Chúa Nhật V Phục Sinh
Điều răn mới - Kỷ vật Chúa ban…
Theo Tin Mừng thánh Luca ghi lại, chúng ta được biết: Đức Giê-su khởi sự ra đi rao giảng Tin Mừng khi “Người trạc ba mươi tuổi.” (Lc 3, 23). Chỉ là một chàng trai ba mươi tuổi, thế nhưng, bất cứ nơi nào Đức Giê-su xuất hiện, ngay lập tức “dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người”.
Dân chúng đi theo Đức Giê-su không chỉ vì Ngài đã “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền” trong dân chúng, mà còn vì “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”.
Rất nhiều người đã kinh ngạc và bàn tán với nhau rằng: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.”
Vâng, đúng là vậy. Giáo lý Đức Giê-su giảng dạy rất… rất mới mẻ. Đây, chúng ta hãy nghe Ngài đã có những lời dạy dỗ, rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.
Và, nếu người xưa dạy rằng, “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, thì giáo lý Chúa Giêsu dạy rằng “tất cả những gì chúng con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con cũng hãy làm cho người ta.” (x.Mt 7,12).
Chúng ta có thể nói tắt một lời, những gì Đức Giê-su giảng dạy đều gói gọn trong hai chữ “tình yêu”, một thứ tình yêu “tự nguyện, hy sinh, có ý mong muốn điều tốt đẹp nhất cho người khác”, nói theo ngôn ngữ Hy Lạp đó là “Agape”.
Chúng ta không thể biết được, đã có bao nhiêu người ghi khắc trong con tim mình điều Đức Giê-su dạy bảo. Nhưng có một điều chúng ta biết chắc rằng, các môn đệ đã có lúc không thực hiện bài học yêu thương mà Thầy của mình đã dạy.
Là bạn đồng môn, thế nhưng không ai có thể hiểu được vì sao các môn đệ lại tranh cãi nhau, một dấu hiệu không yêu thương, xem ai là người lớn hơn cả và tại sao hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan lại “muốn Thầy thực hiện cho hai anh em một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”!
Để các môn đệ không “tái diễn” cảnh cãi vả nhau xem ai là người lớn hơn cả, ai là người được ngồi bên hữu, ai là người được ngồi bên tả Thầy, Đức Giê-su đã có thêm một lời dạy dỗ về tình yêu thương và Ngài gọi là “điều răn mới”. Vâng, lời dạy dỗ này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an. (Ga 13, 31-33a.34-35).
**
Câu chuyện được ghi lại như sau: Hôm đó, trong khung cảnh của một buổi tiệc mừng lễ Vượt Qua, và trong lúc các môn đệ còn đang băn khoăn về một kẻ trong nhóm họ phản bội, Đức Giêsu lên tiếng “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy...”.
Gọi các ông là-những-người-con-bé-nhỏ, phải chăng là Đức Giê-su ám chỉ đến sự “nhỏ mọn” của các ông trước việc thể hiện tình yêu thương! Vâng, có thể là như vậy. Là như vậy vì có vài lần các ông đã tranh cãi nhau ai sẽ là người lớn hơn cả.
Cuộc cãi vã của các ông đã làm cho tình đồng môn hoen mờ. Và hồi ấy Đức Giêsu đã dạy cho các ông một bài học, bài học rằng: “...Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người...” (Mt 20, 17-28).
Lời dạy này, đã được Đức Giê-su thực hiện, qua việc rửa chân cho các người môn đệ của mình, ngay hôm ấy, hôm Ngài và các ông cùng tham dự bữa tiệc Vượt Qua.
Hôm đó, sau khi rửa chân cho các ông, Ngài đã nói với họ bằng những lời thiết tha: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
***
Như đã nói ở trên, Đức Giê-su gọi lời Ngài dạy bảo là “điều răn mới”.
Mới, mới ở chỗ nếu luật xưa dạy rằng “Mắt đền mắt, răng đền răng”, thì Đức Giê-su lại dạy rằng: “Đừng chống cự kẻ ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả mà bên trái ra nữa.”
Và mới ở chỗ là người dạy đã thực hiện lời mình dạy một cách tuyệt đối. Cái chết của Đức Giêsu, trên đồi Golgotha chứng minh cho điều Ngài đã giảng dạy: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu, người liều mạng sống vì người mình yêu”.
Đừng quên, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Giê-su đã thể hiện tình yêu của Ngài với kẻ thù, qua lời nguyện rằng: “Lạy Cha! Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34).
Xưa, Đức Giê-su dạy bảo cho các môn đệ, rằng: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Thì nay, chúng ta cũng phải yêu thương nhau như thế.
Một cách cụ thể, đó là chúng ta hãy phục vụ tha nhân như Chúa đã phục vụ các môn đệ, qua việc rửa chân các ông trong bữa tiệc Vượt Qua. Đó là chúng ta hãy có lòng bao dung với những ai xúc phạm chúng ta, như Chúa đã có lòng bao dung đối với người phụ nữ ngoại tình, rằng: “Tôi không lên án chị đâu!” Đó là chúng ta hãy có lòng tha thứ như Chúa đã tha thứ cho những kẻ nhạo báng sỉ vả mình tại Golgotha, qua lời nguyện nêu trên.
Vâng, sẽ không quá khó để thực hiện những điều nêu trên. Không khó, nếu chúng ta cất đi khỏi tâm hồn mình “tính ích kỷ và sự ganh tỵ”. Và, sẽ rất dễ dàng thực hiện, nếu chúng ta luôn có được một tâm hồn nhân hậu, bác ái, một đức tính hiền hòa, nhẫn nhục v.v... Nói rõ hơn, nếu ngôi vườn tâm hồn chúng ta tràn ngập “hoa trái của Thánh Linh”. (x.Gl 5, 22-23).
Hãy nhớ rằng, khi Chúa “truyền dạy” điều gì cho con người, thì Người cũng sẽ ban ơn đủ để thực thi. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được điều này, nên đã có lời chia sẻ: “Ơn Chúa đủ cho ta”.
Thế nên chúng ta không thể không thực hiện điều-răn-mới Đức Giê-su đã truyền dạy. Hơn nữa, chỉ khi thực hiện, chúng ta mới được gọi là môn-đệ-của-Chúa. Vâng, hôm ấy Chúa Giê-su có nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”.
Trong suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, có rất nhiều người-môn-đệ-của-Chúa, đã thực hiện điều răn mới Chúa truyền dạy, một cách tuyệt đối. ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, như một điển hình (1928-2002).
“Không có đức ái thì vẫn có thể có đức tin, nhưng không ích lợi gì.” Thánh Augustinô đã có lời khuyên dạy như thế. Thế nên, qua ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta hãy khơi dậy trong tâm hồn mình nguồn cảm hứng, một nguồn cảm hứng để “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục. Ðem an hòa vào nơi tranh chấp. Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.”
Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta “đem yêu thương, thứ tha, an hòa” đến với tha nhân! Thưa, có phần chắc, chúng ta sẽ có được những người “láng giềng thân thiết, anh em hòa thuận” và sẽ không thể không vui mừng vì gia đình chúng ta sẽ là một gia đình “vợ chồng ý hợp tâm đầu.”
Đừng quên, cả ba điều này, Kinh Thánh nói: “cả ba đều đẹp lòng Chúa và người ta” (x. Hc 25, 1). Mà, khi đã làm đẹp lòng Chúa, chẳng phải là chúng ta đã “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng ta”, sao!
Thế nên, thật phải đạo khi chúng ta, đã là một Ki-tô hữu, thì đừng quên ghi khắc “điều răn mới” trong con tim mình và hãy xem đó như là “Kỷ vật Chúa ban”.
Petrus.tran
Những tin cũ hơn