Lời Chúa CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN – C

Thứ sáu - 17/06/2022 18:43 |   782
Đức Giê-su bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá.” (Lc 9, 13)

19/06/2022
CHÚA NHẬT TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN – C
Mình và Máu Thánh Chúa Kitô

 

cn Mình Máu Chúa

Lc 9, 11b-17

CỘNG TÁC VIÊN CỦA PHÉP LẠ
Đức Giê-su bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá.”
(Lc 9, 13)

Suy niệm: Khi kể lại phép lạ bánh hóa nhiều lần thứ nhất này, các thánh sử đã cho thấy những người thông phần vào công việc lạ lùng của Chúa. Thấy đám đông có nguy cơ phải đói, các môn đệ xin Thầy giải tán đám đông để “họ vào các làng mạc tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn” vì các ông biết khả năng giới hạn của mình: chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Thế nhưng Chúa lại bảo: Chính anh em hãy lo cho họ ăn.” Vâng lời Chúa, các ông tổ chức đám đông thành nhóm năm mươi người một và cộng tác với Ngài phân phát cho dân lương thực được Chúa làm phép lạ hoá nên nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá ít oi đó.

Mời Bạn: Khi làm phép lạ, Chúa không làm theo lối ‘bao thầu trọn gói’ nhưng Ngài muốn con người cộng tác với Ngài tùy lượng ơn Chúa ban cho. Trong nhiều trường hợp, đức tin, sự quảng đại, lời cầu nguyện tha thiết, khiêm tốn của người đến xin là điều kiện để phép lạ xảy ra. Phép lạ là điểm hội tụ của những tấm lòng vàng: tấm lòng đầy từ bi nhân hậu của Chúa và tấm lòng của những ai thành tâm tin tưởng chạy đến kêu xin Chúa ra tay cứu giúp.

Sống Lời Chúa: Tôi có thể xây dựng một “Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ” bằng những lời cầu nguyện, hy sinh nhỏ bé của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa không đi một mình, nhưng luôn có các môn đệ ở bên, cùng tham gia vào sứ vụ của Chúa. Xin Chúa cùng đi với con trên muôn nẻo đường đời và cho con biết dọn đường khai lối để Chúa đến với các tâm hồn đang khao khát tình yêu Chúa.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Mình và Máu Thánh Chúa Kitô

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hôm nay chúng ta cùng với Hội Thánh mừng kính trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Thật ra, trong bất cứ Thánh Lễ nào, chúng ta cũng đã suy tôn mầu nhiệm Thánh Thể. Tuy nhiên, vì muốn nhân mạnh tầm quan trọng của Thánh Thể trong đời sống của mỗi tín hữu, nên mẹ Hội Thánh đã chọn riêng một ngày để chúng ta dành thời giờ nhiều hơn trong việc tôn thờ, chiêm ngắm và tạ ơn tình yêu Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể.

Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta được đón nhận chính Đức Giêsu là nguồn của mọi ân phúc. Nên giờ đây Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến để tham dự bữa tiệc thánh trong Thánh lễ này, với lời tha thiết đầy yêu thương: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy. Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là Máu Thầy, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” Chúng ta hãy giục lòng thống hối để hân hoan tham dự Mầu Nhiệm Thánh.

Ca nhập lễ

Ta sẽ lấy tinh hoa lúa mì nuôi dưỡng chúng, và cho chúng ăn no mật từ hốc đã chảy ra.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình Và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: St 14, 18-20

“Ông mang bánh và rượu tới”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Melkixêđê là vua thành Salem, đem bánh và rượu tới, vì ông là thượng tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông chúc phúc cho Abram rằng: “Xin Thiên Chúa Tối Cao và Ðấng tạo thành trời đất chúc phúc cho Abram, và đáng chúc tụng thay Thiên Chúa Tối Cao, vì nhờ Người che chở, quân thù đã rơi vào tay ông”. Và Abram dâng cho ông một phần mười tất cả chiến lợi phẩm.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4

Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê (c. 4bc).

Xướng: Thiên Chúa đã ban bố cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con”. 

Xướng: Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: “Con hãy thống trị giữa quân thù”. 

Xướng:  “Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con”. 

Xướng: Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: “Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê”. 

Bài Ðọc II: 1 Cr 11, 23-26

“Mỗi khi anh em ăn và uống anh em loan truyền việc Chúa chịu chết”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: “Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 51-52

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 11b-17

“Tất cả đều ăn no nê”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: “Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa”. Nhưng Người nói với các ông: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Các ông trả lời: “Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này”. Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: “Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người”. Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, đến nỗi lấy chính Thịt Máu mình để nuôi dưỡng chúng ta. Chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa và tha thiết dâng lời nguyện xin:

1. “Con là Thượng Tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkisêđê”.- Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa, biết lấy chính thân mình làm hy lễ theo mẫu Chúa Kitô để trở nên nguồn ơn cứu độ.

2. “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết… ”.– Xin cho mọi Kitô hữu luôn khát khao của ăn đích thực, là Thánh Thể Chúa Kitô làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn, bằng cách siêng năng tham dự bàn tiệc Thánh Thể.

3. “Các con hãy cho họ ăn đi”.– Xin cho những ai đến nhận lãnh Mình Thánh Chúa Kitô, cũng biết chia sẻ chính những gì thuộc bản thân cho anh chị em đồng loại.

4. “Tất cả đều được ăn no”.- Xin cho cộng đồng giáo xứ chúng ta luôn ý thức bữa tiệc Thánh Thể cần thiết và quan trọng để làm trọn Thánh Lễ, mà cố gắng chuẩn bị tâm hồn đón rước Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, Xin cho chúng con một niềm tin mạnh mẽ xuất phát từ lòng mến thẳm sâu, biết sống trọn vẹn với Chúa, để nhờ ân sủng của Chúa, chúng con được lãnh nhận ơn cứu độ cho bản thân và cho muôn người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, bao hạt lúa mới làm nên tấm bánh này, bao trái nho mới ép thành chén rượu đây, tượng trưng sự đoàn kết giữa con cái Chúa. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho trở nên bí tích nhiệm mầu, đem lại cho Hội Thánh Chúa ơn hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Thánh Thể

Ca hiệp lễ

Chúa phán:” Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tuy còn ở dưới thế, nhưng đã được tham dự bàn tiệc trên trời khi thông hiệp với Mình và Máu Thánh Chúa. Xin cho chúng con một khi lên cõi trời vinh hiển được cùng Chúa vui hưởng phúc trường sinh. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Dâng tiến lễ vật

Có một mẩu chuyện kể lại rằng: Trước khi từ giã mái nhà Nagiarét để lên đường rao giảng Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hỏi Đức Mẹ: Thưa Mẹ, Mẹ muốn con để lại gì cho Mẹ sau những năm Mẹ đã giúp đỡ và an ủi con? Đức Mẹ đã trả lời: Mẹ chỉ mong được đứng cạnh con dưới chân thánh giá vào ngày thứ sáu hầu kết hiệp với hy lễ của con.

Đúng thế, kết hiệp với hy lễ của Đức Kitô cũng chính là điểm cao đẹp nhất mà người tín hữu chúng ta phải thực hiện. Để hiểu được điều đó, chúng ta hãy nhìn lên bàn thờ và chúng ta sẽ thấy những gì? Trước hết vị linh mục thượng phẩm chính là Chúa Giêsu. Sau khi thiết lập và cử hành thánh lễ đầu tiên vào chiều thứ năm tuần thánh, Ngài còn tiếp tục hiện diện và cử hành trong mỗi thánh lễ. Bởi vì nếu không có Chúa Giêsu thì cũng chẳng có thánh lễ. Và như sách giáo lý đã dạy, qua bàn tay linh mục chính Chúa Giêsu cử hành thánh lễ và dâng lên Chúa Cha của lễ tinh tuyền, bởi vì Đức Chúa Giêsu là linh mục đời đời theo dòng Melchisédech.

Bên cạnh Chúa Giêsu là vị linh mục, đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh. Nhờ ngài mà bánh rượu sẽ trở nên Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Nhờ ngài mà thánh lễ được cử hành ở khắp mọi nơi trên mặt đất này. Như chúng ta đã thấy trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã truyền chức linh mục cho các môn đệ, rồi trong dòng thời gian, các môn đệ lại truyền chức cho những người khác, như vậy quyền dâng tiến hy lễ và truyền phép được chuyển thông cho đến tận cùng thời gian. Vị linh mục rao giảng Lời Chúa, tha thứ tội lỗi và nhất là cử hành thánh lễ.

Thế nhưng, trong thánh lễ chúng ta không chỉ dừng lại ở đó để rồi có một thái độ thụ động, mơ mộng hay ngủ gục. Chúng ta không xem lễ như xem một vở kịch, một cuốn phim, nhưng chúng ta thực sự tham dự bằng cách kết hiệp tâm tình với những lời vị linh mục đọc và những việc vị linh mục làm. Và dưới một góc độ nào đó thì trong thánh lễ chúng ta cũng là những người cử hành, những người dâng tiến.

Để chuẩn bị cho con mình trong thánh lễ mở tay, có một bà mẹ đã cẩn thật trồng một đám lúa mì. Sau khi đã thu hoạch, bà xay thành bột rồi làm thành những chiếc bánh. Và trong ngày con bà cử hành thánh lễ đầu tiên, thì chính bà đã đem những tấm bánh ấy đến nhà thờ để dâng tiến.

Hơn thế nữa, trong ngày chịu phép rửa tội, chúng ta cũng đã được xức dầu để thánh hiến cho Thiên Chúa và như thế chúng ta cũng được tham dự vào chức vụ linh mục của Chúa Giêsu, và chúng ta gọi đó là chức linh mục cộng đồng của mọi người tín hữu, khác với chức linh mục thừa tác của những người được tuyển chọn qua bí tích Truyền Chức Thánh. Bởi đó trong thánh lễ chúng ta cũng thi hành chức vụ linh mục, chúng ta cộng tác với Chúa Giêsu, chúng ta góp phần bằng của lễ cuộc đời chúng ta, đó là những lao công vất vả và những hy sinh gian khổ chúng ta gặp phải. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng: cử hành thánh lễ là việc của Chúa Giêsu và các linh mục chứ không phải là việc của tôi. Bởi đó tôi có thể nghĩ đến những chuyện khác trong khi tham dự thánh lễ. Có ý thức vai trò của mình, chúng ta mới tham dự thánh lễ một cách sống động và việc tham dự sống động này mới thực sự đem lại lợi ích cho chúng ta.
 

LƯƠNG THỰC BAN SỰ SỐNG

(Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Trường sinh bất tử là một ước mơ của con người mọi thời. Các bậc vua chúa, những người lắm tiền, nhiều của xưa nay vẫn tìm mọi cách thế, nhiều phương dược để mong được cải lão hoàn đồng hay kéo dài tuổi thọ nhưng đã hoài công. Dù biết rằng ít có ai can đảm đối diện với sự chết, nhưng rồi người ta vẫn phải chân nhận sự thật là kiếp người đã có sinh thời có tử. Chúng ta không lạ gì chuyện người Do Thái xưa kia cảm thấy chướng tai khi nghe Chúa Giêsu nói về lương thực trường sinh, vì Abraham đã chết và các ngôn sứ cũng đã chết (x.Ga 8,52). Vậy thế nào là trường sinh?  

Là Kitô hữu, chúng ta tin nhận rằng sự sống đời đời là được hiệp thông với Thiên Chúa. Ai ở trong Thiên Chúa, ai có Chúa ở cùng thì đó là người đang sống, nghĩa là có sự sống như thuở ban đầu tạo dựng. Khi tội lỗi xuất hiện thì mới có sự chết. Ngày nay ít có ai hiểu sự chết về mặt thể lý, mà sự chết ở đây có nghĩa là tình trạng chối từ Thiên Chúa, cắt đứt sự hiệp thông với Người. Đến thế gian, sứ vụ của chính yếu của Chúa Kitô chính là nối kết mối dây hiệp thông giữa Thiên Chúa và loài người vốn đã bị cắt lìa ấy.

Thiên Chúa đã tự nguyện đi bước trước trong việc trao ban chính mình qua Người Con Một nhập thể làm người. Và Chúa Kitô đã thể hiện việc trao ban ấy cách cụ thể và trọn vẹn qua bí tích Thánh Thể. Hãy cầm lấy mà ăn… Hãy cầm lấy mà uống… nghĩa là hãy đón nhận chính Đấng vốn là Thiên Chúa nhưng đã đi bước trước để nối lại mối dây giao hòa, thông hiệp. Được giao hòa với Thiên Chúa thì nhân loại chúng ta được hiệp thông với Người và sự sống đích thực sẽ lại ban cho chúng ta. Có sự sống trong mình thì đương nhiên sẽ không còn ở trong bóng tối sự chết và như thế tội lỗi đã được thứ tha.

Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã so sánh cách cụ thể rằng xưa máu con dê, con bò được rảy trên dân còn có sức thanh tẩy những người nhiễm uế thì huống là máu cực thánh châu báu Chúa Kitô. “Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,14). Chính Chúa Kitô đã minh nhiên phán trong đêm Tiệc ly:  Máu Người là máu giao ước mới, đổ ra cho anh em và muôn người được tha tội (x.Mt 26,28). Được tha tội là được hiệp thông với Thiên Chúa và đương nhiên là có sự sống đời đời.

Để có sự sống đời đời, Chúa Kitô cũng đã từng mời gọi là hãy tin vào Người là Đấng mà Thiên Chúa sai đến (x.Ga 6,29). Và Người khẳng định: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ (Ga 6,35). Đón nhận Chúa Kitô, đặc biệt trong Bí Tích Thánh Thể, đòi hỏi phải có niềm tin và tiếp nhận Thánh Thể cũng là cách thế tuyên xưng đức tin. “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Câu xướng sau khi truyền phép khẳng định chân lý này. Thánh Tông đồ dân ngoại đã phiền trách một số tín hữu thành Côrintô, vì say xỉn, vì chia rẽ, nên đã không có thái độ đức tin mỗi khi tham dự Lễ Bẻ Bánh, và vì thế sẽ chẳng nhận được ơn ích mà trái lại còn gánh lấy án phạt (x.1Cor 11,17-33).

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật lời khẳng định của Chúa Kitô: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17; x. Mt 9,13; Lc5,32). Trong phần hiệp Lễ, các tín hữu thành khẩn: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con…”, và còn thú nhận: “con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”. Những lời này nhắc nhủ đoàn tín hữu về thân phận tội lỗi và bất xứng của mình. Chỉ nhờ quyền năng và tình yêu của Đấng Cứu Độ, qua việc Người trao ban chính Người thì chúng ta mới nên xứng đáng, tức là nên lành mạnh. Đọc Tin Mừng, đặc biệt qua câu chuyện của Lêvi, của Giakêu, Mađalêna, chúng ta thấy được sự thật này: không phải vì chúng ta xứng đáng nên Chúa mới ngự đến, nhưng nhờ Chúa đoái thương ngự đến nên chúng ta mới nên xứng đáng.

“Hãy cầm lấy mà ăn! Hãy cầm lấy mà uống!” Chúa đã tự nguyện đến với chúng ta trước, nhưng phần chúng ta cũng cần phải biết tiếp đón Người thì hiệu quả mới phát sinh. Và thái độ tiếp đón Chúa Kitô đẹp lòng Người nhất, đó là khiêm nhu nhìn nhận sự yếu đuối, tội lỗi của mình và tin tưởng, phó thác vào tình yêu và quyền năng của Người. Được hiệp thông với Chúa Kitô Thánh Thể là được thông phần sự sống đời đời. Cho dù sự thông phần ấy có giới hạn trong thời gian hình bánh và rượu còn nguyên thể dạng trong lòng ta, nhưng đó chính là dấu chỉ bảo đảm cho sự trường sinh sau này. Được nếm trước chút thực tại vĩnh cửu là động lực giúp ta vững bước tiến về quê trời. Việc trao “của ăn đàng” cho người gặp cơn nguy tử hay đang hấp hối giúp ta thêm xác tín điều này.

Bí Tích Thánh Thể là bí tích biệt loại, vì dấu chỉ cũng là thực tại. Thánh Thể vừa là ân ban vừa là chính nguồn của mọi ân lộc. Trước mầu nhiệm cao cả, khôn dò này, mọi diễn suy chỉ là nước bỏ biển. Không gì hơn, hãy thẳm sâu tôn thờ, đón nhận Mình Máu châu báu của Đấng Cứu độ trong sự khiêm nhu và tín thác.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XII Thường Niên – C

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Còn lại một mình với các môn đệ, Đức Giêsu đặt một câu hỏi buộc các ông phải trả lời: “Anh em bảo Thầy là ai? Lời tuyên xưng của Thánh Phêrô thay mặt anh em nói lên lời tâm huyết và đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp theo Chúa của các ông. Trong khi dân chúng tiếp tục quan niệm sai lầm về sứ mệnh cứu thế của Đức Giêsu, thì Người sẽ rèn luyện nhóm nhỏ này và thanh luyện lòng tin của họ đúng với vai trò của Đấng Thiên Sai.

Sau khi Thánh Phêrô tuyên xứng đức tin “Thầy là Đấng Kitô ”, Đức Giêsu liền tiên báo về cuộc thương khó mà Người sắp trải qua. Người đòi hỏi những ai muốn theo làm môn đệ Người cũng phải chấp nhận đi con đường Thập Giá mà Người sắp đi.

Trước khi tuyên xưng lòng tin của chúng ta trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta cùng thành tâm thống hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh….

Ca nhập lễ

Chúa là mãnh lực của dân Người, là chiến luỹ bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Lạy Chúa là phần rỗi tôi, xin cứu sống dân Chúa, và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn dắt họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Dcr 12, 10-11

“Họ sẽ nhìn thấy Ðấng họ đã đâm thâu qua”.

Trích sách Tiên tri Dacaria.

Ðây Chúa phán: “Ta sẽ gieo rắc tinh thần ân phúc và cầu nguyện trên nhà Ðavít và trên dân cư Giêrusalem. Họ sẽ ngước mắt nhìn Ta, Ðấng họ đã đâm thâu qua: họ sẽ khóc than người, như khóc than con một, họ sẽ thương tiếc người như quen thương tiếc đứa con đầu lòng đã chết.

Trong ngày đó, tại Giêrusalem sẽ có tiếng khóc than to lớn, như khóc than Ađadremmon trong cánh đồng Magêđđô”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao Chúa (c. 2b).

Xướng: Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước! 

Xướng: Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài.

Xướng: Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con, con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thoả dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ. 

Xướng: Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài. Linh hồn con bám thân vào Chúa, và tay hữu Chúa nâng đỡ người con. 

Bài Ðọc II: Gl 3, 26-29

“Anh em đã chịu phép rửa tội, nên anh em đã mặc lấy Ðức Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Vì chưng tất cả anh em đã chịu phép rửa tội trong Ðức Kitô, nên anh em đã mặc lấy Ðức Kitô. Nay không còn phân biệt người Do-thái và Hy-lạp, người nô lệ và tự do, người nam và người nữ: vì tất cả anh em là một trong Ðức Giêsu Kitô. Nhưng nếu anh em thuộc về Ðức Kitô, thì anh em là dòng dõi Abraham, những kẻ thừa tự như lời đã hứa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 18-24

“Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Người lại phán cùng mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Với niềm xác tín của Thánh Phêrô, chúng ta cùng nhau thành khẩn xin Chúa thêm đức tin cho chúng ta trong hoàn cảnh hiện nay. Chúng ta đồng thanh dâng lời cầu nguyện

1. “Họ sẽ ngước mắt nhìn Ta, Đấng họ đã đâm thâu qua”- Xin tình yêu Thập Giá Chúa Kitô nên nguồn trợ lực cho các vị Chủ chăn, giúp các ngài luôn can đảm trong khi thi hành tác vụ và sẵn sàng dâng hiến mạng sống mình vì phần rỗi muôn người.

2. “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”- Xin giữ vững đức tin cho các tín hữu, để như Thánh Phêrô, họ biết luôn tuyên xưng cách chân thành và mến yêu niềm tin của họ vào Chúa Kitô, bằng chính cuộc sống chứng nhân giữa lòng đời.

3. “Nếu anh em thuộc về Đức Kitô, thì anh em là dòng dõi Abraham” – Xin cho các Linh mục, Tu sĩ là những người theo sát Chúa Kitô, biết cùng bước với Ngài trên đường khổ giá, bằng cách vui nhận mọi nghịch cảnh với Chúa Kitô, họ sẽ qua đau khổ mà bước vào vinh quang sự sống.

4. “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, biết trả lời về niềm tin và tình yêu của chúng ta đối với Chúa, bằng một cuộc sống thánh thiện và yêu thương, biết nhận ra và tuân hành ý Chúa trong mọi giây phút, để sự sống của Chúa luôn chan hòa và đổi mới tâm hồn chúng ta.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con đang khát vọng tìm về Chân, Thiện, Mỹ, biết nhận ra rằng chỉ có Chúa Kitô và Hội Thánh Ngài mới là con đường duy nhất, đưa con người tới hạnh phúc vô biên, để chúng con không bị nhiễm độc vì những học thuyết sai lạc, nhưng biết tìm gặp Chúa và sống trong tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin …

 Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi, chúng con hiến dâng những lễ vật này để tạ tội và ngợi khen Chúa; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và dùng của lễ này mà thanh tẩy chúng con, hầu chúng con có thể dâng lên những tâm tình làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Chúa ban lương thực cho chúng đúng theo giờ.

Hoặc đọc:

 Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, và Ta thí mạng sống Ta vì các chiên Ta”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con rước Mình và Máu Con Chúa để đổi mới chúng con, xin cho chúng con được chắn chắn hưởng ơn cứu độ, nhờ mầu nhiệm cử hành trong thánh lễ này. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Tin hay không tin?

Phêrô đã tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa, còn chúng ta, chúng ta có tin Ngài hay không? Hẳn chúng ta còn nhớ lời tiên báo của ông già Simêon: Con trẻ này sẽ nên cớ cho nhiều người vấp phạm. Và sự thật đã được minh chứng qua dòng thời gian.

Đúng thế, Đức Kitô đã chia nhân loại thành hai giới tuyến rõ rệt. Tin hay không tin, kiến thiết hay phá hoại như lời Ngài đã nói: Ai không cùng Ta kiến thiết đó là kẻ phá hoại. Đức Kitô không chấp nhận những thái độ lừng khừng và do dự, những thái độ đi nước đôi và bắt cá hai tay. Vì ngươi không nóng cũng không lạnh, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.

Tuy nhiên dầu tin hay không tin, tất cả mọi người đều biết rằng: Ngài không phải là một triết gia như những triết gia khác, lý thuyết của Ngài không phải là một lý thuyết suông, chẳng dính dáng gì đến đời sống con người và tín thư Ngài đã mang lại không thể để con người lãnh đạm được. Trái lại, nó gói ghém một vấn đề hệ trọng nhất của nhân loại, một vấn đề liên quan tới định mệnh của mỗi người chúng ta.

Những người đã đến với Đức Kitô, đã sống với Ngài và vì Ngài là những người cương quyết dành cho Ngài tất cả lòng trung thành không gì lay chuyển nổi. họ đã trung thành cho đến chết, chết dưới nanh vuốt ác thú, chết dưới lưỡi gươm bạo chúa, hay ngã quỵ dưới làn đạn xé thịt. Còn những kẻ không nhận Ngài thì ghét Ngài và nhất quyết không đội trời chung với những ai tự xưng là môn đệ của Ngài.

Và như thế, những sự bách hại không làm cho người tín hữu ngạc nhiên, vì họ nhớ tới lời tiên báo của Thầy mình: Họ đã ghét Thầy thì họ cũng sẽ ghét các con. Họ ghét chúng ta vì chúng ta thuộc về Thầy. Đức Kitô của Đức Kitô luôn bị phản đối, bị bách hại, không phải chỉ bằng gươm giáo súng đạn, mà còn bằng những sự phỉ báng và bài xích. Chính Đức Kitô ngày xưa cũng đã bị vu oan, tố cáo là tên phản quốc, phá luật, phạm đến Thiên Chúa và bạn với bọn tội lỗi và thu thuế. Vấn đề Đức Kitô mãi mãi là một vấn đề thời sự nóng bỏng, làm cho chúng ta phải băn khoăn suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh. Tin hay không tin.

Từ thẳm sâu cõi lòng, chúng ta dường như nghe thấy một thứ tiếng gọi, tuy âm thầm nhưng mãnh liệt, đòi chúng ta phải trả lời dứt khoát, như là bước vào một cuộc mạo hiểm sống chết, bởi vì chính Chúa cũng đã nói: Ai tin Ta sẽ không chết, nhưng sẽ được sống đời đời. Và như thế vấn đề Đức Kitô là một vấn đề luôn quan trực tiếp đến mỗi tâm hồn, và chỉ được giải quyết bằng một cuộc trao đổi của mỗi người trong tin yêu và phó thác.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây