Sự tha thứ muộn màng

Thứ tư - 09/11/2022 06:48 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   344
Tha thứ là một bài học có lẽ khó nhất và cũng có lẽ là bài học thể hiện lòng yêu thưong trọn vẹn nhất trong cuộc đời.
Sự tha thứ muộn màng

Sự tha thứ muộn màng


 
 
Tha thứ là một bài học có lẽ khó nhất và cũng có lẽ là bài học thể hiện lòng yêu thưong trọn vẹn nhất trong cuộc đời.
Hai vợ chồng bác sĩ nọ rất mực yêu thương nhau. Mười lăm năm sống với nhau vẫn thấy rằng họ cần có nhau, chỉ có một nỗi buồn, họ chưa có với nhau một người con. Gia đình chưa thể nói là hạnh phúc trọn vẹn khi họ không có con. Họ chia sẻ với nhau nỗi buồn, đón nhận nhau ở trong hoàn cảnh ấy, nhưng trong sâu thẳm lòng họ vẫn không hề nguôi ngoai khắc khoải, họ cần có một đứa con. Cái ước muốn từ sâu thẳm cứ len lỏi qua từng ngày trong cuộc sống.
Cho đến một hôm, ông bác sĩ bị đau bệnh, bởi chứng huyết áp của mình. Ông cần tĩnh dưỡng và cần nghỉ ngơi. Người vợ thương ông sắp xếp cho ông một chỗ nghỉ nơi xa để tách ra khỏi công việc, bà còn ân cần thu xếp cho ông có một nữ y tá theo ông để chăm sóc.
Những ngày nghỉ ở nơi xa, ông bà vẫn gặp nhau vào những ngày cuối tuần tại nơi ông nghỉ. Bà muốn ở lại chăm sóc ông, nhưng vì bà vẫn chưa thể nghỉ vì học sinh chưa tới kỳ hè. Những lần họ gặp nhau họ vẫn ân cần chia sẻ cho nhau những gánh nặng của công việc, chỉ có điều họ không chia được với nhau nỗi buồn thiếu vắng trong gia đình một đứa con. Bà ra về an bình trong tình yêu của mình.
Những ngày nghỉ với sự chăm sóc của cô y tá làm lay động lòng ông. Ông cần có một đứa con, cái khoa học ngày ấy chưa phát triển để giúp hai ông bà chính thức có đứa con với nhau. Ông đã đến với cô y tá. Ông không muốn phản bội tình yêu của mình, nhưng ông cần có một đứa con, cái khát vọng âm ỉ mười lăm năm qua dày vò ông và vợ ông. Cả hai chưa bao giờ bội phản tình yêu của mình, nhưng trong hoàn cảnh đó, ông thật sự không làm chủ được tình yêu của mình. Ông đã đến với người nữ y tá, và cô ấy có thai.
Sau những ngày nghỉ ông trở về, lòng mang theo những nỗi buồn mới. Ông không thể không xin lỗi bà vì những gì đã trót làm. Ông thuật lại cho bà nghe tất cả những lỗi lầm ấy, xin bà hãy tha thứ. Tình yêu lớn hơn tội lỗi, người ta nói đúng, sau nhiều nỗi đắng cay bà tha thứ cho ông, bà tiếp nhận  đứa con riêng của ông cũng với hết tình nghĩa, chỉ có điều, bà không thể đi xa hơn sự tha thứ của mình là tiếp nhận đứa con của ông vào trong nhà mình.
Đứa con lớn lên trong vòng tay của mẹ nó, và trong sự chăm sóc chu đáo của ông bác sĩ, cũng là cha nó. Có điều ray rứt trong lòng ông, làm sao người vợ chính thức của mình nhìn nhận đứa trẻ như con của chính bà. Cái ray rứt ấy vẫn hằng đeo đuổi ông. Nhiều lần ông xin bà hãy coi đứa con ông như đứa con chính thức trong gia đình. Cũng nhiều lần bà muốn chiều theo ý ông, nhưng mỗi lần như vậy, bà lại không thể vượt qua được cái cảm nghĩ, thấy đứa con của ông lại là thấy lỗi lầm của ông. Bà muốn quên đi sự hiện diện của đứa con riêng của ông nhưng không thể bởi vì đứa trẻ ấy có tội tình chi. Sự giằng co trong lòng bà cũng không kém.
Cô nữ y tá chẳng may nhiễm bệnh của một bệnh nhân truyền nhiễm. Khi biết được sự lây nhiễm ấy thật nguy hiểm cho đứa con của mình, cô gửi đứa con vào trong ký túc xá. Ông hay được tin ấy, cũng một lần nữa tha thiết xin người vợ của mình hãy đón đứa trẻ trở về sống trong gia đình. Vẫn là một điều quá lớn đối với sự tha thứ của bà. Bà không thể, cái không thể ấy dường như cứ ghiền gẫm mãi trong cuộc đời của bà. Họ vẫn thương yêu nhau, vẫn tôn trọng nhau, nhưng rất khó đón nhận nhau cách trọn vẹn, kể cả lỗi lầm và những hậu quả của lỗi lầm ấy.
Sau những buổi chiều đi làm về, ông thường hay ghé vào ký túc xá để nói chuyện vui chơi với con. Đứa bé chắc chắn sẽ không hiểu chuyện gì đang xảy ra cho nó. Nó vẫn bình thản đợi ba nó mỗi chiều và gặp mẹ nó mỗi sớm.
Người mẹ của đứa bé qua đời vì căn bệnh lây nhiễm. Ông lại càng muốn chia sẻ với đứa bé nhiều hơn. Ông trở về và xin với người vợ ông hãy đón đứa bé về trong gia đình. Vẫn là những chối từ sắt đá, bởi còn một điều bà chưa có thể vượt qua là tha thứ cho ông tất cả.
Những muộn phiền trong ông ngày mỗi ngày lại ít được chia sẻ đi. Một buổi chiều từ bệnh viện ra về, trên con đường tới ký túc xá, ông đang chạy xe, huyết áp tăng cao và xay xẩm ông đã ngã xuống đường, đầu đập mạnh xuống đất và qua đời tại bệnh viện.
Sự hy sinh của bà thật đáng ca ngợi, bởi vì bà đã hết mực yêu thương ông, bà vẫn thay ông để chăm sóc đứa  bé tại ký túc xá, chỉ có điều, mỗi lần trò chuyện với nó, lòng bà vẫn nhói đau từ  đáy sâu nào trong trái tim.
Bà khó có thể vượt qua, mỗi buổi chiều, bà vẫn ra thăm mộ ông, sau khi rời khỏi ký túc xá. Cũng từng chiều, mỗi khi đặt chiếc hoa hồng lên ngôi mộ, là mỗi lần bà chịu sự giằng co trong tâm hồn. Dường như trong một chốn thẳm sâu nào đó trong tâm hồn của bà, vọng lên tiếng nói “Người nào không tha thứ tất cả, người ấy chẳng tha thứ gì cả”.
Sự tha thứ đòi một việc làm quá lớn, lớn hơn tất cả cuộc đời, lớn hơn những gì mình có thể. Và cũng chính vì đòi hỏi quá lớn nên tha thứ là điều khó nhất trong cuộc sống.
Trong một chiều, một buổi chiều mỏi mệt sau những năm giằng co, trước mộ ông, miệng bà cũng tự nhủ: “người nào không tha thứ tất cả, người đó cũng chẳng tha thứ gì cả”. Chiều đó bà cúi đầu thật thấp trên ngôi mộ như mặt trời ngả thật thấp dưới bóng những căn nhà lá sập sụi, để tắt những bóng cháy bỏng của ích kỷ, bà gục đầu khóc. Khóc cho sự chai cứng của lòng người, khóc cho những muộn màng của chuỗi ngày hạnh phúc đánh mất. Khóc vì thân phận đầy giới hạn phải biểu lộ trong sự vô hạn của tha thứ.
Nếu đã có một lần khóc cho sự cứng cỏi của lòng mình, chắc hẳn đã có một lần kinh nghiệm được sự thứ tha đến cùng tận. Bà vội vàng trở lại ký túc xá đón nhận đứa con về ở trong gia đình của mình. Lòng bà tràn ngập niềm mừng vui.
Có bao ngày trong cuộc đời ta đang mất dần đi hạnh phúc vì thiếu sự tha thứ?
Và có bao nhiêu người đang mất dần khỏi cuộc đời ta những khi ta không thể thứ tha?
Hãy tha thứ. Đó là tiếng nói cuối cùng của Đức Giêsu trên Thập Giá gửi đến cho nhân loại.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan


Note: Sự tha thứ muộn màng là một tiểu thuyết của Maxence Van Der Meersch, đoạt giải Goncourt 1936, NXB Lao Động 1989

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây