Hãy là cuộc trường chinh gặp Chúa

Thứ bảy - 11/03/2023 07:22 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   308
“Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?”
 
tbd 110323a


Chúa Nhật III – MC – A
Hãy là cuộc trường chinh gặp Chúa

Cuộc sống của con người là một chuỗi dài của những cuộc gặp gỡ. Có những cuộc gặp gỡ làm cho ta nôn nóng, ví dụ như nôn nóng gặp người thân xa cách đã lâu. Có những cuộc gặp gỡ làm cho ta háo hức, ví dụ như háo hức gặp người yêu, chẳng hạn. Cũng có những cuộc gặp gỡ khiến cho ta bực bội, khó chịu, sợ hãi. Đó là gặp phải một người mồm to nhiều chuyện, hoặc một tên cướp cạn, xin đểu, trấn lột v.v…

Là một Ki-tô hữu, còn một cuộc gặp gỡ nữa, rất cần thiết, đó là cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô. Gặp gỡ Đức Ki-tô, thì sao! Thưa, Lm. Tiến Lộc có lời chia sẻ: “Gặp gỡ Đức Ki-Tô, biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Ki-Tô đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Ki-Tô chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ Đức Ki-Tô nảy sinh tình đệ huynh.”

Thật thế sao? Thưa, đúng vậy. Người đầu tiên, là ông Lê-vi. Sau khi gặp gỡ Đức Giê-su, ông đã biến-đổi-cuộc-đời-mình, biến đổi từ một người thu thuế thành người môn đệ của Đức Giê-su.

Rồi đến trường hợp ông Da-kêu. Là thủ lãnh những người thu thuế, một hạng người bị cho là kẻ tội lỗi, thật khó có hy vọng được gặp gỡ Đức Giêsu. Thế mà, ông lại được gặp Ngài. Hay nói đúng hơn, Đức Giê-su chủ động gặp ông, ngay ở-trong-nhà-ông. Qua sự kiện gặp gỡ này, Đức Giêsu đã chinh phục được tâm hồn ông. Từ một hạng người bị mọi người xầm xì cho là “người tội lỗi”, ông đã được cảm hóa và được nhận lãnh ơn-tái-sinh.

Gặp-gỡ-Đức-Giê-su-chân-thành-mình-gặp-mình, đó là trường hợp người phụ nữ tại Samari. Câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an. (x.Ga 4, 5-42)

**
Tin Mừng thánh Gio-an thuật lại rằng: Hôm ấy, Đức Giêsu “đến một thành xứ Samari, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cop đã cho con là ông Giu-se. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.” (x.Ga 4, 5-6).

Là khoảng-mười-hai-giờ-trưa. Vâng, thời khắc này chắc hẳn là rất nóng. Ấy thế mà có lạ không kia chứ, bất chấp nắng nóng “một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước”! Lạ hơn nữa, khi thấy người phụ nữ này, “Đức Giê-su nói với người ấy: Chị cho tôi xin chút nước uống.”

Vâng quả là lạ! Lạ vì, theo lẽ thường “người Do Thái không được giao thiệp với người Samari”. Và đó là lý do, khi nghe Đức Giê-su xin nước, người phụ nữ Samari nói: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?”

Nghe thế, Đức Giê-su vẫn không có một cử chỉ gì gọi là kỳ thị. Trái lại, Ngài lại có những lời nói rất chân tình, nói rằng: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị ‘Cho tôi chút nước uống’ thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” (x.Ga 4, 10).

Điều gì là ân-huệ-Thiên-Chúa-ban! Nước gì lại gọi là nước-hằng-sống! Chắc hẳn người phụ nữ này không hiểu. Và, chính vì không hiểu nên chị Samari này đã nói với Đức Giê-su: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy?”

Xưa, ngôn sứ Edekiel đã được “Thiên thần dẫn tôi đến cửa nhà Chúa, và đây nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông, vì mặt tiền nhà Chúa hướng về phía đông, còn nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ. Thiên thần dẫn tôi qua cửa phía bắc, đưa đi phía ngoài, đến cửa ngoài nhìn về hướng đông, và đây nước chảy từ bên phải… Người ấy lại nói với tôi: Nước này chảy về phía cồn cát, phía đông, chảy xuống đồng bằng hoang địa, rồi chảy ra biển, biến mất trong biển và trở nên nước trong sạch. Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. (Ed 47, 1-2… 8-9)

Vâng, tất cả đều được sống, nhưng đó chỉ là sự sống thuộc thể. Nay, với Đức Giê-su, Ngài nói về một nguồn nước, nguồn nước đem-lại-sự-sống-thuộc-linh.

Hôm ấy, trả lời người phụ nữ Samari, Đức Giê-su nói: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ phải khát. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (x.Ga 4, 13).

Dù chưa biết nước ấy ngon ngọt ra sao, nhưng khi nghe Đức Giê-su nói thế, người phụ nữ Samari liền nói với Ngài, rằng: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.”

Vâng, thật đáng cảm phục về độ tin cậy của chị ta. Chỉ mới diện kiến lần đầu. Chưa biết Đức Giêsu là ai, thế mà chị ta vẫn cứ tin vào lời nói của Ngài.

Mà, làm sao lại không tin cho được. Là một kẻ xa lạ, mới chỉ là cuộc gặp gỡ lần đầu, thế mà Đức Giêsu đã biết rất rõ cái lý lịch đen tối của chị ta, rằng: “chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị…” (Ga 4, 18).

Rất, có rất nhiều điều Đức Giê-su đã nói với người phụ nữ này. Những điều đó, có thể nói, đó là những điều mà hôm nay chúng ta cần ghi khắc trong con tim mình.

Hôm ấy, tranh luận với người phụ nữ Samari về việc phải thờ phượng Chúa ở đâu, Đức Giê-su có nói: “Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (x.Ga 4, 23-24).

Chúng ta hãy nhớ nha! Thờ phượng Chúa phải thờ phượng trong thần khí và sự thật. Không phải trên núi… gì gì đó, mà phải “lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy Cha” (bản dịch United Bible Societies).

Kết thúc cuộc gặp gỡ, người phụ nữ Samari hoàn toàn bị chinh phục bởi những gì Đức Giê-su đã nói với mình. Bà ta “…vào thành và nói với người ta: Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”.

Không dừng ở đó, người phụ nữ Samari còn nói tiếp rằng: “Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” (x. Ga 4, 28).

Có thể kết luận rằng, cuộc gặp gỡ giữa người phụ nữ Samari và Đức Giê-su là một cuộc gặp gỡ không chỉ làm cho bà ta thấy rõ “mình gặp mình”, mà còn “nảy sinh tình đệ huynh.”

Hôm ấy, những người đệ-huynh trong thành, sau khi nghe những lời tường trình của bà, “Họ ra khỏi thành và đến gặp (gỡ) Người… Khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày.”

Vâng, cuộc gặp gỡ này đem đến cho dân Samari một cái nhìn rõ nét về Đức Giê-su. Họ nói: “Người thật là Đấng cứu độ trần gian”.

***
Là một Ki-tô hữu, chúng ta đã gặp gỡ Đức Ki-tô? Sao! Ngài đã về trời rồi, nên không gặp được, sao! Đúng, Đức Giê-su đã về trời, nhưng Ngài vẫn ở lại với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế.”, kia mà!

Thật vậy, Đức Giê-su vẫn đang ở với chúng ta. Ngài đang ngồi bên bờ giếng, nhưng không phải là bờ giếng Gia-cóp năm xưa, mà là ngồi bên “bờ giếng Thánh Thể”.

Nói rõ hơn, Đức Giê-su đang ngồi nơi Bàn Tiệc Thánh Thể… và chờ, chờ chúng ta đến gặp gỡ Ngài, cùng với Ngài ”dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Tham dự bữa tiệc này, chúng ta “sẽ không bao giờ khát nữa”. Chúng ta sẽ được ăn một thứ bánh và uống một thứ rượu “đem lại sự sống đời đời”. Đó chính là Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô.

Vâng, đó là điều chính Đức Giê-su phán hứa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống.” (x.Ga 6, 54-55).

Chớ, chớ có mải mê bu quanh bờ-giếng-trần-thế, những bờ giếng tưởng như là sẽ cho làm chúng ta thỏa mãn những cơn khát, đại loại như: khát quyền lực, khát danh vọng, khát tiền bạc, khát tình dục v.v...

Đừng quên “Tất cả chỉ là phù vân”. Vâng, Cohelet có nói rằng: “Đào kép, mỹ nữ cung phi ư! Tôi đã trổi vượt và giàu có hơn mọi người... Tôi nhận thấy: tất cả chỉ là phù vân.” (Gv 2, 11).

Một điều nữa chúng ta cần nên nhớ, đó là đừng bao giờ để mình: “Khát… lời ĐỨC CHÚA” (x.Am 8, 11). Hãy đến bờ-giếng-Thánh-Kinh, nơi chúng ta sẽ được khỏa lấp những “cơn khát chân lý và lẽ thật”, chân lý và lẽ thật dẫn chúng ta đến hạnh phúc Nước Trời.

Thật ra, gặp gỡ Đức Giê-su không quá khó. Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta, trên con đường đời ta đi. Chúng ta gặp gỡ Ngài nơi những người đói ăn, nơi những người nghèo khổ, nơi những kẻ bệnh hoạn, tật nguyền, nơi những đứa trẻ mồ côi, nơi những phụ nữ đơn thân nuôi con v.v…

Chúng ta có thể gặp gỡ Đức Giê-su qua việc “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.”

Chúng ta có thể gặp gỡ Đức Giê-su qua việc “Đem tin kính vào nơi nghi nan. Chiếu trông cậу vào nơi thất vọng… rọi ánh sáng vào nơi tối tăm. đem niềm vui đến chốn u sầu.”

Xưa, người phụ nữ Samari nói với Đức Giê-su, rằng: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.”

Nay, là một Ki-tô hữu, chúng ta sẽ xin gì với Đức Giê-su? Nên chăng, xin Ngài “sự sống đời đời và khỏi phải chết đời đời”! Muốn thế, không gì tốt hơn là hãy biến cuộc đời mình là một cuộc trường chinh gặp gỡ Đức Ki-tô.

Vâng, là một Ki-tô hữu, cuộc đời của chúng ta “hãy là cuộc trường chinh gặp Chúa”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây