Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 04/10/2024 19:00 |   101
“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)

07/10/2024
Thứ hai tuần 27 THƯỜNG NIÊN

Đức Mẹ Mân Côi

 

Mẹ Mân Côi

Lc 1,26-38


mẹ hiện diện và đồng hành
“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)

Suy niệm: Mỗi lần Đức Mẹ hiện ra, Đức Mẹ thường bảo con cái Mẹ cầu nguyện bằng kinh Mân Côi. Khi hiện ra ở Lộ Đức, vào năm 1858, Đức Mẹ bảo thánh nữ Be-na-đét lần hạt. Lần hiện ra ở Fa-ti-ma, vào năm 1917, Đức Mẹ bảo ba trẻ Phan-xi-cô, Da-xin-ta và Lu-xi-a là: “Hãy lần hạt mỗi ngày để kính nhớ Đức Trinh Nữ.” Đức Mẹ còn nói: “Phan-xi-cô sẽ lên thiên đàng, nhưng phải lần hạt trước đã.” Quả thật, Mẹ Ma-ri-a hết sức yêu mến kinh Mân Côi, và Mẹ cho thấy lời cầu nguyện mạnh mẽ nhất và giúp hoán cải nhất chính là lời cầu nguyện bằng kinh Mân Côi.

Mời Bạn: Không ai mạnh bằng người cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả. Khi các con hiệp nhau cầu nguyện, có Chúa ở giữa các con” (Đường Hy Vọng, số 985). Chúa Giê-su từng ca ngợi lời cầu xin kiên trì và khiêm tốn của người đàn bà xứ Ca-na-an xin cho con gái bà được lành bệnh (x. Mt 15,21-28). Hay trong dụ ngôn quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy: Dù quan tòa không muốn, nhưng vì bà cứ nài nỉ dai dẳng cuối cùng quan cũng phải làm theo yêu cầu của bà góa này (x. Lc 18,1-8). Nhất là khi cầu nguyện bằng kinh Mân Côi chúng ta được Mẹ đồng hành, vì nhờ lời của mẹ, Chúa đã làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Ca-na, dù vừa trước đó Chúa mới nói “giờ của Chúa chưa đến”.

Sống Lời Chúa: Bạn lần hạt không theo một tình cảm uỷ mị cũng không phải là lải nhải dài dòng nhiều chuyện mà là cùng với Mẹ cầu nguyện với lòng tin kính, kiên trì và khiêm tốn.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin Mẹ đồng hành với chúng con trong cuộc sống, đặc biệt khi chúng con cầu nguyện với Mẹ bằng kinh Mân Côi. Amen.

Ngày 7: Lạy Chúa! Bên ngoài khung cửa, gió chuyển mây vần, người xe như nước, với tràng chuỗi trên tay, nội tâm của người chiêm niệm vẫn an nhiên tự tại. Đơn sơ như thế, ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, bởi vì, họ đã tìm thấy chân lý được cất giấu trong mỗi hạt chuỗi bình thường dung dị: Hoa Mân Côi luôn lâm râm dưới sân tường nhà, gạch xanh ngả màu, ngói đen thấm đẫm từng hạt mật của những lời kinh. Không biết đến khi nào, chúng con mới thôi theo đuổi những giấc mộng phù du, bắt đầu cuộc sống chỉ cần một tràng hạt trên tay, ung dung tự tại, không còn muốn gieo mình vào những tham vọng trần gian… Xin cho chúng con luôn biết chọn lựa những gì chính yếu cho cuộc đời mình. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ hai tuần 27 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự theo thánh ý Chúa, và không ai có thể chống lại thánh ý Chúa. Vì Chúa đã tạo thành mọi sự trên trời dưới đất, và cả những gì trong bầu trời; Chúa là Chúa tể mọi loài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Gn 1, 1 – 2, 1. 11

“Ông Giona chỗi dậy lánh xa mặt Chúa”.

Khởi đầu sách Tiên tri Giona.

Có lời phán cùng Giona, con trai ông Amathi, rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy đi sang Ninivê, một thành rộng lớn, và giảng tại đó, vì tội ác của nó thấu đến Ta”.

Giona liền chỗi dậy để trốn sang Tharsê lánh xa mặt Chúa; ông đi xuống Gioppê, gặp tàu đi sang Tharsê, ông liền mua vé, xuống tàu đi với hành khách sang Tharsê, lánh xa mặt Chúa.

Nhưng Chúa khiến trận cuồng phong thổi trên biển và cơn bão táp dữ dội nổi lên, khiến tàu lâm nguy sắp chìm. Các thuỷ thủ lo sợ, hành khách cầu khẩn cùng thần minh của mình. Người ta vứt đồ vật trên tàu xuống biển cho nhẹ bớt, lúc đó ông Giona xuống lòng tàu nằm ngủ mê mệt. Thuyền trưởng đến gần ông và hỏi rằng: “Sao ông ngủ mê mệt như vậy? Hãy chỗi dậy cầu khẩn cùng Thiên Chúa của ông, may ra Thiên Chúa đoái đến chúng ta và chúng ta khỏi chết”.

Ai nấy đều bảo đồng bạn mình rằng: “Các anh hãy lại đây, chúng ta bắt thăm coi biết tại sao chúng ta gặp phải tai hoạ này”. Rồi họ bắt thăm, thì trúng phải ông Giona. Họ bảo ông rằng: “Xin ông cho chúng tôi biết vì cớ nào chúng ta gặp phải tai hoạ này: Ông làm nghề gì? Ở nơi nào? Ði đâu? Hoặc thuộc dân nào?” Ông trả lời họ rằng: “Tôi là người Do-thái, tôi kính sợ Thiên Chúa là Chúa Trời, Ðấng tạo thành biển khơi và lục địa”.

Họ khiếp sợ quá sức và hỏi ông rằng: “Sao ông hành động thế này? (Vì theo lời ông thố lộ, các hành khách biết ông trốn lánh mặt Chúa). Họ liền hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải đối xử với ông làm sao đây, để biển yên lặng? vì biển càng động mạnh thêm”. Ông bảo họ rằng: “Các ông hãy bắt tôi vứt xuống biển, thì biển sẽ yên lặng, vì tôi biết tại tôi mà các ông gặp phải trận bão lớn lao này”.

Các thuỷ thủ cố chèo thuyền vào đất liền, nhưng không sao được, vì biển càng động dữ dội hơn. Họ kêu cầu cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, chúng tôi xin Chúa vì mạng sống người này cho chúng tôi khỏi chết. Xin chớ đổ máu vô tội trên chúng tôi, vì, lạy Chúa, Chúa hành động theo như Chúa muốn”. Rồi họ bắt vứt ông Giona xuống biển, và biển liền hết nổi sóng. Mọi người rất kính sợ Chúa, họ tế lễ dâng lên Chúa và làm lời khấn hứa.

Chúa chuẩn bị sẵn một con cá lớn để nuốt ông Giona, và ông Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Sau đó, Chúa truyền lệnh cho cá nhả ông Giona vào bờ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Gn 2, 2. 3. 4. 5. 8

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, từ vực sâu thẳm, Chúa đã cứu sống mạng con

Xướng: Nằm trong bụng cá, ông Giona thưa cùng Chúa là Thiên Chúa của mình rằng:

Xướng: Trong cảnh gian truân, con đã kêu cầu tới Chúa, và Ngài đã nhậm lời con; tự lòng vực sâu âm phủ, con đã kêu lên, và Ngài đã nghe rõ tiếng con.

Xướng: Ngài đã ném con xuống vực sâu, trong lòng biển, các dòng nước đã lôi cuốn thân con, bao sóng cả ba đào đều lướt chảy trên mình con.

Xướng: Bấy giờ con tự nhủ: Con đã bị loại xa khỏi thiên nhan Chúa, nhưng con sẽ còn được xem thấy thánh điện Ngài.

Xướng: Khi mà trong người con, linh hồn tuyệt vọng, bấy giờ con đã nhớ (tới) Chúa. Lời cầu nguyện của con đã thấu đến tai Ngài, trong nơi thánh điện của Ngài.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 1, 6-12

“Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, nhưng là do Ðức Giêsu Kitô mạc khải”.

Trích thư Thánh Phalô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, tôi ngạc nhiên thấy anh em thay lòng đổi dạ chóng như thế đối với Ðấng đã kêu gọi anh em thông phần vào ân sủng của Ðức Kitô, để anh em quay sang một tin mừng khác: Tin mừng khác làm gì có, chỉ có những kẻ phá rối anh em và muốn anh em đảo lộn Tin Mừng của Ðức Kitô. Nhưng cho dù chúng tôi, hay một thiên thần nào từ trời đến giảng tin mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em, thì người đó bị chúc dữ. Như chúng tôi đã nói trước, và giờ đây tôi xin nói lại rằng: Nếu ai trong anh em rao giảng cho anh em Tin Mừng khác hơn điều anh em đã lãnh nhận, thì người đó bị chúc dữ.

Giờ đây, tôi phải làm vừa lòng người ta hay là Thiên Chúa? Nào có phải tôi tìm cách làm vừa lòng người ta sao? Nếu tôi còn làm vừa lòng thiên hạ, thì tôi không phải là đầy tớ của Ðức Kitô.

Anh em thân mến, tôi cho anh em biết rằng Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, vì tôi không nhận cũng không học với loài người, nhưng là do Ðức Giêsu Kitô mạc khải.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 7-8. 9 và 10c

Ðáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).

Xướng: Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi.

Xướng: Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của Người đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho đến muôn ngàn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính. 

Xướng: Chúa đã gửi tặng ơn giải phóng cho dân Người, để thiết lập lời minh ước tới muôn đời. Danh Người thực là thánh thiện và khả úy. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại tới muôn đời. 

Alleluia: 1 Sm 3, 9; Ga 6, 69

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 25-37

“Ai là anh em của tôi?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?”

Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: “Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông”.

“Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chính Chúa đã thiết lập lễ tế này để chúng con dâng lên mà tỏ lòng thần phục tôn kính; xin Chúa thương chấp nhận và thánh hoá chúng con, xin cho chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa nhân lành đối với những ai trông cậy vào Người, và đối với tâm hồn kiếm tìm Người.

Hoặc đọc:

Chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh, và cùng một chén rượu

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô, xin cho chúng con được nên một với Người và no say tình Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐỪNG CÓ SỐNG DỬNG DƯNG
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Dửng dưng là một nét đặc trưng của thời đại chúng ta. Bởi vì đau khổ vẫn ở ngay bên đường đi của chúng ta, đến nỗi con người rất dễ bị cám dỗ “bỏ đi qua” một cách dửng dưng. Chắc chắn dụ ngôn “Người Samari nhân hậu” đã trở nên yếu tố thiết yếu của nền văn hóa đạo đức cũng như nền văn minh phổ quát của nhân loại. Lời Chúa Giê-su dành cho nhà thông luật khi xưa, Chúa cũng bảo mỗi người chúng ta ngày hôm nay: “Hãy đi và làm như vậy”.

Có người hỏi: Hãy đi và làm như vậy là thế nào?

Thưa: Làm như người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu đã làm. Tất cả chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ của người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu bên cạnh những người chúng ta gặp và chân thành giúp đỡ, băng bó các vết thương thể xác và tinh thần cho họ, những vết thương lòng, nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, cô đơn và chết chóc… Đừng ngồi đặt vấn đề: “Ai là anh em tôi?” Nhưng hãy đi và tỏ ra mình là anh em của mọi người. Đừng dừng lại tìm xem người đó là ai, có đạo hay không. Nhưng hãy đi và làm như người Sa-ma-ri-ta-nô kia, nhìn thấy vết thương thì băng bó, gặp người đau khổ phải cứu giúp. Cần vượt qua quan niệm hẹp hòi, đi đến tình huynh đệ phổ quát.

Người Sa-ma-ri-ta-nô đối xử với nạn nhân bằng tình thương thật sự: ông băng bó các vết thương của người ấy, chở ông ta tới nhà trọ và đích thân lo lắng cho người ấy, liệu trước việc trợ giúp ông ta (x. Lc 10, 34).

Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: trước nỗi khổ đau của bao người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và bất công, chúng ta không thể ở đó như các khán giả. Không biết nỗi khổ đau của con người, nghĩa là không biết Thiên Chúa. Nếu ta không đến gần ông này, bà kia, và em đó, ta không đến gần Thiên Chúa.

Yêu mến Chúa trong nhà thờ thôi thì chưa đủ, cần phải yêu mến Chúa trên đường đi và trong người anh em đồng bào, đồng loại. Câu hỏi: “Tôi là anh em của ai?”, mỗi người chúng ta tự đặt ra cho mình, không phải là câu hỏi cho người khác, nhưng cho chính mỗi chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết mau mắn làm theo lời Chúa dạy. Amen.

 

AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI (Lc 10,25-37)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Người Do-thái vẫn biết giới luật cao trọng hơn hết là “Mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như chính mình”. Mến Chúa thì dẽ hiểu, còn yêu tha nhân thì họ  khó hiểu vì họ có cái nhìn thiển cận và hẹp hòi về những người ngoài dân tộc Do-thái. Chính vì vậy, một người thông luật đã đến hỏi thử Chúa Giê-su xem ai là người thân cận của ông và ông xin Chúa cho một câu định nghĩa. Nhưng thay vì lý thuyết xuông, Ngài đã đưa ra dụ ngôn người Samaritanô nhân lành để cho ông một bài học.

2. Đối với luật sĩ và biệt phái thì luật mến Chúa thì quá rõ, ai cũng biết vì nó có ở trong kinh Schema mà người Do thái đọc hằng ngày; nhưng còn luật yêu người thì họ còn mù mờ: “Thế nào là yêu người thân cận như chính mình? Người thân cận là ai”? Chính vì vậy mà một người thông luật đến chất vấn Đức Giê-su  xem người thân cận là ai? Đức Giê-su không trả lời bằng lý thuyết xuông có thể gây tranh luận, Ngài dùng dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu để nói cho người thông luật biết rằng: người thân cận không phải chỉ là người Do thái, mà là bất cứ ai không phận biệt chủng tộc, giai cấp, mầu da hoặc tín ngưỡng đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

3. Ngày nay chúng ta hay nói: “Tứ hải giai huynh đệ”: bốn bể là anh em, nhưng người Do-thái không chấp nhận qua niệm này. Luật của người Do-thái đã giới hạn sự giao tiếp giữa người Do thái với những người không phải là Do-thái. Theo luật của họ, người thân cận được định nghĩa là “những người con trai của xứ sở bạn”. Do đấy, chỉ có những người Do-thái mới là hàng xóm, là thân cận của mình.

Đức Giê-su chủ trương ngược lại: người anh em của tôi, người thân cận của tôi là bất cứ ai tôi chọn để trở nên người anh em, người thân cận. Như vậy, không biết ai là người anh em của mình nữa, mà điều quan trọng là  tìm cách để trở nên người anh em, người gần gũi với bất cứ ai đang cần sự giúp đỡ.

4. Có người nói tình yêu đích thực được thể hiện qua bốn phương diện: (1) sẵn lòng giúp đỡ; (2) biết xót xa trước đau khổ và (3) biết vui mừng trước hạnh phúc của người khác; cuối cùng (4) biết tha thứ. Chúa Giê-su đưa ra nhân vật Samaritanô như một điển hình về tình yêu đích thực đó. “Chạnh lòng thương” trước tình cảnh khốn khổ cấp bách của một người không quen biết, thay vì bỏ đi như thầy tư tế và thầy Lêvi với những bận rộn của mình – mà ai lại không có những việc bận rộn cơ chứ? – ông Samaritanô này sẵn sàng gác lại công việc của mình, và dốc toàn lực cứu chữa người bị nạn cách tận tình. Với nghệ thuật kẻ chuyện tài tình, Chúa mô tả tỉ mỉ những việc làm bác ái của người Samaritanô. Ngài dạy chúng ta yêu thương đích thực phải thể hiện bằng việc làm cụ thể và Ngài kết luận cũng rất cụ thể: “Hãy đi và làm như vậy” (5 phút Lời Chúa).

5. Nhà văn Mark Twain nói: “Từ ngữ ‘mưa’ sẽ chẳng nói lên điều gì nếu như bạn chưa một lần đi trong mưa hoặc tiếp xúc với nó? ‘Tình yêu’ cũng chẳng là gì nếu như bạn chưa bao giờ kinh nghiệm về nó”. Người thông luật biết rất rõ hai giới răn quan trọng là Mến Chúa và yêu người. Nhưng theo Đức Giê-su, để được sự sống đời đời, ông phải thực hành điều ông vừa nói. Ông sẽ không biết “mến Chúa yêu người” thực sự, nếu không hiện thực hóa hai điều răn này trong suy nghĩ, lời nói và hành động của ông. Ai cũng cần có tình yêu để được sống hạnh phúc. Thế nhưng, tình yêu không phải là một khái niệm chỉ để nói suông. Tình yêu đòi hỏi chia sẻ, cảm thông, hy sinh và gắn bó với một đối tượng cụ thể. Tình yêu mời gọi mỗi người biết trao tặng một lời nói chân thành, một nụ cười khích lệ, hoặc một việc bác ái (Học viện Đa Minh).

6. Một cách tổng quát, chúng ta có thể thực hiện lòng yêu Chúa và tha nhân như sau:

a) Mến yêu Chúa: Muốn mến yêu Chúa, chúng ta có muôn vàn cách để yêu mến Ngài nhưng những cách biểu lộ ấy có tính cách chủ quan, mỗi người một cách, nhưng theo Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giê-su đã nhấn mạnh lại điều kiện tiên quyết để biết ai là người mến Chúa, đó là “Thực thi Lời Chúa, sống theo giới răn của Chúa”.

b) Yêu tha nhân: Muốn yêu tha nhân cho xứng đáng, hãy sống theo khuôn vàng thước ngọc này: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Mt 7,12). Hay nói ngắn gọn hơn: “Ngươi hãy yêu thân cận ngươi như chính mình” (Mc 12,30). Yêu mình thế nào, thì phải yêu người như vậy. Tất nhiên mình luôn luôn muốn cho mình được những điều tốt lành, hạnh phúc và lợi ích. Không ai muốn mình bị xấu xa, khổ cực, tại họa; vậy yêu người  cũng phải làm cho người như vậy.

7. Truyện: Đi tìm chén thánh.

Có một câu chuyện huyền thoại về “một người Samaritanô tốt lành” có tên là Sir Launfal, một hiệp sĩ trẻ hào hùng. Một ngày nọ chàng hiệp sĩ lên đường đi truy tìm chiếc chén thánh mà Chúa Giê-su đã sử dụng trong bữa Tiệc ly. Khi chàng bắt đầu rời khỏi thành phố ra đi thì gặp ngay một người cùi đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Chạnh lòng thương, chàng đã giúp cho người cùi một đồng, rồi ra đi. Chàng tìm mãi chẳng thấy chén thánh đâu! Thất bại, chàng hiệp sĩ bèn lên ngựa quay trở về nhà. Lúc này chàng đã già hơn xưa sau cuộc hành trình  tìm kiếm thật gian khổ. Còn người cùi  vẫn ngồi ăn xin ở chỗ cũ. Chàng hiệp sĩ chẳng còn tiền bạc gì nữa để cho, anh chia sẻ với người cùi mảnh bánh vụn còn lại trong cuộc đời. Ăn xong, họ chẳng có gì để uống. Chàng hiệp sĩ bèn lấy cái tô của người cùi đi tìm nước cho người cùi uống. Khi chàng bưng tô nước quay trở lại đưa cho người cùi thì người cùi đã biến thành Chúa Giê-su và tô nước hóa nên chén thánh mà chàng đang đi tìm kiếm.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Đức Mẹ Mân Côi

Ca nhập lễ

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và con lòng Bà gồm phúc lạ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin cho chúng con biết thật Ðức Kitô con Chúa đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, và nhờ lời Thánh Mẫu Ma-ri-a chuyển cầu, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp”.

Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?” Ađam thưa lại:”Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”. Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa:”Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”.

Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8

Ðáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Ðấng Cứu độ tôi

Xướng: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi.

Xướng: Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn.

Xướng: Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.

Xướng: Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.

Bài Ðọc II: Rm 5, 12. 17-19

“Nơi nào tội lỗi đầy tràn, thì Người ban ơn thánh dư dật”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô. Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 28

Alleluia, alleluia! – Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

“Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin biến đổi đời sống chúng con cho xứng hợp với hiến lễ này, và giúp chúng con biết để tâm suy gẫm những mầu nhiệm cuộc đời Con Một Chúa hầu đáng hưởng những phúc lộc người đã hứa ban. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng Ðức Mẹ: “trong ngày lễ…”.

Ca hiệp lễ

Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai, và đặt tên là Giêsu.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con, chúng con vừa cử hành bí tích Thánh Thể để tuyên xưng Ðức Kitô Con Một Chúa đã chịu chết và sống lại. Xin cho chúng con biết cùng chịu đau khổ với người, hầu đáng được hạnh phúc cùng người sống lại vinh hiển. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

KINH KÍNH MỪNG TRONG THÁNG MÂN CÔI (Lc 1, 26-38)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Bước vào Tháng Mười, Tháng Mân Côi, chúng ta thấy một hình ảnh truyền thống tuyệt đẹp về Ðức Bà Mân Côi, một tay bồng Chúa Giê-su Hài Ðồng, còn tay kia thì trao Tràng Chuỗi Mân Côi cho thánh Ða-minh, chứng tỏ rằng kinh Mân Côi là một phương thế được Ðức Mẹ ban cho nhân loại qua thánh Đa-minh, để con cái Chúa nhờ chiêm ngắm và suy niệm về cuộc đời của Chúa, mà yêu mến Chúa và theo Chúa mỗi ngày một hơn.

Ma-ri-a đầy ơn phúc

“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc” là câu đầu tiên trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn thường đọc. Nguồn gốc của lời Kinh này phát xuất từ miệng sứ thần Gáp-ri-en chào Đức Ma-ri-a lúc truyền tin: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc (Lc 1,28), và lời xác nhận của bà Ê-li-sa-bét: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ”.

Những lời của sứ thần Gáp-ri-en và của bà Ê-li-sa-bét trên đây đã được Giáo hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Mẹ. Đồng thời, Giáo hội thêm vào lời cầu khẩn xin Mẹ thương nâng đỡ phù trì “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”.

Quả Phúc Giê-su

Hằng ngày, khi đọc lại lời chào của thiên thần và lời chào của bà Ê-li-sa-bét chúng ta khám phá ra Quả Phúc nơi cung lòng Đức Mẹ là Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Đây chính là hoa trái mà tiên tri I-sai-a đã báo trước: “Ngày đó, chồi non Đức Chúa cho mọc lên sẽ là vinh quang và danh dự, và hoa màu từ ruộng đất trổ sinh sẽ là niềm hãnh diện và tự hào” (Is 4,2). Người Con ấy thuộc miêu duệ Abraham, đã xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít, được đầy tràn Thần Khí Chúa. Thiên Chúa đã đặt nơi Người muôn phúc lành và muôn dân nhờ Người mà được chúc phúc, như có lời chép: “Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân” (Is 61,11).

Kinh Kính Mừng trong Tháng Mân Côi

“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc”. Mẹ đầy ơn phúc” (Lc 1, 28), vì từ đời đời Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế và gìn giữ Mẹ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, nên nơi Mẹ không có chỗ cho tội lỗi. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a (x. Ga 1,14). Chúng ta cũng được kêu gọi lắng nghe Chúa nói và đón nhận ý Chúa vào trong cuộc đời Mẹ để trở nên người có phúc như Mẹ.

Đức Chúa Trời ở cùng Bà

Chúng ta ca tụng Đức Ma-ri-a là Đấng đầy ơn phúc như lời sứ thần chào. Phúc của Mẹ thật cao vời khôn sánh, lời bà Ê-li-sa-bet xác nhận: “Em thật có phúc” (Lc 1,42). Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng. Ai có Thiên Chúa ở cùng, người ấy đầy ơn phúc.

Trong Cựu Ước, có bao người được Thiên Chúa ở cùng, để rồi được Ngài sai đi phục vụ Dân Chúa. Nhưng Thiên Chúa ở cùng Đức Mẹ một cách độc nhất vô nhị. Khi được đầy tràn Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời, Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh, nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa loài người.

Điều đã xảy ra nơi Đức Mẹ Đồng Trinh khi có Thiên Chúa ở cùng, thì cũng xảy ra nơi chúng ta trong mức độ tâm linh. Chúng ta đón nhận Lời Chúa bằng con tim vui vẻ, chân thành và biết đem ra thực hành. Chúa Giê-su đã cư ngụ nơi lòng Mẹ, Người cũng đến và ở trong những ai yêu mến và tuân giữ lời Người, đón rước Người khi chịu lễ. Thế nên Giáo Hội không ngớt lời lặp đi lặp lại danh xưng hạnh phúc này: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà” để tôn vinh Mẹ.

Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ

Phúc nơi Mẹ trổi vượt hơn hết mọi người nữ vì Mẹ đã đầu tư vốn liếng cả cuộc đời cho thánh ý Thiên Chúa. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Ma-ri-a là người hạnh phúc hơn hết vì được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.

Phúc của Mẹ thật khôn ví, vì tâm hồn Mẹ trong sạch và luôn kết hiệp với Chúa. Mẹ có phúc vì Mẹ đã tin như lời bà Ê-li-sa-bét nói: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng: Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 45).

Và Chúa Giê-su Con lòng Bà gồm phúc lạ

Ở mức độ tự nhiên, Mẹ đón nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần rồi dâng hiến máu thịt mình cho Con Thiên Chúa để Người được hình thành nơi Mẹ. Xét về mặt thiêng liêng, Mẹ đón nhận ân sủng và đáp lại điều đó bằng đức tin của mình”. Về điều này thánh Au-gút-ti-nô giải thích rằng: Đức Trinh Nữ “trước hết đã thụ thai trong tâm hồn và sau là trong cung lòng Mẹ. Mẹ đã thụ thai trước là đức tin và sau là Thiên Chúa”.

Bằng việc đón nhận hài nhi Giêsu để cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Thánh Tử, Đấng là Hồng Phúc ngay trong lòng mình nữa. Mẹ trở nên người gồm phúc lạ. Mẹ có phúc vì được làm Mẹ Đức Giêsu. Mẹ của chính Ngôi Lời Thiên Chúa làm người (x. Ga 1,14; Mt 1,23). Mẹ hạnh phúc hơn vì đã trở thành môn đệ Chúa, như lời Chúa Giêsu Con Mẹ đã đáp lại lời một phụ nữ khen ngợi người mẹ đã có công sinh thành nuôi dưỡng Người: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28).

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời

Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời. Chỉ Thiên Chúa là Ðấng Thánh và là nguồn mọi sự thánh thiện. Mẹ được chia sẻ sự thánh thiện ấy cách tuyệt vời, vì Mẹ được chọn làm Mẹ Ðức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, và vì chẳng ai thực thi ý Chúa trọn vẹn như Mẹ. Chúng ta chẳng được diễm phúc sinh ra Ðức Giêsu, nhưng chính Chúa Giêsu lại mời gọi ta làm mẹ của Người: “Mẹ tôi và anh em tôi là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử

Hành trình tiến về quê Trời của Đức Maria đã bắt đầu “từ tiếng thưa “vâng” ở Nazareth, khi đáp lại lời của Sứ thần Gabriel, người đã loan báo cho Mẹ biết ý muốn của Thiên Chúa. Và thực sự là như thế, mỗi khi chúng ta thưa “xin vâng” theo ý Thiên Chúa là chúng ta tiến một bước về quê Trời, tiến về cuộc sống vĩnh cửu”. Chúng ta hãy phó thác cho Đức Ma-ri-a cuộc sống hiện tại và tương lai. Chẳng có gì Ðức Ma-ri-a được hưởng mà chúng ta lại không được dự phần. Amen.

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Mẹ MC a2

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 1, 26-38)

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận. Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”. Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.


Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 

 

Suy niệm

Nhắc đến tháng mười, mỗi người Kitô hữu luôn nghĩ ngay đến chuỗi Mân Côi, chuỗi kinh được Mẹ yêu giới thiệu và trao phó cho con cái, chuỗi kinh là những chặng đường, là những dấu ấn đặc biệt của người Con Mẹ trong hành trình dương thế, đặc biệt trong chặng đường khổ nạn để cứu độ nhân loại, từ đó, từ chuỗi kinh Mân Côi đó, Mẹ mời con cái hãy cùng Mẹ nguyện ngắm mỗi ngày sống, trước và trong mọi biến cố cuộc đời, Mẹ sẽ giúp đỡ, sẽ cầu bầu cho con cái trước tòa Con Mẹ trên trời. Niềm vui của con cái nhân loại đó là có một người Mẹ ở trên trời, nhưng luôn đồng hành với con cái trong phận người lữ hành, để chia sẻ và đỡ đần trong cuộc sống, đặc biệt là khi đức tin bị thử thách, cuộc sống gặp nhiều thách đố và ơn gọi đang gặp nhiều cám dỗ.

Sau khi tội lỗi xâm nhập vào thế gian, len lỏi vào cuộc sống con người, chúng đã phá vỡ mọi tương quan cuộc sống của con người, từ tương quan với Thiên Chúa, rồi tới thiên nhiên, tới cộng đoàn, rồi tới tình gia đình bị ảnh hưởng, giá trị con người bị xâm hại, con người bị cắt đứt nguồn sống thiêng liêng. Thiên Chúa là một người Cha, sẵn sàng quên mọi lầm lỗi của con người, Ngài đã ban lời hứa cứu độ con người: “Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”. Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh”. Một người nữ sẽ xuất hiện, đem niềm vui và hy vọng cho con người, đó là hình ảnh báo trước về người Mẹ tuyệt vời có tên gọi là Maria, người Mẹ đã đem lại niềm vui và hy vọng Nước Trời cho con cái Mẹ đang trên đường lữ thứ cuộc đời.

Thánh Phaolô trong lá thư gởi con cái giáo đoàn Roma, đã minh định rõ ràng là tội bởi một người, nên nhân loại phải chết, thì cũng bởi một người mà nhân loại được sống và sống dồi dào: “Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô. Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế”. Chứng kiến nỗi đau trầm luân của nhân loại, một người nữ đã nhận lời mời của Thiên Chúa Cha trong vai trò làm Mẹ Đấng Cứu Thế, đó là Đức Maria. Nhờ người nữ đó, ơn cứu độ đã đến trong thế gian và con người được cứu, được dẫn đưa về ngôi nhà hạnh phúc nhất là Nước Trời.

Người mẹ của chúng sinh đã xuất hiện, đó là Đức Maria, Mẹ đã trở thành người Mẹ của Đấng Cứu Thế, Mẹ của nhân loại sau khi đón tiếp một vị khách đặc biệt trong cuộc đời: “Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Đó là lời chào của sứ thần Gabriel và lời mời của Thiên Chúa Cha gởi đến cho Mẹ. Sau lời thưa xin vâng, Mẹ trở nên nhịp cầu cho Thiên Chúa đến với nhân loại và cho nhân loại trở về với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con người, mong đem con người về nơi hạnh phúc và an bình vĩnh cửu, đó là nơi con người luôn đợi chờ, trông mong.

Sự xuất hiện của con người trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa không phải để chứng kiến quyền năng của Ngài, cũng không phải để trở nên người canh giữ công cuộc tạo dựng đó, nhưng sự xuất hiện của con người là kết quả của một tình yêu viên mãn giữa ba ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa đã suy nghĩ trước khi tạo dựng con người, bởi đó là một tạo vật mang hình ảnh và hơi thở của Thiên Chúa. Vì thế, con người trở nên người bạn của Thiên Chúa sau khi hiện hữu. Chỉ một chút yếu đuối, con người đã đánh mất phần phúc lớn nhất là mất đi sự thánh thiện công chính nguyên thủy, chỉ vì tội kiêu căng, từ đó, mọi tương quan bị cắt đứt và phải sống xa lìa Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc đích thực cho cuộc đời.

Một người nữ xuất hiện như là vị cứu tinh của nhân loại, Đức Maria, không chỉ được vinh dự làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ còn được nhận danh hiệu là Mẹ của các Tông đồ, của Giáo hội, của đoàn con đang trên đường lữ hành. Dù được Thiên Chúa Cha trọng thưởng đưa về trời cả hồn lẫn xác, Đức Maria vẫn không quên nguyện cầu cho con cái, hơn nữa, Mẹ còn hướng dẫn con cái cùng cầu nguyện với Mẹ để được Chúa Cha quên đi mọi lầm lỗi. Những lần hiện ra, những sứ điệp Mẹ nhắn gởi đều hướng đến tình thương của Thiên Chúa luôn đong đầy cho con cái nếu con cái biết sám hối, sẵn sàng thay đổi cuộc đời và cùng Mẹ nguyện cầu sớm tối. Trái tim của người Mẹ luôn sống vì, sống cho con cái mình, dù có phải chịu trăm ngàn thiệt thòi, người mẹ cũng luôn hy sinh cho con cái, Mẹ Maria cũng vậy, nắng mưa chẳng quản, bão giông chẳng sờn, tất cả chỉ mong cho con cái được sống trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa tình yêu, được ở mãi trong ngôi nhà hạnh phúc của Ngài.

Lời kinh Mân Côi Đức Maria hướng dẫn cho con cái cầu nguyện không chỉ dừng lại nơi từng chặng đường khổ nạn của người Con, nhưng còn là nhịp cầu, là sợi dây kết nối con cái với Thiên Chúa và với nhau. Ơn cứu độ của Thiên Chúa không giới hạn bởi không gian và thời gian, cũng không giới hạn bởi một rào cản nào, vì thế, Đức Maria là người hiểu rõ hơn ai hết và Mẹ muốn dùng ơn sủng đặc biệt từ Kinh Mân Côi, để lôi kéo và nối kết mọi người trở thành một cộng đoàn huynh đệ thiêng liêng, cùng nhau chung chia niềm vui cứu độ. Lời kinh Mân Côi không dành riêng cho một ai, nhưng là một phương cách giúp con người nên thánh trong ơn gọi của mình. Suy ngắm những mầu nhiệm trong chuỗi Mân Côi, người tín hữu như được đồng hành với Con Thiên Chúa trong đường khổ nạn, được đóng đinh vào thập giá Ngài mọi lầm lỗi của mình, hơn nữa được sống trong niềm vui phục sinh của Con Thiên Chúa. Hãy năng lần chuỗi Mân Côi để được tha thứ, được yêu thương và được sống trong vòng tay Thiên Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã trao người Mẹ của Chúa cho nhân loại chúng con, để nhờ tình yêu thương của người Mẹ đó, chúng con biết cách cầu nguyện, biết đường sám hối và biết lối trở về với Chúa, xin giúp mỗi người chúng con biết lắng nghe lời chỉ dạy của Mẹ tình yêu, để sớm tối cùng Mẹ nguyện cầu theo lời kinh Mân Côi. Khi còn ở trong gia đình Thánh Gia, Chúa luôn nghe lời Mẹ chỉ dạy để ngày một lớn lên cả thể xác lẫn tinh thần, xin giúp chúng con cũng biết lắng nghe lời chỉ dạy của Mẹ Maria, để chúng con được lớn lên cả thể xác lẫn tinh thần, đó là lúc chúng con biết sống theo những giá trị Tin mừng và siêng năng cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện theo lời kinh Mân Côi. Amen.

MỘT KHỞI ĐẦU NHIỆM LẠ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Trinh nữ ấy tên là Maria!”.

Nếu tháng 5 có ‘hoa mùa hạ’, thì tháng 10 có ‘hoa mùa thu’. Đó là những cánh hoa thiên nhiên tươi xinh muôn sắc và những kinh Kính Mừng sốt sắng mà mọi Kitô hữu trên khắp thế giới dâng lên người Mẹ quyền uy của mình bốn mùa xuân hạ thu đông; cách đặc biệt, trong tháng Hoa và tháng Mân Côi.

Kính thưa Anh Chị em,

Kinh Mân Côi, lời kinh mời gọi tín hữu chiêm ngắm sự ra đời, cuộc sống, cái chết, sự phục sinh và cuộc lên trời của Chúa Cứu Thế cùng sự rợp bóng của Chúa Thánh Thần trong Lễ Ngũ Tuần. Bên cạnh đó, chúng ta chiêm ngắm sự vinh hiển và khổ đau của Mẹ Ngài qua các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, một người mẹ của ‘một khởi đầu nhiệm lạ’ trong công trình cứu độ. Lời Chúa lễ Mân Côi trình bày hai trong các mầu nhiệm!

Tin Mừng tóm kết mầu nhiệm đầu tiên, Năm Sự Vui, “Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”; đang khi bài đọc một - Công Vụ Tông Đồ - là phần mở đầu cho “Câu chuyện của Chúa Thánh Thần”. Trong biến cố truyền tin, Thiên Chúa quyền năng đã ‘cúi mình’ trước một thiếu nữ Nazareth, ‘xin’ cô cộng tác vào kế đồ cứu độ. Maria được báo, “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà!”. Như một cuộc sáng tạo mới, Gabriel loan báo một ‘Lễ Hiện Xuống’ cho riêng Maria; Thánh Thần là tác nhân không thể thiếu vào thời điểm của ‘một khởi đầu nhiệm lạ’ cho ‘một cuộc tạo dựng mới’ như đã xảy ra vào buổi đầu Tạo Dựng, “Thần Khí Chúa bay là là trên mặt nước”.

Công Vụ Tông Đồ còn phản ánh một khoảnh khắc đặc biệt khác của một khởi đầu mới, khởi đầu của Giáo Hội. Một lần nữa, vai trò của Chúa Thánh Thần lại được xác định! Và cũng một lần nữa, khoảnh khắc này lại liên quan đến Đức Maria. Như vậy, dẫu đã có một ‘Lễ Hiện Xuống’ của riêng mình trong ngày truyền tin, Maria còn có một ‘Lễ Hiện Xuống’ khác khi Mẹ cùng hiện diện với các tông đồ và nhóm đại diện các tín hữu Giáo Hội sơ khai, hầu về sau, Mẹ có thể xứng danh với các tước hiệu “Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ”, “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu!”; và gần đây, “Đức Mẹ Hội Thánh”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Trinh nữ ấy tên là Maria!”. Sống lại những khoảnh khắc của ‘một khởi đầu nhiệm lạ’ trong ngày lễ Mẹ Mân Côi, Giáo Hội mời gọi bạn và tôi hãy cùng Mẹ, bắt đầu một khởi đầu mới trong cuộc sống mình, một cuộc sống vốn sẽ được biến đổi nhờ ân sủng như Mẹ đã được biến đổi. Vì thế, đọc kinh Mân Côi mỗi ngày, khác nào chúng ta kéo sợi dây yêu thương - ‘sợi dây rút, trút ơn trời!’. Đó là sợi dây gỡ được mọi nút thắt nối kết trời đất, là vũ khí thiêng liêng, linh dược chữa lành các căn bệnh thời đại. Vậy, hãy bắt đầu đọc kinh Mân Côi trong gia đình, khi đi đường, khi làm việc… Chính khi mấp máy ‘lời kinh của sứ thần’, Chúa Thánh Linh cũng sẽ tác động trên tâm trí chúng ta. Ngài cũng có thể khởi sự ‘một khởi đầu nhiệm lạ’ dù có thể rất nhỏ bé, trước hết trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn; và sau đó, cả thế giới. Để từ đó, như Đức Mẹ, mọi người có thể cất lên lời tán dương “Danh Người thật chí thánh chí tôn!” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, sẽ là ‘một khởi đầu nhiệm lạ’ cho con khi con biết thanh tẩy chính mình, lánh xa tội lỗi và được biến đổi bởi ân sủng của Thánh Thần!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây