kỷ niệm khó quên
..... khi máy bay thả vài ba quả bom nhằm vào mấy chiếc xe tăng, ai cũng nghĩ chắc mình tới số! và đồng loạt tháo chạy khỏi sân banh, số ít anh em ở lại chủng viện chăm sóc người bị thương, còn mọi người bị đẩy ra rừng cao su chịu sự thanh lọc, (riêng Lê Văn Cựu và Phạm Xuân Lương không hẹn mà hò, đã phóng chạy một mạch về hướng quận Hòa Bình, sau này cả hai đến được Đà Lạt và thẳng tới Sài Gòn. Cũng may! lỡ "chết" dọc đường thì cũng chẳng ai hay?)
Nghe kể (vì người viết thuộc nhóm ở lại) khi ra rừng cao su, hai lính bộ đội cầm ngang 1 khúc tre và mọi người phải đi qua đó, ai lọt dưới tầm cây thì được trả về, còn người nào cao to thì đành chịu cảnh vào rừng sống dưới sự quản chế. Nhưng khi tìm hiểu lại thì không phải thế! mà phải khai tuổi thật. Sau này Khoa ròm vẫn lấy làm tiếc vì giá như nói bớt 4- 5 tuổi, thì đâu đến nỗi phải nằm gai nếm mật! Mặt mũi Khoa lúc đó nhìn như học sinh lớp 7- 8 mà. Đó là Khoa nói vậy!!!
Dọc dường vào rừng, giữa trưa ai cũng khát nước khô cổ. Một chiếc Jeep lùn chạy qua, dòng suối nhỏ trở nên đục ngầu nhưng mặc kệ ai nấy nhào xuống uống lấy uống để. Tiến địa vốn tính cẩn trọng, chạy đi kiếm được 1 cái lon sữa bò, dù chắng sạch sẽ thơm tho gì nhưng Tiến múc nước suối uống ngon lành, chưa khi nào uống nước "đã" như hôm ấy. Bỗng có tiếng nhỏ nhẹ sau lưng. - Cho mình lon với. Lúc trao lon nước cho người mới lên tiếng, hóa ra Cha già Bân (Quản xứ Hòa Bình).
Vào giữa rừng, mọi người mệt lã. Bỗng Nguyễn Nhứt thậm thò thậm thụt 1 chai gì đó? Hóa ra mật ong rừng. Rất quý. Nhất là vào chốn khỉ ho cò gáy này. Mật ong thuộc hàng nguyên chất, vì Nhứt đã từng vất vả lặn lội vào rừng sâu Đức Minh mới lấy được. Nhấm nháp đầu năm học cho tới giờ nên trong chai không còn bao nhiêu! Chai mật ong được chuyền tay kèm lời dặn rõ ràng của Nhứt: - mỗi đứa chỉ được nếm, chạm lưỡi thôi nha! Tuyệt vời. Ai nấy như khỏe ra. Không ngờ lại có Cha già Bân ở đó. Anh em đưa lại mời Cha. Có lẽ phần vì mệt do tuổi già sức yếu, phần lại không nghe lời dặn của Nhứt nên ngài đã tu một hơi hết sạch chai. Nhứt tiếc ngơ ngẩn, nhưng vẫn vui vì biết tính Cha già và mừng vì sau đó thấy ngài phục hồi sức lực. Giờ này ở trên Thiên dàng chắc ngài vẫn nhớ cầu nguyện cách riêng cho Nhứt.
Những ngày tháng không thể quên.
Trần Khánh Điệp