Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 07/08/2024 21:12 |   150
“Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.” (Ga 12,24-26)

10/08/2024
thứ bảy tuần 18 thường niên
Thánh Laurensô, phó tế, tử đạo

Thánh Laurensô

Ga 12,24-26

hạnh phúc người phục vụ
“Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.” (Ga 12,24-26)

Suy niệm: Thi sĩ Tagore (Ấn Độ) có viết: “Nằm ngủ, tôi mơ thấy đời là hạnh phúc. Thức dậy tôi thấy sống là phục vụ. Tôi dấn thân phục vụ và tôi khám phá ra rằng phục vụ là hạnh phúc.” Những ai dấn thân vào một công việc phục vụ nào đó đều có thể trải nghiệm được điều thi sĩ Tagore vừa chia sẻ. Việc phục vụ càng đòi hỏi dấn thân quên mình nhiều thì hạnh phúc mang lại càng lớn. Thế nên người phục vụ Đức Ki-tô, “Con Chí Ái” của Chúa Cha, từ bỏ chính mình để theo Ngài trên đường thập giá là người được hạnh phúc lớn nhất bởi vì sẽ được “Chúa Cha quý trọng” được Chúa Cha yêu mến, và đến ở trong người ấy (x. Ga 14,23).

Mời Bạn: Nếu như hạnh phúc của bản thân chính là biết quên mình để nghĩ đến hạnh phúc của người khác, thì ngược lại, mọi sự bất hạnh trên trần gian này đều bắt đầu từ chỗ muốn chiếm giữ cho riêng mình; đó cũng chính là lúc con người chối bỏ và loại trừ người khác. Phần bạn, bạn đặt hạnh phúc của bạn nơi điều gì? Phải chăng là của cải, danh vọng, địa vị, thú vui ích kỷ...? Hay bạn coi việc phục vụ anh em làm hạnh phúc của mình?

Chia sẻ một niềm vui của bạn khi dấn thân phục vụ tha nhân cách vô vị lợi.

Sống Lời Chúa: Tập quan sát và nhạy bén nhận ra những nhu cầu của anh chị em hơn là nhìn vào chính mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con đã tiếp nhận cuộc sống từ bao người khác; xin cho con biết hân hoan đón nhận cuộc sống và đến lượt con cũng biết hiến trao cho anh em trong bài học cho đi như chính Chúa. (Hosanna).

Ngày 10: Lạy Chúa! Chúng con được dựng nên giống hình ảnh Chúa, do đó, bản chất chân thực của chúng con chính là ý thức, là khả năng nhận biết Chúa ở trong chúng con. Khi chúng con hoàn toàn tự đồng nhất mình với những suy nghĩ đang xảy ra ở trong đầu, thì chúng con đã quên đi bản chất chân thực của mình. Xin cho chúng con đừng tự đồng nhất mình với những cảm xúc, như ham muốn, sợ hãi, để chúng con không tự đánh mất mình trong những hình thái đó, mà quên rằng chúng con thuộc về Chúa, thuộc về một thực tại mênh mông bao la: bao trùm tất cả, không có chi phải lo lắng, sợ hãi. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 


 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ bảy tuần 18 thường niên


Ca nhập lễ

Ôi Thiên Chúa, xin Chúa vui lòng giải thoát tôi, Lạy Chúa, xin Ngài hãy mau mau giúp đỡ tôi. Chúa là Đấng giúp đỡ và giải thoát tôi; Ôi lạy Chúa, xin Ngài chớ nên chậm trễ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con tự hào vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn; xin Chúa hằng dủ thương nâng đỡ chúng con, cùng ban ơn đổi mới và gìn giữ mọi loài Chúa dựng nên cho chúng con được hưởng nhờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðnl 6, 4-13

“Hãy yêu mến Chúa ngươi hết lòng ngươi”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, hãy nghe đây. Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng. Hãy kể lại những lời ấy cho con cái ngươi, hãy suy ngắm những lời ấy khi ngồi ở nhà cũng như khi đi ngoài đường, khi nằm ngủ cũng như khi chỗi dậy. Ngươi hãy buộc những lời đó vào bàn tay như dấu hiệu, lên trán như một vòng khăn, hãy viết lên cột và cửa nhà ngươi.

“Khi Chúa là Thiên Chúa ngươi dẫn ngươi đến xứ Người đã thề với các tổ phụ ngươi là Abraham, Isaac và Giacóp, và ban cho ngươi những thành phố to lớn và phồn thịnh mà ngươi không xây cất, những ngôi nhà đầy mọi của cải mà ngươi không làm ra, những giếng nước mà ngươi không đào, vườn nho và vườn cây ôliu mà ngươi không trồng, ngươi sẽ được no nê: ngươi hãy nhớ, đừng quên Chúa, Ðấng đã dẫn ngươi ra khỏi đất Ai-cập và khỏi nhà nô lệ. Ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa ngươi, hãy làm tôi một mình Người và lấy danh Người mà thề”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47 và 51ab

Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa

Xướng: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Ðá Tảng, chiến lũy, và cứu tinh. 

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.

Xướng: Chúa hằng sống, chúc tụng Ðá Tảng của con, tán tụng Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho vương nhi Ngài đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kb 1, 12 – 2, 4

Người công chính sống được nhờ trung tín”.

Trích sách Tiên tri Khabacúc.

Chớ thì ngàn xưa Chúa chẳng phải là Thiên Chúa, Chúa của tôi, là Ðấng Thánh của tôi? Vậy là chúng tôi không sao chết được. Lạy Chúa, Chúa đã đặt nó lên để xét xử, làm cho nó vững mạnh để trừng phạt. Mắt Chúa tinh sạch, không thể nhìn sự dữ, không thể xem sự gian ác. Tại sao Chúa lại nhìn những kẻ gian ác, và kẻ bất lương nuốt người công chính hơn nó, sao Chúa vẫn làm thinh?

Chúa để loài người như cá biển, như sâu bọ không có vua quan. Nó lấy lưỡi câu mà bắt hết, lấy chài mà kéo mọi sự, lấy lưới mà thu lượm: bởi thế nó hớn hở vui mừng. Vì vậy, nó cúng tế cho chài, nó dâng lễ vật cho lưới, vì bởi đấy nó được phần béo tốt và món ăn ngon. Lẽ nào nó cứ thả lưới không ngừng và luôn luôn tàn nhẫn sát hại các dân?

Tôi sẽ đứng ở vọng canh của tôi, đứng yên nơi thành lũy của tôi, tôi chờ xem Chúa dạy tôi thế nào, và trả lời ra sao cho điều tôi biện bạch? Chúa đáp lại tôi rằng: “Hãy chép điều ngươi thấy, hãy khắc nó vào tấm bảng để đọc được dễ dàng. Bởi hình lạ còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết và sẽ chẳng hư không. Nó kết duyên với ngươi, hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn. Chắc chắn nó sẽ đến, không sai. Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 9, 8-9. 10-11. 12-13

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa không bỏ rơi kẻ kiếm tìm Chúa (c. 11b).

Xướng: Chúa ngự trị tới muôn đời, Người dựng vững ngai vàng ngõ hầu cai trị. Người công minh thống trị địa cầu, Người chính trực xét xử chư dân.

Xướng: Chúa là chỗ dung thân cho người bị ức, chỗ dung thân dành cho những lúc gian truân, để những ai nhìn biết uy danh, cậy trông vào Chúa, vì lạy Chúa, Chúa không bỏ rơi kẻ kiếm tìm Ngài.

Xướng: Hãy đàn ca Chúa, Người ngự ở Sion; hãy loan truyền công cuộc Chúa khắp chư dân: vì Ðấng đòi nợ máu, Người nhớ họ, Người không quên tiếng kêu của những kẻ cơ bần.

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 17, 14-19

Nếu các con có lòng tin, thì chẳng có gì các con không làm được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, có một người đến gần, quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu mà nói rằng: “Lạy Ngài, xin thương xót con trai tôi vì nó mắc chứng kinh phong và rất trầm trọng: nó thường ngã vào lửa và lắm lúc nó ngã xuống nước. Tôi đã đem nó đến cùng môn đệ Ngài, nhưng các ông không thể chữa nó được”. Chúa Giêsu đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng tin và hư hỏng! Ta phải ở với các ngươi đến bao giờ? Ta còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Hãy đem nó lại đây cho Ta”. Chúa Giêsu quát mắng quỷ và quỷ liền ra khỏi đứa bé. Và nó được lành ngay trong lúc ấy. Bấy giờ các môn đệ đến hỏi riêng Chúa Giêsu rằng: “Tại sao chúng con không thể trừ quỷ ấy được?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Vì các con yếu lòng tin! Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: ‘Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia’, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được”.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thánh hóa và chấp nhận của lễ này là biểu hiện lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ban cho chúng tôi bánh bởi trời, có đủ mọi mùi thơm ngon và mọi hương vị ngọt ngào.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúa không ngừng ban ơn phù trợ và lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con; xin tiếp tục chở che nâng đỡ để chúng con xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CẦN PHẢI CÓ LÒNG TIN

Con người dễ bị cám dỗ cậy sức riêng mình và quên đi nguồn sức mạnh mình có được để thành công và do đó cũng dễ đi đến chỗ thất bại. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay chứng mình điều đó. Bài đọc I, trích sách Đệ Nhị Luật nhắc lại lời mời gọi của Mô-sê gửi tới Dân Chúa, kêu gọi họ hãy nhớ đến những gì Đức Chúa đã làm cho họ: phải ghi lòng tạc dạ, phải nhắc lại cho con cháu và phải nhắc nhau yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.

Bởi lịch sử Dân riêng đã cho thấy, mỗi khi dân được bình an, thịnh vượng họ dễ dàng quên mất Thiên Chúa, quên mất những gì họ đang có là nhờ ơn Chúa ban và rồi họ xao nhãng lề luật Thiên Chúa, họ quên mất bổn phận phải phụng thờ Ngài. Họ đã chạy theo thú vui trần thế, ăn ở bất công, thờ ngẫu tượng… và rồi Thiên Chúa lại để họ thất bại, rơi vào cảnh khốn cùng.

Theo Tin Mừng hôm nay thì chính các môn đệ Chúa cũng mắc phải cám dỗ cậy vào sức riêng của mình. Câu chuyện trừ quỷ hôm nay tiếp với sự kiện Chúa biến hình. Lúc Chúa Giê-su còn đang ở trên núi qua biến cố Biến hình với 3 môn đệ, thì ở dưới núi người ta đem đến cho các môn đệ một đứa trẻ bị quỷ ám mắc kinh phong. Nhưng các ông không chữa được. Khi Chúa Giê-su trở lại Ngài nói lý do thất bại là thiếu lòng tin.

Ngài muốn các ông nhận thức sự giới hạn của mình qua việc để các ông thất bại. Khi trước các ông đã từng xua trừ được quỷ: đó là nhờ quyền năng Chúa ban. Nhưng có lẽ các ông bắt đầu quên điều đó, cho rằng sức riêng mình có thể trừ quỷ được, mà quên rằng mình chỉ là dụng cụ Chúa dùng mà thôi. Bởi đó, sau khi để các thấy rõ sự bất lực của mình, Chúa đã giải thích cho các ông biết: để thành công, các ông cần có đức tin, cần gắn bó với Chúa, cần phải cầu nguyện và ăn chay.

Chúa Giê-su nói với các môn đệ: Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì chẳng có gì các con không làm được. Đức tin làm cho chúng ta từ con người tội lỗi trở thành con cái Thiên Chúa; đức tin giúp cho những việc tầm thường trong cuộc sống trở thành có giá trị vĩnh cửu; đức tin cho chúng ta cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào mọi biến cố của cuộc sống; đức tin giúp con người làm được những điều mà người không có đức tin không hiểu nổi: các thánh tử đạo can đảm chấp nhận cái chết đau thương, các thánh hiển tu đã từ bỏ tất cả để hoàn toàn sống theo Chúa.

Đó là những điều hôm nay lời Chúa muốn ta nghĩ đến và đem áp dụng cho đời sống đạo đức của mình: muốn cho sự bình an suôn sẻ, ta cần phải vun trồng lòng tin đối với Chúa, cần nương tựa vào Chúa. Càng nương tựa vào Ngài, ta càng hy vọng đạt được những điều mình cầu mong.

CHÚA CHỮA ĐỨA TRẺ BỊ KINH PHONG
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Lúc Chúa Giê-su và 3 môn đệ thân cận ở trên núi (biến hình) thì ở dưới núi, người ta đem đến cho các môn đệ một đứa trẻ bị quỷ ám mắc kinh phong, nhưng các ông không chữa được. Còn Chúa Giê-su đã quát mắng quỷ, nó đã xuất khỏi đứa trẻ ngay. Các ông phải một phen mất mặt. Các ông đã đến gần hỏi lý do tại sao các ông đã thất bại. Chúa cho biết lý do thất bại của các ông là thiếu lòng tin. Nếu các ông có lòng tin thì làm gì cũng được.

2. Tin Mừng thuật lại, sau khi Chúa Giê-su đưa ba môn đệ lên núi Tabor, số môn đệ còn lại ở dưới núi, vì thế người ta mang đến cho các ông một đứa trẻ bị quỷ ám mắc kinh phong. Các ông đã trừ mà không được. Nên thấy Chúa Giê-su xuống, dân chúng đã xúm lại và xin Ngài chữa lành. Sau khi Ngài chữa cho bé gái khỏi quỷ ám, các môn đệ tiến lại gần và hỏi: Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy”? Chúa Giê-su mạc khải cho họ biết: Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘rời khỏi đây, qua bên kia’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được”.

Sau khi các ông nhận ra sự thất bại của mình và hiểu rõ về sức mạnh của niềm tin, Chúa Giê-su muốn dạy các ông sự khiêm nhường và gắn bó với Thiên Chúa cách trọn vẹn thì mới có thể thi hành được sứ vụ.

3. Việc Chúa Giê-su chữa một đứa bé bị kinh phong, có thể nói, không có gì đặc biệt, nếu phép lạ được thực hiện do Chúa Giê-su, bởi vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng làm được mọi sự. Nhưng điều quan trọng là phép lạ có thể xảy ra là do đức tin của con người. Thật thế, trong bất cứ phép lạ nào, Chúa Giê-su cũng đòi hỏi con người phải tin, hoặc chính đương sự hoặc cha mẹ hay người bảo trợ. Là Đấng Cứu Thế, Chúa Giê-su yêu thương và muốn chữa con người khỏi mọi bệnh tật, nhưng mỗi khi thực hiện phép lạ để cứu chữa một người nào, Ngài cũng đòi phải có đức tin. Nếu việc cứu chữa riêng lẻ đó chỉ là hình ảnh lu mờ của việc cứu chữa tối hậu mà Chúa còn đòi hỏi đức tin, thì để được cứu rỗi trong thời cứu độ viên mãn, đức tin còn cần thiết biết chừng nào (Mỗi ngày một tin vui).

4. Ông Martin Luther nói: “Đức tin cho phép chúng ta nắm giữ trong tay những điều chúng ta không thấy được”.

Đức tin biển đổi chúng ta từ người tội lỗi trở thành con cái Thiên Chúa. Đức tin làm cho những việc tầm thường trở thành những việc có giá trị phi thường. Đức tin cho chúng ta có cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào những điều dường như không thể lý giải. Đức tin cũng chính là điều kiện cần thiết để Chúa Giêsu làm phép lạ cứu chữa người bệnh. Việc Chúa Giê-su chữa bệnh kinh phong cho em bé trong Tin Mừng hôm nay là một ví dụ điển hình về sức mạnh của lòng tin. Thật vậy, chính nhờ lòng tin vững vàng của người cha mà em bé được chữa lành.

5. Con người dễ mắc phải cám dỗ cậy vào sức riêng và do đó dễ gặp thất bại trong đời sống. Chính các môn đệ cũng không tránh khỏi cám dỗ đó. Thật vậy, sau khi chứng kiến cuộc biến hình của Ngài, Chúa Giê-su muốn các ông xuống núi, trở về với những vấn đề của cuộc sống. Ngài muốn các ông nhận thức giới hạn của mình khi để các ông thất bại trong việc trừ quỉ câm. Trước đây nhờ quyền năng Chúa các ông đã xua trừ  được nhiều quỷ. Có lẽ các ông bắt đầu quên điều đó, quên rằng mình chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa. Bởi đó, sau khi các ông nhận thức rõ sự bất lực của mình, Chúa đã giải thích cho các ông biết rằng  để thành công, các ông cần có đức tin dù chỉ là đức tin nhỏ bé, cần gắn bó với Chúa, và theo nhiều bản Tin Mừng bổ túc, cần phải cầu nguyện và ăn chay (R.Veritas).

6. Như hạt cải trổ thành cây lớn, đức tin đích thực dù ở khởi điểm còn ở mức độ nhỏ, nhưng rồi sẽ phát triển thêm thành cây lớn. Hơn nữa, chúng ta cũng nên lưu ý điều này là sự phát triển  không tự động cách máy móc, cần có sự cộng tác của đương sự với ơn Chúa, để phát triển đức tin thêm nữa cho đến mức độ trưởng thành và sự cộng tác này được củng cố bằng lời cầu nguyện và việc ăn chay. Đây có thể là bài học Chúa Giê-su nhắc khéo cho các môn đệ khi Ngài phán: Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay, cầu nguyện”.

7. Truyện: Cần có niềm tin.

Một tướng quân quyết định tấn công cho dù binh lính của ông chỉ bằng một phần mười quân địch. Ông quả quyết rằng sẽ thắng, nhưng lính của ông rất nghi ngờ.

Vì thế, trên đường đi tới trận chiến, ông dừng lại ở một nhà thờ và cầu nguyện. Khi trở ra, ông nói với họ:

– Tôi sẽ tung một đồng tiền lên. Nếu nó ngửa, chúng ta sẽ thắng. Nếu nó sấp, chúng ta sẽ thua. Vận mệnh bây giờ sẽ được tiết lộ.

Ông tung đồng tiền lên. Nó ngửa. Những người lính rất hăm hở vào trận đấu và tin tưởng rằng họ sẽ thắng cách dễ dàng. Hôm sau, một sĩ quan có niềm tin mạnh nói với tướng quân rằng:

– Kết quả cho thấy rằng không ai có thể thay đổi cánh tay vận mệnh.

Tướng quân trả lời:

– Rất đúng và ông cho hay rằng đồng tiền có hai mặt ngửa.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Laurensô, phó tế, tử đạo

Ca nhập lễ

Đây là thánh Laurensô, người đã hiến thân phục vụ Hội thánh, vì thế người đáng được ơn tử đạo, để hân hoan tiến lên gặp Chúa Giêsu Kitô.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng chính vì được tình yêu Chúa nung nấu, thánh phó tế Lô-ren-xô đã trung thành phục vụ và đạt tới phúc tử đạo vinh quang. Xin cho dân Chúa biết thực hành những điều người dạy và noi gương người mà yêu mến Chúa và anh em. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 2 Cr 9, 6-10

“Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, ai gieo ít thì gặt ít; ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho theo như lòng đã định, không phải cách buồn rầu, hoặc vì miễn cưỡng: Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng. Thiên Chúa có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc: để anh em vừa luôn luôn sung túc mọi mặt, vừa còn được dư dật để làm các thứ việc phúc đức, như đã chép rằng: “Người đã rộng tay bố thí cho kẻ nghèo khó, đức công chính của Người sẽ tồn tại muôn đời”. Ðấng đã cung cấp hạt giống cho kẻ gieo và bánh để nuôi mình, thì cũng sẽ cung cấp cho anh em hạt giống dư đầy, và sẽ làm phát triển hoa quả sự công chính của anh em.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 5-6. 7-8. 9

Ðáp: Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay 

Xướng: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng hâm mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. 

Xướng: Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời.

Xướng: Người không kinh hãi vì nghe tin buồn thảm, lòng người vững vàng cậy trông vào Chúa. Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi, cho tới khi nhìn thấy kẻ thù phải hổ ngươi. 

Xướng: Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi; sừng người được ngẩng lên trong vinh quang. 

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 12, 24-26

“Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa nhân từ xin chấp nhận của lễ chúng con vui mừng dâng lên Chúa trong ngày lễ kính thánh Lô-ren-xô. Xin cho của lễ này giúp chúng con đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong ngày kính thánh Lô-ren-xô, Chúa đã dùng mầu nhiệm thánh lễ nuôi dưỡng chúng con. Xin cho mầu nhiệm này giúp chúng con ngày càng thấm nhuần ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
của Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Ca nhập lễ, lễ thánh Laurensô viết rằng: “Đây là thánh Laurensô, Người đã hiến thân phục vụ Hội Thánh: vì thế Người được phúc tử đạo, để hân hoan tiến lên gặp Chúa Kitô“. Thánh Laurensô đã kiên cường phục vụ Giáo Hội, phục vụ dân Chúa bất chấp những gian nan, thử thách khó nguy, Ngài đã xứng đáng lãnh nhận triều thiên nước trời.

CON NGƯỜI KIÊN CƯỜNG:

Thánh Laurensô sinh ra trong một gia đình đạo đức: cha mẹ của Ngài là những người rất mực đạo hạnh. Ngài được cha mẹ hạ sinh tại miền Huescô, nước Tây Ban Nha. Vì cha mẹ Ngài rất sùng đạo, luôn ở trung tín với Thiên Chúa, với Hội Thánh và yêu thương mọi người, thánh nhân đã sớm được cha mẹ cho đi du học bên Roma và Ngài sống suốt cuộc đời tại đây. Thánh nhân học giỏi, chuyên cần và siêng năng đạo đức, trau dồi kiến thức, nên chẳng bao lâu tiếng tăm của Ngài đã vang dội khắp nơi. Đức Giáo Hoàng Sixtô liền triệu vời Ngài và đặt Ngài làm phó tế giúp việc cho tòa thánh. Thời Giáo Hội sơ khai, chức phó tế không quá 7 người và chỉ có chức đó mới được chọn làm Giáo Hoàng. Cuộc bách đạo lúc đó nổi lên, Giáo Hội gặp sóng gió lớn, các kẻ thù tìm cách bắt vị thủ lãnh Giáo Hội để làm cho đàn chiên tan tác. Thánh Laurensô luôn kiên cường đi thăm viếng các tín hữu nơi các hang toại đạo, giảng dậy và ban các bí tích. Thánh nhân có tấm lòng yêu thương các người nghèo nàn, nhất là những người ốm đau, bệnh tật. Thánh nhân bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng Ngài vẫn một mực trung thành với Thiên Chúa, với Giáo Hội, Ngài cảm nghiệm sâu xa lời Chúa “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”( Ga 12,26

THÁNH NHÂN LÃNH PHÚC THIÊN ĐÀNG:

Nhà vua đã tìm mọi cách để dụ dỗ thánh nhân bỏ đạo, nhưng thánh Laurensô đã một mực trung thành với Chúa và nhất quyết không bao giờ bỏ đạo. Vua căm phẫn vì không thuyết phục nổi thánh nhân, nên đã hạ lệnh cho lý hình nung đỏ giường sắt và đặt ngài trên đó. Thánh nhân đã vui cười chịu đựng và sau cùng đã ra đi về với Chúa trong bình an ngày 8 tháng 8 năm 258.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chính vì được tình yêu Chúa nung nấu, thánh phó tế Laurensô đã trung thành phục vụ và đạt tới phúc tử đạo vinh quang. Xin cho dân  Chúa biết thực hành những điều Người dậy và noi gương Người mà yêu mến Chúa và anh em (lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Laurensô, phó tế, tử đạo).

Lịch sử – phụng vụ

Theo Depositio Martyrum trong lịch thánh Jérôme, thánh Lôrensô đã tử đạo tại Rôma, trên đường Tiburtina ngày 10 tháng 8 năm 258, bốn ngày sau các phó tế khác bị xử tử cùng với Đức giáo hoàng Sixte II, lễ kính ngày 7 tháng 8 (xem Cyprien, Ep 80). Từ thế kỷ thứ IV, người ta đã mừng lễ kính Ngài với một đêm canh thức trọng thể và từ Roma, việc tôn kính Ngài đã lan khắp Giáo hội rất sớm. Các thánh Ambroise ở Milan, Augustin ở Châu Phi và Maxime ở Turin đều có lưu lại những bài giảng về lễ kính thánh nhân. Và sau thánh Ambroise, thánh Prudence cũng kể lại cuộc tử đạo của thánh nhân (công vụ của Polychrone và các bạn, khoảng năm 550). Mặc dầu nhiều chi tiết trong cuộc khổ nạn đó mang tính huyền thoại, nhưng lại là nguồn gốc cho các điệp ca trong thần vụ. Thánh Ambroise khi kể lại cuộc tử nạn đó một thế kỷ sau nói rằng thánh Laurent bị thiêu trên một giàn sắt. Xác Ngài được an táng trên đường Tiburtina, nửa thế kỷ sau, hoàng đế Constantin cho xây một thánh đưòng trên mộ Ngài: Đây chính là đại giáo đường thánh Laurent ngoại thành, một trong bảy nhà thờ lớn ở Roma, và là nhà thờ chính trong tám nhà thờ của thành phố Rôma dâng kính thánh nhân.

Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện thánh lễ cũng như các bản văn khác trong phụng vụ Giờ kinh tô điểm hình ảnh phó tế Lôrensô, vị tử đạo nổi tiếng nhất của Giáo hội Rôma.

Lời nguyện trong ngày nhắc lại lòng bác ái nồng nhiệt của vị thánh phó tế luôn trung thành với việc phục vụ đến nổi được vinh quang tử đạo, như lời thánh Augustin đã mô tả rất xác đáng: “Anh em biết đấy, trong Giáo hội ở Rôma, Ngài thi hành chức năng phó tế. Chính tại đây Ngài trình bày về Máu thánh Đức Kitô, và chính tại đây Ngài đổ Máu mình vì thánh danh Đức Kitô” (phụng vụ bài đọc: bài giảng của thánh Augustin)

Chuyện về các hành vi trong cuộc khổ nạn của thánh Laurent kể rằng thánh nhân bị bắt vì không tuân luật thuế quan buộc nộp các tài sản Giáo hội cho chính quyền hoàng đế. Sau khi xin khất lại, Ngài tập hợp những người nghèo khó, ốm đau lại và hai ngày sau, Ngài đưa họ đến trước mặt quan quyền và thưa: “Đây là tài sản của Giáo hội!”. Thánh nhân liền bị bắt và tra khảo nhiều lần. Ngài đã trả lời các lý hình: “Tôi tôn thờ Thiên Chúa của tôi, tôi chỉ phụng sự một mình Chúa, nên tôi đâu sợ cái tra khảo của các ông”. Bị đặt trên một vỉ sắt dưới để than cháy, Ngài còn quay lại phía lý hình, đùa: “Anh trở tôi được rồi đấy, bên này chín rồi”. Đức giáo hoàng Damase cho khắc trên mộ ngài: “đòn roi, lý hình, lửa thiêu, hình khổ, xích xiềng, tất cả điều thua đức tin của Lôrensô”.

Niềm tin và lòng bác ái của thánh Laurent cũng như đức can đảm anh hùng của Ngài qua nhiều thế kỷ là nguồn cảm hứng cho lời cầu nguyện của Giáo hội, lòng đạo đức của giáo dân, rất nhiều tranh ảnh, thậm chí cả kiến trúc … quả thế, Philippe II, để thực hiện lời hứa với thánh Lôrensô, đã xây Escorial trong tỉnh Madrid, theo dạng thiết kế một giàn sắt nhắc nhớ dụng cụ tra tấn thánh phó tế Lôrensô xưa. Còn thánh Bênado thế kỷ XII thì dâng tu viện Thoronet vùng Var để kính thánh nhân. Thánh Lôrensô được nhắc tới trong lời nguyện Thánh Thể và có tên trong kinh cầu các thánh.

Enzo Lodi


YÊU MẾN CHÚA VÀ ANH CHỊ EM
(LỄ THÁNH LÔRENXÔ 10/08)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Lôrenxô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chính vì được tình yêu Chúa nung nấu, mà thánh phó tế Lôrenxô đã trung thành phục vụ và đạt tới phúc tử đạo vinh quang. Xin cho Dân Chúa biết thực hành những điều người dạy, và noi gương người mà yêu mến Chúa và anh chị em mình.


Phó tế Lôrenxô chịu tử đạo tại Rôma ngày 10 tháng 08 năm 258, sau Đức Xíttô II bốn ngày. Chuyện kể rằng người phải chịu cực hình lửa thiêu trên một chiếc giường sắt sau khi người đã phân phát cho người nghèo tài sản của cộng đoàn. Ngay từ thế kỷ IV, lòng tôn kính người đã phổ biến trong Hội Thánh.

Yêu mến Chúa và anh chị em mình, được thể hiện qua việc tuyên bố tin nhận Chúa, và lo cho anh chị em mình có được những nhu cầu thiết yếu, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy: Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó… Chúa nói: Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.

Yêu mến Chúa và anh chị em mình, được thể hiện qua việc đón nhận Thập Giá: Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh chị em mình, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Hôm nay, Hội Thánh Rôma mời gọi chúng ta mừng ngày thánh Lôrenxô khải hoàn, ngày người đã chà đạp thế gian hung tợn, đã loại trừ thế gian nịnh hót. Thế là, tên quỷ dữ tấn công người, phải chịu hai lần thất bại. Thánh Lôrenxô kêu lên rằng: Tôi chỉ thờ Thiên Chúa của tôi, tôi chỉ phụng sự một mình Người. Thiên Chúa tôi thờ là núi đá cho tôi trú ẩn, là Đấng giải thoát tôi. Cực hình không làm tôi sợ hãi.

Yêu mến Chúa và anh chị em mình, được thể hiện qua việc quảng đại dâng hiến cho Chúa và tha nhân, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 111, vịnh gia cũng đã cho thấy: Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn, biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình. Họ sẽ không bao giờ lay chuyển, thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy. Ai theo Đức Kitô, thì sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống; Ai phục vụ Đức Kitô, thì hãy nên giống Đức Kitô, những điều này, thánh Lôrenxô đã hiểu và đã thực hành. Thánh nhân đã đi theo Đấng: trao ban chính mình làm của ăn tại Bàn Tiệc Thánh thế nào, thì thánh nhân cũng đã trao hiến chính mình làm của ăn cho người khác như vậy. Khi sống, thánh nhân yêu mến Đức Kitô, thì lúc chết, người cũng bắt chước Đức Kitô. Đức Kitô đã chịu đau khổ vì chúng ta, nhưng, nếu chúng ta không dõi bước theo Người, thì Cuộc Thương Khó của Đức Kitô sẽ chẳng ích lợi gì cho chúng ta. Thánh Lôrenxô đã theo Đức Kitô, đến nỗi, chịu đau khổ và chịu chết như Đức Kitô. Chính vì được tình yêu Chúa nung nấu, mà thánh Lôrenxô đã trung thành phục vụ và đạt tới phúc tử đạo vinh quang. Ước gì chúng ta biết thực hành những điều người dạy, và noi gương người mà yêu mến Chúa và anh chị em mình. Ước gì được như thế!

TRUYỀN CẢM HỨNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác!”.

Một ấn phẩm Anh trao thưởng cho định nghĩa tốt nhất về một người bạn. Trong hàng nghìn câu trả lời, có một số câu đáng chú ý. “Đó là một người có lòng trung thực bất khả xâm phạm; một người nhân lên tình yêu, truyền cảm hứng cho bạn và người khác!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ thánh Laurensô cho thấy sức mạnh và tầm quan trọng của việc ‘truyền cảm hứng’ và ‘nhân lên tình yêu’ nơi những ai sống cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân!

Không ai ‘nhân lên tình yêu’ và ‘truyền cảm hứng’ mạnh mẽ bằng Chúa Giêsu, “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó sinh được nhiều hạt khác!”. Dùng hình ảnh hạt lúa chết đi để vụ mùa bội thu, Chúa Giêsu đang nói đến nghịch lý chết và sống - một chân lý - nhưng đó là quy luật để thiên nhiên tồn tại! Ngài mời chúng ta sống ‘chân lý nghịch lý’ đó. Không vị thần nào được tôn thờ, yêu mến mà dám sống, dám chết cho các tín đồ của mình như Chúa Giêsu, Đấng từng nói, “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu!”. Đó là một tình yêu có sức giục giã người khác hướng về điều thiện như hạt lúa sẵn sàng chết đi để nhân lên những đồng lúa vàng nối tiếp những đồng lúa vàng.

Laurensô được ‘truyền cảm hứng’ từ ‘Người Bạn có lòng trung thực bất khả xâm phạm’ Giêsu, cảm nghiệm được tình yêu của Ngài, đã nên giống Ngài khi chịu nướng chậm trên một chiếc giường sắt; không phải cực lòng, nhưng rất vui lòng: “Lật tôi lại để hai bên được chín đều!”. Chỉ những con người đầy tin yêu vào Đấng đã chết cho mình mới can đảm đến thế. Bạn và tôi không được gọi để sống và chết anh hùng như Laurensô, nhưng Chúa Phục Sinh đã ban ân sủng tương tự để mỗi người đủ sức ‘truyền cảm hứng’ và ‘nhân lên tình yêu’ bằng cách sống vị tha cách hào phóng nhất có thể!

Ngắm cuộc đời các thánh, chúng ta được ‘truyền cảm hứng’ từ sự trung thành của các ngài dành cho Chúa Kitô và Giáo Hội. Cũng thế, hành vi trung thành của chúng ta rồi sẽ ‘truyền cảm hứng’, ‘nhân lên tình yêu’ và lòng can đảm nơi những người khác để họ cũng có thể làm điều tương tự! Phaolô nói, “Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương. Vả lại, Ngài có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện” - bài đọc một. “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Kính thưa Anh Chị em,

“Nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác!”. Sự chết mang mầm sự sống, thập giá tiềm tàng phục sinh. Cuộc đời Chúa Giêsu trên trần gian là một chuỗi ngày của mục nát và chết đi; thế nhưng, chính tình yêu trong quãng đời xem ra không mấy thuận lợi này của Ngài đã kiến tạo một Vương Quốc mới giữa lòng thế giới, Vương Quốc Tình Yêu. Suốt dòng lịch sử, bao người đã sống cái ‘chân lý nghịch lý’ này; nhờ đó, ‘tình yêu nhân lên tình yêu’, những ‘hạt vàng’ nhân lên những đồng lúa vàng. Bạn và tôi cũng hãy sống cái ‘chân lý nghịch lý’ - quy luật Phục Sinh - đó! Bấy giờ, chúng ta cũng là những con người ‘chết để sống’, ‘mất để được’, được cả đồng lúa, mới mẻ và vĩnh cửu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con chắt chiu những ‘hiến tế nhỏ’ mỗi ngày; chúng cũng sẽ ‘truyền cảm hứng’, ‘nhân lên tình yêu’ và con được cả cánh đồng!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây