Lời Chúa CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – B

Thứ sáu - 09/07/2021 17:50 |   545
Không được mang lương thực, bao bị, tiền dắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. (Mc 6,8-9)
11/7/2021
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN - NĂM B

 
CN15TN B
Mc 6, 7-13

HÀNH TRANG ĐƠN GIẢN

Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền dắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. (Mc 6,8-9)

Suy niệm: Chúa Giê-su sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng và chỉ thị cho các ông “không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy và đôi dép”. Phải bỏ lại đàng sau không chỉ những hành trang lỉnh kỉnh, mà cả những vật dụng hết sức cơ bản và thiết yếu cho cuộc sống cũng như cho hành trình sứ mạng. Chúa muốn dạy các tông đồ phải hoàn toàn tin tưởng, phó thác vào Chúa, chứ không cậy dựa vào những phương tiện của con người. Một lý do khác, đó là tính khẩn trương, cấp bách của sứ mạng: phải lên đường rao giảng ngay chứ không đợi đến lúc có đủ điều kiện, phương tiện mới loan báo Tin Mừng.

Mời Bạn: Quả thực, các phương tiện kỹ thuật giúp ích nhiều cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, người tông đồ dễ rơi vào cạm bẫy ngọt ngào là giản lược việc loan báo thành việc phô diễn kỹ thuật hoặc trì hoãn các kế hoạch sứ mạng với lý do thiếu thốn các phương tiện. Là những ‘môn đệ thừa sai’, bạn được mời gọi đặt hết niềm tin tưởng vào Chúa và rao giảng Tin Mừng lúc thuận cũng như lúc nghịch.

Sống Lời Chúa: Tôi tập phân định dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để sử dụng những phương tiện giúp cho việc loan báo Tin Mừng và cũng sẵn sàng từ bỏ chúng nếu chúng kềnh càng ngáng trở sứ mạng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, hành trang con mang theo trên đường sứ mạng là chính Chúa. Xin giúp con giữ tâm hồn đơn sơ, thanh thoát và luôn vững tin vào Chúa để loan báo Tin Mừng mọi lúc, mọi nơi.
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XV Thường Niên - Năm B

 

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu sai nhóm 12 đi thực tập truyền giáo. Người chỉ thị cho các ông phải rao giảng sự thống hối. Rao giảng vừa bằng lời nói vừa bằng gương sáng. Gương sáng nói đây chính là: Sự hiệp nhất yêu thương giữa hai người cùng trong một nhóm, là phải sống thanh thoát khó nghèo, và luôn cậy trông phó thác cuộc đời cho Chúa quan phòng gìn giữ, là khiêm tốn phục vụ tha nhân hết khả năng, bằng các việc xua trừ ma quỉ và xức dầu chữa lành các bệnh nhân. Mỗi người chúng ta cũng có ơn gọi và sứ mệnh làm con, làm tiên tri và làm người rao giảng Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa. Đó là những hồng ân lớn lao, nhưng đồng thời cũng là những trách nhiệm nặng nề phải chu toàn. Chúng ta có thể học cùng Thánh Phaolô và các Tông Đồ, cũng như học cùng tiên tri Amos và nhất là học với chính Đức Kitô, để sống cách trọn hảo ơn gọi và sứ mệnh đã lãnh nhận. Trong tâm tình tạ ơn vì những hồng ân Chúa ban, chúng ta thống hối để xứng đáng cử hành Thánh Lễ.

Ca nhập lễ

Phần tôi, nhờ công chính, tôi sẽ được nhìn thấy thánh nhan Chúa, tôi sẽ được no thoả khi Chúa tỏ bầy sự vinh quang của Chúa

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa để họ được trở về nẻo chính đường ngay; xin ban cho những người xưng mình là Kitô hữu biết tránh mọi điều bất xứng và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Am 7, 12-15

“Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta”.

Trích sách Tiên tri Amos.

Trong những ngày ấy, Amasia (vị tư tế ở Bêthel) nói cùng Amos rằng: “Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bêthel, vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc”. Amos trả lời cùng Amasia rằng: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab -10. 11-12. 13-14

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. 

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Tự mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. 

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái, đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. 

Bài Ðọc II: Ep 1, 3-10 {hoặc 3-14}

“Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương.

Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này, Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài, theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Ðức Kitô.

{Cũng trong Người mà chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, được tiền định theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trông cậy vào Ðức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, và được ca ngợi vinh quang Ngài.}

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 7-13

“Người bắt đầu sai các ông đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Người Kitô hữu có sứ mệnh làm tiên tri, sứ mệnh làm nghĩa tử, sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cứu độ. Cả ba sứ mệnh đều quan trọng, và phải chu toàn, chúng ta hãy thành khẩn kêu xin:

1. “Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó” – Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, là những Đấng kế vị các Tông Đồ được tràn đầy ân sủng, để Chúa Thánh Thần luôn hoạt động nơi các ngài, giúp các ngài bền tâm thi hành sứ vụ, dù gặp chống đối, thử thách, nhờ đó, lời rao giảng của các ngài được nhiều người đón nhận.

2. “Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng” – Xin cho các tín hữu biết cảm tạ và tôn vinh Chúa vì muôn hồng ân Chúa ban, và ra sức thông tri cho mọi người biết Chúa luôn nhân từ, yêu thương và sẵn sàng ban ơn cho mọi người.

3. “Ai không đón tiếp và không nghe lời các con thì hãy ra khỏi đó” – Xin cho các Linh mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân khi làm việc truyền giáo, chỉ nhằm vinh quang Chúa, chứ không màng đến lợi lộc, vinh dự cho bản thân.

4. “Các ông ra đi rao giảng sự thống hối” – Xin cho các thanh niên nam nữ trong giáo xứ chúng ta, biết lắng nghe lời giáo huấn của Hội Thánh, để nhờ lòng thống hối, họ mau mắn hoán cải cuộc đời, hầu đạt được Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận thức được những hồng ân Chúa ban, mà luôn sống thân tình với Chúa, trong khiêm tốn và từ bỏ, để hôm nay chúng con là chứng nhân cho Chúa, và mai sau được ca tụng Chúa muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Hội Thánh Chúa thành tâm cầu nguyện và dâng lên Chúa lễ vật này; xin thương đoái nhìn và làm cho trở nên của ăn bổ dưỡng giúp chúng con vững bước trên đường nên thánh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Đến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa thiên binh. Ôi đại vương và Thiên Chúa tôi. Phúc cho những ai trú ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”.

Lời nguyện kết lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận hồng ân Chúa ban, xin cho chúng con mỗi khi cử hành bí tích này được hưởng dồi dào ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ðược Ðức Giêsu sai đi giảng dạy, nhóm Mười Hai nhận chỉ thị về hành trang của người tông đồ: phải có tinh thần đơn sơ và từ bỏ những gì ngăn cản sứ mệnh. Hoạt động chính của nhóm Mười Hai là: Rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối, trừ quỉ, sức dầu cho bệnh nhân...

Mỗi chúng ta cũng có trách nhiệm trong chương trình cứu độ của Ðức Giêsu. Chúng ta có nhiệm vụ loan báo một Thiên Chúa tình yêu: Ngài luôn nhân hậu, hiện diện gần gũi con người.

RA ĐI RAO GIẢNG
Sưu tầm


Một trong những ưu tư lớn trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, đó là tìm những người cộng tác với mình trong công cuộc truyền bá Phúc âm, bởi vì Ngài luôn ý thức rằng: Lúa chín thì nhiều, mà thợ gặt thì ít. Chính vì thế Ngài đã kêu gọi và chọn lựa các môn đệ. Ngài đã để cho các ông sống bên cạnh mình và trực tiếp huấn luyện các ông, bằng cách để cho các ông được nghe những lời Ngài giảng, xem những việc Ngài làm. Và cắt nghĩa cho các ông những điều các ông chưa hiểu.

Rồi hôm nay, Ngài đã sai các ông đi để thực tập truyền giáo. Và trước khi các ông lên đường, Ngài đã căn dặn: Đừng mang theo bao bị, đừng mang theo cơm bánh, đừng mang theo tiền bạc và đừng mặc hai áo, nghĩa là Ngài bảo các ông phải ra đi trong một hoàn cảnh bấp bênh nhất, để tập trung vào việc rao giảng Tin Mừng, cũng như luôn phó thác vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa.

Lầm lỗi nặng nề nhất của người tông đồ hăng say và nhiệt thành, đó là họ quá cậy dựa vào tài năng riêng của mình mà quên mất tác động và sự trợ giúp của Chúa, bởi vì không có Chúa, chúng ta không thể làm được gì. Hay như lời thánh Phaolô xác quyết: Phaolô trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng đem lại kết quả.

Đối với chúng ta cũng vậy, một khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, chúng ta cũng được Chúa kêu mời cộng tác với Ngài trong công cuộc truyền bá đức tin, để rồi chúng ta cũng sẽ là những môn đệ của Ngài. Và cách thức để chúng ta thể hiện ơn gọi và sứ mạng của mình một cách hiệu quả nhất vẫn là đời sống gương mẫu của chúng ta.

Vì thế, sau khi công bố tám mối phúc thật, Chúa Giêsu đã truyền dạy: Các con là ánh sáng thế gian. Ánh sáng ấy phải chiếu dãi trước mặt thiên hạ, để mọi người nhìn thấy những công việc của các con mà ngợi khen Cha các con là Đấng ở trên trời.

Tục ngữ Việt Nam cũng bảo: Lời nói như gió lung lay, việc làm như tay lôi kéo. Chính đời sống gương mẫu của chúng ta mới là một bài giảng hùng hồn có sức lôi cuốn và hấp dẫn mọi người đến cùng Chúa.

Tuy nhiên, nói tới việc tông đồ, nhiều người trong chúng ta vẫn cảm thấy xa lạ bởi vì họ cho rằng đó là bổn phận của giới tu hành, chứ không phải là bổn phận của họ, những người giáo dân sống giữa lòng đời. Đây là một quan niệm sai lạc, bởi vì đã là con cái Giáo Hội, chúng ta đều có bổn phận làm cho Giáo Hội được phát triển, được rộng mở, tùy theo hoàn cảnh và đấng bậc của mình.

Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại một mẩu chuyện cảm động như sau: Ngày kia có một thiếu phụ cùng tám đứa con đến gõ cửa xin gạo. Mẹ đích thân trao cho bà ta một bao. Bà nhận gạo rồi chia làm hai phần, Mẹ ngạc nhiên hỏi tại sao thì bà trả lời: Tôi dành một phần cho gia đình Hồi giáo bên cạnh vì đã mấy ngày qua, họ không có gì để ăn.

Người nghèo khổ nhất cũng có thể thực thi tinh thần chia sẻ huynh đệ, nghĩa là họ vẫn có thể làm việc tông đồ, làm sáng danh Chúa bằng chính đời sống của họ.

CHÂN DUNG NGƯỜI ĐƯỢC SAI ĐI
(Chúa Nhật XV TN B) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

Ai là những người được sai đi?
Hằng năm cứ vào dịp hè về, các Chủng viện, các Hội Dòng tại Việt Nam thường có những tổ chức cắt cử người thụ huấn đi thực tập mục vụ, truyền giáo, với các văn thư sứ vụ hay còn gọi là “bài sai”. Hình như tâm trạng chung là vừa hí hửng khi được dịp khẳng định mình và vừa hồi hộp không biết mình sẽ đi đâu và làm việc gì. Cần khẳng định rằng không phải chỉ có các linh mục, chủng sinh, thỉnh sinh, tập sinh hay tu sĩ nam nữ mới là những người được sai đi.

Những người được sai đi phải là những người được Thiên Chúa chọn gọi. Ngôn sứ Amốt đã trả lời với tư tế Amatgia cách tượng hình rằng: “Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật…”(Am 7, 15). Thánh sử Maccô ghi rõ “Khi ấy Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai và bắt đầu sai đi từng hai người một…” (Mc 6,7). Có thể nói rằng bất cứ ai là Kitô hữu cũng đều được sai đi, đặc biệt khi đã lãnh nhận hồng ân Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức để sống đời Kitô hữu cách trưởng thành, nghĩa là với sự ý thức, tự giác và tinh thần trách nhiệm. Một người dân quê, chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung như Amốt cũng được sai đi. Tất thảy là vì “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1, 4).

Được sai đi để làm những gì?
Chúng ta có thể liệt kê một vài công việc của người được sai đi như sau: Trước hết là nhân danh Chúa truyền đạt ý định của Chúa cho tha nhân. Đây chính sứ vụ làm ngôn sứ mà Cựu ước thường gọi là đi tuyên sấm hay đi nói tiên tri và Tân ước thường gọi là đi rao giảng Tin Mừng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Công việc của người được sai đi còn là xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật, nghĩa là thi ân giáng phúc cả phần hồn lẫn phần xác cho nhân trần.

Một định luật dường như là tất yếu: Không ai có thể trao ban những gì mình không có. Để thực thi những điều, những việc vượt lẽ thường tình, thì những người được sai đi phải có khả năng cách nào đó cũng như phương tiện nào đó. Nhìn vào danh sách của Nhóm Mười Hai thì người ta có quyền nghi ngại về khả năng tự bản thân các ngài. Hơn nữa, khi các ngài được sai đi thì như với hai bàn tay trắng. Không tiền bạc, không lương thực, không bao bị, trên thân chỉ mỗi một manh áo, dưới chân chỉ có đôi dép và chiếc gậy trên tay, thế thì các ngài dựa vào đâu để chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, rao giảng tin mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối? Câu trả lời là đây: Chúa Giêsu ban cho các ngài quyền trên các thần ô uế (6,7).

Một nguồn lực để thực thi sứ mạng tông đồ: Có quyền trên các thần ô uế.
Có quyền trên một ai đó là ta thực sự làm chủ trên họ, ra lệnh cho họ và họ phải tuân theo. Thử hỏi các thần ô uế là những ai? Nếu cho rằng đó là thần dữ, là ma quỷ thì ít ai dám phản đối. Thế nhưng, người mà thần ô uế đành tuân lệnh thì phải Đấng Thánh của Thiên Chúa (x.Mc 1,23-24). Thần ô uế xét như là thế lực bên ngoài thì chính là ma quỷ. Chúng ta tin nhận Chúa Giêsu đã ban quyền cho các Tông đồ cách nào đó trên thế lực này. Xưa lẫn nay, cũng có nhiều đấng được thông ban ơn trừ quỷ. Tuy nhiên số các vị này rất ít. Thế thì những người khác không có ơn này thì không được sai đi để thi hành sứ vụ tông đồ ư? Dễ dàng trả lời là không phải như thế. Thử hỏi có mấy ai dám to gan cho rằng mình đủ khả năng đương đầu với ma quỷ? Trước kẻ thù bên ngoài như “sư tử gầm thét”, thì chúng ta không dám coi thường (x.1 P 5,8), nhưng chúng ta rất có thể xao lãng kẻ nội thù.

Vậy cần phải xem xét thêm một thứ thế lực ô uế bên trong con người chúng ta. Chúa Giêsu đã minh nhiên khẳng định những cái bên trong phát xuất ra làm cho người ta ra ô uế đó là “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21). Có quyền trên các thần ô uế thì cũng có nghĩa là làm chủ các khuynh hướng xấu, các ý định xấu, các việc làm xấu xa ở trên. Một điều chắc chắn rằng để được sai đi và có khả năng thực thi sứ mạng, thì người đựơc sai phải làm chủ một cách nào đó những cái bên trong vốn có thể làm chúng ta ra ô uế.

Đó đây có thể thiếu người được sai đi, nhưng ở Việt Nam hiện nay thì có thể nói vẫn chưa thiếu nếu không muốn nói là còn thừa. Với những người được sai đi thì Thiên Chúa không bao giờ dè sẻn ân ban. Thế nhưng, những người được sai đi có thực thi được sứ mạng hay thực hiện sứ mạng cách tốt, xấu ra sao, thì vẫn còn tùy ở việc họ có làm chủ được các thần ô uế bên trong, nghĩa là làm chủ những xung lực xấu ở bên trong, khả dĩ có thể làm cho họ ra ô uế như thế nào.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây