Bản tình ca Vô Nhiễm 5

Thứ sáu - 17/04/2020 22:10 |   643

Bản tình ca Vô Nhiễm 5

PHẦN 1

CHỨC LINH MỤC CỦA TÔI LÀ NHỜ CÁC BẠN.

Mùa Thu bao giờ cũng đem lại không khí mát mẻ, bầu trời xanh trong dịu mát bởi những cơn mưa mùa. Mùa Thu còn là mùa thu hoạch của mùa màng, cây trái. Đây là mùa trái cây dồi dào nhất ở Tây nguyên, những loại trái cây mang tính đặc sản của vùng đất này. Về nông thôn Tây nguyên, ta sẽ được chiêu đãi những ly bơ đặc quánh pha trộn với sửa tươi mà dân thành phố ít khi có dịp thưởng thức, những múi sầu riêng đậm đà hương vị quyến rũ và đặc biệt là lòng người mến khách…

Nhắc tới mùa Thu mọi người thường liên tưởng tới mùa tựu trường, mùa của những cô cậu học sinh trong những ngày đầu cắp sách tới trường trong niên học mới, những kỷ niệm thân thương, những ngày tháng đã đi vào dĩ vãng mà sau này sẽ là những câu chuyện thường xuyên được nhắc lại trong những lần bạn bè gặp gỡ. Mùa Thu năm 1968 vào ngày Lễ Sinh nhật Đức Mẹ 08/09 là một ngày trọng đại đối với chúng tôi, ngày hội tụ của những cậu bé của những vùng đất xa xôi gặp gỡ nhau trong ngày khai giảng niên khóa đầu tiên của Chủng viện Lê Bảo Tịnh. Tôi đã viết sự kiện này nhiều lần, nhưng lần nào cũng với cảm xúc mới mẻ vì thêm một năm, thời gian lại đưa chúng tôi xa cách thêm một tuổi. Những cậu bé tóc còn để chỏm xưa kia nay đã trở thành lão niên đầu pha màu ánh bạc, nhưng gặp nhau vẫn rôm rả nhưng gặp nhau vẫn nhắc lại những kỷ niệm của thời niên thiếu… Thời gian đã trôi qua 48 năm.

Năm nay cũng thế, ngày lễ Sinh nhật Đức Mẹ chúng tôi lại gặp nhau ở một xứ đạo vùng cao, giáo xứ Hòa Tiến - Daksong. Buổi chiều 07/09, vọng Lễ SNĐM chúng tôi hẹn gặp nhau tại Nhân Cơ, khách sạn Hồng Nhuận, vừa là tư dinh của Nguyễn Văn Nhuận và Bích Hồng để ngày hôm sau sẽ tập trung về điểm hành lễ. Vì thế đa số anh em từ Banmêthuột đã khởi hành xuống trước, cha Nguyễn Ý Định từ Biên Hòa, Bùi Trung Tuấn từ Long Khánh đã có mặt ngay từ buổi chiều. Một buổi tối hội ngộ đầm ấm bên nhau. Cha giáo Bùi Quang Đạo cũng không quản ngại cùng hiện diện với anh em Vô Nhiễm. Hóa ra tôi và Vũ Đức Trung là kẻ đến sau. Mãi tới 1 giờ sáng anh em tôi xuống xe ghé vào KS.Hồng Nhuận. Sau khi nhận phòng, lăn ra ngủ một giấc đến sáng…

Buổi sáng tinh mơ, không gian của vùng Nhân Cơ còn ướt đẫm sương đêm, tiếng ồn ào làm tôi tỉnh giấc. Tuy nhiên không để lỡ vì thời gian của ngày hôm nay rất ngắn ngủi, một năm chỉ có một lần Ngưu Lang và Chức Nữ có duyên hò hẹn. Ngay đại sảnh lớn của lầu một, tất cả mọi người đã tề tựu đông đủ bên nhau, câu chuyện trò rôm rả, những cái bắt tay thiệt tình của những người bạn ngồi quây quần chung quanh Cha giáo, khi ấy mới điểm danh lại bởi vì có kẻ đến trước người đến sau. Anh em kể lại những câu chuyện đêm qua làm cho những người đến muộn thèm nhỏ dãi. Những câu chuyện bình thường có thể đã nghe những lần trước nhưng cũng làm nao nức những người bạn không cùng hiện diện… Cha giáo Đạo là người đã cận kề với chúng tôi từ những ngày đầu tiên lúc mới nhập trường, đã uốn nắn và dạy chúng tôi những bài học đầu tiên cho đến mãi sau này. Là cha giáo Quốc văn, cha luôn có những đòi hỏi cao nơi học trò, những phương pháp tu từ, những nghĩa của từ Hán Việt, những bố cục chặt chẽ của một bài văn, những ẩn ý sâu sa mà người viết hướng tới phải được sắp đặt chặt chẽ. Những rèn dũa của người thầy xưa kia đã từng làm những đứa học trò nhăn nhó khó chịu, nay mới hiểu ra công ơn của thầy…

Câu chuyện văn hóa trong đêm qua được anh em nhắc lại làm tôi hiểu ra một phần nào. Trong xã hội chúng ta đi từ những mặt ưu tới mặt khuyết và ngược lại đều được trộn lẫn những giá trị mang tính bác học và bình dân. Chủ trương bình dân hóa là một cách để nâng cao dân trí, tuy nhiên có những lĩnh vực lại mang tính tục hóa mà không nói lên sự văn minh… điều này đang làm cho giá trị nhân bản của xã hội bị xuống cấp và bộc lộ một sự yếu kém về văn hóa đến nỗi người ta phải miễn cưỡng gọi là “văn hóa đ..., văn hóa chửi”. Than ôi! Xã hội bây giờ đầy dẫy những câu chuyện đau lòng, những từ ngữ thông tục trên đầu cửa miệng tràn lan, xâm lăng vào lĩnh vực văn hóa. Chữ nghĩa không còn là của thánh hiền, của bốn ngàn năm văn hiến mà phổ biến rất nhiều trên đầu môi chót lưỡi của nhiều thành phần xã hội… Cha giáo muốn nhắc với chúng tôi điều này bởi vì thế hệ này đã trở thành những ông bà đáng kính cần phải quan tâm tới sự giáo dục cho con cháu.

Câu chuyện miên man của chúng tôi phải dừng lại khi có sự xuất hiện của chú Phúc, bào đệ của cha giáo đồng thời là chủ nhân nhà hàng Sơn Mã . Cách đây hai năm chúng tôi đã có dịp hội ngộ tại địa điểm lý tưởng này cũng trong dịp lễ mừng quan thầy. Chúng tôi được mời về Sơn Mã để thưởng những tách cà phê nổi tiếng của nhà hàng này. Ta có thể hình dung nhà hàng Sơn Mã như một ốc đảo thu nhỏ, chung quanh bao bọc những hồ nước lãng mạn, trữ tình. Những ki ốt được thiết kế với một không gian thoáng đãng có thể nhìn ra mọi phía, khi mà màn sương mờ vẫn đang nhẹ nhàng buông thả trên mặt nước. Nhà hàng này đã từng được lăng xê (Lancer) trên một tạp chí du lịch, là một nơi lý tưởng để nghỉ dưỡng và du lịch. Chủ nhân của nhà hàng có vẻ say sưa với những dự án tương lai trên ốc đảo rộng 8 ha, không gian có một không hai tại thị xã Gia Nghĩa, nơi được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của Tây nguyên. Một khách sạn cao cấp sẽ được khởi công xây dựng trong nay mai tại bờ hồ phía Đông… Cà phê tại Sơn Mã quả thật tuyệt vời! Những giọt cà phê sóng sánh nhỏ xuống một màu đen, nâu sẫm. Hương thơm cà phê quyện lẫn với những cơn gió nhẹ buổi sáng làm cho ai cũng cảm thấy thèm khát, nhấp vị cà phê đầu chót lưỡi ta có cảm giác như được hòa tan với đại ngàn, với những dưỡng chất mà chỉ có vùng đất Bazan đem lại. Lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức một loại cà phê ngon đến thế!...

Tại không gian lãng mạn này, câu chuyện “Người Mơ Trăng” được nhắc lại. Những câu chuyện kỳ thú của thời niên thiếu đã từng làm cho lớp Vô Nhiễm được kính nể. Năm 1974 khi ấy chúng tôi đang học đệ nhị, dịp văn nghệ chung cùa chủng viện, Nguyễn ý Định đã viết kịch bản “Người Mơ Trăng”. Tác giả đã mô tả nỗi khát vọng đi tìm Chân - Thiện - Mỹ như lời nguyện cầu của thánh Augustinô trong sách Tự Thuật:  “Lạy Chúa là vẻ đẹp rất xưa và mới mãi, con yêu Chúa quá muộn! Này Chúa vẫn ở trong con, mà hồi ấy con cứ ở ngoài và tìm Chúa bên ngoài! Con thật xấu khi chạy theo vẻ đẹp nơi các thụ tạo của Chúa. Chúa ở với con mà con chẳng ở với Chúa... Chúa gọi con, Chúa la to không để con giả điếc làm ngơ...”

Điều sâu lắng trong tác phẩm kịch bản này, tác giả muốn diễn tả mặt trăng chính là lý tưởng đời Linh mục mà những con nai ngơ ngác luôn có khát vọng tìm đến. Vở kịch này thành công ngoài sức tưởng tượng của mọi người vì được chuẩn bị một cách công phu. Đạo diễn Josydi đã sớm bộc lộ một tài năng, bên cạnh đó có sự cộng tác đắc lực của cha giáo Quốc văn trong việc chỉnh sửa kịch bản và một điều thật bất ngờ là vũ khúc nghê thường “Tiếng Sáo Thiên Thai” được lồng ghép trong vở diễn đã nâng cao được giá trị tuyệt vời mà tác giả muốn thể hiện. Biên đạo múa tài hoa này không ai khác hơn là cha Linh hướng Thế Phan/Nguyễn Văn Đậu, nay là cha Tổng Đại Diện GP.BMT… Những chú bé con nhập vai tiên nữ, xúng xính trong bộ Kimono trở nên duyên dáng lạ thường, những cánh hạc dập dìu theo điệu nhạc làm cho lòng người trở nên mê mẩn… Thành công của vở kịch này ngoài sức tưởng tượng. Không ai nghĩ một chú tiểu đệ nhị, phút chốc lại biến thành một kịch tác gia nổi tiếng. Từ đó khi nói về Nguyễn Ý Định là mọi người đều nghĩ đến một nghệ sỹ đa tài, một Josydi huyền thoại…

Biến cố 1975 đã làm hỏng biết bao dự định và đập tan ước mơ của lứa tuồi hai mươi. Những anh em tuổi vào đời thuộc thế hệ của chúng tôi trở nên lạc lõng giữa dòng đời. Năm 1983 là năm cuối cùng của những thầy Đại chủng viện còn sót lại phải rời bỏ Tòa Giám Mục để trở về gia đình, thầy Định trở về Đồng Nai sống với bố mẹ một thời gian và cũng đã trải nghiệm đường đời qua nhiều biến cố sau đó quay trở lại Sài Gòn tầm sư học đạo và tiếp tục trở lại con đường tu trì. 22/09/1994 thầy được trao ban chức Linh mục. 22 năm cuộc đời Linh mục nhưng hầu như trong các dịp lễ bổn mạng của lớp, cha Định vẫn luôn cố gắng quay trở về tham dự. Tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần, cứ mỗi lần đến với anh em, cha Định thường tâm sự: “Chức Linh mục của ‘Định còm’ là của anh em, mình từ Giuse Sài Gòn passer về BMT năm lớp tám, ở cái tuổi mới lớn, nghịch ngợm đúng ra thì chưa biết gì nhưng anh em đã chấp nhận mình. Những trò lục tặc trong CV, anh em cùng hưởng ứng may mà không bị ‘rìa’. Sau này những người nâng đỡ và chia sẻ với mình như Lê Văn Cựu và một số anh em khác…, đó là những chất xúc tác hình thành nên ơn gọi của mình. Vì thế Định còm này mang nặng ân nghĩa với anh em… Bây giờ ngoài trách nhiệm quản xứ Xuân Trà hạt Hố Nai, cha Định còn là Trưởng ban Mục vụ Giáo dân GP.Xuân Lộc, một Linh mục dí dỏm, có tài biến tấu, gây cười luôn đem dến những trận cười sảng khoái trong những lần sinh hoạt giáo dân…

Một lần gửi email để chia sẻ về bài thơ “Người Mơ Trăng” mà tôi vừa viết để nhắc lại kỷ niệm xưa, bạn tôi Josidy cũng đã phóng bút để gửi cho tôi mấy dòng tâm sự:

   

        Cám ơn bạn ta đã hiểu ta

        Thời niên thiếu như ánh trăng ngà

        Trải bao năm tình Người thắp sáng

        Đường có dài lòng vẫn thiết tha.

 

        Ta và bạn sánh bước đi tìm

        Nét đẹp thôi thúc tận trong tim

        Nhiều khi ta say muốn dừng bước

        Mà tiếng gọi tha thiết vẫn chưa im.

 

        Nơi nào có vẻ đẹp hoàn hảo?

        Ta chạy theo bao nhiêu màu áo

        Có tìm được màu áo riêng ta?

        Đường ta đi là đường độc đạo.

 

        Bạn và ta vẫn đi chung đường

        Con đường yêu thương nhẹ thoáng hương

        Đi lên bạn ơi, lên nữa nhé

        Người vẫn cùng ta giữa dặm trường. (Josidy)


Anh em chúng tôi phải từ giã nhà hàng Sơn Mã để tiếp tục hướng về giáo xứ Hòa Tiến. Cha Ánh có lẽ cũng rất nóng ruột nên cứ gọi điện liên tục. Khung cảnh thần tiên của Sơn Mã gia trang quả thật là đẹp, hy vọng một dịp khác lại ghé thăm. Chủ nhân tiễn đưa chúng tôi bằng những cái bắt tay thân mật. Chúng tôi lên xe tiếp tục cuộc hành trình.

Hoàng Công Nga

Album Ảnh

https://plus.google.com/u/0/photos/104863368858196344663/albums/6329037759050699921

 Tags: Bản tình ca

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây