Quê nhà yêu dấu

Chủ nhật - 09/04/2023 10:22 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   316
Chúa cũng có một thời đã yêu thương nơi Galilê. Người đã đi xa và ngày về hẹn gặp lại tông đồ để sống mãi tình yêu ngày đầu Chúa gọi theo chân.
Quê nhà yêu dấu
Quê nhà yêu dấu




Mỗi người sinh ra đều có một miền dấu yêu. Nơi ấy ghi bao kỷ niệm một thời ta yêu thương, ta cảm mến tình thân hữu, bạn bè, thời học sinh, sinh viên và lần đầu biết yêu thương… Ta nhớ rất nhiều khi đi xa và mong trở về ngày nào sống lại thời dấu yêu. Chúa cũng có một thời đã yêu thương nơi Galilê. Người đã đi xa và ngày về hẹn gặp lại tông đồ để sống mãi tình yêu ngày đầu Chúa gọi theo chân.

“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó." (Mt 28, 10)
Chúa Giêsu sinh trưởng nơi làng Nazareth, một làng quê nhỏ bé trong vùng Galilê. “Ông Na-tha-na-en liền bảo: "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1, 46). Người làng có giọng nói đặc sản nhà quê, không trang nhã như giọng người thành Giêrusalem. Phêrô bị nhận ra khi hiện diện nơi quan toà Caipha, bởi chất giọng của ông giống như Chúa Giêsu đang bị kết tội về tôn giáo.
Có gì đâu miền quê nghèo của ta mà ta cứ nhớ mãi, khóm tre, bờ ruộng. Những câu nói đặc sản miền quê nghèo, đơn sơ mà đầy tính hiền hoà. Ta dù xa quê nhiều năm tháng, vẫn hoài mong về làng quê xưa ấy. Đi đâu cũng mơ thấy hình bóng quê nhà, tiếng chim hót, mái tranh, khói lam chiều, những bữa cơm trắng, cá kho, rau vườn. Bạn bè một thời ở đó cùng nhau lớn lên rồi mỗi đứa một phương. Ước mong ngày nào đó gặp lại nhau trên mảnh đất quê hương, nhưng khó quá, ta ơi! .
Galilê Chúa Giêsu sống và rao giảng, trước đó có ngôn sứ Elisê, Giona, Hôsê và sau này mười một trong số mười hai tông đồ sinh sống tại đó. Một Galilê sống động, trù phú bởi những cánh đồng, hồ ao, sông suối. Thời Chúa Giêsu có  294 làng trong miền Galilê, nơi có nhiều người ngoại quốc thường hay lui tới, nên cũng giao thoa nhiều tôn giáo khác nhau. Người Do Thái thường gọi Chúa Giêsu với danh xưng miệt thị: “Người Galilê” vì không giữ nghiêm chỉnh đạo Do Thái Giáo. Người Galilê theo sử gia Josephus nói: “Bao giờ họ cũng thích cải cách, bản tính họ thích thay đổi và thích bạo động. Họ luôn sẵn sàng theo một thủ lãnh và phát khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi tiếng là người nóng tính và thích cãi vã. Tuy nhiên, họ cũng là những người hào hùng nhất”.
Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ tại Galilê, phần lớn các tông đồ cũng là người Galilê. Với tính chất mộc mạc, đa phần sống nghề lưới, họ cũng là những người mạnh mẽ, dám mạo hiểm hơn ai hết, được Chúa gọi: “Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.” (Mt 4, 22).
Ta cũng có thể thấy những điểm xuất phát của từng ơn gọi mỗi người. Có những ơn gọi từ miền quê hẻo lánh, những nơi học vấn không khá gì, những nơi tầm thường, ít ai biết. Thế nhưng, qua năm tháng, qua những người thầy, qua những trường lớp, qua kinh nghiệm, về hiểu biết. Họ đã trưởng thành trong ý chí vững vàng, họ đã trở nên những con người có ích cho quê hương, cho tổ quốc, cho Giáo hội.
Trở về nơi đầu tiên Chúa gọi, Galilê như một nơi chốn để nhắc nhủ rằng: “Nơi đầu tiên, cũng là nơi sống lại những kinh nghiệm đã sống để nên lời chứng quan trọng trong cuộc đời. Điều kiện này được ghi lại khi chọn lựa Matthia thay cho Giuđa Iscariot: “Có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh." (Cv 1, 21 – 22) 
Ta cũng được mời gọi về điểm xuất phát đầu tiên, để có khi bắt đầu lại, hay khi hâm nóng lại nhiệt huyết ban đầu. Sống sứ vụ của ta tích cực hơn, mạnh mẽ hơn và xác tín hơn. Giúp cho người, cho đời và cho Giáo Hội, nơi ta bắt đầu.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây