Xin Vâng (Lc 1, 26-38)

Thứ tư - 20/12/2023 20:05 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   265
Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng quen thuộc: “Sứ Thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Maria”.

XIN VÂNG
Chúa Nhật 4 Mùa Vọng B: Lc 1, 26-38

LmTN 211223a

 

Suy niệm

Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng quen thuộc: “Sứ Thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Maria”. Thiên Chúa đã chuẩn bị rất kỹ cho cô Maria, như một thụ tạo tuyệt vời, độc nhất vô nhị, chỉ vì Ngài muốn cô xứng đáng trở nên người mẹ cưu mang chính Con Một của Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa không ép buộc, Ngài không đặt Maria trước một sự việc đã rồi. Ngài muốn hỏi ý và chờ cô đáp trả một cách tự do.

Khung cảnh truyền tin không phải nơi lộng lẫy uy nghiêm như trong đền đài vua chúa, mà lại diễn ra nơi một thôn quê nghèo nàn là Nagiarét: nơi chưa từng được nhắc đến cả trong Cựu Ước lẫn trong các tác phẩm của sử gia Joshephus hoặc các tác phẩm chú giải của các kinh sư. Một ngôi làng nhỏ bé và vô danh đến nỗi khi Nathanaen được Philipphê giới thiệu đến gặp Đức Giêsu ở đó, thì ông liền bảo: "Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?" (Ga 1,45-46). Thế nhưng Thiên Chúa lại chọn nơi chốn âm thầm đó để làm khởi điểm lịch sử cứu độ.

Cũng trong sự âm thầm và lặng lẽ ấy mà sứ thần đến gặp cô Maria và cung kính thưa với người nữ ấy rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà!” (Lc 1,28).Ðấng đầy ân sủng cho thấy cô Maria giống như một bình chứa đựng sự sủng ái của Thiên Chúa, và cũng chính là danh hiệu đẹp nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho cô Maria, để cho thấy cô là người được Thiên Chúa tuyển chọn, được tràn ngập ân ban cao quý nhất, là sinh ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Thôn nữ Maria sợ sự tôn vinh bất thường ấy, và tự nhủ lời chào ấy có ý nghĩa gì? Đúng là sự tỉnh thức thận trọng của một thục nữ trinh trong, sáng ngời, đầy khiêm nhu và thùy mị. Sứ thần đã nhận ra sự bối rối đó và giải thích thật cặn kẽ, là vì bà đẹp lòng Thiên Chúa…bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai,… được gọi là Con Ðấng Tối Cao… Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người…”

Nhưng đối với Maria, “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” hơn cả ngai vàng vua Đavít, vì Maria muốn tận hiến đời mình cho Thiên Chúa, nên từ tốn đáp: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Trong khi Maria bối rối thì thiên sứ cho cô biết chương trình lớn lao của Thiên Chúa. Cô vẫn đồng trinh nhưng nhận được ân sủng và thụ thai siêu nhiên bởi Chúa Thánh Thần, nên Hài nhi sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Thật là một mạc khải to tát cho nhân loại: Thiên Chúa sẽ đi vào đời, ở giữa mọi người, sống như mọi người với tất cả thần tính và nhân tính của Ngài.

Những gì được báo tin vượt quá trí tưởng tượng và khả năng hiểu biết của trinh nữ Maria, và thiên sứ minh chứng ngay điều lạ lùng đã xảy ra cho Elisabét, người chị họ son sẻ đã già nua mà đã có thai sáu tháng, “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Nhận ra thánh ý Thiên Chúa, Maria sấp mình thưa:“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Sau tiếng Xin Vâng, Ngôi Lời đã thành thai nhi và lớn lên trong cung lòng trinh nữ Maria. Quả là một mầu nhiệm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại mà Thiên Chúa đã thực hiện vì yêu thương con người.

Đức Maria nói tiếng “Xin Vâng” không phải vì thấy rõ con đường Chúa muốn, không phải vì hiểu hết được việc Chúa làm. Có những biến cố sau này mà Mẹ chẳng hiểu chi, nhưng Mẹ ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Mẹ Xin Vâng vì tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Là thiếu nữ Sion, lẽ nào Mẹ lại không biết đến câu ca ngợi lòng từ bi Chúa: “Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa. Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhảy, xoè cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình.” (Đnl 32, 10). Trong cảm nhận đầy tràn ân sủng Chúa, Mẹ nhận mình là “nữ tỳ” của Chúa và “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi với tâm tình đó, Đức Maria đã xướng lên lời kinh ca ngợi thật tuyệt vời (x. Lc 1, 46-55).

Tiếng “Xin Vâng” của Đức Maria đã đưa Con Thiên Chúa vào lòng thế giới để ơn cứu độ được lan tỏa khắp nơi. Nhờ những tiếng xin vâng của tôi hằng ngày, mà Đức Giêsu có chỗ trong lòng người hôm nay. Muốn vậy, tôi hãy sẵn sàng với Chúa qua mọi nỗi khó khăn và thử thách trong đời, như một cách cưu mang Chúa trong lòng, để Ngài sinh ra cho môi trường tôi đang sống, để Ngài lớn lên trong mọi việc tôi làm, và đem lại ân phúc cho những người tôi phục vụ.

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria!
Mẹ tuyệt vời khi thưa tiếng “Xin Vâng”,
để Con Thiên Chúa được xuống trần,
mang phận người để cứu độ muôn dân.


Mẹ xin vâng là cam kết dấn thân,
chịu rủi ro và bằng lòng đánh đổi.
nên Mẹ “xin Chúa cứ làm cho tôi”,
vì chỉ mong thực hiện ý Chúa thôi.


Tiếng xin vâng của Mẹ đầy mạo hiểm,
vì không thể tránh khỏi những phong ba,
nhưng nhờ tin Mẹ vượt qua tất cả,
trong niềm vui và ân  phúc chan hòa.


Đời Mẹ là bài tình ca muôn thuở,
luôn vang hòa lời cảm tạ không ngơi,
cho dù bao mưa gió giữa cảnh đời,
Mẹ vẫn sống sáng ngời tình yêu mến.


Mẹ diễm phúc vì đã tin điều Chúa hứa,
Mẹ tuyệt vời vì đã theo ý Chúa làm,
xin đừng để con thể hiện ý mình,
nhưng xin vâng mọi điều theo ý Chúa.


Xin đón nhận con trong vòng tay Mẹ,
để khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin,
để nâng đỡ và kiện cường đức cậy,
để mở rộng và khơi sâu đức ái.


Xin dìu con trên nẻo đường thánh thiện,
biết âm thầm lặng lẽ sống hy sinh,
luôn trung trinh và từ bỏ chính mình,
để dâng hiến trọn một đời cho Chúa.


Xin đặt để con trong trái tim Mẹ,
biết ôm lấy Mẹ trong trái tim con,
mong ngày mai được trọn niềm mơ ước,
là vui vầy bên Mẹ cõi thiên đường. Amen.

Lm. Thái Nguyên
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây