09/01/2025
Thứ năm sau lễ hiển linh
Lc 4,14-22a
để ứng nghiệm lời kinh thánh
“Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe.” (Lc 4, 14-22a)
Suy niệm: Có bước lên đỉnh đồi Na-da-rét mới thấy được nỗi cảm khái của những ai thao thức với vận mạng Ít-ra-en. Đằng kia dưới chân đồi về phía tây nam là cánh đồng Ét-rê-lon với chiến tích lẫy lừng của bà Đê-bo-ra và ông Ba-rắc, của thủ lĩnh Ghi-đê-on. Xa xa về phía tây là đỉnh núi Các-men nổi bồng bềnh trên thảm mây như trong cõi thần tiên nhắc nhớ cuộc đối đầu hào hùng giữa tiên tri Ê-li-a với bà hoàng Giê-da-ben hiểm ác. Na-da-rét đâu phải là một nơi “nào có chi hay” (x. Ga 1,46), vì cách đó 8 km về phía bắc, là thành Xép-pho-rít được xây dựng vào thời Rô-ma – các nhà khảo cổ mới khai quật di tích này được ít lâu. Chạy ngang qua đó là ngã tư quốc tế với “con đường ven biển” (x. Mt 4,15) nối Đa-mát với Giê-ru-sa-lem, con đường huyết mạch nối Ai Cập với Li-băng và sang miền đông hướng về xứ Ba Tư. “Chúa Giê-su trở về Na-da-rét, nơi người sinh trưởng… để ứng nghiệm lời Kinh Thánh” trong bối cảnh như thế.
Bạn thân mến, bạn thử đặt mình vào địa vị dân thành Na-da-rét xem họ nghĩ gì khi Đức Giê-su, người đồng hương nổi tiếng của họ trở về quê nhà và nói: “Lời Kinh Thánh hôm nay ứng nghiệm” trong khi họ đang mong chờ một sự giải phóng khỏi ách nô lệ Rô-ma mà nào có thấy gì đâu? Thế mà Lời Kinh Thánh lại ứng nghiệm vào một Đấng Cứu Thế bằng khổ giá. Chả trách gì họ nổi giận!!! Bạn có cảm thông với Ngài không?
Sống Lời Chúa: Hình dung bạn đang đứng trên đỉnh đồi Na-da-rét với Chúa Giê-su, và nhìn ngắm, lắng nghe Ngài với tâm tình yêu mến, cảm thông.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, xin cho con được chia sẻ nỗi niềm với Chúa. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ năm sau lễ hiển linh
Ca nhập lễ
Lúc khởi đầu và từ trước muôn thủa, Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa, Người đã khứng sinh ra làm Đấng cứu độ loài người.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, khi Ðức Kitô Con Một Chúa xuất hiện trên đời, người muôn nước đã thấy bừng lên ánh quang minh vĩnh cửu. Xin cho chúng con biết nhận ra ánh huy hoàng rực rỡ của Ðức Kitô, Ðấng cứu chuộc chúng con, để nhờ ánh sáng ấy chỉ đường, chúng con đạt tới cõi vinh quang bất diệt. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: 1 Ga 4, 19 – 5, 4
“Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải thương yêu anh em mình nữa”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, vì Người đã thương yêu chúng ta trước. Nếu ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì là người nói dối. Vì người anh em mình xem thấy mà không thương yêu họ được, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Ðấng mình không thấy được? Ðây là giới răn chúng ta lãnh nhận nơi Thiên Chúa: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải thương yêu anh em mình nữa.
Hễ ai tin Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, thì đã được sinh ra bởi Thiên Chúa. Vì hễ ai yêu mến Chúa là Ðấng đã sinh thành, thì cũng yêu mến những kẻ bởi Người mà sinh ra. Do điều này mà chúng ta biết mình yêu thương con cái Thiên Chúa, là hễ chúng ta yêu mến Thiên Chúa, thì chúng ta phải thực hành giới răn Người. Tình yêu Thiên Chúa là thế này: là chúng ta giữ các giới răn Người, và giới răn Người chẳng có nặng nề đâu. Hễ sự gì bởi Thiên Chúa mà sinh ra, thì thắng được thế gian, và đây là sự chiến thắng thế gian: đó là đức tin của chúng ta. Ai chiến thắng thế gian, nếu không phải kẻ tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa?
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 71, 2. 14 và 15bc. 17
Ðáp: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (x. c. 11).
Xướng: Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực.
Xướng: Người sẽ cứu tâm hồn họ khỏi bất công và đàn áp, giá máu của họ đáng kể trước mặt người. Họ sẽ cầu nguyện cho người luôn và sẽ chúc phúc người mãi mãi.
Xướng: Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người.
Alleluia: Lc 7, 16
Alleluia, alleluia! – Một Tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 4, 14-22a
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giê-su trở về Ga-li-lê-a trong quyền năng của Thánh Thần và danh tiếng Người đồn khắp miền xung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và ai nấy đều ca tụng Người. Người đến Na-da-rét là nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, Người vào hội đường ngày Sa-bát, và đứng dậy đọc sách. Người ta trao cho Người cuốn sách Tiên tri I-sai-a. Người mở sách và gặp chỗ có chép rằng: “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”.
Người xếp sách lại, trao cho viên phụ trách, đoạn ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều đưa mắt chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”. Và ai nấy đều công nhận lời Người và ngạc nhiên vì những lời hấp dẫn thốt ra từ miệng Người.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa đã làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo; và ước chi tiệc thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…
Kinh Tiền tụng
Lời tiền tụng lễ Hiển Linh
Ca hiệp lễ
Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, dân thánh Chúa luôn cần được muôn ơn trợ lực, xin rộng lượng ban phát, hôm nay và mãi mãi, nhờ đó, khi được hưởng những của cải đời tạm này, chúng con càng tin tưởng kiếm tìm những phúc lộc vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
ĐỨC GIÊ-SU LÀ ĐẤNG THIÊN SAI (Lc 4,14-22)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Sau một thời gian hoạt động, Chúa Giê-su trở về rao giảng tại chính quê hương mình là Na-da-rét miền Ga-li-lê. Tại đây, trong một bối cảnh trang nghiêm và chính thức (ngày sa-bát, trong hội đường), Chúa Giê-su công bố chương trình hoạt động của Ngài: Với tư cách là Mê-si-a vừa được tấn phong, Ngài được sai đi loan báo Tin mừng cho những người nghèo hèn, khốn khổ. Như thế là Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa qua lời tiên tri I-sai-a.
2. Trong khi những khát vọng và bao nỗ lực của con người qua những cuộc cách mạng trong dòng lịch sử đã không đem lại sự tự do – công bằng hoàn toàn cho con người. Có một người đã vượt lên tất cả, vượt trên mọi cuộc cách mạng, vượt lên trên không gian và thời gian để đem lại sự tự do và bình đẳng cho mọi người, ở mọi nơi và qua mọi thời đại.
3. Chính Ngài giải phóng con người khỏi đau khổ, tù đày, áp bức và dẫn đưa con người đến một xã hội công bình, bác ái viên mãn. Đức Giê-su với tước hiệu Ki-tô luôn là niềm hy vọng vĩnh cửu của nhân loại mà thánh Lu-ca đã trình bày với lời tiên tri I-sai-a như sau:
“Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm, cho biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).
4. Đức Giê-su đã khẳng định: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Từ ngữ “hôm nay” diễn tả hành động trong hiện tại về sứ mạng giải phóng của Đức Ki-tô, không chỉ là trong quá khứ mà luôn được thể hiện trong lòng nhân loại qua muôn thế hệ. Tác động giải thoát không phải trong bạo lực như cuộc cách mạng của con người đã sử dụng mà là trong tác động của Thánh Thần.
Nếu chúng ta biết để cho Ngài hành động trong niềm tin và sự phó thác, thì những lo âu, những khốn khó của chúng ta sẽ được Ngài chia sẻ gánh vác. Như thế chúng ta đã được giải thoát ngay trong chính niềm tin của chúng ta vào Ngài.
Với lời tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh tai các ngươi vừa nghe”, Chúa Giê-su muốn nói rằng: Ngài chính là Đấng Thiên Sai. Lời quả quyết này đã trở thành một tiếng sét đánh bên tai những người nghe Ngài lúc đó. Vâng Ngài đã đến để bắt đầu một thời kỳ mới, thời kỳ cứu rỗi. Chúa Giê-su là Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến để cứu độ nhân loại. Thế nhưng hiểu được Chúa Giê-su không phải là dễ dàng.
5. Truyện: Vẽ chân dung Đấng Thiên Sai
Một tu sĩ muốn vẽ chân dung Chúa Giê-su. Ông rảo khắp mọi nơi tìm người mẫu thích hợp. Nhưng càng tìm kiếm ông càng khám phá ra rằng, chẳng có người nào trên trần gian này hoàn toàn giống Chúa, và ông đi tới kết luận: khuôn mặt Chúa Giê-su phải là tổng hợp mọi nét của con người.
Bởi đó, thay vì chọn người mẫu, ông đã thu góp tất cả những nét đẹp của mọi khuôn mặt mà ông bắt gặp. Gặp trẻ em, ông góp được nét đơn sơ. Từ bé gái ca hát nô đùa, ông gặp nét vui tươi trong cuộc sống. Nơi một người đàn ông lực lưỡng đang gồng gánh, ông tìm ra được nét sức mạnh của con người. Nhưng chân dung Chúa Giê-su không chỉ có nét hùng, nét đẹp, mà còn phải có một nét gì khác nữa.
Nghĩ như thế, tu sĩ lại tiếp tục tìm kiếm. Gặp một cô gái lang bạt, ông nhìn thấy nét u buồn trong ánh mắt. Gặp một người hành khất, ông tìm thấy nét thành khẩn van xin. Trong đôi mắt nhà tu hành ông tìm ra sự nghiêm nghị. Và cuối cùng, trên gương mặt người mẹ đi chôn xác đứa con, ông hiểu được thế nào là đau khổ.
Mỗi người một vẻ, nhà họa sĩ cố gắng đưa hết vào chân dung Chúa Giê-su. Nhưng ông vẫn chưa hài lòng. Vì ông thấy trên khuôn mặt Chúa vẫn còn một nét nào đó mà ông chưa xác định được.
Ngày kia, vào một khu rừng ông chợt thấy một người che mặt bỏ chạy. Ông chạy theo và khám phá ra đấy là một người phong cùi. Ánh sáng bỗng lóe lên trong ông. Thì ra điều còn thiếu trên khuôn mặt Chúa Giê-su, đó là MẦU NHIỆM! Với ý nghĩ ấy, ông lấy cọ vẽ lên khung vải trắng khuôn mặt Chúa Giê-su.
Khi tác phẩm được hoàn thành, tất cả những ai đã cung cấp cho hoạ sĩ nét riêng của mình đều hớn hở đến, để nhìn ngắm nét ấy trên gương mặt Chúa Giê-su. Thế nhưng, họ chỉ nhìn thấy một tấm vải trắng che phủ khuôn mặt.
Trước sự ngạc nhiên và thắc mắc của mọi người, họa sĩ điềm nhiên giải thích:
– Mãi mãi Chúa Giê-su vẫn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm ấy luôn mời gọi con người tuyên xưng bằng tất cả niềm tin và cuộc sống của mình.
Vâng cho đến hôm nay sau hơn 20 thế kỷ rồi mà chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu hết được con người của Chúa Giê-su. Chúa vẫn còn là một mầu nhiệm, mầu nhiệm được giấu kín từ muôn thuở. Tuy đã được bày tỏ cho con người qua thân phận của một con người, nhưng chúng ta cũng vẫn phải đón nhận mầu nhiệm ấy nhờ đức tin. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đón nhận rồi cất giấu kỹ ở trong lòng mình nhưng là để làm cho mầu nhiệm ấy được tỏ bày ra cho mọi người qua cách ăn nết ở và mọi sinh hoạt trong cuộc sống của chúng ta.
LOAN TIN MỪNG CHO KẺ NGHÈO HÈN
(THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Khi Đức Kitô Con Một Chúa xuất hiện trên đời, người muôn nước đã thấy bừng lên ánh quang minh vĩnh cửu. Xin Chúa cho chúng ta biết nhận ra ánh huy hoàng rực rỡ của Đức Kitô, Đấng cứu chuộc chúng ta, để nhờ ánh sáng ấy chỉ đường, chúng ta đạt tới cõi vinh quang bất diệt.
Ánh quang minh vĩnh cửu, ánh huy hoàng rực rỡ của Đức Kitô, sẽ giúp chúng ta xác tín vào lời hứa cứu độ của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Tất cả chúng con là công trình do tay Chúa tạo ra. Ítraen lúc nào cũng mong đợi Chúa can thiệp để mang ơn cứu độ tới, nhưng ít có đoạn nào trong Cựu Ước lại thấm thía và mạnh mẽ như đoạn này. Dù những người nghe ngôn sứ Isaia nói lúc bấy giờ không lấy gì làm xác tín lắm về cảnh trời mở ra và Chúa Cứu Độ đích thân ngự xuống, nhưng, tình thương của Chúa Cha đối với loài người quả là đích thực và vượt xa trên cả niềm hy vọng được nói tới ở đây. Giêrusalem hỡi, Đấng cứu độ ngươi sắp ngự đến rồi, sao ngươi còn khóc than ai oán? Phải chăng ngươi quằn quại đớn đau, vì cố vấn của ngươi không ở cùng ngươi nữa. Này Ta sắp đến cứu độ ngươi, đến giải thoát ngươi, ngươi đâu có còn gì phải sợ! Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi thờ. Ta là Đức Thánh của Ítraen, Đấng cứu chuộc ngươi.
Ánh quang minh vĩnh cửu, ánh huy hoàng rực rỡ của Đức Kitô, sẽ soi sáng cho mọi dân nước nhận biết Đấng Cứu Độ của mình, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Syrilô nói: Vì khi làm người, Người mang trong mình tất cả bản tính nhân loại, nên Người đã lãnh nhận Thần Khí để canh tân và phục hồi trọn vẹn bản tính ấy… Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta. Các dân tộc sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Đấng thánh hóa Ítraen, khi Ta đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời. Ta sắp hoàn thành một giao ước mới với nhà Ítraen và nhà Giuđa.
Ánh quang minh vĩnh cửu, ánh huy hoàng rực rỡ của Đức Kitô, sẽ giúp chúng ta nhận ra tất cả chúng ta là anh chị em của nhau, là những người kẻ nghèo hèn được Chúa thương nhìn đến, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 71, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ, giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn, từng giọt máu họ, Người đều coi là quý. Thiên hạ sẽ đem vàng Ảrập tiến dâng lên, và cầu xin cho Người luôn mãi.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe: Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Kẻ nghèo hèn cũng được nghe loan báo Tin Mừng. Đấng tạo thành trời đất đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền một Thủ Lãnh là Đức Kitô theo một trật tự tuyệt vời, đồng thời, đưa bản tính con người trở lại tình trạng nguyên thủy. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa nhận chúng ta làm nghĩa tử, bởi vì với tư cách là người, Đức Kitô đã thâu tóm tất cả bản tính nhân loại. Đức Kitô không lãnh nhận Thần Khí cho chính mình, nhưng là cho chúng ta, vì chúng ta ở trong Người. Bởi chưng phải nhờ Người, thì mọi sự lành mới đến với chúng ta. Khi Đức Kitô Con Một Chúa xuất hiện trên đời, người muôn nước đã thấy bừng lên ánh quang minh vĩnh cửu. Ước gì chúng ta biết nhận ra ánh huy hoàng rực rỡ của Đức Kitô, Đấng cứu chuộc chúng ta, để nhờ ánh sáng ấy chỉ đường, chúng ta đạt tới cõi vinh quang bất diệt. Ước gì được như thế!
THẾ TỤC & THẦN KHÍ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”.
“Một Kitô hữu là gì?”. Trong một lá thư gửi Diognetus - thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên - một nhà văn mô tả một ‘dân tộc’ kỳ lạ, những người ở trong thế giới này nhưng không thuộc về thế giới này. “Họ yêu thương mọi người, nhưng bị mọi người ngược đãi. Họ bị giết chết nhưng lại được sống. Họ nghèo nhưng lại làm cho nhiều người giàu có!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Họ yêu thương mọi người!”, Lời Chúa hôm nay cho biết, ai sống yêu thương, người ấy không sống theo tinh thần ‘thế tục’ nhưng sống theo ‘Thần Khí’.
Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu về lại quê nhà, Ngài vào hội đường, đọc sách ngôn sứ Isaia, trong đó có câu, “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. “Kẻ nghèo hèn” ở đây - theo nghĩa rộng - là tất cả “tha nhân”, bất luận họ là ai, người giàu, kẻ nghèo; người sang, kẻ hèn; người quyền thế, kẻ cùng đinh.
Để yêu mến Thiên Chúa cách cụ thể, người ta phải yêu thương tha nhân. Yêu mến Thiên Chúa là chị em sinh đôi với yêu thương tha nhân. “Yêu thương tha nhân là cầu nguyện cho họ - những người có cảm tình lẫn những người khó ưa - cả những kẻ thù. Chúng ta không được phép tạo không gian cho ghen tuông và đố kỵ, cũng không được phép bôi nhọ người khác” - Phanxicô. Vì “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng họ không trông thấy” - bài đọc một. Vì thế, đừng yêu thương cách giả tạo, nhưng cách cụ thể những con người chúng ta trông thấy, sờ đụng; đó là thực tế, chứ không phải tưởng tượng.
Gioan còn đi xa hơn, “Ai yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối!”. Đó là con đẻ của tinh thần ‘thế tục’, kẻ nói dối thuần tuý, lừa đảo thuần tuý. Sẽ thật tốt cho chúng ta nếu luôn suy nghĩ rằng: liệu tôi có yêu mến Chúa hay không? Nhưng hãy đến với ‘viên đá thử’ để coi xem liệu tôi có yêu thương anh chị em mình thật không? Tôi yêu thương họ thế nào!
Tinh thần ‘thế tục’ sẽ bị vượt thắng bằng tinh thần đức tin. Tin rằng, Thiên Chúa đang ở trong anh chị em tôi. Sự chiến thắng mà nó vượt thắng thế gian, chính là đức tin. Chỉ với đức tin, người ta mới có thể đi theo con đường của ‘Thần Khí’. Trí tuệ giúp đỡ rất nhiều, nhưng không giúp gì trong cuộc chiến này. Chỉ đức tin mới trao cho chúng ta khả năng yêu thương tha nhân, biết cầu nguyện cho mọi người, kể cả cho kẻ thù, cũng như không để cảm giác ghen tương và đố kỵ được lớn lên.
Kính thưa Anh Chị em,
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. Suốt một đời, Chúa Giêsu đã để ‘Thần Khí’ dẫn dắt. ‘Thần Khí’ đẩy Ngài vào hoang địa cho đến khi Ngài trút ‘Thần Khí’; rồi lại ban ‘Thần Khí’. Như Ngài, mỗi chúng ta được ‘Thần Khí’ ngự trị và sai đi. Lời của chúng ta chỉ là hơi thở rỗng nếu không là lời của Chúa Kitô; việc làm của chúng ta không có hồi kết và luống công nếu không phải là việc làm của Chúa Kitô. “Chính nhờ Người, với Người và trong Người”, khả năng thay đổi trái tim con người mới xảy ra; và chúng ta cũng chỉ có thể làm điều tương tự khi chính Chúa Kitô ra tay!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để thù hận ghen ghét nhân lên trong con! Khi những đố kỵ ‘thế tục’ này nhân lên, chúng chỉ huỷ diệt và giết chết. Bấy giờ, ‘Thần Khí’ trong con sẽ di cư!”, Amen.
AUDIO
Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn