Thờ kính tổ tiên
Không ở đâu khác, điều học làm người trước tiên là ở gia đình, cũng không ở đâu khác, điều học để sống với nhau là hiếu đễ. Hiếu là thảo kính cha mẹ, đễ là yêu mến anh chị em. Hiếu như chiều dọc và đễ như chiều ngang. Con người có hai chiều, chiều dọc và chiều ngang, đầu đội trời và chân đạp đất. Có là người hiếu đễ mới sống xứng với phẩm cách của con người.
Điều răn thứ Tư: “Hãy trọng kính cha mẹ ngươi, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.” (Xh 20, 12). Sách Xuất Hành, bản văn hình thành và thế Kỷ thứ 10 trước Công Nguyên, là một truyền thống trước đó khi thành chữ viết. Truyền thống này được Thiên Chúa minh định, ban cho một mối phúc, được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.
Sách “Huấn ca” là bộ sưu tập lời dạy của các bậc tiền nhân, được Ben Xira viết vào khoảng 190 – 180 trước Công Nguyên, trong sách có lời giới thiệu của dịch giả khi đến Ai Cập vào năm 38 triều Vua Evergète. Đây phải là Vua Tô-lê-mê VII Evergète và thời gian này được xác định là năm 132 TCN, nhắc lại để ghi nhớ của một truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc Do Thái, là thành phần của bộ Thánh Kinh Hy Lạp, Giáo Hội chuẩn nhận trong kho tàng Mạc Khải, minh chứng một Mạc Khải, có thể xuất phát từ những truyền thống tốt đẹp của nền văn hoá.
Sách “Huấn ca” có những lời dạy bảo khôn ngoan của các tiền nhân, khi truyền lại kinh nghiệm cho con cháu sống “Đạo Hiếu”: Trước là kính Chúa, sau là hiếu với cha mẹ. Đó cũng là điều kiện để được cứu độ. “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3, 3 - 4).
Hiếu được đặt thành Kinh, cho thấy việc hiếu vô cùng trọng đại. Hiếu không chỉ là “Tận tâm kính dưỡng phụ mẫu”. Hiếu còn có nghĩa rộng hơn đối với cha mẹ lúc còn sống cũng như đã qua đời. Đối với người Kitô hữu, chữ Hiếu còn mở rộng ra tới chân trời của Thiên Chúa, và đó là huấn lệnh của Người được ghi chép trong điều thứ tư của bản “Mười Điều Răn”. Sách Giáo Lý toàn cầu số 2197 dạy rằng: “Điều răn thứ tư mở đầu phần 2 của Thập Giới, ấn định trật tự của Đức Ái. Thiên Chúa muốn rằng sau Người chúng ta phải tôn kính cha mẹ, vì đã sinh thành dưỡng dục, và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa. Chúng ta cũng phải tôn kính những người được Thiên Chúa trao quyền hành để mưu ích cho chúng ta”.
Người con có Hiếu thì được sống lâu và trường thọ, sách Huấn ca cho thấy rõ hơn sự chúc phúc của Thiên Chúa đối với họ “Ai tôn vinh cha thì sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3, 6). Sách Xuất hành cũng dạy : “Hãy trọng kính cha mẹ ngươi, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12).
Hiếu đối với sách Huấn ca, thì cho biết rằng: người con có hiếu thì được Thiên Chúa xót thương tha thứ những lỗi lầm, “Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời” (Hc 3, 15). Lòng hiếu thảo của người con đụng tới tình trời, vượt xa khỏi thế giới này, và gặp được Đấng là Tình Yêu. Có thể nói gốc của Hiếu đạo thì mọc nơi đất thấp, hoa trái của Hiếu được chính Thiên Chúa ban tặng.
Tu đâu cho bằng tu nhà.
Người Kitô hữu gọi những người xuất gia là những người hiến thân để phục vụ Tin Mừng cách đặc biệt, còn gọi là tu trì. Ơn gọi xuất phát từ Thiên Chúa, chính Thiên Chúa kêu gọi và sai đi, vừa là ơn gọi của Thiên Chúa vừa là gieo mầm từ giữa gia đình và lớn lên.
Gia đình, chính vì thế, là tế bào căn bản trong đời sống xã hội, là căn bản cho mọi ơn gọi khác nhau. Gia đình là trường học dạy đức tin cho con cái, là trường dạy về đời sống chung: quan tâm tới người già, người yếu đau, người tật nguyền. Thánh Phaolô dạy: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.” (Ep 6, 1 – 4).
Như vậy, tu không chỉ là xuất gia, nhưng trước hết là tại gia và phát triển ra bên ngoài xã hội bằng sự lớn lên về mọi mặt của mình.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Huấn “Đời Sống Thánh Hiến”, đã ngỏ lời như sau: “Thế giới này rất cần những chứng nhân vui tươi, những ngôn sứ minh chứng quyền năng nhân lành của Tình yêu Thiên Chúa. Thế giới cần những người nam và những người nữ biết gieo mầm sống hòa bình và huynh đệ bằng cuộc sống của họ” (số 108).
Thế giới cần nhiều chứng nhân và những chứng nhân ấy xuất thân từ những gia đình. Xuất phát từ cảm nghiệm tình yêu mến từ cha mẹ, anh chị em trong gia đình, để khám phá tình yêu Thiên Chúa và loan báo cho mọi người.
Ngày kính nhớ tổ tiên, xin Chúa ban cho con cháu chúng con đừng quên nhưng điều tốt đẹp trong truyền thống gia đình bậc tiền nhân để lại. Xin cho các ngài được an nghỉ trong tình yêu Chúa.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan