CẢM NHẬN TỪ MỘT CHUYẾN GẶP GỠ ANH EM, PHANXICÔ 2017.
Nguyễn Ngọc Ngữ
Nói nôm na là HỌP LỚP PHANXICÔ, năm 2017.
Nói văn vẻ theo Cha Phúc, em Phan Văn Nhu, là DU LỊCH TÂM LINH.
Nói thân tình là VỀ ĐÂY GẶP GỠ PHANXICÔ.
Sau chuyến đi, điều đọng lại nơi mỗi thành viên gia đình Phanxicô, là sự chan hòa và tình yêu thương, giữa anh em với nhau và giữa 2 thế hệ trong nhà Phanxicô.
Một thành công ngoài mong đợi. Một san sẻ không giới hạn cả không gian và thời gian. Mình đặt vấn đề với thuyền trưởng Trần Cao Khải: “theo chương trình, anh em vào giáo xứ Châu Ninh, Bù Đốp, thăm cha bạn cùng lớp. Nếu Hoàng Petit bận việc không ở nhà thì sao?” Câu trả lời của thuyền trưởng: “ Ta cứ vào thăm, để chia sẻ, để cảm nhận nơi mục vụ của bạn ta. Nếu bạn không ở nhà, thăm giáo xứ và nhà xứ xong ta trở ra. Ta đi thăm mà, có nề hà chi.” Một câu trả lời nói lên hết mọi tâm tình Phanxicô.
Trở về với cuộc sống đời thường, mình cảm nhận một niềm hạnh phúc khó diễn tả, chẳng dễ giải nghĩa, chẳng dễ định hình, cũng chẳng dễ trả lời cho minh bạch ngọn nguồn. Chỉ đơn giản rằng, cứ mỗi lần gặp mặt anh em và con cháu, lại một lần rạo rực trong tâm khảm, tìm được nhiều điều khiến lòng an nhiên.
Ngẫm lại những ngày gặp gỡ lần này, sự thành công có lẽ khởi phát và năng động từ anh em chủ nhà.
Này nhé, sự tận tâm tận tình của Cha Trần Hữu Từ, quản xứ Thống Nhất. Ra tận cổng chờ anh em trên đường đến với giáo xứ. Đến nỗi bạn Huấn phải nhắc: “đứng vào trong lề kẻo xe tông.” Một lời nhắc nhở nhau của các bạn U60, gói trọn bao tâm tình, vấn vương bao nghĩa thiết anh em.
Trong bữa ăn tối tại nhà xứ Thống Nhât, Trung gầy cất bài hát: “Chúng tôi xuống đường vì Đức Kytô,” một bài mà Cha Hùng quản hạt Đăkmil, cho biết sau hơn 40 năm, hôm nay mới hát lại mà vẫn không quên, mình chia sẻ với Ngài: Chất Lê Bảo Tịnh đã đi vào trong huyết quản, đến cuối đời nhìn lại, vẫn ù oa ù oa...
Thăm nhà Ông Bà Cố bạn Nhu, như được trở về nhà với cha và với mẹ. Cha Mẹ đón các con về nhà, không như đón đoàn du lịch tham quan, nhưng là thân tình hiện rõ trong từng thái độ, trong từng ấm êm. Các con dùng nước, ăn bánh, mà mắt cay xè, bao điều đọng lại. Nhiều bạn quay mặt vội lau khóe mắt.
Vào nhà Trung gầy, một sự nhiệt thành cả nhà. Chị Ánh, vợ Trung và các con trai gái đón các bác, các cô chú và các bạn thăm nhà. Như chưa hề ngăn cách bởi thời gian, như chưa hề chia xa với không gian.
Những bài hát đồng cảm, những ca khúc sâu lắng đi vào lòng anh em và con cháu. “anh em chúng ta có chung một ngôi nhà, anh em chúng ta có chung một người cha, dù có đi xa cũng mong quay về nhà...” Có lẽ chưa gao giờ Cha Hùng nhà mình hát say sưa đến vậy. Một dịp để anh em và con cháu trải nghiệm và cảm nghiệm.
Cha Phúc, bào đệ Phanxicô, đón các anh chị và các cháu như đón người thân. Ở nơi giáo xứ này, mọi người đều cảm nhận tình anh em một nhà. Các con cháu sẵn sàng tạo dáng để có khuôn hình đẹp, và cũng để trọn nghĩa nối dây Phanxicô.
Trong thân tình đó, Ba Mẹ nối dáng theo hình. Mỗi lần xem lại, chợt thấy lòng mình xao xuyến, chợt thấy bồi hồi.
Lại còn nữa còn nữa, cha Nguyễn Sơn dù đang đau yếu, vẫn cố gắng lên xe đồng hành. Một cuộc hành trình dài không dễ cho tuổi cao sức yếu, nhưng lại là cuộc hành trình đi vào tâm khảm anh em.
Một sự chuẩn bị chu đáo của những người trách nhiệm, sự tích cực của nhóm điều hành và sự vui nhộn của MC, “Cha Từ xây 5 phòng mới để anh em ngủ nghỉ, Trung gầy khánh thành con đường Phước Bình – Bù Đốp để anh em vi vu,” đúng chất Phanxicô, đã đem lại thành công cho một chuyến đi dài.
Xin được mãi là một chuyến đi, cũng là một chuyến trở về.
Trở về trong tình bằng hữu, trở về đong đầy kỷ niệm. Để lòng mỗi người con cháu Phanxicô là từng trang kỷ yếu, từng dòng lưu bút không phai.
Trời còn nợ đất cơn mưa,
Mưa như trút nước đất chưa thỏa lòng...
Phanxicô còn nợ nhau nỗi thân tình. Hẹn gặp...
Nguyễn Ngọc Ngữ