Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuộthttps://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ tư - 08/04/2020 06:40 |
Tác giả bài viết: L.m Giuse Hoàng Kim Toan |
1208
...........Cái ta cần được giải thoát nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Và cái ta chân thành mở ra làm cho con người được thấy khung trời bao la, rộng mở, thấy anh chị em, đồng bào ta đang nỗ lực vượt qua nghịch cảnh hướng về phía trước. Cái ta được hòa nhập trong người có ta, trong ta có người........
Thời gian cách ly, vấn đề cái ta được đặt ra để đối diện với nó. Cái ta luôn là một vấn đề bị thu hút về nó, nhiều khi đánh mất chữ người trong cái ta. Ta ở trong người và người ở trong ta, và như vậy mới hiểu đủ nghĩa cụm từ “người ta” để sống chung với nhau, vì nhau và cho nhau.
Cái ta vốn có. Cái ta hoặc cái tôi luôn hiện hữu như một cá nhân, một mình cái ta là duy nhất. Không ai giống ta và ta cũng chẳng giống ai. Cái ta là luôn là cái ta theo ta suốt cuộc đời, dù sang, dù hèn, dù danh vọng, dù tả tơi…Cái ta bản ngã này luôn kéo mọi sự về cái ta để sở hữu.
Cái ta ấy luôn luôn muốn giữ lấy nó bằng mọi cách, khi hoang tưởng, khi sống ảo, tự cao, tự mãn, tự ti, sống thật với mình… Dù rằng như thế, cái ta luôn luôn có một khuynh hướng vươn ra, hướng lên, vùng vẫy thoát khỏi cái ích kỷ trong ta. Kinh nghiệm này cái ta có thể hiểu rõ trong những ngày cách ly, không gặp được ai, không đến cùng với cộng đồng, ta cảm thấy bị tù túng, khó chịu, giống như bị tự kỷ trong cái nhà cô độc của ta.
Cái ta cần có thái độ khiêm hạ nhận ra cái ta của minh sai lỗi mỗi khi phạm lỗi. Cái ta sống thật với mình sẽ cho thấy, mình chưa bao giờ là hoàn hảo, chưa bao giờ là hoàn toàn đúng. Có những lỗi đôi khi ngớ ngẩn, có những lời nói đôi khi thiếu kiểm soát, có những hành vi không đúng mực, dễ nỗi nóng, dễ giận hờn, ghen ghét.…
Cái ta vốn có ấy sợ bị mất nhưng cũng sợ bị cô độc. Cái ta vừa muốn chiếm hữu, vừa muốn hỷ xả, nhất là khi cái ta cận kề cái chết, cái ta nhận ra mình thiếu, thiếu rất nhiều những gì trong yêu thương mình đã không cho đi. Cái ta muốn hỷ xả, kéo ta vào những công việc thiện ích chung: May những khẩu trang, để những tủ thực phẩm biếu tặng cho người cơ nhỡ, xung phong ở những tuyến đầu của đại dịch, hiến tặng những giọt máu, thi hành những công việc thiện ích…
Cái ta vô liêm sỉ, luôn kiếm chác, rút tỉa, bày ra những thuyết âm mưu, hãm hại người công chính, đổ lỗi cho người sống ngay thật. Cái ta gian ác, trăm mưu, ngàn kế, khiến người lành phải chết., như vụ án của Chúa Giêsu. Trong nhiều cái ta ích kỷ, vừa chiếm đoạt, vừa muốn người khác phải khâm phục; vừa gây nên hậu quả, vừa muốn người khác phải cám ơn; vừa chế ra độc dược, vừa đưa ra thuốc giải độc…
Cái ta được tạo dựng hướng về chân, thiện, mỹ. Trong tôn giáo luôn có một niềm tin, hướng cái ta về phía: Chân, thiện, mỹ. Nhưng, chân lý, sự thiện, cái đẹp, có thể bị tô vẽ đánh lừa người khác. Luôn có những tô vẽ như vậy không thể tránh, nên cần có sự hiểu biết, sự khôn ngoan và sự hướng dẫn của sự thật. Sự thật sẽ giải thoát anh chị em, giải thoát cái ta dễ sai lầm của mình. Ta cần cầu nguyện, bởi vậy tôn giáo cũng dạy cầu nguyện, cầu nguyện chân thành, kiên trì, lắng nghe, hoán cải, sửa lỗi, hoàn thiện cái ta.
Cái ta cũng dễ bị những khuyến dụ theo cái ước muốn tầm thường vị kỷ, khi bị người khác dẫn dắt. Cái thật và cái giả luôn xen lẫn nhau, ánh sáng và bóng tối luôn có trong đời sống. Thánh Phaolô nhận ra cái tôi của mình: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm7, 24 – 25)
Cái ta cần được giải thoát nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Và cái ta chân thành mở ra làm cho con người được thấy khung trời bao la, rộng mở, thấy anh chị em, đồng bào ta đang nỗ lực vượt qua nghịch cảnh hướng về phía trước. Cái ta được hòa nhập trong người có ta, trong ta có người.