Bánh ban Sự sống (Ga 6, 51-58)

Thứ sáu - 16/08/2024 20:49 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   120
“hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.” (Ga 6, 27).

BÁNH BAN SỰ SỐNG
Chúa Nhật 20 Thường Niên năm B: (Ga 6, 51-58)

LmTN 170824a


Suy niệm

Người Kitô hữu còn phải tìm kiếm một điều gì khác hơn, chứ không phải là những thứ tạm bợ chóng qua trong cuộc sống này. Chúng ta luôn được nhắc nhở: “Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.” (Ga.15,19). Vì thế, “hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.” (Ga 6, 27). Đó là chính Đức Giêsu Kitô: Tấm bánh được trao ban cho nhân loại: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống.” (Ga 6, 51). Lời tuyên bố này đã khiến những người Do thái tranh luận sôi nổi với nhau. Tin vào Đức GiêsuCon Thiên Chúa đã khó khăn lắm rồi, huống chi tin vào việc ăn thịt và uống máu Ngài để được sống muôn đời.

Chúa Giêsu không chỉ dùng quyền năng lập bí tích Thánh Thể, nhưng Ngài còn hy sinh chính mình. Thịt máu của Ngài được trao ban cho chúng ta trong cái chết tự hiến vì yêu, và qua đó trở nên nguồn sống mới cho nhân loại qua sự phục sinh vinh quang. Vì thế, Ngài là Tấm Bánh có sự sống và Tấm Bánh ban sự sống. Ðức Giêsu là Tấm Bánh đặc biệt và là Tấm Bánh siêu việt, vì khi tôi ăn, Ngài thành tôi và biến tôi thành Ngài. Đó là một sự ở lại trong nhau, một sự hiệp thông sâu nhiệm:“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Rước Chúa là đón nhận dòng lưu chuyển sự sống, tôi sống nhờ Chúa Giêsu, cũng như Ngài sống nhờ Chúa Cha.

Thánh Phaolô cho chúng ta biết: “Ai đã kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Người.” (1Cr 6, 17).  Khi rước Mình Chúa, chúng ta trở nên một tinh thần với Đức Giêsu, và “tinh thần duy nhất” này là Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho ta được sống thân mật với Thiên Chúa Cha. Cả Ba Ngôi hiện diện trong Thánh thể nên cả Ba Ngôi hiện diện trong ta. Việc rước lễ cuối cùng trở thành một sự xuất thần, theo nghĩa là ra khỏi (extasis) cái tôi của con người mình, và nói như thánh Phaolô, là “không phải còn là tôi sống nữa”.

Đương nhiên, sự kết hợp với Đức Kitô hằng sống chỉ có thể xảy ra trong tình yêu, vì Thánh Thể là “Bí tích tình yêu”. Tình yêu là thực tại duy nhất cho phép hai hữu thể kết hợp với nhau, mà mỗi hữu thể vẫn là chính mình để làm nên một. Do đó, việc đón nhận Thánh Thể sẽ là một hành vi xúc phạm, nếu không được thực hiện với cả tình yêu mến.

Phép lạ về Thánh Thể đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới để củng cố đức tin cho chúng ta. Đặc biệt là trường hợp của chị Therese Neumann, là người tín hữu đã trải qua 36 năm trời không ăn uống gì, chị chỉ sống nhờ rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày. Chị được nhiều thị kiến và được cùng chịu đau đớn kinh khủng với Chúa Giêsu. Cha Ngô Biên, người đã cho chị rước lễ mỗi ngày cho đến khi chị qua đời, đã ghi trong nhật ký của ngài rằng: chị Therese Neumann thường nói với mọi người là chị sống nhờ vào Đấng Cứu Chuộc. Và cha còn nói thêm rằng, nơi chị Therese Neumann thực sự đã ứng nghiệm lời tuyên bố của Đức Giêsu khi Ngài nói: “Thịt Ta thật là của ăn. Máu Ta thật là của uống”.   

Đi tham dự thánh lễ thì thường ai cũng rước lễ, nhưng rồi được mấy ai có lòng mộ mến và khao khát Chúa? Có mấy ai chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để rước Chúa? Xem ra người ta đến với Chúa quá vội vàng, cần làm cho xong, cần đi cho lẹ, như một món nợ phải trả, mà thiếu sự gặp gỡ thân tình, càng thiếu sự kết hợp sâu xa. Nên khi rước Chúa chẳng cảm nhận được điều gì, vẫn với một tâm hồn trống rỗng, chờ mau ra về để được sống với những điều mình ưa thích. Rước Chúa như thế chẳng khác nào một nghi thức bên ngoài, chẳng đụng chạm gì đến bên trong. Có rước Chúa suốt đời chăng nữa cũng chẳng có tác dụng gì.

Đón nhận Thánh Thể Chúa là diễm phúc cho đời Kitô hữu, nhưng bản thân tôi lại quen quá hóa nhàm, chẳng có sự cảm kích nào, nên việc rước Chúa như một một thói quen đạo đức, cho mình yên tâm. Chúa bị tiếp đón một cách lạnh nhạt và vô tâm như thế, chắc Ngài rất đau khổ trong tôi. Phải chăng khổ nhục thập giá xưa lại được tái diễn khi tôi tiếp nhận Chúa với tính cách của kẻ qua đường. Nhưng thiên đường sẽ mở ra cho tôi, nếu tôi chiêm ngưỡng mầu nhiệm cử hành với đôi mắt đức tin và lòng mến, để cảm nhận chính Chúa đang yêu thương tôi và hiến mình cho tôi, để nhờ đó, tôi lại ra đi hiến mình cho tha nhân.

Quả thật, những ai nhận ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể thì cũng nhận ra Ngài nơi anh chị em đau khổ, đói khát, bệnh tật hay tù đày. Do đó, việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ là trách nhiệm của chúng ta, với tư cách là kitô hữu, xuất phát từ tình yêu của Đức Kitô.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Lương thực hằng ngày chỉ sống đời này,
chẳng ai có thể sống hoài sống mãi,
chỉ có Chúa là tấm bánh nhiệm mầu,
cho con người sự sống mới mai sau.


Khi con rước Chúa với lòng khao khát,
là con được chính Chúa Đấng ân ban,
được kết hiệp với Ba Ngôi Chúa cả,
quá cao vời con không sao nghĩ tới.


Bản thân con bất xứng muôn ngàn lần,
mà rồi Chúa vẫn ân cần ngự đến,
con không dám tin đó là sự thật,
ai ngờ là nhiệm mật của tình yêu,
chính là điều vượt trên mọi trí hiểu,

Mầu nhiệm này không ai suy cho thấu,
chỉ khi con yêu Chúa cả trái tim,
con mới có được phần nào cảm nghiệm,
tấm bánh linh thiêng quá diệu huyền,
để đời con được dần dần xoay chuyển
.

Nhưng con thấy tâm hồn vẫn bợn nhơ,
khi đứng trước tình yêu Chúa vô bờ,
không tránh được những lần con vô cảm,
khi rước Chúa mà lòng vẫn không ham,
chỉ vì còn đam mê đời thế tục,
chưa thoát khỏi nhục dục của trần gian.


Xin tha thứ cho con đã xúc phạm,
thật ra chẳng bao giờ mà con dám,
cũng chỉ vì yếu đuối với vô tình,
xin cho con biết cải hóa đời mình,
lòng hân hoan đón rước Chúa uy linh,
để sống mãi trong ân tình muôn thuở. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây