Triết lý cái đình

Thứ năm - 02/01/2025 05:00 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   39
Trở về triết lý cái đình là ta trở về với sự giản đơn của đời sống, chăm lo cái ăn, cái ở, cái sống cho ra cái đáng sống.
Triết lý cái đình

Triết lý cái đình

 


Thường khi ta học chiết tự chữ Hán, chữ gia đình được ghép bởi hai chữ chữ gia là nhà và chữ đình là sân. Theo triết gia Kim Định, ngài có một nhận định khác về chữ đình trong “Triết lý về cái Đình”. Xin chia sẻ vài nét về ý tưởng của triết gia Kim Định về “Triết lý về cái đình”.

 

Chiết tự chữ Hán, gia đình là nhà sân. Mỗi nóc gia đều có một sân trước để sinh hoạt chung gia đình và sinh hoạt chung của người trong khu xóm. Cái sân không chỉ dùng là nơi sinh hoạt chung mà còn là nơi thờ: “Ông Trời, Bà Thiên”. Thường mỗi khi thức giấc buổi sáng, người trưởng gia đình là cha hoặc mẹ, thắp nhang, rót chén nước trước bàn thờ trước sân, cầu khấn “Ông Trời, Bà Thiên” phù hộ cho gia đình con cháu mọi sự bằng yên.

Theo triết gia Kim Định: “Cái đình có thể coi là đỉnh chót vót của nền văn hoá Viêm Việt. Nền văn hoá này đặt trên nền tảng gia đình, nhiều gia đình họp thành khu xóm, ấp, và đợt cuối cùng là làng. Nhà của làng là đình”. Cái đình của làng là nơi hội họp, thông báo chung, nơi ghé vào nghỉ chân và cũng là nơi để thực hành nghi lễ thờ Thành Hoàng.

Triết lý về cái đình kể về cái ăn như câu “Miếng ở làng, sàng ở nước”. Điều này là thực tiễn do nhu cầu kinh tế của làng, người trưởng làng lo sao mọi người đều có đầy đủ kinh tế nuôi sống gia đình. Như nay ta thường nói “dân giầu nước mạnh”, nếu dân nghèo thì nước cũng khốn đốn trong cái nghèo. Người lo cho dân là người trước tiên lo cho mọi người an cư lạc nghiệp, mỗi gia đình đủ kinh tế cho gia đình có được cái ăn, cái ở, cái học, cái sống.

Cái đình với nền văn hoá Viêm Việt có một địa vị quan trọng trong đời sống. “Nếu với nền văn minh Ai Cập được biểu thị bằng kim tự tháp.Văn minh Hy lạp bằng đền thờ Pantheon. Văn minh Ấn Độ (xứ Chùa tháp), thì biểu hiện kiến trúc của Việt nho là cái đình. Cái đình có đặc tính là thiết thực và toàn diện.” Ngài  viết  tiếp : “Kim tự tháp giữ xác chết. Đền chùa lo cho kiếp sau hoặc phụng sự nhà vua như đền Đế Thiên, Đế Thích.” Cái đình Việt lo cho hiện tại mà không đánh mất tương lai cũng chẳng quên quá khứ. Cái hiện tai với triết gia Kim Đình là cái ăn, cái ngủ, cái ở, cái sống, cái tầm thường trong cái phi thường. Cái tầm thường đó ngay ở trong gia đình. Cha Leopole Michel Cadierre viết trong cuốn “Văn hoá, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt” nhận xét: “Người Việt không chỉ thờ kính tổ tiên mà còn sống với tổ tiên”.

Với chữ “đình đám” triết gia Kim Định, ngài cho rằng “Nếu đối với những văn minh chuyên về kiếp sau hoặc những chuyện “cao siêu” thì “miếng ăn là miếng hèn”. Trái lại với văn minh chăm lo cho con người toàn diện có tâm mà cũng có thân thì miếng ăn lại là đầu: “Dĩ thực vi tiên”. Họp nhau ăn không để nhậu be bét như ngày nay, trong nếp sống xưa, người xưa đặt “Cái ăn đánh giá cái nết, cái ở”, nó có vai trò lễ nghĩa chứ không xô bồ như nơi “xôi thịt”. Ta có thể liên tưởng bữa ăn “lễ vượt qua” của người Do Thái, đó là bữa ăn của phụng vụ. Cho nên cái ăn không là cái phàm phu tục tử, triết gia Kim Định nhận xét: “Bởi vậy, những ngày “đình đám”, nghĩa là những ngày có đám ở đình chỉ làm tôn vẻ linh thiêng của cái đình lên độ tuyệt cao”.

Tính tiết liệu ở triết lý cái đình, triết gia Kim Định liên kết sự tích “bánh giầy, bánh chưng”. Một cặp bánh đơn giản nhưng đầy đủ ý nghĩa dâng trời và tạ ơn đất, mà nhà nào cũng có thể có. Có thể cái tiết liệu ta đang quên dần khi hao tốn xây dựng biết bao đền đài nguy nga mà đời sống tâm hồn sa sút, hồn nước mất dần.       

Trở về triết lý cái đình là ta trở về với sự giản đơn của đời sống, chăm lo cái ăn, cái ở, cái sống cho ra cái đáng sống. Tâm hồn được thanh cao, đời sống được rộng mở linh thiêng, tình thương yêu được vun đắp, gia đình đất nước được an vui.

L.m Giuse Hoàng Kim toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây