Tiệc cưới của người Công Giáo
admin
2020-05-26T05:00:30-04:00
2020-05-26T05:00:30-04:00
https://lebaotinhbmt.net/quan-van/tiec-cuoi-cua-nguoi-cong-giao-507.html
https://lebaotinhbmt.net/uploads/news/2020_05/ccct-t5d.png
Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột
https://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 26/05/2020 04:58 |
893
“Nếu ai đó mang thêm một chút tình yêu và một chút lòng tốt, thêm một chút ánh sáng và sự thật vào thế giới, thì cuộc đời của người ấy có ý nghĩa". Alfred Delp SJ
Tiệc cưới của người Công Giáo
Chị kéo tôi ra để than thở:
– “Con của con đang tổ chức đám cưới. Nó giới hạn khách mời dự tiệc. Con muốn mời người chị ở Việt Nam qua dự đám cưới, nó không vui, vì đã đủ khách.”
Đó là hoàn cảnh rất tự do trong thế giới Phương Tây. Con cái tự đứng ra tổ chức đám cưới. Hầu hết các bạn trẻ rất hạn chế khách mời. Trong tiệc cưới, họ chú trọng đến chuyện trò, liên đới chiều sâu hơn là ồn ào, náo nhiệt. Họ không chuộng đông người hào nhoáng.
Ngược lại, có lần tôi ở với bà con sắc tộc trên Đắc Lắk một tháng. Cha xứ than phiền bà con nơi đây thường tổ chức cưới xin cả tuần. Từ ngày về nhận xứ, cha đã cố gắng để bà con hiểu mà rút ngắn tiệc tùng lại. Dĩ nhiên ai cũng tôn trọng văn hóa bản làng, nhưng cách tổ chức tiệc tùng như thế không tốt chút nào. (Thời Đức Giêsu đám cưới cũng kéo dài cả tuần).
Với đồng bào người Kinh, đám cưới cũng có chút thay đổi theo thời gian. Tôi nhớ thuở nhỏ, đám cưới là ngày hội của đại gia đình. Tiệc tùng thường được chính nhà trai và nhà gái xúm vào chuẩn bị. Đồ ăn cũng đơn giản hơn ngày nay. Dường như bầu không khí đám cưới ngày xưa thi vị, lãng mạn và ấm cũng hơn bây giờ! Trong khi đó, ngày nay tiệc tùng thường được đặt sẵn. Quan viên hai họ chỉ đến ăn. Nhiều người than phiền: “ăn như chạy giặc.” Hối hả bề ngoài là điều chúng ta có thể cảm nhận. Bên cạnh đó, không ít người thấy điều bất cập trong cưới hỏi, nhưng mấy ai dám đổi. Chẳng hạn hiện trạng đám cưới ngày nay: trễ giờ, ồn ào, nhậu quá đà, hình thức bên ngoài, “ăn trả nợ”, càng đông càng vui, v.v...
Thực ra, đó không phải là chuyện của chính đôi trai gái, hoặc của người ngoài Công Giáo. Chính Giáo Hội cũng đang quan tâm đến chuyện cưới hỏi để đồng hành với đôi bạn. Chuyện cưới xin chỉ có một lần. Làm sao để giúp đôi bạn có được ngày đám cưới, sau thánh lễ hôn nhân, là điều quan trọng. Chính Giáo Hội cũng nhận thấy:
“Về việc chuẩn bị gần cho hôn nhân người ta có xu hướng tập trung vào những thiệp mời, trang phục, lễ lạc và vô số những chi tiết vốn hao tốn biết bao về ngân sách cũng như sức lực và niềm vui. Các đôi bạn hầu như đều bị rã rời và kiệt sức trong ngày hôn lễ, thay vì dành nguồn sinh lực tốt nhất để chuẩn bị cho mình như là cặp uyên ương cùng sánh bước vào một cuộc hành trình lớn.”[1]
Hẳn nhiên chúng ta có những truyền thống tốt đẹp trong ngày đám cưới. Làm sao để hai họ và cô dâu, chú rể sống trọn vẹn ý nghĩa nghi thức, đó là điều không dễ. Thú thực, tôi nhiều lần khó chịu khi thấy người MC đám cưới vội vàng và làm cho có lệ. Trong khi đó, mỗi cử chỉ, nghi lễ đều mang cho người tham dự một niềm vui quý giá. Bởi đó, người đứng ra giúp điều động cưới xin cũng vô cùng quan trọng. Họ cần có khả năng đưa người tham dự vào những điều chính yếu. Trong ngày cưới, chẳng phải họ đang phải chuẩn bị cho một sự dấn thân kéo dài suốt cả cuộc đời sao? Dấn thân ấy được thể hiện trong nghi thức.
Tôi không dám đề nghị cần phải mời những ai tham dự tiệc cưới! Tuy nhiên, làm sao để đám cưới người Công Giáo ấm cúng và thân tình? Phải chăng chỉ mời những người thân quen, những ai thực sự liên hệ đến cuộc sống của ta. Vả lại, lượng khách mời ấy cũng là tượng trưng để chung vui với hai họ trong ngày cưới. Xin đừng bắt ép nhà trai, nhà gái tại sao không mời mình. Không mời đâu có nghĩa họ thiếu tôn trọng. Trong hoàn cảnh này, với cô dâu và chú rể, số lượng khách như thế giúp họ cảm nhận được niềm vui và tình thân trong ngày trọng đại này.
Dĩ nhiên là đôi uyên ương Công Giáo, họ thường có những cử hành theo Đạo Công Giáo. Những nghi thức kể cả trong đám cưới cũng có trình tự lớp lang. Chẳng hạn[2] tại nhà gái (xuất giá), nhà trai ngỏ lời, giới thiệu và trình lễ vật, nhà gái ngỏ lời, đón nhận lễ vật, kinh nguyện Tạ ơn Thiên Chúa, kính nhớ tổ tiên, v.v... Tại nhà trai (rước dâu về), giới thiệu, tạ ơn Thiên Chúa, kính nhớ ông bà tổ tiên, v.v... Trước khi khai tiệc luôn có nghi thức thánh hóa của ăn. Mục đích của những điều này là để Thiên Chúa chúc phúc cho duyên tình lứa đôi của đôi bạn. Có Thiên Chúa dự tiệc cưới, niềm vui tăng lên gấp bội.
Đám cưới vẫn là vui nhất. Xin các bạn trẻ mạnh dạn tìm cho mình cách tổ chức thật nhiều niềm vui và ý nghĩa. Là đôi bạn Công Giáo, ước gì các bạn cũng được trợ giúp từ gia đình và Giáo Hội. Để từ đó, đám cưới bắt đầu, cũng là khởi đầu cuộc sống hôn nhân. Ngày nào cũng tràn đầy niềm vui như ngày cưới. Để được như thế, đôi bạn đừng quên Thiên Chúa, đừng xem nhẹ niềm vui chiều sâu. Hào nhoáng chưa bao giờ là biểu hiện của hạnh phúc. Ước sao trong tiệc cưới của người Công Giáo, mỗi lời của ca khúc “Khi hoa nở miền Cana” được thành toàn nơi đôi bạn:
1. Ngày xưa khi hoa nở miền Cana. Khi đôi lứa (ối a) chung đường. Chúa đã nâng ly rượu mừng. Ngài nâng nâng ly rượu chúc hôn. Ngài say theo men của cuộc đời. Ngài chung vui với người vui. Ngài ban ơn thiêng nối tình người. Ngài thánh hóa đời lứa đôi.
ĐK. Nguyện xin Giêsu thương mến. Cho duyên tình mãi nở hoa. Nguyện xin Giêsu đến trong nhà. Cho đời hòa tiếng ca.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương số 212.
[2] Đọc thêm: Hội Đồng Giám Mục VN, sách Giáo Lý Hôn Nhân Và Gia Đình