Đảo ngược hình thể!

Thứ hai - 21/02/2022 06:24 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   365
“Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Giáo hội của Thầy, và quyền lực của tử thần sẽ không thắng được” (Mt 16,18).
Đảo ngược hình thể!

ĐẢO NGƯỢC HÌNH THỂ!

(Thứ Ba ngày 22/02 – Lập Tông Tòa Thánh Phêrô - 1P 5,1-4;Mt 16,13-19)

Hàng năm, vào ngày 22 tháng 02, Giáo hội Công giáo khi kính nhớ việc lập Tông Tòa Thánh Phêrô thì không giới hạn tấm lòng và tầm nhìn vào cái ngai tòa của vị Đại Diện Chúa Kitô ở trần gian là Đức Giáo Hoàng. Trọng tâm của ngày lễ này là chính Giáo hội mà Chúa Kitô thiết lập trên đá tảng Phêrô và các tông đồ. Tin Mừng cho chúng ta thấy chính niềm tin của Phêrô và các bạn đồng môn, qua lời tuyên xưng của vị tông đồ cả, là cơ sở để Chúa Giêsu chọn các vị làm nền tảng cho tòa nhà Giáo hội Người sẽ xây và Người khẳng định là quyền lực của thần dữ “sẽ không thắng được” (x.Mt 16,13-19).

Có thể nói từ trước đến nay, dựa vào lời mạc khải, Kitô hữu chúng ta tin nhận các tông đồ là những viên đá tảng được Chúa Giêsu chọn làm nền móng căn nhà Giáo hội mà Người xây. Đã là đá móng nền dĩ nhiên có vai trò vị trí quan trọng trong việc nâng đỡ và gìn giữ sự vững chắc của tòa nhà. Tuy nhiên vị thế của đá móng nền phải là ở phía dưới. Thế nhưng theo thời gian các đá móng nền ấy đã từng được đặt lên trên cao chót vót của tòa nhà với hình “kim tự tháp”. Nói đến Giáo hội thì người ta trình bày đó là Đức Giáo hoàng, các Hồng y, Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và cuối cùng là tập thể giáo dân.

Tạ ơn Chúa, Công Đồng Vaticanô II đã “lật ngược” cái hình “kim tự tháp” này khi biết trở về nguồn với Tin Mừng, cách riêng với lời của Chúa Giêsu: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Giáo hội của Thầy, và quyền lực của tử thần sẽ không thắng được” (Mt 16,18). Chính thánh tông đồ cả Phêrô đã ý thức điều này nên ngài nhắn nhủ với các mục tử trong Giáo hội hãy nhiệt thành và khiêm hạ phục vụ đoàn chiên Chúa trao, đừng lấy quyền mà thống trị vì ham hố lợi lộc thấp hèn (x.P 5,1-4).

Hiến chế tín lý về Giáo hội của Công đồng Vaticanô II đã phác họa hình ảnh Giáo hội cách rõ nét. Các mục tử là những người đầy tớ của đoàn chiên Chúa. Có Đức Giáo hoàng tự nhận và tự mình tôi tớ của các tôi tớ. Hẳn chúng ta đã rõ vị thế của người đầy tớ thường là ở phía dưới. Thế nhưng thử hỏi vì sao “tinh thần giáo sĩ trị” lại hình thành và trở nên một trong những nguyên nhân gây ra biết bao điều đáng tiếc và thật đáng trách khiến cho các Đức Giáo hoàng gần đây cách riêng Đức Phanxicô phải thẳng thắn nhìn nhận và đấm ngực ăn năn xin lỗi công khai?

Thiển nghĩ rằng trong nhiều nguyên nhân thì có đó một nguyên nhân là sự “bất tương đồng” giữa lý thuyết thần học về Giáo hội theo Công đồng Vaticanô II với việc thể chế, luật lệ hóa các sinh hoạt và tổ chức trong Giáo hội theo Bộ Giáo luật năm 1983. Các vị trong hàng “đầy tớ”, ở hàng đá móng nền phía dưới không chỉ được đề cao chức vị mà còn được trao quá nhiều quyền, trong khi đó những người ở hàng trên, hàng được phục vụ thì dường như chẳng có quyền gì với người hàng dưới. Có lời dí dỏm rằng những người ở hàng trên trong cái hình “cái tháp lật ngược” của Công Đồng Vaticanô II đã có cái quyền rất to, đó là “quyền vâng phục” rồi, còn đòi hỏi gì nữa!

Thượng Hội Đồng “Hiệp Hành”: “Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ Vụ” đang mở ra là một trong những nỗ lực của Đức Phanxicô thực thi giáo huấn của Cộng Đồng Vaticanô II để dần hoàn thiện chân dung tòa nhà Giáo hội đúng và đẹp ý Chúa Giêsu. Mong sao Thượng Hội Đồng không dừng lại ở các hình thức “họp hành” nhưng tiến triển tốt đẹp và gặt hái nhiều kết quả như lòng Chúa mong ước.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây