Chuyện tu ra

Thứ bảy - 18/04/2020 22:29 |   781
Những người Tu-ra thường tự hào là mình đã từng được sống và được đào tạo trong một môi trường lý tưởng đó là Chủng Viện.
Chuyện tu ra

CHUYỆN TU RA

[24.08.2006 08:58]
HOANGCONGNGA

Những người Tu-ra thường tự hào là mình đã từng được sống và được đào tạo trong một môi trường lý tưởng đó là Chủng Viện. Tại sao vậy? Chẳng phải có những cậu bé chỉ sống trong nhà trường thời gian vỏn vẹn có mấy tháng thôi sao, thậm chí có người phải đếm trên đầu ngón tay để tính từng ngày được ở trong nhà Chúa, vậy mà họ vẫn có niềm tự hào. Câu chuyện này không dừng lại trong khoảng thời gian bảy năm dưới mái trường mà còn diễn biến phức tạp không thiếu gì những trường hợp hy hữu.

Trong các giáo xứ đi đầu cũng là Tu-ra, chay lười cũng là Tu-ra. Người bắt tay xây dựng cũng là họ, kẻ đả phá công kích cũng lại là họ. Thiên hạ nói rằng vì họ hiểu biết hơn, điều này có đúng chăng? Nhìn lại hầu như những sự cố xảy ra trong sinh hoạt giáo xứ được bắt nguồn từ những con người hiểu biết này. Nói đi nói lại những chuyện có tính đấu tranh về ý thức hệ là điều tất yếu của mỗi giai đoạn, sự chuyển giao của thế hệ trước cho thế hệ sau không phải bao giờ cũng suôn sẻ mà luôn gặp phải sự đối kháng. Trong việc giáo dục giới trẻ, nhiều khi ta phải chấp nhận một thực trạng đau buồn và tính cách của lớp trẻ thường là nổi loạn. Sự nổi loạn cũng là một trong những cách thể hiện tính khí của họ, một loại ngôn ngữ cần được giải mã thật tinh tế và hết sức tâm lý, đồng thời phải loại trừ những biện pháp để không tạo ra sự ức chế vì vô tình điều này sẽ dẫn đưa tới đổ vỡ.

Niềm hạnh phúc trong “Lê-Tộc” là ta luôn gặp được những con người xây dựng chân thành. Điểm qua các giáo xứ trong và ngoài Giáo Phận Banmêthuột, những thành viên trong các Hội đồng giáo xứ, trong ca đoàn, trong các đoàn thể, giáo lý viên và nhiều hoạt động khác, họ là những người đã từng xuất thân từ môi trường tu trì, họ đã xây dựng Giáo Hội bằng khả năng và lòng nhiệt thành của mình, bằng sự ý thức là mình đã từng được hưởng ân lộc trong Nhà Chúa và có trách nhiệm phải báo đáp lại những ân huệ này. Cha ông chúng ta cũng đã từng nhắc nhở: “Ăn cây nào, rào cây nấy”. Đây chẳng phải là tinh thần biết ơn của dân tộc Việt Nam ta sao? Môi trường Chủng Viện cũng là nơi đào tạo con người Kytô hữu để họ “không thành thân thì thành nhân”. Những người Tu-ra là phải vậy nhưng không phải tất cả đều được như vậy đâu. Vẫn có những người trở nên sa đà, vợ con phải than phiền và xa dần bạn bè anh em nhưng cuộc sống thì làm sao tránh cho hết được phải không các bạn. Không ai xấu cả, chỉ tự mình trở nên xấu và theo lẽ tự nhiên kẻ có tội bao giờ cũng xa lánh toà giải tội và xa rời tập thể.Tuy nhiên điều trăn trở trong tâm hồn của những con người này vẫn luôn là một dấu chỉ tốt đẹp và là lời mời gọi họ quay trở về

Trong Chủng Viện, Chủng sinh được giáo dục tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm phải gắn liền với lương tâm. Điều này cũng trở thành một vấn nạn, càng ở lâu trong nhà tu khi trở về với cuộc sống đời thường họ lại càng vấp ngã. Họ như con nai vàng ngơ ngác giữa cuộc đời đầy cạm bẫy, họ trở nên xa lạ giữa cuộc đời ô trọc, đồng thời họ cũng trở nên hấp dẫn trước con mắt của nữ giới. Sự kính trọng, lòng ái mộ xen lẫn sự thiếu kinh nghiệm trên đường đời tạo nên tính cách của một thầy tu xuất. Có những Tu-ra thành đạt đường công danh sự nghiệp nhưng lại thất bại về gia đình, họ là người có kỷ luật, có nguyên tắc, có trình độ, có lương tâm nhưng lại thiếu đi sự tinh tế của tâm hồn và người bạn đường của họ trở thành Thánh giá nặng nề trong cuộc đời họ. Có những trường hợp phải chia tay...Lương tâm cũng là sự cản trở, mọi vấn đề đều có giá của nó. Sự đánh đổi, được thua luôn dằn vặt những lương tâm công chính, và để thực hiện đúng lương tâm Công Giáo là phải chấp nhận thiệt thòi. Chính điều này đã ngăn cản họ tiến thân trên đường đời. Trong đời sống gia đình, sự khác biệt về quan niệm lương tâm và trách nhiệm của vợ chồng sẽ dẫn đưa tới khủng hoảng và vô tình ta lại sỉ vả nhau là đạo đức giả...

Người Kytô hữu luôn ý thức về một sứ mạng “Truyền Giáo”, dân Tu-ra thường hay nói “làm việc Tông Đồ”. Trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn của những người đã từng được sống trong nhà Chúa, mỗi người chúng ta luôn ý thức được trách nhiệm của mình phải làm gì. Dấu chỉ mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta, để chúng ta có cơ hội thể hiện vai trò chứng nhân trong đời sống không phải chúng ta không nhận ra, điều quan trọng là ta có đón nhận không? Nguyện xin Thiên Chúa từ nhân gìn giữ anh em để dẫu cho có trải qua những nghịch cảnh của đường đời anh em vẫn giữ được cốt cách của những người đã từng được sống và được đào tạo trong nhà Chúa. Hình ảnh về một mái trường thân yêu luôn tồn tại trong tâm trí mọi người để chúng ta không bao giờ được quên vai trò Tông Đồ của mình trong xã hội.Giờ đây Chủng Viện không đâu khác hơn đó chính là gia đình của mỗi người chúng ta.

CỰU CHỦNG SINH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây