Lời Chúa CHÚA NHẬT PHỤC SINH – C

Thứ sáu - 15/04/2022 18:30 |   617
Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20, 6-8)

17/04/2022
CHÚA NHẬT PHỤC SINH – C
Mừng Chúa sống lại

 

cn phucsinh C

Ga 20, 1-9

TỪ “THẤY” ĐẾN “TIN”
Ông Si-mon Phê-rô vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.
(Ga 20, 6-8)

Suy niệm: Những điều Gio-an thấy tại mộ Chúa vào buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần hôm ấy được trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc và chính xác chẳng khác nào một biên bản hiện trường: - Gio-an đến mộ nhưng nhường cho Phê-rô vào trước; - hiện trường ngôi mộ được bảo vệ nguyên vẹn  (khăn liệm và các giải băng vải được gấp xếp gọn ghẽ trong mộ…); - sự hiện diện của 2 nhân chứng (Phê-rô và Gio-an) tại ngôi mộ trống. Những điều Gio-an “thấy” chỉ là một ngôi mộ trống với những chứng tích còn lại. Và từ những điều trông thấy đó, Gioan đã khẳng định ngắn gọn và chắc nịch: “Ông đã thấy và đã tin”.

Mời Bạn: Gio-an đã “thấy” cũng những điều mà Phê-rô, Tô-ma hay các tông đồ khác cũng thấy, đó là ngôi mộ trống và tấm khăn liệm. Nhưng nhờ đó, Gio-an “thấy” được cả những “điều không thấy”: xác Chúa không còn trong mộ nữa. Từ “điều không thấy”, Gio-an đã tin: tin Đức Ki-tô đã sống lại. “Phúc cho ai đã không thấy mà tin”, phải chăng Đức Ki-tô phục sinh nói điều đó trước hết cho Gio-an?

Chia sẻ: Từ sự kiện “mồ trống”, bạn lập luận để xác tín rằng niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh mà Gio-an và các tông đồ rao giảng cho chúng ta quả là xác thực.

Sống Lời Chúa: Bạn làm một cử chỉ (phủ phục trước Thánh Thể Chúa…) hoặc một lời nguyện vắn tắt để tuyên xưng niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con, con tin Chúa đã chết và đã sống lại để cứu chuộc con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Chúa Nhật Phục Sinh – Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Ngày trọng đại, vui mừng mang nhiều ý nghĩa nhất của Kitô Giáo đó là ngày đại lễ Phục Sinh hôm nay. Ngày đại lễ cao trên và làm cho các ngày khác như lễ Giáng Sinh có ý nghĩa.

Nếu như Chúa không sống lại từ cõi chết thì tất cả nền tảng đức tin của chúng ta hoàn toàn sụp đổ, vô ý nghĩa, cuộc khổ nạn, bị đóng đinh vào Thập Giá của Chúa Kitô, trở thành một tin buồn khủng khiếp, chứ không phải là Tin Mừng.

Vì thế, mỗi Thánh lễ Chúa nhật, chúng ta đều tưởng niệm biến cố Chúa Phục Sinh: Chúa hiện diện giữa chúng ta và trao ban lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Giờ đây chúng ta hãy diệt trừ tội lỗi bằng lòng thống hối để xứng đáng cử hành cuộc Phục Sinh của Chúa.

Ca nhập lễ

Tôi đã sống lại và tôi vẫn còn ở bên Chúa, Chúa đã đặt tay trên mình tôi, sự thông minh của Chúa quá ư huyền diệu – Alleluia.

Hoặc đọc:

Chúa sống lại thật, alleluia, nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời.

Ðọc hoặc hát kinh Tin Kính

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa từ ái, ngày hôm nay, Ðức Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Chúa ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43

“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

Xướng:  Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)

Các Kitô hữu hãy tiến dâng

lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.

Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:

Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.

Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,

tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.

Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe

bà đã thấy gì trên quãng đường đi?

Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống

và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,

Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.

Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!

Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9

“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tếAnh chị em thân mến!  Trong niềm tin tưởng và phấn khởi mừng ngày Chúa chúng ta Phục Sinh vinh quang. Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:

1. “Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cỗi chết sống lại”.- Xin cho các vị Mục tử biết sống trọn vẹn niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, và nhiệt tình loan báo Tin Mừng này cho hết mọi người.

2. “Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự”.– Xin cho các tín hữu biết lo cho linh hồn mình được khỏe mạnh, lo mến Chúa yêu người, và lập nhiều công đức, hơn là lo cho thân xác được sống lâu sức khỏe, và lo tìm kiếm tiền tài, danh vọng lạc thú trần gian.

3. “Khi Đức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người.” Xin cho các gia trưởng biết khôn ngoan sống trong niềm tin phó thác, để cùng được sống lại, và được hưởng vinh phúc đời đời với Đức Kitô Phục Sinh.

4. “Ông thấy và ông tin”.- Xin cho toàn thể nhân loại nhận ra chân lý đem lại ơn cứu độ là tin vào Đức Kitô Phục Sinh.

Chủ tế: Lạy Cha chí thánh, khi làm cho Đức Ki-tô sống lại, Cha đã “tuyên dương” đời sống và đạo lý của Con Cha là mẫu mực tuyệt hảo. Xin Cha thương ban ơn trợ giúp cho chúng con, để chúng con, có đủ khả năng kiên vững sống theo gương mẫu và đạo lý của Con Cha, nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được Cha thương chấp nhận chúng con là “những người con yêu quí của Cha”. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, hôm nay mừng đại lễ Vượt Qua, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ tế này, là lễ tế làm cho Giáo Hội được tái sinh vào đời sống mới, và được nuôi dưỡng cách lạ lùng. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh I: “nhất là trong ngày cực thánh này”

Khi dùng kinh Tạ Ơn I thì đọc kinh “Cùng hiệp thông…” và kinh “Vậy, lạy Cha…”

Ca hiệp lễ

Chiên Vượt qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế, vì thế chúng ta hãy mừng lễ với bánh không men tinh tuyền và chân chính – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã thương đổi mới Hội Thánh; xin Chúa cũng luôn che chở giữ gìn, để Hội Thánh được thấy ngày sống lại vinh quang. Chúng con cầu xin…

Ðể giải tán, phó tế hoặc chính linh mục nói:

X. Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an. Ha-lê-lu-ia. Ha-lê-lu-ia

Ð. Tạ ơn Chúa. Ha-lê-lu-ia. Ha-lê-lu-ia.

Câu giải tán này dùng cho đến hết Chúa Nhật II Phục Sinh.

Suy niệm

Mẻ lưới
Sưu tầm

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta nhận thấy câu chuyện đã xảy ra trên bờ hồ Tibêriade, xứ Galiêa, nơi các môn đệ đã quen thuộc với nghề đánh cá. Đây cũng là nơi các ông đã được Chúa báo trước rằng: Các ông sẽ gặp Ngài tại Galilêa.

Suốt đêm hôm ấy các ông đã vất vả và cực nhọc mà chẳng đánh bắt được gì. Sáng đến, theo sự chỉ dẫn của một người lạ mặt trên bờ hồ, các ông đã đánh được một mẻ cá lớn. Mẻ cá lạ lùng này đã giúp các ông nhận ra Chúa Giêsu, Thầy của các ông. Người nhận ra Chúa đầu tiên cũng chính là Gioan, vị môn đệ được Ngài yêu thương.

Theo nhiều nhà chú giải thì mẻ cá lạ lùng này chính là một hình ảnh tượng trưng cho Giáo Hội. Thực vậy, các môn đệ theo lời Chúa chỉ dạy đã hoạt động và ngay khi không có chút hy vọng gì thì cũng vẫn có thể quy tụ mọi người từ mọi nơi thành một cộng đoàn duy nhất, vì các ông đã làm theo lời Đấng đã sống lại. Con số 153 con cá được đưa ra ở đây cũng có thể góp phần làm nổi bật ý tưởng trên. Theo thánh Hiêrônimô thì các nhà động vật học hồi xưa phân biệt được 153 loại cá. Do đó con số này tượng trưng cho tất cả mọi thứ cá trong biển. Và như thế, dưới cái nhìn của các nhà chú giải thì mẻ lưới của các tông đồ sẽ quy tụ toàn thể gia đình nhân loại để làm thành một cộng đoàn duy nhất.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thi hành sứ mạng của Chúa Giêsu Phục sinh không phải lúc nào cũng dễ dàng ngay cả đối với các môn đệ. Bài đọc I, trích sách Tông đồ Công vụ đã nêu lên những khó khăn của việc rao giảng Tin Mừng. Các môn đệ đã bị cấm không được rao giảng danh Chúa Giêsu. Lệnh cấm ấy lại xuất phát từ thẩy cả thượng tế. Trong chính cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài cũng đã từng gặp phải những khó khăn từ phía những người lãnh đạo Do Thái giáo. Và cuối cùng Ngài đã phải chết vì tay họ.

Từ những điều vừa trình bày chúng ta đi tới một kết luận thực hành. Kết luận ấy như thế này. Công việc rao giảng Tin Mừng Chúa Phục Sinh, không phải chỉ là một bổn phận dành riêng cho linh mục tu sĩ, mà còn là một bổn phận chung của mọi người tín hữu. Chu toàn được bổn phận ấy không phải là một việc dễ dàng, trái lại ở mọi nơi và trong mọi lúc, người tông đồ đều có thể gặp phải những khó khăn, những phản kháng.

Trong những hoàn cảnh như thế, nếu chỉ cậy dựa vào sức lực và tài năng riêng của mình, chúng ta sẽ dễ dàng nản chí và chắc chắn sẽ đi tới chỗ thất bại. Trái lại nếu biết cậy dựa vào tình thương và ơn sủng của Chúa, chúng ta sẽ luôn có được một lòng hăng hay và nhiệt thành để rồi sẽ đi tới thành công, bởi vì đối với Chúa, không có điều gì mà Ngài không thể làm được.

Noi gương các môn đệ, chúng ta hãy vâng theo lời Chúa, ra khơi và thả lưới, để nhờ đó chúng ta sẽ đem về cho Chúa những tâm hồn sám hối.
Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman","serif";}

 

CHÚA NHẬT PHỤC SINH –C 2001
(Gioan 20: 1-9) Lm. Lã Mộng Thường

Lại một lần nữa chúng ta mừng lễ Phục Sinh của Đức Giêsu, tuy nhiên qua suốt mấy tuần mùa chay tôi phải chiến đấu với nhiều câu hỏi được nêu lên ngay nơi tự tâm hồn của mình. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi nhận ra những câu hỏi này bắt nguồn từ những gì tôi được học hỏi và những lời Phúc Âm, đặc biệt nơi những bài thương khó của Đức Giêsu trong tuần thánh. Không những thế, những nghi thức tế lễ và thờ phượng trong ba ngày thứ năm, thứ sáu, và thứ bẩy càng khiến cho tôi cảm thấy mình đã bao lâu nay không để ý đến tâm tình của mình khi tham dự hoặc thực hiện những nghi thức này.

Dĩ nhiên, sự cảm nhận của mỗi người đều khác nhau tùy tâm tình và nhận thức của mình. Tuy nhiên, nguyên nhân căn bản lại mang mẫu số chung đó là chúng ta có để ý tìm hiểu về tâm tình của mình hay không, cũng như đặt vấn đề để nhận ra nguyên nhân tại sao mình mang tâm tình như thế hay không. Câu hỏi cuối cùng đến với tôi trong mấy tuần này quả là quái ác. Tin Mừng phục sinh là gì? Phúc Âm cũng như những nghi thức phục sinh nhắc nhở chúng ta điều gì và chúng ta có thể áp dụng nơi cuộc sống mình ra sao? Trung thực với lòng mình, sự việc Đức Giêsu sống lại hay không nào có gì ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta đâu! Dầu buôn bán, hay làm việc tại các hãng, xưởng, hoặc lênh đênh trên những con tàu đánh bắt tôm cá thì suốt đời ngày nào cũng như ngày nấy, ai cũng phải đối diện với những thăng trầm nơi các công việc cần thiết phải làm để mưu sinh. Cho rằng hay tin tưởng rằng Chúa sống lại hay không nào cuộc đời mình có hơn kém chi đâu. Có chăng, mấy ngày nghỉ coi chừng mệt hơn đi làm thuê vì công việc thu xếp nhà cửa và lo lắng cho gia đình còn nặng nề gấp mấy những công việc đi làm thuê. Tựu chung, mừng Chúa sống lại coi chừng mệt hơn không mừng.

Riêng tôi, chẳng những mệt hơn mà còn phiền hơn. Tối hôm qua lễ xong vừa đúng 10 giờ đêm, tôi vội vã lái xe đến 2 tiệm bán thực phẩm gần đó cỡ 5 phút lái xe định mua mấy miếng gà chiên thì cả hai đều đóng cửa. Khi trở về nhà, dẫu biết rõ tủ lạnh trống trơn nhưng tôi vẫn thuận tay mở cửa mà lòng ngao ngán “Thực thể cuộc đời quả là trớ trêu, chúng ta chưa kịp nhận ra niềm vui kỷ niệm mừng Chúa sống lại thì đã phải đối diện với những nhu cầu thiết yếu của thân phận làm người”. Dĩ nhiên, cuộc sống biến chuyển tiếp nối không ngừng; không ai chỉ ăn một lần mà có thể sống được một đời “hôm nay ăn, ngày mai lại đói”. Bởi vậy, những lo âu, tính toán về nhu cầu cuộc sống hữu hình đã hầu như che lấp tâm trí không còn kẽ hở suy tưởng về thực thể con người của mình.

Hơn nữa, chính vì phải luôn luôn suy tính thực nghiệm hầu bảo tồn sự sống, tâm trí chúng ta tạo thành thói quen nhận định mọi sự qua nhãn quan thực nghiệm thế tục. Chẳng hạn, bất cứ ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng ba nhân đức đó là đức tin, đức cậy, và đức mến. Tuy nhiên, nếu để tâm nhận định, những gì chúng ta đang ấp ủ về ba nhân đức này rất đối nghịch với những lời dạy nơi Phúc Âm.

Tôi nêu thử một vài điểm. Phúc Âm trình bày về đức tin như một quyền năng nội tại nơi mỗi người; chúng ta đều nghĩ và cho rằng đức tin chỉ là vấn đề chấp nhận có một Thiên Chúa toàn năng kèm thêm vào đó là sự thi hành những bổn phận người khác đặt ra cho mình theo vì e sợ không theo sẽ bị phạt sau này. Đối với đức cậy, ai không nghĩ đó là sự phó thác hoàn toàn nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta thường đồng hóa đức cậy với lòng cậy trông hoặc là niềm hy vọng được cứu rỗi. Bình tâm nhận định, bất cứ những gì chúng ta hy vọng tất nhiên chúng ta chưa thực sự có, và không ít thì nhiều, những điều chúng ta hy vọng lại chẳng khác gì lòng cầu may: được cũng nên, quên cũng chẳng ảnh hưởng gì.

Như vậy, đặc tính của niềm hy vọng chỉ phần nào giúp con người an tâm nếu không muốn nói đó là mặt trái của sự thất vọng đang âm thầm hiển hiện. Đức mến thường được áp dụng thành đức bác ái đối với tha nhân. Và chúng ta có thể kiểm chứng rõ ràng một điều đó là rất ít khi hoặc chẳng bao giờ chúng ta thực hiện đức bác ái. Chúng ta chỉ thực hiện những gì có thể đem lại mối lợi hoặc ngầm chất chứa những ý đồ nào đó. Bình thường chúng ta chỉ nói đến hoặc hiểu bác ái theo quan điểm nhận định hình thức bên ngoài. Điều chẳng ngờ đó là những ai dù bằng cách nào, lời nói hay thái độ không nên làm tổn thương đến người khác, họ đã vô tìnhphạm lỗi về đức bác ái một cách nặng nề mà ít khi để ý. Cũng chính vì không để tâm nhận định về chính mình, chúng ta mơ ước và dễ chấp nhận những gì được đồn thổi là phép lạ bởi vì mình không phải làm gì, không thể nghĩ gì. Chúng ta tưởng tượng và mơ ước có được thứ bảo hiểm không phải trả giá đó là nước thiên đàng. Chúng ta tin phép lạ hoặc nếu có thể du lịch tới những phần đất linh thiêng nơi trái địa cầu này hy vọng có được mối an tâm che lấp nỗi lo âu vì không nắm chắc được kết quả rồi cuộc đời mình sẽ đi về đâu.

Nói vòng vo tam quốc như vậy, tôi chỉ muốn minh chứng một điểm đó là chúng ta đã không để tâm tìm hiểu tâm tình nơi chính mình và như vậy đã không nhận biết lòng khát vọng tâm linh đang tiềm ẩn nơi mỗi người. Đức Giêsu được sai đến để rao giảng Tin Mừng Nước Trời, chúng ta hô hào, tuyên xưng Ngài đến để chuộc tội, chết vì tội của chúng ta. Và như vậy, âm thầm nghĩ rằng đã có Ngài chết vì tội của mình, đã có sẵn bảo hiểm là cái chết của Ngài, chúng ta đâu phải lo lắng đặt vấn đề cứu rỗi hay không, đâu cần phải làm gì. Nhưng, nói sao thì nói, cố gắng tuyên truyền để che lấp thế nào chăng nữa thì nỗi lo âu thầm kín, sự thất vọng bị khuất lấp bởi hy vọng vẫn âm thầm gặm nhấm lòng ruột chúng ta. Hai ngàn năm trước, các môn đồ, người đồng thời sống gần gũi Đức Giêsu, được nghe trực tiếp những lời Ngài giảng dạy nhưng hầu hết cũng không hoàn toàn hiểu được Ngài đã nói về điều gì.

Tôi thực tâm nghĩ, họ được nghe Ngài giảng dạy nhưng không suy nghiệm, không đặt vấn đề tại sao Ngài nói như thế bởi bị quan niệm thực nghiệm thế tục khuất lấp. Đức Giêsu đến công bố về thực thể nội tại nơi mỗi người chúng ta. Ngài đã minh chứng bằng những công việc Ngài thực hiện và rõ ràng công bố, “Kẻ nào tin vào Ta thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa” (Gioan 14:12). Khi nào chúng ta vẫn còn chưa nhận ra sự hiện diện của chúng ta nơi nhà thờ lúc này là phép lạ; tai chúng ta có thể nghe là phép lạ; mắt chúng ta có thể nhìn được sự vật chung quanh là phép lạ; tâm trí chúng ta có thể suy nghĩ được là phép lạ thì chúng ta vẫn chưa thể hiểu được những lời Đức Giêsu rao giảng nơi Phúc Âm.

Tóm lại, Phục Sinh lần nữa lại đến để đánh động tâm hồn chúng ta, thách đố tâm trí chúng ta nghiệm chứng để đối diện với thực thể nội tại nơi mỗi người. Thực thể này chính là Thiên Chúa ở cùng chúng ta; Thiên Chúa đang hoạt động nơi mỗi người. Xin Thần Linh đã cho Đức Giêsu sống lại dẫn dắt và soi sáng lòng trí mỗi người hầu nhận ra thực thể tin mừng nước trời nơi chính mình. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây