11/01/2022
THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN
Mc 1, 21-28
LỜI NÓI ĐI ĐÔI VỚI CUỘC SỐNG
Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Capharnaum. Ngay ngày Sabat, Nguòi vào Hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. (Mc 1, 21-22)
Suy niệm: Ngày Sabat Chúa Giêsu vào hội đường giảng dạy… đuổi trừ ma quỷ… chữa lành bệnh nhân. Ngài đã làm tất cả các công việc ấy trước mặt và cùng với 4 môn đệ tiên khởi Ngài mới chọn gọi, không cần chờ đợi cho đến khi chọn đủ số 12! Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có quyền chứ không như các kinh sư: Các ông này có giảng dạy thì cũng chỉ nhắc lại các công thức đã học thuộc lòng, nhưng Đức Giêsu, khi giảng dạy là Người nói những điều từ nội tâm Người đã sống, cho nên có một uy thế hấp dẫn khác và nhất là có hiệu lực đối với các thính giả của Người.
Mời Bạn: Bạn nghĩ sao? Chúa Giêsu vào hội đường ngày Sabat, chẳng khác chi chúng ta đi lễ Chúa Nhật, Chúa cũng theo Lề Luật như mọi người. Có khi nào bạn cảm thấy giữ Lề Luật Giáo Hội như đi lễ, đi xưng tội… là nặng nề không nhỉ?… Vậy mà chính Chúa Giêsu đã không nề hà việc sống theo Lề Luật!
Sống Lời Chúa: Rồi Chúa Giêsu giảng dạy, gây ngạc nhiên cho người nghe, còn chúng ta, khi phải nhắc nhở con cái, em út, bạn bè về Chúa hay về Đức Kitô, chúng ta dạy dỗ nhắc nhở cách nào nhỉ? Bạn giống ai? Giống các kinh sư: lo dạy như kẻ làm thầy, kẻ cả, nhắc các công thức học thuộc lòng rỗng tuếch? Hay bạn giống Chúa Giêsu, như một “đầy tớ–chứng nhân” của Lời Chúa? Khác lắm bạn ạ!
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho lời nói của con luôn đi đôi với cuộc sống của con, để con có thể nên chưng nhân đích thực của Chúa!
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Tôi đã nhìn thấy Đấng ngự trên ngai cao cả, có vô số Thiên Thần thờ lạy và đồng thanh ca hát rằng: Đây danh hiệu vương quyền Người tồn tại muôn đời.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa nhân từ, này dân Chúa đang hiệp lời cầu khẩn; nguyện xin Chúa dủ thương chấp nhận, để giúp chúng con biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 2, 5-12
“Ðấng ban ơn cứu độ phải chịu khổ nạn để nên hoàn hảo”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Thiên Chúa đã không đặt dưới quyền các thiên thần vũ trụ tương lai mà chúng tôi đang nói đến. Nhưng có người đã minh chứng trong một đoạn sách kia rằng: “Nhân loại là gì mà Chúa nhớ đến, con người là gì mà Chúa đến viếng thăm? Trong một thời gian, Chúa đã hạ Người xuống kém các thiên thần; Chúa lại đặt trên đầu Người triều thiên vinh quang và danh dự; Chúa đã đặt Người cai trị các công trình tay Chúa tác thành; và bắt vạn vật quy phục dưới chân Người. Vì khi Ngài bắt vạn vật quy phục Người, Ngài không trừ ra vật nào khỏi phục tùng Người. Hiện nay chúng ta chưa thấy mọi sự phục quyền Người. Nhưng Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên thần, là Ðức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em mà rằng: “Tôi sẽ cao rao danh Chúa cho anh em tôi; tôi sẽ ngợi khen Người giữa cộng đoàn”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 8, 2a và 5. 6-7. 8-9.
Ðáp: Chúa ban cho Con Chúa quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo (c. 7).
Xướng: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom?
Xướng: Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.
Xướng: Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi.
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 1, 9-20
“Chúa nhớ đến bà Anna và bà đã sinh Samuel”.
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, tại Silô, sau khi ăn uống, Anna chỗi dậy. Thầy tư tế Hêli đang ngồi trên ghế trước cửa đền thờ Chúa, nhằm lúc Anna sầu khổ, khóc lóc thảm thiết cầu nguyện với Chúa và khấn xin rằng: “Lạy Chúa các đạo binh, nếu Chúa đoái nhìn đến nỗi khổ của nữ tỳ Chúa, và nhớ đến con, Chúa không quên nữ tỳ Chúa, và ban cho nữ tỳ Chúa một con trai, thì con sẽ dâng nó cho Chúa trọn đời, và dao cạo sẽ không chạm đến đầu nó”. Ðang lúc Anna mải mê cầu nguyện trước mặt Chúa, thì Hêli để ý nhìn miệng bà. Vì Anna cầu nguyện thầm thĩ trong lòng, nên bà chỉ nhép môi, và không nói ra tiếng. Hêli tưởng bà say rượu, nên nói: “Chừng nào bà hết say? Bà hãy đi giã rượu đi!” Anna đáp lại rằng: “Thưa ông, tôi không khi nào uống rượu; vì tôi là người đàn bà vô phúc nhất, nên tôi không thể uống rượu và mọi chất làm cho say, nhưng tôi đã giãi bày tâm sự tôi trước nhan thánh Chúa. Ông đừng nghĩ rằng nữ tỳ của ông đây như một đứa con gái Bêlial; vì quá đau khổ và đắng cay, nên tôi đã tỏ bày tâm sự cho đến bây giờ. Bấy giờ Hêli nói: “Bà hãy về bình an, Thiên Chúa Israel sẽ ban cho bà điều bà xin”. Bà liền thưa: “Ước gì nữ tỳ của ông được đẹp lòng ông”. Bà lui ra ngoài, ăn uống và mặt bà không còn vẻ buồn sầu nữa. Sáng hôm sau, vợ chồng thức dậy, thờ lạy Chúa, rồi trở về nhà ở Ramtha.
Elcana ăn ở với bà Anna, và Chúa nhớ đến bà. Sau một thời gian, Anna có thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Samuel, vì bà đã xin Chúa ban nó cho bà.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8abcd
Ðáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa
Xướng: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi.
Xướng: Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn.
Xướng: Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.
Xướng: Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.
Alleluia: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 21-28
“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
(Ðến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con đang thành khẩn tiến dâng, để nhờ của lễ này, chúng con được thánh hoá, và đạt được những điều chúng con tha thiết cầu xin. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa là nguồn mạch sự sống, và trong ánh sáng của Chúa, chúng tôi sẽ nhìn thấy ánh sáng.
Hoặc đọc:
Chúa phán: “Ta đến để chúng được sống, và được sống dồi dào hơn”.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con trong thánh lễ này; xin cũng cho chúng con hằng biết sống thánh thiện mà phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
GIÁ TRỊ CỦA LỜI CHÚA (Mc 1, 21-28)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Ngày nay, rất nhiều người ham mê đọc sách, nào là sách: kiếm hiệp, truyện tranh, tiểu thuyết, nấu ăn, xã giao… lại có những người thích đọc báo, hết báo này rồi lại đến báo khác, cũng có nhiều người mê xem phim ảnh, lướt web…
Họ thi nhau kể thao thao bất tuyệt những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn “rất new”; và “hot” mới đọc được đây đó.
Thế nhưng, Lời Chúa là lời Hằng Sống, lời Quyền Năng, lời Biến Đổi thì lại chẳng mấy người để ý tới… Hoặc có để ý thì cũng chẳng mấy chốc Lời Chúa đã đi vào dĩ vãng vì họ không yêu mến và giữ Lời Chúa trong lòng.
Phải chăng chúng ta cũng không khác gì những người đương thời với Đức Giêsu, họ thấy những việc Chúa làm, Lời Chúa nói có uy lực, quyền năng thì trầm trồ khen ngợi, nhưng khi bảo hãy thi hành những gì Chúa dạy thì họ viện đủ mọi lý chứng để khước từ.
Mong sao, mỗi người chúng ta hãy yêu mến Lời Chúa, năng đọc và suy niệm Lời Chúa, hầu đem ra thực hành trong cuộc sống. Có thế, chúng ta mới thực sự là người tin và đi theo Chúa, nếu không, chúng ta chẳng khác gì xác không hồn, hay tin và theo Chúa trong sổ Rửa Tội, còn trong thực tế thì không có chất Kitô gì cả!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết được giá trị của Lời Chúa, nhất là biết đón nhận Lời Chúa như lương thực cho linh hồn, để chúng con có đủ sức chống trả trước cám dỗ của Ma Quỷ. Amen.
ĐỐI NGHỊCH
(Thứ Ba sau Chúa Nhật I TN – Mc 1,21-28) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Khái niệm nhơ uế hay ô uế xem ra khá phổ biến trong niềm tin các tôn giáo, cách riêng Do Thái giáo. Rất nhiều tình trạng về thể lý và tinh thần được liệt vào hàng ô uế mà đằng sau luôn có bóng dáng của thần dữ. Cũng có đó rất nhiều thứ thực phẩm bị cho là ô uế và cấm không được dùng, chẳng hạn thịt các con vật thuộc loài nhai lại mà chân không có móng chẻ hay loài có chân móng chẻ mà không nhai lại như loài heo. Một số loài dưới nước, trên trời cũng bị liệt vào hàng ô uế cũng như nhiều loài vật nhỏ khác như chuột chũi, chuột nhắt, thằn lằn, tắc kè, kỳ đà, cắc ké, kỳ nhông, thạch sùng… (x.Lv 11). Sự ô uế còn được quy định trong nhiều tình trạng của con người cách riêng với phụ nữ và người mắc các bệnh truyền nhiễm hay bệnh da liễu… (x.Lv 13-15).
Vấn đề đặt ra là khi đặt tình trạng ô uế đối nghịch với tình trạng thanh sạch thì nhiều vị tôn sư đã quá đề cao tầm ảnh hưởng của tình trạng ô uế và vô tình đề cao quyền lực của thần dữ đứng đằng sau. Đã từng nghe một kiểu giải thích rằng: Bỏ một chút chất bẩn vào một ly nước sạch thì cả ly nước thành nước bẩn. Còn nếu đổ thêm một chút nước sạch vào một một ly nước bẩn thì không làm cho ly nước thành sạch. Kiểu luận lý này rất dễ thuyết phục dân chúng và thế là người dân các tôn giáo thường mang mặc cảm tội lỗi, bị nhơ uế. Để được thanh sạch, được thứ tha tội lỗi thì cần đến nhiều lễ vật hiến dâng. Và thế là hàng “tư tế” trong các tập thể tôn giáo cách nào đó sẽ hưởng được “bổng lộc” cách hợp pháp!
Cùng với thánh Gioan trong thư của ngài, xin có một cái nhìn thay đổi các phạm trù đối lập “ô uế - thanh sạch” thành “bóng tối – ánh sáng”. Thánh nhân cho chúng ta thấy đằng sau “bóng tối” là thần dữ và dĩ nhiên phạm trù “ánh sáng” là thuộc về Thiên Chúa. “Thiên Chúa là ánh sáng, nơi Người không có một chút bóng tối nào. Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng thì chúng ta được hiệp thông với nhau và máu Đức Giêsu, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1Ga 1,5-7).
Nếu nhìn cuộc đời con người theo hai phạm trù “ánh sáng” và “bóng tối” thì chúng ta sẽ vững vàng hơn trong niềm hy vọng và dễ sống tích cực năng động hơn. Giữa một vùng rực sáng nếu có chút điểm tối thì cũng khó làm cho không gian hóa ra tối mờ. Và trái lại nếu giữa vùng trời tối nếu có một ngọn lửa bừng lên thì không gian sẽ tỏ sáng cách nào đó. Dữ kiện này giúp Kitô hữu chúng ta vững tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa là Đấng mà mọi sự đều là có thể được (x.Mt 19,26).
Dân chúng đã kinh ngạc trước lời quyền năng của Chúa Giêsu: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1,27). Theo sự thú nhận của thần ô uế lúc bấy giờ, chúng ta tin nhận Chúa Giêsu có lời quyền năng vì Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24). Là người của Thiên Chúa thì luôn ở trong ánh sáng. Và ở đâu ánh sáng bừng lên thì ở đấy bóng tối bị đẩy lùi.
Chúa Giêsu đã từng nói: “Các con là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Chúng ta có bổn phận xua tan bóng tối sự dữ, khử trừ những sự ô uế ra khỏi đời mình cũng như môi trường đang sống mà Chúa Giêsu đã từng kể ra đó là: “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21). Tuy nhiên cần khiêm nhu nhìn nhận rằng ngọn lửa sáng nơi chúng ta cũng dễ bị tắt trước bao cơn gió bên trong lẫn bên ngoài. Không gì hơn hãy liên lỉ gắn bó với Chúa Giêsu Kitô, Đấng chính là sự sáng, là Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Chuyên chăm cầu nguyện và sống có tấm lòng với tha nhân là cách thế gắn bó với Chúa Kitô đúng đẹp ý Người.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn