Nước Thiên Chúa là Giáo Hội

Thứ bảy - 12/06/2021 06:26 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   806
“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.” (x.Mc 4, 26).



Chúa Nhật XI – TN – B


Nước Thiên Chúa là Giáo Hội

Sau ba mươi năm sống ẩn dật ở Na-da-rét, Đức Giê-su ra đi loan báo Tin Mừng. Galilê chính là nơi khởi đầu cho sứ vụ của Ngài. Hôm ấy, với tâm hồn tràn đầy Thần Khí, Đức Giêsu rao giảng rằng: “Thời đại đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).

Kể từ khi sứ điệp được loan ra, những người Phariseu luôn tìm cơ hội để chất vấn Đức Giêsu. Một lần nọ, khi cơ hội đến, họ đã hỏi Đức Giê-su, rằng: “Bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến?” (Lc 17, 20).

Vâng, một câu hỏi thật là chính đáng. Chính đáng là bởi, đối với người Do Thái, khi nói đến Triều Đại hay Vương Quốc Thiên Chúa, họ nghĩ rằng đó là một Vương Quốc thật sự giữa trần gian với đầy đủ uy quyền của nó. Israel đã được dạy dỗ rằng, sẽ có một Đấng Messia đầy quyền uy đến giải thoát họ khỏi gông cùm của đô hộ bởi ngoại bang và lập ra một Triều Đại mới.

Thế nhưng, đó không phải là ý nghĩa của sứ điệp mà Đức Giêsu công bố. Ý nghĩa đích thực của sứ điệp đã được Đức Giêsu hé mở trong một dịp Ngài và các môn đệ đến vùng kế cận thành Xêdarê Philipphê.

Tại nơi đây, Đức Giêsu đã thiết lập một “Nước Thiên Chúa” qua việc trao cho môn đệ Phêrô “chìa khóa Nước Trời”. Nước-Thiên-Chúa không phải là một thực thể trần gian. Nước Thiên Chúa mà người môn đệ Phêrô được Thầy Giêsu trao quyền “cầm buộc – tháo cởi” chính là “Hội Thánh của Thầy” (x. Mt 16, …18).

Vì thế, trước câu hỏi của nhóm Pharisêu được nêu ở trên, Đức Giêsu đã trả lời rằng: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được” (Lc 17, 20).

Trong một lần giảng dạy ở ven Biển Hồ, Đức Giê-su đã sử dụng hai dụ ngôn “dụ ngôn hạt giống tự mọc lên” và “dụ ngôn hạt cải” như một cách minh họa cho thông điệp về Nước Thiên Chúa, một thông điệp mà Ngài đã công bố tại Galile, trước kia.

**
Dụ ngôn được kể rằng: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.” (x.Mc 4, 26).

“Một người vãi hạt giống xuống đất”. Vâng, đây là hình ảnh rất quen thuộc đối với người Việt Nam, là một xứ nông nghiệp, chúng ta. Chính tôi, tôi cũng có một thời gian làm công việc này. Thế nhưng, hồi ấy tôi không “vãi” mà là “vùi”, vùi hạt bắp xuống đất.

Vùi xong rồi làm gì nhỉ! Thưa, đêm thì ngủ, ngày thì thức đi uống cà-phê. Và rồi sau đó, thì sao? Đúng… đúng như những gì Đức Giê-su đã nói: “Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết”. Hạt bắp của tôi cũng vậy. Nó nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào, tôi không biết.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã diễn tả rất chi tiết, rằng: “Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt”. Rẫy bắp của tôi hồi ấy, cũng mọc lên, sau cùng thành một rẫy bắp, với những cây bắp nặng trĩu trái, đầy dinh dưỡng.

Với “dụ ngôn hạt cải”, Đức Giê-su cũng đã dùng nó để nói về Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Hôm ấy, Ngài nói rằng: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (x.Mc 4, 31-32).

Vâng, đúng… hạt cải là một loại hạt giống “nhỏ nhất trên mặt đất”. Thế nhưng, chắc hẳn trong chúng ta chưa ai thấy cây cải lớn “đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”, phải không thưa quý vị!

Thật ra, điều Đức Giê-su nói, không phải là nói ngoa, đó là sự thật. Cố linh mục Tanila Hoàng Đắc Ánh - OP, đã nhìn thấy cây cải đó ở Giêrusalem trong dịp ngài sang bên đó du học. Trong một lần giảng về đề tài này, ngài cho biết, cây cải đó cao khoảng hai mét.

***
Ý nghĩa (thật) của dụ ngôn này nghĩa là gị? Thưa, Lm. Charles E. Miller có lời chia sẻ rằng: “Chúa Giê-su không định dạy chúng ta một bài học về nông nghiệp hay vật lý, mà thôi thúc ta chiêm ngắm một mầu nhiệm sâu thẳm hơn, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa trong Giáo Hội”.

Mà đúng vậy. Sự ví von của Đức Giê-su về “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải gieo xuống đất”, đã xảy ra đúng như thực tế trong lịch sử Giáo Hội. Thật vậy, lịch sử Giáo Hội tiên khởi cho chúng ta thấy, thoạt đầu mười hai người môn đệ chỉ là một nhúm nhỏ “hạt cải”. Thế mà, khi được gieo trồng tại Giê-ru-sa-lem, nhờ đức tin, nó “mọc lên”… mọc lên bắt đầu từ mảnh đất phương bắc An-ti-ô-khi-a xứ Xyri, kế tiếp, vượt qua Địa Trung Hải để đến Rô-ma… Châu Âu và cuối cùng mọc tới “tận cùng trái đất”.

Theo số liệu mới nhất của Giáo Hội Công Giáo, tính đến ngày 31/12/2018 và được công bố vào ngày 18/10/2020 là ngày thế giới truyền giáo, cho biết: tổng số người Công Giáo hiện đang sống trên toàn cầu là 1.328.993.000 tín hữu. (nguồn: website HĐGMVN).

Vâng, chắc hẳn nhóm mười hai các môn đệ năm xưa không nghĩ rằng, chỉ là một “hạt cải Phêrô” được “vãi xuống đất”, mảnh đất tại kinh thành Roma năm xưa, nay sau hơn hai mươi thế kỷ nó đã trở thành “cây cải Vatican khổng lồ”, để rồi từng đàn chim tín hữu trên khắp thế giới, “có thể làm tổ dưới bóng”, như hôm nay. 

Điều này chẳng phải là Mầu Nhiệm - Mầu Nhiệm mang tên Hội Thánh, đó sao!

Hôm nay, có một vài thiếu xót và sai lầm của bản thân ta hay của một ai khác đó, khiến cho khuôn mặt của Hội Thánh trở nên méo mó khó thương và là cớ làm cho con cái Chúa trong Hội Thánh nản lòng dẫn đến xa lìa Hội Thánh, không còn muốn “làm tổ dưới bóng” Hội Thánh.

Thế nên, đã đến lúc mỗi chúng ta cần phải sám hối, như xưa kia Đức Giê-su kêu gọi: “Anh em hãy sám hối”? Và chúng ta cũng cần cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần. Nguyện xin Người “canh tân và đổi mới” tâm hồn chúng ta.

Nhìn khuôn mặt méo mó của Hội Thánh thời đại hôm nay, Lm Charles E. Miller quá đúng khi có lời chia sẻ: “Như một bụi cây thỉnh thoảng cần được mé tỉa để sung sức và lớn lên, Giáo Hội cần phải sám hối và được canh tân, đây cũng là công việc của Chúa Thánh Thần”.

Đúng vậy, chúng ta cần phải canh tân, canh tân đời sống đức tin của mình. Mà, muốn canh tân đời sống đức tin của mình, không gì tốt hơn là hãy đọc Kinh Thánh, học Kinh Thánh, cầu nguyện bằng Kinh Thánh.

Còn việc sám hối ư! Vâng, hãy sám hối về những thói ích kỷ, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, bè phái, chia rẽ, ganh tỵ, say sưa chè chén, dâm bôn, phóng đãng, thờ quấy, mà trong một phút yếu lòng chúng ta đã vấp phạm.

Nói theo cách nói của tông đồ Phao-lô, đó là chúng ta hãy canh tân và sám hối về “những việc tốt hay xấu đã làm” (x.2 Cor 5, 10).

Vì có như thế Giáo Hội mà hôm nay chúng ta là một thành viên, mới không hổ thẹn là “Giáo Hội của Đức Giê-su” – một Giáo Hội chính Ngài đã tuyên bố, rằng: “Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”.

Vì có như thế, Giáo Hội hôm nay mới có thể trở thành nơi “chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

Vì có như thế, chúng ta mới có thể nói lại lời Đức Giê-su đã nói năm xưa, cho những người của thời đại hôm nay, rằng: “Này… Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17, 21).

Nói theo cách nói gần gũi hơn: Nước Thiên Chúa chính là Giáo Hội.


Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây