Lạy Chúa Xin Thương Xót Con

Thứ bảy - 13/11/2021 18:53 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   853
“Lạy Ngài (ông Giêsu), Con vua Đavít, xin thương xót (chúng) tôi”.
Lạy Chúa Xin Thương Xót Con

LẠY CHÚA XIN THƯƠNG XÓT CON

(Thứ Hai sau Chúa Nhật XXXIII TN- Lc18,35-43)

Câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho anh mù thành Giêricô Giáo hội cho chúng ta nghe trích đọc vào Chúa Nhật XXX TN theo Tin Mừng thánh Maccô. Nay sau ba tuần chúng ta lại được nghe câu chuyện này theo thánh sử Luca tường thuật. Các chi tiết câu chuyện không khác gì nhau, dù thánh sử Luca không nói rõ tên của người mù là Bactimê con ông Timê như thánh sử Maccô (x.Mc 10,46-52). Trong khi đó theo Tin Mừng thánh Matthêu tường thuật thì có đến hai người mù và chi tiết thì ít hơn (x.Mt 20,29-34). Bỏ qua những điểm khác nhau, xin có đôi cảm nghĩ về những điểm chung giữa ba bài tường thuật của các thánh sử Tin Mừng Nhất Lãm.

1. Nghe tin Chúa Giêsu đi ngang qua thì (hai) người mù kêu lên: “Lạy Ngài (ông Giêsu), Con vua Đavít, xin thương xót (chúng) tôi”. Khi một người cất lên lời: “xin thương xót tôi” là họ không chỉ ý thức mà còn cảm nghiệm sâu xa sự khốn khổ, bất hạnh cùng cực mà mình đang gánh chịu. Đây là nỗi khốn cùng mà bản thân họ đang bất lực và tha nhân cũng đành bó tay không thể giải gở. Chỉ có Thiên Chúa hay Đấng Người sai đến (Đấng Thiên Sai) mới có thể cứu chữa họ khỏi nỗi bất hạnh khốn khổ này. Trong đức tin Kitô giáo thì chỉ có tội lỗi mới thực là nỗi khốn cùng nhất. Chính vì thế lời khẩn xin: “Xin Chúa thương xót chúng con” (Kyrie, eleison - Lord, have mercy – Seigneur, prends pitié) trước tiên là lời thú nhận về tình trạng bất lực của mình trước món nợ vượt quá khả năng chi trả, tức là tội lỗi (x.Mt 6,12). Đồng thời lời khẩn xin này còn là lời tuyên xưng đức tin rằng chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội, giải thoát nhân loại chúng ta ra khỏi cảnh tình khốn cực bi thương (x.Mc 2,7).

2. Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều tường thuật chi tiết là đám đông dân chúng quát nạt người mù im đi. Dễ dàng đoán rằng số người có thiện ý đến báo tin cho người mù biết Đức Giêsu đang đi qua có lẽ nhỏ hơn số người quát nạt bảo im đi. Hầu chắc những người quát nạt không hẳn là có dã tâm nhưng rất có thể họ đang đặt niềm vui, sự hào hứng hay lợi ích gì đó của họ khi đi theo Chúa Giêsu lên trên nỗi bất hạnh của người mù. Và họ đã chưng hửng trước thái độ của Chúa Giêsu, Đấng yêu thương mọi người, nhưng không bao giờ bỏ qua một tâm hồn bé mọn đang cần đến lòng thương xót của mình. Sẽ chẳng bao giờ có mùa xuân nếu không có từng cánh én nhỏ được nâng lên trên bầu trời xanh. Đức Phật dạy: “cứu một mạng người thì hơn xây bảy tòa tháp (ngôi chùa)”. Với Chúa Giêsu thì tìm được một con chiên thất lạc cả thiên giới vui mừng hơn là vì 99 con khác không thất lạc (x.Lc 15,7).

3. “Anh muốn Ta làm gì cho anh? -Xin cho tôi được thấy”. Có phải Chúa Giêsu hỏi một câu “hơi bị thừa” không? Dĩ nhiên không chỉ Chúa Giêsu mà cả đám đông hôm ấy thừa hiểu ước muốn của người mù. Thế nhưng khi hỏi câu ấy và đợi câu trả lời của anh mù thì Chúa Giêsu một mặt giúp anh ta trân quý một chi thể được ví như “cửa sổ của tâm hồn” và mặt khác Người nhắc nhở đám đông rằng dù họ đang có mắt nhưng chưa chắc đã là thấy tức là nhìn nhận sự vật hiện tượng với tâm hồn trong sáng, lành mạnh, ngay thẳng và đầy lòng nhân. Cụ thể là hôm ấy có biết bao người chưa thấy được nỗi khổ của đồng loại nơi người ngồi ăn xin mù lòa.

“Lạy Chúa, xin thương xót con. Lạy Chúa, xin cho con được thấy”. Xin thương xót con vì con đã không thấy nỗi khổ về thể lý và nhất là về tinh thần của nhiều người đang vương cảnh dịch bệnh. Xin thương xót con vì con đã không thấy nhiều quan chức lớn bé đối xử với người nhiễm bệnh như là người có tội, như là người phung cùi. Xin thương xót con vì đã không thấy nhiều chính sách chống dịch thiếu tình người và nhiều khi vừa thái quá, vừa bất cập và cả bất công. Nói với các em thiếu nhi rằng khi đi đường chúng con thấy một viên đá lớn ở giữa đường mà chúng con đi luôn thì đã là thấy chưa và các em đồng thanh trả lời là chưa. Biết dừng lại lượm viên đá, bỏ vào lề đường để người khác đi khỏi bị vấp mới thực sự gọi là thấy.

Xét mình lại xem phản ứng của mình trước các hiện tượng từ trong gia đình ra ngoài xã hội và cả trong Giáo hội thì sẽ biết mình có thấy hay không hay là có mắt vẫn như mù. “Lạy Chúa xin thương xót con, xin cho con được thấy”. Lời khẩn xin này nói lên rằng việc mù lòa tâm hồn hay việc giả mù vì bất cứ lý do gì đều là tội lỗi, là món nợ vượt quá khả năng chi trả của chúng ta.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây