Bản tình ca Vô Nhiễm 6

Thứ sáu - 17/04/2020 22:13 |   619

Bản tình ca Vô Nhiễm 6

SỰ KỲ DIỆU CỦA BÀN TAY TRÁI

Hoàng Công Nga

Cung đường Quốc lộ 14 là một trong những cung đường đẹp. Con đường xuyên Tây nguyên chạy qua các tỉnh Bình Phước, Dăknông, Dăklăk, Gia Lai, Kontum và điểm dừng là Quảng Trị. Đây là một trong những quốc lộ dài đứng thứ nhì, chỉ sau QL số 1. Từ khi quốc lộ này được hoàn thành đã giúp cho đời sống của các tỉnh Tây nguyên được phát triển. Đoạn đường từ Dăknong về Banmêthuột uốn lượn dọc theo các triền đồi thoai thoải tạo thành những cánh cung đẹp mắt, hai bên là những rừng thông, dưới những tán lá lúp xúp những hàng quán được dựng lên một cách tạm bợ phục vụ cho những lữ khách đường dài dừng chân nghỉ tạm.

Tôi lên xe của Phạm Quang Bình cùng với cha giáo Bùi Quang Đạo, Trần Khánh Điệp và Trần Thanh Hiệp. Chiếc xe bán tải hiện đại đời mới của Phạm Quang Bình tiện dụng cho đi lại và công việc. Nhắc tới Bình hầu như đã lâu anh em không còn gọi lại biệt danh mà cha Giám đốc Augutino Nguyễn Văn Tra đặt cho năm lớp 10. Một lần trong giờ Pháp văn, Bình buột miệng nói ra “dix cinq” thay vì “quinze”, cha giáo cũng buột miệng: “Bình xịt, đít xanh đầu nhọn”. Từ đó biệt danh Bình Xịt ra đời… Có những cái tình cờ đưa tới những kỷ niệm đáng yêu, dẫu có trải qua bao năm tháng, cái biệt danh kỳ quái vẫn gắn liền với con người đó, anh em gặp nhau thường dùng đến những biệt danh của ngày xưa yêu dấu… Từ ngày cha Giáo Bùi Quang Đạo về nhận xứ tại Châu Sơn, Bình tham gia Hội đồng Giáo xứ, đảm nhận Trưởng ban Phụng vụ thì lại có dịp gần gũi với cha Giáo hơn.

Quảng đường từ Gia Nghĩa lên tới Daksong khoảng 35 cây số, con đường thật đẹp nằm nép mình dưới những tán lá của rừng thông hai bên đường, xa xa dưới triền của những bờ dốc là những rẫy cà phê bạt ngàn xen kẽ những rừng trụ tiêu. Đời sống của nông dân nơi đây có nhiều chuyển đổi phụ thuộc vào giá cả của những cây trồng công nghiệp, khi thì cà phê được chú trọng, lúc thì tiêu được quan tâm. Bây giờ thì có lẽ có sự cân đối hơn vì nông dân phát triển trồng cả hai… Trên đường, cha Giáo và chúng tôi trao đổi với nhau nhiều vấn đề. Tôi nhận ra tính triết lý và tinh thần trẻ trung nơi cha Giáo, mặc dầu tuổi tác của thầy năm nay cũng vào loại U 80, lâu lắm thầy trò mới có dịp hàn huyên chuyện trò với nhau… Trong lớp Vô Nhiễm, tôi có lẽ là nhân tố tạo sự bất ngờ nhất. Bởi vì trong những năm ngồi trên ghế nhà trường bản thân mình cũng không có gì là nổi bật, những anh em thuộc loại Top Ten rồi cũng ra đi, thời cuộc làm đảo lộn tất cả và chúng tôi bị quăng vào đời một cách bất đắc dĩ. Chính trong hoàn cảnh đó đã tôi luyện  mỗi người trở nên lão luyện hơn. Bản thân tôi cũng không tài giỏi gì nhưng Chúa đã cho tôi có một hoàn cảnh khác hơn những anh em khác.

Trong chiến cuộc năm 1975, khi tôi và một số anh em được thả về từ trại tập trung trong rừng Easup. Đang đêm những thành phần SVHS được lệnh lên những chiếc xe Molotova để di chuyển. Chúng tôi không biết mình sẽ đi về đâu, cứ ngỡ rằng mình sẽ bị di chuyển ra ngoài Bắc hoặc tập trung vào nơi nào đó trong mật khu. Những câu chuyện về chiến tranh và hậu quả của nó bây giờ sẽ hiện thực trong hoàn cảnh của chúng tôi. Những tiếng thì thầm, lo âu cũng không cưỡng được những cơn dồn xóc do những con đường rừng với những ổ voi kinh khủng. Chúng tôi không có thì giờ để suy nghĩ những điều mông lung mà phải lo chống chọi để giữ yên vị trí của mình trên thùng xe, giữa màn đêm đen của rừng già Tây nguyên, thỉnh thoảng nghe những tràng súng liên thanh vọng lại. Tôi nhắm mắt, mệt lả vì đã ói tận mật xanh, phó thác số phận cho đất trời… Xe chạy thật lâu, chúng tôi không biết đã qua những nơi nào, sau cùng tới một đoạn đường nghe có vẻ êm ái, tôi có cảm giác không còn ở trong rừng già. Tôi nằm buông xuôi trên thùng xe mặc kệ cho số phận đưa đẩy. Đoàn xe dừng lại, chúng tôi hốt hoảng nhổm dậy nhìn ra hai bên để đoán vị trí nhưng không tài nào đoán được. Bầu trời vẫn dày đặc màn sương đêm… Chúng tôi bị lùa xuống xe và đoàn xe tiếp tục chạy cho tới khi khuất dần chỉ còn những luồng sáng của đèn xe loáng thoáng nơi xa.

Tôi chỉ nhớ bên cạnh mình luôn có Nguyễn Nhứt, một người bạn đã từng sát cánh với tôi trong những năm về trước, hai anh em vần “N” với nhau, còn lại những anh em khác thì hầu như không còn nhớ bởi vì thời gian qua quá lâu. Trong đoàn chạy loạn có nhiều người bạn tại thị xã BMT, riêng anh em Lê Bảo Tịnh chỉ là một số ít. Chúng tôi nằm dạt ra hai bên đường để nghe ngóng. Đồng hồ đã chỉ 4 giờ sáng. Cũng may không khí của bầu trời tháng ba không đến nỗi nào, sương đêm lành lạnh bao phủ trên vạn vật. Chúng tôi lần mò đi về hướng tay trái, phát hiện ra một bờ tường rào có cổng mái chùa, hai cánh cổng sắt được khóa kỹ, bên trong thấp thoáng những ngôi mộ bề thế có những mái ngói hình cong. Chúng tôi nhận định đây là nghĩa địa Tàu ở cuối đường Phan Bội châu và xác định được điểm đứng của mình… Mờ sáng đoàn người chúng tôi đi ngược về thị xã BMT một cách dè dặt bởi những tiếng súng còn vọng lại, một phần chúng tôi không nắm được tình hình chiến sự lúc bấy giờ như thế nào. Trời càng sáng, chúng tôi càng gần vùng ven của thị xã. Băng qua những rẫy cà phê, vườn chuối, chúng tôi gặp những người dân còn bám trụ ở lại, họ cũng không hơn gì chúng tôi, chỉ biết rằng Việt cộng đã chiếm toàn bộ BMT…

Chúng tôi trở về thị xã trong bộ dạng thê thảm, quần áo xộc xệch, nhếch nhác. Tuy nhiên không ai cười và thương hại ai cả. Bởi vì tất cả mọi người đang sống trong một hoàn cảnh thê lương của chiến tranh. Càng đi dần vào trong thành phố, con đường Phan Bội Châu có vẻ như rất ít người, ngang qua trường Bồ Đề hoàn toàn vắng vẻ, một góc tiếp giáp với đường Nguyễn Thái Học cũng chỉ túm tụm một vài người. Thành phố như đang ngủ quên nhưng thực ra dòng người chạy loạn đã rời xa thành phố chưa kịp trở về. Tôi và các bạn tìm đến nhà Lê Văn Trọng tìm gặp cha Quản lý Phạm Ngọc Lan. Cha con cũng chỉ biết trao đổi với nhau là chuẩn bị tư thế để sống chung với Cộng Sản… Tôi trở về nhà tại khu Công Chánh đường Hùng Vương, tất cả đều bị cháy ra tro vì đây là nơi bị ảnh hưởng lớn của cuộc chiến. Nhà tôi nằm tiếp giáp giữa khu chiêu hồi và phi trường L 19.

Sau chiến tranh, hoàn cảnh đưa đẩy, tôi trở về miền quê nơi có những người bà con, họ hàng thân thích của tôi sinh sống. Vùng quê này cũng đã từng bị bom đạn cày xới và đã từng trải qua biết bao thảm cảnh của chiến tranh. Ở nơi đây tôi đã được đón nhận những tình cảm thân thương, sâu nặng. Tôi sống với những thao thức đầy trăn trở… Sau năm 1975, Cộng đoàn Dòng thánh Giuse Nha Trang đã chyển về đây một số thầy cùng trang lứa với tôi, để lánh xa những khó khăn và phức tạp của thành phố lúc bấy giờ, để tiếp tục tu học và lao động sản xuất. Từ năm 1960, tại đây Cộng đoàn Dòng Giuse đã có một sở đất trồng cà phê và nhiều diện tích đất nông nghiệp. Tôi có cơ hội tiếp cận với Cộng đoàn Giuse tại Thổ Hoàng, học tập và bổ khuyết những kiến thức mà mình không còn điều kiện để tiếp tục. Năm 1977, Cộng đoàn Dòng bị giải thể và bắt đi cải tạo. Nhưng với tôi lại có một cơ hội mới. Toàn bộ sách vở của thư viện Dòng được chuyển về gửi bên cạnh nhà tôi. Những lúc rảnh rỗi, tôi ôm từng chồng sách về đọc, thượng vàng hạ cám tôi đọc tất cả bởi vì buồn quá, buổi tối nếu không đi tập hát thì cũng ngồi nhà viết nhật ký hoặc đọc sách. Ngày tháng cứ trôi qua, tôi dần đọc hết những quyển sách hiếm hoi của tủ sách nhà dòng… Tôi trở thành tiêu cực, già trước tuổi, có những lúc thấy mình thẫn thờ như đang bay trên những tầng mây, giật mình tỉnh lại chỉ là một thực tại u buồn. Những vần thơ đầu đời cũng được viết lên từ đó:

Tôi chỉ là một hòn đất

Nằm yên quên phận buồn

Nhưng sự đời vẫn đổi thay

Nên hòn đất phải vỡ tan

Thành muôn vàn hạt bụi

Bay khắp khắp nơi nơi.

Hòn đất muốn nằm yên

Sự đời cứ luôn phiên

Xin cho tôi trở về

Hòn đất thưở bình yên.

Nghe quên thân phận buồn

Nghe đau thương chảy dài

Xin cho tôi trở về

Hòn đất thuở bình yên. (Hòn đất)

Cuộc sống trong giai đoạn này thật tẻ nhạt, ai cũng bận rộn lo công việc đồng áng, đi làm từ sáng sớm, tối mịt mới trở về nhà, tương lai u ám. Những mộng tưởng đèn sách đều gác lại chỉ lo sinh kế kiếm miếng ăn cứu vãn cuộc sống. Bạn bè xa dần vì đi lại khó khăn và không có điều kiện liên lạc. Thỉnh thoảng gặp lại được một vài người trao đổi với nhau những thông tin ít ỏi:

Nghe hoang vắng lặng hồn thương nhớ

Ngồi ru ôn lại chuỗi ngày thơ

Tiếc thương mộng ước xây ngày cũ

Day dứt niềm tin chợt thẫn thờ.

 

Ngập ngừng lê bước chân lạc hướng

Sỏi đá chông gai ngại bước đường

Tuổi hoa niên bây giờ nhuộm kín

Bụi đỏ đường xa bao bịn rịn,

 

Khi nào gặp lại người năm cũ

Nhắn gửi đời ta mãi mịt mù

Cuốc xới tương lai ngày hai buổi

Tuổi xanh kết lại thả dòng trôi

Ngược nước thời gian về lại bến

Ủ ấp tương lai suốt một đời. (Nhắn gửi)

Tâm trạng, sự khủng hoảng này không riêng gì tôi nhưng hầu như tất cả những bạn bè trang lứa của tôi đều rơi vào sự khủng hoảng này. Đó chính là sự biến chuyển của thời cuộc mà những người thanh niên ở lứa tuổi vào đời chưa thể giác ngộ. Một vài người bạn Dòng Giuse sau này gặp lại đã chia sẻ, họ coi tôi như là nhân chứng của thời cuộc vì bao nhiêu người đã trải qua trong cùng một hoàn cảnh nhưng không phải ai cũng có thể ghi nhận và viết lên những suy nghĩ của thế hệ thành lời. Những lời thơ của giai đoạn đó mang tâm trạng khắc khoải: “Tôi nhìn anh, những ánh mắt đăm chiêu nỗi buồn khắc khoải – Anh nhìn tôi, tôi nhìn anh! Bạn bè nhìn nhau, n  hững ánh mắt sầu đau chan chứa một niềm thương. Cho một lý tưởng mu mơ đâu là dân tộc?).

Thời gian đã giúp cho tôi lấy lại nguồn sinh lực để nhìn thấy quê hương mình còn biết bao nhiêu điều cần phải cộng tác để xây dựng. Một quê hương nghèo nàn bị tàn phá bởi chiến tranh, bởi lòng người bị ly tán phải bỏ quê hương tìm về sinh sống tại các thành thị. Chỉ sau chiến tranh mới có dịp hồi hương. Những ca từ trong nhạc phẩm “Một giấc hồi hương” của Nguyễn Văn Khôi và Đỗ Thất Kinh luôn ám ảnh tôi. Một trong những nhạc phẩm đầu tay của những nhạc sỹ lớp Vô Nhiễm mang âm hưởng của Du ca được sáng tác vào năm Đệ nhị: “Dọn đồ đi ngày mai hồi cư rồi, em hỡi có vui? Từ biệt miền Nam về thăm đất Bắc sau những ngày chia xa”!!!. Không vui thế đâu các bạn ơi!. Tuổi trẻ và ước vọng khác xa với thực tế vì: “Lạy Chúa! Từ địa ngục vươn lên thiên đàng đầy vất vả - Hạnh phúc đâu khi con đói rã rời”(Khắc khoải)…

Tôi và một số bạn trẻ trong làng quyết tâm xây dựng lại quê hương. Có lẽ có nhiều người đã chê bai chúng tôi nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã dám làm, dám cống hiến. Chúng tôi trưởng thành lên từ đó và quê hương của chúng tôi cùng với năm tháng đã đổi thay. Chính trong sự trải nghiệm này giúp cho tôi nhận ra những khả năng tiềm ẩn, những kiến thức từ sách vở qua thư viện của Dòng Giuse đã giúp tôi rất nhiều trong bước đường đời. Tôi trở nên nhiệt huyết, dám đấu tranh và không ngại gian khổ. Trong suy nghĩ và phát biểu của tôi trở thành sắc bén, bởi vì phải tự rèn luyện mình mà không để bị đồng hóa như cha ông vẫn thường nói: “Đi với bụt mặc áo cá sa, đi với ma mặc áo giấy”. Có những vụ kiện liên quan đến tôn giáo có nguy cơ ảnh hưởng tới cá nhân nhưng may mắn Thiên Chúa đã đồng hành với tôi. Năm 1982 tôi bị thương mất đi bàn tay phải, nhưng đồng thời tôi cũng nhận ra chỉ khi mất đi bàn tay phải thì mới thấy sự kỳ diệu của bàn tay trái. Có lẽ từ biến cố quan trọng này các khả năng tiềm ẩn nơi tôi mới được hé lộ. Phải chăng Chúa đã ban cho tôi mười nén bạc, không phải là vật chất mà là giá trị tinh thần để tôi có thể phục vụ tốt hơn. Từ đó tôi luôn cảm nhận được: ‘Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cuộc đời’ (Tv.23,6). Sau này trong những môi trường lớn tôi càng có cơ hội học tập và tự rèn luyện mình hơn nữa… Bây giờ tôi sống gần Đại Tòng Lâm, một Trung tâm Phật học lớn của BRVT, được làm quen với nhiều người bạn Phật giáo để hiểu thêm một tôn giáo mới và nói chuyện với họ về niềm tin của tôi. Thỉnh thoảng leo núi Thị Vải gần nhà, đi tắm biển, thăm bà con, anh em, bạn bè, sinh hoạt với các nhóm thi ca, dạy giáo lý và gắn liền với những công việc thường ngày tại trường cao đẳng…

Cứ mỗi lần anh em Vô Nhiễm gặp nhau là tôi lại cứ miên man. Tôi ghi nhận vào bộ nhớ tất cả những hình ảnh, lời nói để rồi khi trở về nhà tất cả lại tuôn ra theo dòng chảy. Tôi muốn viết thật nhiều về bạn bè tôi, về những con người đã từng có thời gian tu học, những kỷ niệm thân thương, những gàn dở của những cậu bé đã từng say mê lý tưởng mà thời gian đã đưa chúng tôi cận kề ½ thế kỷ. Tôi còn nợ nhiều người, chưa viết hết những thành viên trong lớp. Câu chuyện giữa tôi với cha giáo và anh em cứ lãng đãng mà cũng chưa tới được nhà thờ Hóa Tiến, nơi người bạn Linh mục cùng lớp đang chờ chúng tôi để mừng Lễ Mẹ. Xin hẹn với anh em trong Bản tình ca Vô Nhiễm 7.

Hoàng Công Nga

 Tags: Bản tình ca

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây