Cái tôi và chúng ta

Thứ hai - 12/08/2024 08:53 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   138
Đi từ cái tôi nếu chỉ biết cái tôi mà không biết cái chúng ta, con người tự nhốt mình trong một ốc đảo.
Cái tôi và chúng ta

Cái tôi và chúng ta



Cái tôi và chúng ta có một liên kết chặt chẽ với nhau. Đi từ cái tôi nếu chỉ biết cái tôi mà không biết cái chúng ta, con người tự nhốt mình trong một ốc đảo. Con người vốn dĩ được sinh ra để sống với, sống cho, sống vì người khác. Nên để cái tôi có thể sống với cái chúng ta cần thực hiện đời sống bằng một tình yêu đủ lớn đủ mạnh vượt qua cái tôi ích kỷ để sống.

Thực hiện đời sống trong tình yêu. Con người không ai không có tình yêu, tình yêu quy về cái tôi hay quy về chúng ta cả hai đều cần thiết. Cái chúng ta ở đây có thể nói là cái hoàn vũ này, thiên nhiên ta đang sống này, những con người hằng ngày ta gặp gỡ đây. Đó là cái chúng ta mà cái tôi đang sống cần phụng sự con người, sống hoà hợp với thiên nhiên, tôn trọng sự sống muôn loài.

“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10, 15). Để yêu thương con người hãy bắt đầu bằng tình yêu thật thà đơn sơ, như trẻ thơ yêu bản thân, yêu mọi người, yêu thiên nhiên bằng tâm hồn vô tư của chúng. Trẻ thơ dễ tha thứ không để tâm những gì gây cho nó buồn phiền. Chúng luôn tươi cười, dường như chúng được sinh ra để cho người lớn biết rằng cuộc sống luôn tươi đẹp. Sai lỗi trẻ thơ rất mau được xin lỗi, không quanh co, không để buồn lâu. Người lớn hay quanh co khi biết mình sai, không sửa. Tìm đổ lỗi hoặc lấy quyền để bịt miệng người khác, nên lương tâm lúc nào cũng không bình an, mỉm cười nụ cười méo mó, không thật.

Mở rộng đời sống trong tình yêu thiên nhiên. Thiên nhiên dạy ta biết bao điều sống. thiên nhiên cỏ cây hoa lá, muôn loài được tạo dựng nên trước con người. Niềm vui của Thiên Chúa cũng được diễn tả “Người đi dạo trong vườn mỗi ngày” (St 3, 8). Mỗi bông hoa, mỗi cây cao hay lùm cây nhỏ và cả những ngọn cỏ dưới chân đều mang ột ý nghĩa tươi trẻ, hân hoan dưới nắng vàng. Một thiên nhiên tuyệt diệu để con người có thể sống tương quan giao hoà như xưa Chúa đã ước thề với Israel: “Trong ngày đó, vì dân Ta, Ta sẽ thiết lập một giao ước với thú vật đồng hoang, với chim chóc trên trời, với loài bò sát dưới đất: Ta sẽ bẻ gãy cung nỏ gươm đao, chấm dứt chiến tranh trên toàn xứ sở, và Ta sẽ cho chúng được sống yên hàn.” (Hs 2, 20). Khi con người sống hoà hợp với thiên nhiên con người cũng sẽ có một tình yêu đủ lớn để sống với nhau. Ngày nay, khi ta chăm sóc vườn cây, niềm vui của ta ở đó cũng chính là tên gọi của tình yêu.

Khi ta thiếu tình yêu, ta thiếu sức sống, thiếu nhận thức về thế giới chung quanh ta. Thiếu tình yêu với tha nhân ta sẽ đánh mất chiều kích hướng về người khác, tự cô lập cái ta trong ích kỷ và dục vọng. Khi thiếu tình yêu ta sẽ chẳng bao giờ hiểu và tôn trọng người khác, những giá trị của người đi trước đã để lại. Thiếu nhận biết Thiên Chúa, con người cũng thiếu vắng trách nhiệm với nhau, thiếu tôn trọng thiên nhiên, và thiếu mất ý thức về chính mình. Khi thiếu tình yêu, phẩm giá con người bị đánh mất và bị thay thế: “Tiêu chuẩn chân thực của phẩm giá con người – là tiêu chuẩn về sự tôn trọng, tặng trao và phục vụ – bị thay thế bằng tiêu chuẩn của hiệu quả tính, chức năng tính và duy ích: người ta được quí chuộng không vì họ là ai, mà vì họ có gì, làm gì và đưa lại được gì. Kẻ mạnh thắng kẻ yếu.”  (Tin Mừng sự sống, số 23). Một văn hoá sự chết và loại bỏ hình thành.

Giữa cái tôi và chúng ta, được Chúa mời gọi chết cho người mình yêu. Một tình yêu Chúa đã đổ máu cho chúng ta trên thập giá, Tin Mừng sự sống cho chúng ta biết: “Hơn nữa, Máu Chúa Kitô mạc khải cho con người biết sự cao cả và do đó ơn gọi của họ hiến dâng toàn thân mình. Bởi vì được đổ ra như ơn ban sự sống, nên Máu Chúa Kitô không còn là dấu chỉ sự chết, dấu chỉ biệt lý hẳn với anh em của Người, nhưng là phương tiện hiệp thông làm dồi dào sức sống cho mọi người. Trong Bí Tích Thánh Thể, người uống Máu này và ở lại trong Chúa Kitô (x. Ga 5,56) được lôi cuốn vào sức năng động của tình yêu Ngài để đưa tới mức sung mãn chính ơn gọi đầu tiên hướng tới tình yêu, là ơn gọi của mọi người (x.St 1,27; 2,18-24)” (Tin Mừng sự sống số 25).

Tôi và chúng ta được mời gọi sống ơn gọi mà thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã sống: “Ơn gọi của tôi là tình yêu”. Xin cho tình yêu nảy nở trong tôi và trong chúng ta.
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây