Cái đói

Thứ sáu - 24/04/2020 06:25 |   1088
Năm đói Ất Dậu 1945, trong vùng chẳng còn gì để ăn, gia đình ông nội tôi, theo dòng người từ Nam Định lên Yên Bái kiếm củ sắn, củ khoai chống đói.
đói   Ất Dậu
đói Ất Dậu

Cái đói

Năm đói Ất Dậu 1945, trong vùng chẳng còn gì để ăn, gia đình ông nội tôi, theo dòng người từ Nam Định lên Yên Bái kiếm củ sắn, củ khoai chống đói. Ông nội tôi chết đói dọc đường. Bà nội ngồi khóc chán rồi cũng phải bỏ xác chồng ở lại, dắt 2 đứa con gái theo đoàn người đi kiếm ăn. Lúc đó 3 mẹ con lả đi vì mấy ngày chẳng có gì cho vào mồm. Cái chết đã cận kề, chẳng còn cách nào khác, bà quyết định đưa 2 con bỏ vào nhà gia đình kia nhìn bề ngoài có vẻ còn có cái ăn, rồi lẻn đi. Nhưng đứa chị trốn được, chạy bám theo mẹ. Bà ôm lấy con mà chẳng khóc được. Dường như đói quá thì nước mắt cũng cạn kiệt.

Năm 1954, Bà di cư vào Nam thấy nhiều lúa, lắm gạo nhưng bà hết sức tiết kiệm. Bà nói với tôi lúc cho heo ăn: Năm đói mà được máng cám heo này thì chắc ông nội mày chưa chết mà bà cũng chẳng phải bỏ rơi con. Rồi tôi thấy bà rưng rưng nước mắt. Bà qua đời tại Kim Châu cách đây 20 năm rồi. Trước khi chết bà trăn trối lại: Bao giờ có điều kiện cố gắng tìm lại đứa con cho bà.

Về chuyện đứa con gái bị bỏ rơi lúc 10 tuổi được gia đình người Mán ở Yên Bái cưu mang, lớn khôn, lấy chồng người dân tộc Mán làm ăn sinh sống, đông con nhiều cháu. Chồng là thầy cúng, nhưng vợ vẫn không thể quên cái gốc là người Công giáo, nhà gần nhà thờ, có 2 tháp chuông, có ông thánh Giuse cuối Nhà thờ, xây trên 1 cái ao, có cha xứ tên là cha giáo Ruệ, cha già Thụ (xứ Nam phương, Bùi Chu).

Năm 1990, sau gần 50 năm bặt âm vô tín, chẳng biết sống chết thế nào vì vậy chẳng ai còn nghĩ đến lời trăn trối của bà nội tôi. Ấy vậy nhưng ý Chúa nhiệm mầu, run rủi thế nào mà có 1 người Kinh lên xứ Mán buôn bán, đã gặp được cô ấy, về quê thuật lại sự việc. Bác tôi cho các anh lên tìm. Đi ôtô đến Yên Bái lại còn phải đi bộ cả ngày trời mới tới bản.

Thiên Chúa đã cứu kẻ chỉ còn nhớ cái nhà thờ và tên cha xứ. Đúng thật, bà già này tên là Maria Hoàng Thị Là, tôi phải gọi bằng Cô. Sau đó bác tôi đã lên đón về xuôi, dạy giáo lý cho cả chồng, con, cháu, rửa tội xong mới cho lên ngược, nơi ấy không người công giáo, không nhà thờ. 

Cách đây 1 tuần, tôi nhận được tin Cô qua đời, con cháu phải đi vài chục km đường đèo dốc mới rước được 1 vị thừa tác viên về làm các nghi thức an táng. Nhưng sau đó là phần lễ cúng theo tục lệ dân bản. Tôi nghe nói đám tang bà cô làm thịt 1 con trâu mấy tạ, đãi 100 mâm, 500 thực khách. 

Giá mà bà nội tôi còn sống bà sẽ phản đối ngay:

“Sống thì chả có mà ăn

Chết xuống âm phủ làm ma tế ruồi”

 

PS. Chuyện viết lại theo lời kể của anh Hoàng Văn Kha.

 Tags: Cái đói

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây