo hội, khuôn mặt nhân bản của Giáo hội. Trong ngài, "Giáo hội một lần nữa tìm được khuôn mặt của mình như một người mẹ". Đức Maria là liều thuốc giải độc chống lại một đức tin bị coi là trừu tượng, và một Giáo hội bị coi chỉ là một tổ chức, một đảng phái và một nhóm áp lực.

6. Cuối cùng, Đức Maria phóng chiếu một “ánh sáng mà Đấng Tạo Hóa đã dành cho phụ nữ ở mọi thời đại…: qua đức đồng trinh và tứ cách làm mẹ của ngài, mầu nhiệm người phụ nữ nhận được một số phận rất cao cả mà nàng sẽ không thể bị tách rời” (Messori, 108).

Trích dẫn Lumen Gentium (# 65), trong đó nói rằng Đức Maria "hợp nhất trong con người của ngài và làm vọng lại các mầu nhiệm quan trọng nhất của đức tin", Đức Hồng Y Ratzinger không ngần ngại nhắc nhở độc giả của mình rằng Thánh Mẫu Học chân chính là người bảo vệ đích thực các chân lý mạc khải: sự thật về Chúa Kitô, mối liên hệ giữa Thánh kinh và Thánh truyền, Cựu ước và Tân ước, trái tim và lý trí trong đức tin, Giáo hội Thánh mẫu và Giáo Hội Phêrô, và bản chất của nữ tính.

Đức Maria, "Hoàn toàn là một Kitô hữu"

Mười lăm năm sau, vào năm 2000, các suy tư của Đức Hồng Y Ratzinger về Đức Mẹ dường như thoải mái và có tính suy tư hơn, thậm chí mang tính cách suy niệm. Được hỏi về Đức Maria trong Kinh thánh và tín điều, về lòng sùng kính và những lần hiện ra của Đức Mẹ, ngài đã khai triển một bức chân dung về Đức Maria được tô điểm bằng nhiều hiểu biết sâu sắc đáng lưu ý và những phát biểu độc đáo. Theo ngài, Người phụ nữ này "kết hợp khá độc đáo với Thiên Chúa", nhưng ngài không hề sợ hãi. Câu chuyện của ngài cho thấy chúng ta không cần phải sợ hãi Thiên Chúa. Thiên Chúa, trong sự vĩ đại của Người, tự làm cho Người trở nên nhỏ bé, Người cứu vớt nhưng không làm ta sợ hãi. Người mang lại sự sống. Là mẹ của Đấng là sự sống và ban sự sống, Đức Maria là mẹ "của sự sống và của những người đang sống", là người hoàn thành điều Thiên Chúa dự tính cho Evà. Đức Hồng Y Ratzinger thấy nơi Đức Maria "hình ảnh nguyên thủy của người phụ nữ". Ngài là "hình tượng tinh tuyền của nhân loại và Giáo hội", và điều này bất chấp việc có rất ít thông tin nói về ngài trong Kinh thánh. Đức Hồng Y nhận xét, "Tôi muốn nói ở đây rằng người ta kín đáo bao lâu ngài còn sống. Và rõ ràng chính ngài cũng rất kín đáo" (Seewald, 297). Trong Tin mừng Luca, Đức Mẹ xuất hiện như một người mẹ không những trong thân xác mà cả trong tâm trí và trái tim, mẹ của những ai biết nghe, tin và tuân giữ Lời Chúa. Trong Tin mừng Gioan, tại Cana và tại Canvê, vai trò làm mẹ của ngài "đã được biểu lộ rõ ràng hơn". Tại Cana, ngài là "nguyên mẫu của Giáo hội cầu bầu". Tại thập giá, "gia đình mới" của Chúa Giêsu đã khởi đầu, trong đó Đức Maria giữ một vị trí mới và thiết yếu. Tên người phụ nữ là một "hình ảnh thần học", cho thấy Đức Maria "đóng một vai trò nào đó vượt quá vai trò của một cá nhân: Ngài xuất hiện như " loại hình Evà Mới".

Là "Evà Mới", Đức Maria là mẹ của Người (Chúa Giêsu) “và sau đó, không thể thuộc về bất cứ ai khác". Ngài là "cánh cửa thực sự cho việc đi vào lịch sử" của Đấng Mêxia. "Ngài mãi ở vị trí dành riêng như cánh cổng vốn chỉ thuộc về nhà vua" (Seewald, 303). Điều này có nghĩa là, đối với Đức Hồng Y Ratzinger, khái niệm anh chị em chỉ có thể được hiểu trong "khuôn khổ tư duy gia tộc." Việc ngài được dành riêng cho Chúa Kitô - Vô Nhiễm Nguyên Tội từ lúc Tượng Thai "là nét đặc trưng của cuộc đời ngài... Ngay từ khởi đầu, ngài đã đứng, một cách đặc biệt, trước nhan Thiên Chúa, Đấng đã đoái hoài đến ngài (Kinh Ngượi Khen) và để mình được Chúa đoái nhìn" (Seewald, 304). Vô Nhiễm Nguyên Tội từ lúc Tượng thai mang theo nó "tình trạng hoàn toàn của ân sủng", một tình trạng cùng với việc Mông Triệu được biến đổi thành một cộng đồng trọn vẹn với Đức Kitô. Bất chấp các khó khăn của tín điều này, như thiên đàng nghĩa là gì, thân xác hiển vinh nghĩa là gì? "Điểm chủ yếu của tín điều này là Đức Maria hoàn toàn ở với Thiên Chúa, hoàn toàn ở với Chúa Kitô, hoàn toàn là một 'Kitô hữu'" (trong một căn tính thể xác khác, mà chúng ta không thể tưởng tượng được)"(Seewald, 305).

“Luôn luôn là Mẹ"

Đức Maria có thể thuộc về một mình Đức Vua, ngài được dành riêng cho Chúa Kitô, nhưng ngài không tách biệt khỏi chúng ta trong một sự cô lập lộng lẫy. Đức Maria chăm sóc cõi lòng của con người nam nữ, và do đó tạo ra những lời cầu nguyện và một lòng mộ đạo bình dân "không bao giờ đánh mất sự tươi mát và gần gũi của chúng". Đức Hồng Y còn đi một bước xa hơn: "Thánh Mẫu Học phát biểu những cảm xúc sâu sắc nhất của Kitô giáo. Ở đây người ta có thể trải nghiệm trực tiếp Kitô giáo như một tôn giáo của sự tín thác, chắc chắn" (Seewald, 299). Qua người mẹ, họ tìm thấy Thiên Chúa. Tôn giáo không còn là gánh nặng mà là sự trợ giúp trong việc đương đầu với cuộc sống. Đức Maria, một cách đặc biệt, là chìa khóa của hoạt động truyền giáo. Đức Hồng Y nói: “Có một điều chúng ta không được quên, người mẹ luôn vươn tay ra với những người đi truyền giáo và làm cho Chúa Kitô đến với họ” (Seewald, 300). Ngài đặc biệt nghĩ đến tình hình châu Mỹ Latinh: "Lúc đầu, ở Mexico, tuyệt đối không thể làm được gì cho công việc truyền giáo - cho đến lúc diễn ra hiện tượng Guadalupe, và rồi Người Con đột ngột trở nên gần gũi nhờ mẹ của Người" (Seewald, 300). Ngài cũng hoan nghênh "các cố gắng rụt rè" của những người Thệ Phản trong việc nắm bắt lại hình tượng Đức Maria, vì người phụ nữ đứng ở trung tâm Kitô giáo. "Qua Đức Maria, và các phụ nữ thánh thiện khác, yếu tố nữ nằm ở trung tâm Kitô giáo. Nghĩ về Chúa Kitô và Đức Maria như đang cạnh tranh với nhau có nghĩa là bỏ qua sự phân biệt chủ yếu giữa hai nhân vật này... Đó không phải là sự cạnh tranh mà là sự thân mật sâu sắc nhất" (Seewald, 302). Và mặc dù cảnh báo chống lại "tính xúc cảm đơn thuần, không còn tiếp xúc gì với thực tại", Đức Hồng Y tri nhận nơi Đức Maria và Thánh Mẫu Học một phản ứng chống lại các cường điệu của Phong trào Ánh sáng: "... Chúng ta đã trải nghiệm một xu hướng mạnh mẽ hướng tới chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa Thanh giáo, nếu tôi có thể diễn đạt như thế, đến nỗi trái tim của con người đã tự đứng lên chống lại sự phát triển này và gắn bó với Thánh Mẫu Học" (Seewald, 300). Người ta bám chặt vào Đức Maria vì ngài là "cánh cửa mở vào Thiên Chúa", chìa khóa để hiểu sâu Thiên Chúa nhiều hơn. Đức Hồng Y Ratzinger sử dụng tính biểu tượng này rất thường xuyên: "Qua Đức Maria, họ có thể ngắm nhìn khuôn mặt của Chúa Kitô và của Thiên Chúa, đến nỗi họ có thể hiểu Thiên Chúa", hoặc trong một bối cảnh khác:... Con người có thể vươn tới Mầu nhiệm Người Con và mầu nhiệm Thiên Chúa một cách đặc biệt nhờ người mẹ" (Seewald, 307). Nền tảng của mối liên hệ này là sự tín thác, thường được Đức Hồng Y nhắc đến, và biến đổi. Trước nhan ngài, chúng ta có thể “hoàn toàn vô thức”, giống như “các trẻ nhỏ, đầy tín thác, một cách người ta thường không dám làm với Chúa Kitô”. Các lần hiện ra, chữa lành, phép lạ - dù vượt khỏi sự hiểu biết của con người - đều có nền tảng ở sự tín thác và sự tín thác đã được đáp ứng: "Đức tin trở thành một điều sống động trong sự tín thác này đến nỗi nó tràn vào lãnh vực thể lý, hàng ngày và do đó cho phép bàn tay nhân hậu của Thiên Chúa trở nên thực sự hữu hiệu, nhờ sức mạnh của lòng nhân từ của Mẹ Người" (Seewald, 308).




Linh hồn Đơn sơ trở thành Linh hồn Biết Nhìn

Những lời này có phải là điển hình của một người đốc công của Vatican, một người chấp pháp tín lý và một "Chó Bécgiê Đức" (Rottweiler) của Giáo hội không? Đối với Đức Hồng Y Ratzinger, Kitô giáo là một "tôn giáo của trái tim", không những chỉ khi mà còn luôn luôn lúc nào "linh hồn đơn sơ trở thành linh hồn biết nhìn". Đối đầu với những câu hỏi liên quan đến những lần hiện ra, ngài đúc kết ý nghĩa sâu xa và lâu dài của các biến cố lớn và được công nhận trong biểu tượng "người phụ nữ mặc áo mặt trời", không những chỉ tượng trưng cho Dân Thiên Chúa trong Cựu ước và Tân ước mà còn tượng trưng cho chính Đức Maria. Trong mặt trời, nơi Đức Mẹ được dàn dựng, ngài thấy ánh sáng thực sự của thế giới, tức Chúa Giêsu Kitô. Các cuộc hiện ra cho thấy "mối liên kết triệt để với Chúa Kitô" của Đức Maria. Ngài gọi hình ảnh người Phụ nữ trong Sách Khải Huyền là "đáng sợ"; quan trọng hơn, đó là "quyền lực lên ngôi". Du khách đến Lourdes, Fatima và Guadalupe trải nghiệm "sự vĩ đại của nhân vật này, cũng như sự an ủi và chữa lành được nó mang lại" (Seewald, 309).

Những lần hiện ra đích thực có một tập chú rất chuyên biệt: chúng đưa chúng ta trở lại "những điều đơn giản và thiết yếu, mà chúng ta rất dễ bỏ qua" (Seewald, 311). Và những yếu tố thiết yếu này là gì? Chúng không thể ở bên ngoài Tin Mừng. Đức Hồng Y dẫn lời Chị Lucia của Fatima: "Tất cả chỉ là vấn đề đức tin, đức cậy và đức mến" (Seewald, 310). Đó là điều mà Đức Maria muốn chúng ta ý thức được, và trong và nhờ đức tin, đức cậy và đức mến đưa chúng ta đến sự hoán cải. Những bí mật nổi tiếng của Fatima hướng về cùng một hướng. Sự hoán cải và thống hối là trọng tâm, nhưng không được lầm lẫn chúng với "một thuyết định mệnh không thể tránh được". Kitô giáo vẫn là "một câu chuyện tự do: thống hối có thể thay đổi viễn kiến". Trong một bình luận ngắn gọn về bí mật thứ ba của Fatima và ý nghĩa của nó, Đức Hồng Y Ratzinger nhấn mạnh một khía cạnh thường bị bỏ qua và lãng quên: tầm quan trọng trong thế kỷ XX của phúc tử đạo. Trong bí mật này, giáo dân, linh mục, giám mục và cuối cùng cả Đức Giáo Hoàng cũng bị giết: "Nhưng máu của những người bị hành quyết được các thiên thần thu thập, và nó trở thành hoa trái cho thế giới" (Seewald, 311). Người ta có thể tri nhận một sự khó chịu nào đó trong phản ứng của Đức Hồng Y đối với sự tò mò và thèm khát của người ta đối với những chuyện giật gân liên quan đến các vụ hiện ra. Điều này hoàn toàn không có ý nói đến sự thờ ơ hay ác cảm từ phía ngài. Nói theo cách riêng của ngài: "Câu chuyện Lộ Đức - mà Đức Hồng Y dường như đã thâu nhận qua con mắt của nhà văn Đức Franz Werfel - đối với bản thân tôi là một câu chuyện đặc biệt cảm động". Chính sự giản dị, "sự tinh ròng tuyệt vời bên trong" và sự không sợ hãi của Bernadette đã lôi cuốn Đức Hồng Y: "... trong bầu không khí thiêng liêng có phần lạnh lẽo này, thực tế là gần như đóng băng, bà đã có thể giới thiệu khuôn mặt của Mẹ Thiên Chúa" (Seewald, 313).

Giáo Hội bằng Người

Điều đáng kể trong đôi mắt của Đức Hồng Y Ratzinger là "yếu tố thiết yếu", là "bình diện sâu sắc bên trong" của sự hiểu biết, niềm xác tín và sự cam kết. Đây có thể là một trong những lý do, lý do bản thân cũng như lý do nghề nghiệp, tại sao ngài dè dặt ủng hộ phong trào muốn tuyên bố thành tín điều việc đồng công cứu chuộc của Đức Maria. Ngài nhấn mạnh rằng Chúa Kitô "xây dựng một cộng đồng sâu sắc và mới mẻ với chúng ta" (Seewald, 306). Sự cứu chuộc là trọng tâm của "cuộc trao đổi vĩ đại": những gì của Người trở thành của chúng ta, và những gì của chúng ta trở thành của Người. Sự “hiện hữu với” này được phát biểu một cách mẫu mực nơi Đức Maria, Đấng là “loại hình nguyên mẫu của Giáo hội”, và có thể nói, là “Giáo hội bằng người”. Điều này không được dẫn chúng ta đến chỗ "quên đi 'cái đầu tiên' của Chúa Kitô:... Đức Maria cũng vậy, ngài chỉ là mọi điều ngài là nhờ ở Người" (Seewald, 306). Đức Hồng Y Ratzinger thấy rằng kiểu nói "Đấng đồng công cứu chuộc" (redemptrix) sẽ làm mờ nguồn gốc tuyệt đối này nơi Chúa Kitô, và đi trệch " đến một mức độ quá lớn, ra khỏi ngôn ngữ của Kinh thánh và các Giáo phụ". Tính liên tục của ngôn ngữ với Kinh thánh và các Giáo phụ là điều thiết yếu cho các vấn đề đức tin. Theo Đức Hồng Y Ratzinger, sẽ là không thích đáng nếu “chỉ thao túng ngôn ngữ". Trong phong trào cổ vũ việc đồng công cứu chuộc của Đức Maria, ngài nhận thấy một "ý định đúng đắn" nhưng bị phát biểu cách sai lầm. Bộ Giáo lý Đức tin cho rằng "những gì được biểu thị bằng điều này (tức 'đấng đồng công cứu chuộc') vốn đã được phát biểu tốt hơn trong các tước hiệu khác của Đức Maria". Và do đó, câu trả lời của ngài cho yêu cầu này được tóm tắt trong câu sau: "Trong một tương lai gần, tôi không nghĩ sẽ có bất cứ sự chấp thuận nào đối với yêu cầu này, một yêu cầu, trong lúc này, đang được vài triệu người ủng hộ" (Seewald, 306).

Nhà của Ngôi Lời

Việc đọc Đức Maria của Đức Hồng Y Ratzinger theo khuôn mẫu Thánh Mẫu học loại hình Giáo Hội (ecclesiotypical). Khi làm như vậy, ngài thấy ngài đồng hành với các ngôi sao thần học như Przywara, Congar, de Lubac, và ở một mức độ nào đó, với Balthasar. Quan điểm loại hình giáo hội dựa trên nền tảng giáo phụ vững chắc và sử dụng phương pháp luận của loại hình học [typological]. Điều dẫn khởi từ phương thức này là hiệu quả phản chiếu kép [double mirror-effect]. Giáo hội đọc và giải thích chính mình trong Đức Maria, và ngược lại. Về phần ngài, Đức Maria giải thích mối liên hệ của Giáo hội với Chúa Kitô. Trong Đức Maria, Giáo hội là Nàng dâu, Đồng trinh và là Mẹ. Ngược lại, tư cách thành viên của Đức Maria trong Giáo hội, dù nổi bật, đã được thiết lập một cách vững chắc. Chúng ta tìm thấy tất cả những đặc điểm này trong tư duy Thánh Mẫu của Đức Hồng Y Ratzinger. Ngài coi Đức Maria là "sự cụ thể hóa bản vị" của Giáo hội, "Thiếu nữ Sion" đích thực, là sự khởi đầu được bản vị hóa của Giao ước Mới (xem: Introduction to Christianity (Dẫn nhập vào Kitô giáo), năm 1968, Bản tiếng Anh năm 1969; Daughter of Zion (Thiếu nữ Sion), năm 1978, Bản tiếng Anh năm 1983). Ở đây, chúng ta có nền tảng cho vai trò mô hình và gương mẫu của Đức Maria đối với đức tin của chúng ta. Trong bài giảng kết thúc tháng 5 năm 1979, Đức Tổng Giám Mục Munich ca ngợi Đức Maria là đấng luôn suy tưởng lời Chúa trong lòng. Đức Mẹ là đấng đã tin và được khen “có phúc” vì Đức Mẹ đã tin (Lc 1:45). Nhận định về tất cả những bản văn được coi là bác bỏ Đức Maria trong Tân Ước (Lc 11:27; 2:49; Mc 3:34; Ga 2:4), ngài cho thấy rằng thực ra chúng dẫn chúng ta đến chính bản chất của lòng sùng kính Đức Mẹ. Làm thế nào mà như thế được? Đức Maria là “nơi cư ngụ của Lời Chúa”, là nơi lời được chấp nhận, được nuôi dưỡng, được bảo vệ; nơi lời được dành cho không gian, được phép lớn lên và ở nhà trong một thế giới không nhà. Quan trọng nhất, Mẹ Maria là mảnh đất màu mỡ, nơi hạt giống của Lời kết thành hoa trái. Đặc tính Thánh Mẫu của việc chúng ta là Kitô hữu được phát biểu trong định nghĩa của Thánh Luca về mối phúc đích thực. Phúc cho những ai “nghe lời Thiên Chúa và tuân giữ nó” (Lc 11:28). Trong thái độ của Đức Mẹ này, Đức Hồng Y Ratzinger thấy một hướng đi chắc chắn và một quy chiếu đáng tin cậy cho tất cả những người lữ hành trên đường đi về cõi vĩnh hằng, những người bất chấp các bối rối và mâu thuẫn, thử thách và gian khổ, lo lắng và bị khước từ.

Viết theo Cha Johann G. Roten, S.M, nguyên văn tại https://udayton.edu/imri/mary/p/pope-benedict-xvi-and-mary.php

Ghi Chú

(*) “Cantus firmus” tiếng Latinh có nghĩa “khúc hát cố định”. Cantus firmus là khúc hát làm nền cho một soạn phẩm đa âm.

Kỳ tới: Trọn Khảo luận duy nhất của Đức Bênêđíctô XVI về Đức Maria: Thiếu Nữ Sion
 

Vietcatholic News
 Tags: Mẹ Maria

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây