Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuộthttps://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 10/05/2020 08:31 |
826
Bài thứ năm trong loạt bài “Cái nhìn về cuộc khủng hoảng” của Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi: với Chúa Giêsu, không có cái chết nào bị lãng quên, trên trái đất, trong lịch sử cũng như trong hang hóc của đại dịch.
Chết trong Chúa vaticannews.va, Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, 2020-04-28
Bài thứ năm trong loạt bài “Cái nhìn về cuộc khủng hoảng” của Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi: với Chúa Giêsu, không có cái chết nào bị lãng quên, trên trái đất, trong lịch sử cũng như trong hang hóc của đại dịch.
Một trong các trực giác thiêng liêng lớn của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II là ngài xin chúng ta nhớ và lưu giữ trong ký ức các vị tử đạo của thế kỷ 20, một trong các thế kỷ bạo lực nhất của lịch sử. Và chắc chắn, đứng trước Chúa, chúng ta nhớ đến các chứng nhân đức tin, cùng với họ là vô số nạn nhân đủ mọi sắc dân, mọi thời, mọi điều kiện đã mất mạng sống mình trong những hoàn cảnh bi đát, trên đất liền, trên biển, trong chiến tranh, trong hòa bình, xa mọi tiện nghi, nạn nhân của bạo lực phi lý hay các tai ương không tránh được, họ chết trong tình trạng bị bỏ rơi, trong cô đơn.
Một tiếng kêu đau đớn khôn cùng dâng lên trong âm thầm của bụi đất ở hang cùng ngõ hẻm khắp nơi trên trái đất để những người có tai thì nghe, nhớ lại hàng triệu và hàng tỷ người đã bị bỏ quên. Tiếng khóc của các sinh vật cảm thấy mình chìm trong hố thẳm hư vô và lãng quên. Cho họ và cùng với họ, chúng ta muốn đưa ra lời kêu gọi của lòng thương xót.
Hình ảnh hàng dãy quan tài trong các nhà thờ ở vùng Lombardie, ở các ngôi mộ tập thể lớn gần New York, của những người, nhất là những người lớn tuổi chết trong cô lập và cô đơn đã làm chúng ta đau lòng không ít. Không những nỗi đau của các thân nhân không thể gần người thân để có thể an ủi nhau trong cùng thân phận con người, trong tình liên đới tín hữu kitô, mà còn nỗi đau hơn thế, đó là nỗi đau của những người đã chết trong cô đơn.
Tất cả những điều này làm chúng ta hiểu thêm một lần nữa, sự gần gũi và trìu mến là quý biết bao trong những lúc yếu đuối, già nua và bệnh tật. Nhưng nó cũng làm chúng ta suy nghĩ, rằng có lẽ mọi cái chết, kể cả cái chết của chúng ta luôn mang một chiều kích cô đơn. Bởi vì vào lúc cuối, mọi an ủi và gần gũi của những người khác trở nên bất lực và không ai có thể thoát được đoạn đường cuối này.
Làm thế nào để có thể chuẩn bị giây phút kết hiệp tất cả chúng ta, mà các nạn nhân coronavirus đã đi trước, giây phút trước mặt họ cũng như trước mặt chúng ta? Làm thế nào để thoát được lo âu rơi vào hư vô?
Cách đây không lâu chúng ta vừa sống ơn sống lại của Chúa Kitô. Chúng ta sống mỗi ngày ơn này qua kết hiệp bí tích và kết hiệp thiêng liêng với Chúa Giêsu khi rước lễ. Nhưng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh mang lại cho chúng ta ơn đặc biệt. Cái chết của Chúa Giêsu là cái chết thật và đau đớn, với trải nghiệm bị các môn đệ bỏ rơi và Chúa bỏ rơi một cách huyền bí, như câu Thánh vịnh Chúa Giêsu thốt trên thập giá. Một cái chết thật, táng xác vào mộ vào ngày sabbat. Trong Kinh Tin Kính chúng ta đọc: “… đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông…” Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông, Ngài trở nên gần và thân thiết với tất cả những ai rơi xuống vực thẳm của cái chết. Ngài không quên ai. Với Chúa Giêsu, không có cái chết nào bị lãng quên bất cứ đâu, trên trái đất, trong lịch sử, trong ngóc ngách của đại dịch. Chúa Giêsu thật sự chết như họ và với họ.
Sau khi chết, Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông và sống lại, cái chết không còn như trước. “Chiến thắng của cái chết ở đâu?”, Thánh Phaolô kêu lên. Bây giờ cái chết được sống với Chúa Giêsu, Đấng cho thấy tình yêu của Chúa mạnh hơn cái chết. Và điều này vượt lên mọi cô đơn của con người. Cái chết, dù cái chết không ai biết và bị lãng quên nhất, cũng là phó thác linh hồn vào bàn tay Chúa Cha.
Trong một thánh lễ của Đức Phanxicô ở Nhà nguyện Thánh Marta, ngài bình luận về lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô, ngài mời mọi người hướng về Đấng chịu đóng đinh. Đó là trọng tâm đức tin và đời sống kitô hữu. Những ai nhìn thấy sẽ không bao giờ quên hình ảnh Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nghiêng mình trên thánh giá trong nhà nguyện vài ngày trước khi ngài qua đời, trong khi ở Đấu trường Rôma, giáo dân kết hiệp với ngài trong lời cầu nguyện Đàng Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Sẽ không có cách nào khác để chúng ta chuẩn bị cái chết cho bằng, với trọn tâm hồn chúng ta nhìn Đấng chịu đóng đinh, chết vì chúng ta và cho chúng ta, và để Chúa ôm trọn tâm hồn chúng ta. Khi đó, cái chết trong Chúa Giêsu sẽ mất đi hình ảnh hãi hùng của nó, và để chúng ta cảm nhận được mầu nhiệm của tình yêu và lòng thương xót. Khi đó có thể chúng ta sẽ không còn xung năng gạt đi tư tưởng nghĩ về cái chết và xóa nó trong đời sống hàng ngày của chúng ta; ngược lại, với đức tin và thời gian trôi qua, chúng ta có thể quen thuộc với nó, trở thành “bạn” như Thánh Phanxicô đã nói.
Ngay cả trong thế giới thế tục khi cái chết vì coronavirus hay vì một lý do khác, nhưng chúng ta đừng quên, nhờ ơn Chúa Giêsu, cái chết không có tiếng nói cuối cùng, rằng mọi cái chết dù bị lãng quên, dù đơn độc cũng không rơi vào hư vô, nhưng ở trong bàn tay của Chúa Cha.