Chúa là Cha chúng ta

Thứ sáu - 07/01/2022 18:25 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   732
“Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người, Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần”. (Lc 3, 16).
Chúa là Cha chúng ta

Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa

Chúa là Cha chúng ta

Bạn có nhớ ngày mình sinh ra? Bạn có nhớ ngày mình “chịu phép rửa”? Với câu hỏi thứ nhất, chắc hẳn đa số mọi người trong chúng ta đều có thể trả lời.

Còn câu hỏi thứ hai? Câu hỏi thứ hai, “khó quá” chăng! Vâng, đúng là khó. Là khó, thế nên, Lm. Jude Siciliano trong một bài giảng, Ngài có nói vui rằng: “Tôi chắc rằng một số đông trong chúng ta không ai nhớ được ngày rửa tội của mình!...”

Vâng, rất có thể ngay cả ngày sinh của mình, cũng có người không nhớ. Đây là trường hợp có một số người, trong cuộc di cư 1954 từ Bắc vào Nam, đã bị thất lạc giấy tờ, và họ đã làm giấy khai sinh lại, với ngày tháng năm sinh mới. Hoặc, có một số nam thanh niên (trước 1975) khai rút tuổi để khỏi phải đi quân dịch. Rồi theo năm tháng, những người rơi vào hai trường hợp nêu trên, cũng quên mất ngày-tháng-năm sinh chính thức của mình.

Ngày sinh hay ngày chịu phép rửa, là một ngày trọng đại. Đức Giê-su (vì thời đó chưa có niên lịch), nên không rõ ngày sinh chính thức của Ngài. Tuy nhiên, Giáo Hội theo truyền thống, cũng đã ấn định một ngày rõ ràng, và hôm nay, cả thế giới đều nhìn nhận, đó là ngày 24/12.

Còn ngày Đức Giê-su chịu phép rửa ư! Thưa, chúng ta không biết. Nhưng, cũng theo truyền thống, đó là sau Chúa Nhật lễ Hiển Linh, toàn thể Giáo Hội cử hành lễ kính “Chúa Giê-su chịu phép rửa”.

Chúa Giê-su thật sự đã chịu-phép-rửa. Ngài đã chịu phép rửa, không phải trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem hay tại hội đường, nhưng là tại sông Gio-dan. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.

**

Tin Mừng thánh Luca thuật lại rằng: “Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Messia!” (x.Lc 3, 15).

Người dân đã tự hỏi như thế. Và, ông Gio-an đã trả lời mọi người, rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người, Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần”. (Lc 3, 16).

Thật vậy, ông Gio-an đã làm phép-rửa-trong-nước. Và, “khi toàn dân đã chịu phép rửa”, Người-sẽ-làm-phép-rửa-trong-Thánh-Thần, đó chính là Đức Giê-su, bất ngờ xuất hiện và “cũng chịu phép rửa” do ông Gio-an làm.

Có ngạc nhiên không, nhỉ! Thưa, chắc phải vậy. Phải vậy, bởi chính ông Gio-an cũng đã ngạc nhiên. Theo thánh sử Mát-thêu ghi lại, thì ông Gio-an “một mực can” Đức Giê-su. Ông nói: “Chính tôi mới cần Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3, 14).

Vâng, cũng qua thánh sử Mát-thêu, chúng ta được biết Đức Giê-su đã trả lời ông Gio-an, rằng: “Bây giờ cứ thế đã”.

Cứ-thế-đã, thưa quý vị, đó là lý do ông Gio-an phải “chiều ý Ngài” Và rồi, hôm ấy tại dòng sông Giodan đã xảy ra nhiều điều huyền diệu.

Điều huyền diệu đầu tiên, đó là: “đang khi (Đức Giê-su) cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dạng chim bồ câu”. Điều huyền diệu kế tiếp, đó là: “Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3, 22).

***

“Bây giờ cứ thế đã”… Đức Giê-su đã nói như thế. Thế nên, đừng ngạc nhiên về việc Chúa Giêsu, có tội tình gì đâu, thế mà Ngài đã “chịu phép rửa”, một phép rửa tỏ-lòng-sám-hối-để- được-ơn-tha-tội.

Vâng, Đức Giê-su chẳng có tội-tình-gì. Trong thư gửi tín hữu Do Thái, tác giả cũng đã có lời truyền dạy như thế, lời truyền dạy rằng: “Chúng ta có một vị Thượng Tế… Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4, 15).

Đức Giê-su “không phạm tội”. Nhưng Ngài vẫn chấp nhận cùng-chịu-phép-rửa, Ngài sẵn sàng “dìm mình xuống” (hồi đó dìm mình xuống nước là nghi thức chịu phép rửa), là để gánh-lên-tội-lỗi-trần-gian.

****

Chúa Nhật hôm nay (09/01/2022), toàn thể Giáo Hội long trọng cử hành lễ kính “Chúa Giê-su chịu phép rửa”. Cử hành lễ kính này, không chỉ để nhìn lại một biến cố lịch sử, một biến cố của những nhiệm mầu, nhưng còn là để nhớ đến việc mỗi chúng ta cũng đã “làm phép rửa” một phép rửa được nâng lên thành “Bí Tích – Bí Tích Rửa Tội”.

Nhớ đến việc đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội để chúng ta tái-khám-phá một ân huệ, một ân huệ chúng ta “được gọi là con Thiên Chúa”.

Được-gọi-là-con-Thiên-Chúa, điều này “không phải bởi sức anh em”, thánh Phao-lô nói: “mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (x.Ep 2, 8).

Thế nên, sẽ thật là nghiêm túc khi chúng ta cảnh giác và tránh xa trước những việc “thờ quấy, phù phép”, là những việc sẽ làm cho chúng ta dần xa rời ân huệ được “Thiên Chúa ở cùng”.

Đừng để những “việc do tính xác thịt gây ra”, đại loại như: dâm bôn, ô uế, phóng đãng v.v… ngự trị tâm hồn chúng ta. Nó… chính nó là thủ phạm làm cho chúng ta mất đi ân huệ “được nhìn thấy Thiên Chúa”.

Cuối cùng, đừng để những “bụi bặm của trần gian” những bụi bặm của ích kỷ, của hận thù, của bất hòa, của nóng giận, của tranh chấp, của chia rẽ, của bè phái, của ganh tỵ, v.v… là những nguyên nhân làm cho chúng ta xúc phạm đến ân huệ mình “được gọi là con Thiên Chúa”.

Ngoài việc “được gọi là con Thiên Chúa”, Lm Charles E.Miller còn xem “Bí Tích Rửa Tội là bước đầu trong cuộc hành trình của chúng ta lên Giê-ru-sa-lem với Đức Ki-tô để thông phần Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người”.

“Nhà Thờ”, Lm. Charles nói tiếp: “Là Giê-ru-sa-lem của chúng ta”. Thế nên, sẽ thật khôi hài khi chúng ta đã “chịu phép rửa” nhưng lại không thích đến Nhà Thờ.

Không đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ, Lm Charles E.Miller có thêm lời chia sẻ, rằng: “cũng giống như tay chơi vĩ cầm mà chẳng bao giờ mó tới cây đàn của mình”.

Quy tụ nơi đây, nơi nhà thờ, chúng ta được đồng hành cùng Đức Giêsu qua Thánh Thể. Và, đây… đây chính lúc chúng ta nhận thêm một ân huệ nữa, ân huệ “tôi sống không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Đức Kitô sống trong tôi, chẳng phải đó chính là nguồn lực để tôi không còn ngại ngùng “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”, đó sao!

Vâng, còn đó… còn rất nhiều cây thập tự mà chúng ta cần phải như “ông Simon gốc Kyrene”, cúi xuống gánh vác cùng với Đức Giê-su. Đó chính là cây-thập-tự-bác-ái, cây-thập-tự-nhẫn-nhục, cây-thập-tự-từ-tâm, cây-thập-tự-trung-tín, cây-thập-tự-hiền-hòa, cây-thập-tự-tiết-độ.

Khi chúng ta “vác” những cây thập tự nêu trên, điều gì sẽ xảy ra! Thưa, có phần chắc, chúng ta sẽ tạo ra một bức tranh tuyệt hảo, một bức tranh “anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu” (x.Hc 25, 1).

Này nhé! Hãy nhớ, ba điều nêu trên “cả ba đều đẹp lòng Đức Chúa”. Đẹp lòng Đức Chúa thì sao, nhỉ! Thưa, hãy tin, vào ngày phán xét, Đức Chúa sẽ nói với chúng ta, như xưa đã nói với Đức Giê-su tại sông Gio-dan, rằng: “Con là con của Cha”.

“Con là con của Cha”. Vâng, đó là niềm hạnh phúc lớn. Hạnh phúc được kết nạp vào gia đình Thiên Chúa. Thế nên, đừng vì lý do nào đó mà chúng ta không đến nhà thờ. Bởi vì nhà thờ là nơi chúng ta hiệp nhất mật thiết với Đức Giê-su (là một thành viên của gia đình Thiên Chúa) qua Bí Tích Thánh Thể.

Lm.Charles E.Miller gọi sự mật thiết này “mật thiết đến nỗi định mệnh của Người cũng là định mệnh của chúng ta”.

Do vậy, đã là một Ki-tô hữu, đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, đừng để định mệnh của mỗi chúng ta nằm trong sự kiềm tỏa của Satan. Hãy để định mệnh của mỗi chúng ta nằm trong sự quan phòng của Chúa. Bởi vì “Chúa là Cha của chúng ta”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây