Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 06/10/2021 18:06 |   650
“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Lc 11, 15-16)

08/10/2021
THỨ SÁU TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN


 

t6 t27 tnB

Lc 11, 15-26 

 

THÁI ĐỘ TRƯỚC NHỮNG NGƯỜI ĐỘC MIỆNG

Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Lc 11, 15-16)

Suy niệm: Gán những phép lạ tốt lành Chúa Giê-su thực hiện cho chúng có nguồn gốc từ quỉ Bêendêbun, đó quả là một lời xuyên tạc hiểm độc. Đối lại, Chúa Giêsu cho thấy không có gì phải làm ầm ĩ. Một cách bình thản, Ngài đưa ra những lập luận lành mạnh và vững chắc để bẻ gãy những lời nguỵ biện kia: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn… Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?” Nhưng, phản bác những lời xuyên tạc kia chưa phải là mối bận tâm lớn nhất của Chúa, trọng tâm duy nhất của Ngài đó là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.”

Mời Bạn: Tôi có cái nhìn đầy thành kiến “trông cò ra quạ”, nhìn những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa ra biểu hiện của quỷ Bêendêbun hay không? Tôi có xu hướng xét đoán ý xấu cho người khác không? Mặt khác, ơn gọi và sứ mạng của người môn đệ Chúa là loan báo Tin Mừng trước tiên bằng đời sống của mình giữa thế gian, tôi đã phản ứng thế nào khi làm điều tốt mà lại bị người khác công kích, xuyên tạc?

Sống Lời Chúa: Nhìn ngắm thật kỹ mẫu gương của Chúa Giê-su hôm nay. Mỗi khi tôi định nói xấu về ai hoặc tôi bị ai nói xấu hãy nhớ lại thái độ này của Chúa và xin ơn bắt chước Chúa.

Cầu nguyệnLạy Chúa, Chúa đã biến tội lỗi chúng con thành dịp để ban cho chúng con điều tốt đẹp nhất, đó là ơn cứu độ. Xin giúp con biết bắt chước Chúa để con có thể khám phá những điều tốt đẹp nơi anh em con.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự theo thánh ý Chúa, và không ai có thể chống lại thánh ý Chúa. Vì Chúa đã tạo thành mọi sự trên trời dưới đất, và cả những gì trong bầu trời; Chúa là Chúa tể mọi loài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ge 1, 13-15; 2, 1-2

“Ngày của Chúa, ngày của u tối mù mịt”.

Trích sách Tiên tri Giôel.

Hỡi các tư tế, hãy thắt lưng và kêu khóc! Hỡi các thừa tác viên bàn thờ, hãy la lên! Hỡi các thừa tác viên của Thiên Chúa tôi, hãy tiến vào, hãy mặc áo vải gai mà thức suốt đêm, vì lễ chay, lễ quán bị cất khỏi đền thờ Thiên Chúa các ngươi.

Hãy công bố cuộc chay thánh. Hãy triệu tập đại hội. Hãy tụ họp các bô lão, tất cả những dân cư trong nước hiệp mặt lại trong đền thờ Thiên Chúa các ngươi và hãy kêu cầu Chúa: Ôi, ôi, ôi! ngày vô phúc, vì ngày của Chúa gần đến rồi, nó đến như cuộc tàn phá do Ðấng Quyền Năng thực hiện.

Hãy thổi kèn tại Sion! Hãy la lối trên núi thánh của Ta! Tất cả dân cư trong nước hãy run sợ, vì ngày Chúa đã gần đến rồi, ngày u tối mù mịt, ngày mây đen bão táp: một dân tộc đông đảo và hùng mạnh như rạng đông giãi trên các núi đồi, từ cổ chí kim và bao thế hệ về sau cũng chẳng xảy ra giống như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 9, 2-3. 6 và 16. 8-9

Ðáp: Chúa công minh thống trị địa cầu

Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, con sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Con sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, con sẽ đàn ca danh Ngài, lạy Ðấng Tối Cao.

Xướng: Chúa trách phạt chư dân, diệt vong đứa ác, bôi nhoà tên tuổi chúng tới muôn đời. Người chư dân rơi chìm xuống hố mà họ đã đào, chân họ mắc vào cái bẫy mà họ đã che.

Xướng: Nhưng Chúa ngự trị tới muôn đời, Ngài dựng vững ngai vàng ngõ hầu cai trị. Ngài công minh thống trị địa cầu, Ngài chính trực xét xử chư dân.

Bài Ðọc I(Năm II) Gl 3, 7-14

“Những ai cậy dựa vào đức tin, sẽ được chúc phúc với Abraham, con người tin tưởng”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, anh em hãy nhận biết rằng: những ai cậy dựa vào đức tin, thì họ là con cái của Abraham. Thực Kinh Thánh thấy trước rằng Thiên Chúa sẽ dùng đức tin làm cho các dân ngoại được công chính, nên đã tiên báo cho Abraham rằng: “Nơi ngươi tất cả dân ngoại sẽ được chúc phúc”. Vậy những ai cậy dựa vào đức tin sẽ được chúc phúc với Abraham, con người tin tưởng.

Thực ra, những người cậy dựa vào lề luật, họ mắc phải điều vô phúc, vì có lời chép rằng: “Vô phúc những ai không trung thành với những điều ghi trong Sách Luật, để thi hành những điều đó”. Ðàng khác, không ai được công chính hoá trước mặt Chúa bởi lề luật, đó là điều hiển nhiên, vì lẽ rằng: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin”. Lề luật không căn cứ ở đức tin, nhưng là “Ai thực hành những khoản ấy, sẽ nhờ đó mà được sống”.

Ðức Kitô đã cứu chuộc chúng ta khỏi điều vô phúc của lề luật, bởi Người đã vì chúng ta, biến thành điều vô phúc, như lời chép rằng: “Hễ ai bị treo trên cây gỗ, đều là vô phúc”, để phúc lành của Abraham được chuyển tới các dân ngoại trong Ðức Giêsu Kitô, hầu chúng ta nhờ đức tin mà lãnh nhận Thánh Thần Chúa đã hứa”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).

Xướng: Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi! 

Xướng: Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Người muôn đời tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Ðấng nhân hậu từ bi. 

Xướng: Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. Chúa tỏ cho dân Người thấy công cuộc quyền năng của Người, hầu ban cho họ được phần sản nghiệp của chư dân. 

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời, và vinh quang trên các tầng trời! – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 15-26

“Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, (lúc Chúa Giêsu trừ quỷ), thì có mấy người trong dân chúng nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ”. Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống.

Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: “Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.

“Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tán hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.

“Khi thần ô uế ra khỏi người nào, thì nó đi dông dài những nơi khô ráo, tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng không tìm được, nên nó nói rằng: “Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi”. Khi đến nơi, nó thấy nhà đó đã được quét sạch và sắp đặt ngăn nắp. Bấy giờ nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chính Chúa đã thiết lập lễ tế này để chúng con dâng lên mà tỏ lòng thần phục tôn kính; xin Chúa thương chấp nhận và thánh hoá chúng con, xin cho chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa nhân lành đối với những ai trông cậy vào Người, và đối với tâm hồn kiếm tìm Người.

Hoặc đọc:

Chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh, và cùng một chén rượu

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô, xin cho chúng con được nên một với Người và no say tình Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

KHÔNG ĐƯỢC VU KHỐNG (Lc 11, 15-26)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Có một thời người ta đổ xô đi mua cuốn sách: “Cơn cám dỗ cuối cùng” của tác giả Nikos Kazantzakis, và trong những năm gần đây, đạo diễn Martin Scoresse đã hiện thực hóa trong bộ phim cùng tên. Khi phim được trình chiếu, nhiều người đã tỏ ra bức xúc vì những lời lẽ và hành động được tác giả gán cho Đức Giêsu xem ra có vẻ tầm thường và đôi khi không được tốt đẹp cho lắm!

Đó là câu chuyện thời nay, còn thời xưa, những người Pharisêu đã không ngần ngại gán cho Đức Giêsu rằng: Ngài đã nhờ Tướng Quỉ để mà trừ quỉ. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đến bản tính của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, họ đã bị phản pháo, khi Đức Giêsu đưa ra hai luận chứng nhằm lý giải cho họ biết rằng những lời họ vu cáo không có căn cứ:

Trước tiên, Ngài không thể lấy danh của Tướng Quỷ mà trừ quỷ được. Lý do: một là Tướng Quỷ không đời nào cho như vậy; hai là nếu chúng đồng ý thì hẳn nước của chúng tới hồi kết thúc. Tiếp theo, Đức Giêsu dùng biện pháp lấy “độc trị độc” hay “gậy ông đập chính lưng ông” khi nói: “Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ?

Nghe đến đây, họ đã câm miệng vì những lời lẽ khôn ngoan được thốt lên từ miệng Đức Giêsu.

Với những lời phi bác ấy, Đức Giêsu đã vô hiệu hóa việc vu khống của những người Pharisêu.

Khi đánh tan sự xuyên tạc của chúng, Đức Giêsu vạch trần mục đích đen tối của họ là xấu xa, gian ác, nhằm mục đích hại người.

Trong thực trạng xã hội hiện nay, vẫn còn đó những Pharisêu kiểu hiện đại với những lời lẽ vu khống hết sức xảo quyệt. Họ luôn dùng chiêu thức: “Cả vú lấp miệng em” để đè ép, vu khống và cướp bóc nơi những người thấp cổ bé họng không có tiếng nói.

Còn về phía chính chúng ta, nhiều khi chúng ta không phỉ báng Chúa như những người Pharisêu, nhưng không chừng, chúng ta đang phỉ báng Chúa cách nặng nề hơn họ khi mỗi lần chúng ta rước Chúa vào lòng cách bất xứng với đầy tội lỗi; hay mỗi khi chúng ta khước từ Giáo Huấn của Chúa. Sống ích kỷ, kiêu ngạo, bất nhân và ác ý…

Như vậy, sự tốt – xấu; bóng đêm – ánh sáng vẫn luôn hiện diện trong mọi thời, và người công chính vẫn phải chịu cảnh thua thiệt.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đấu tranh cho lẽ phải bằng cách lựa chọn điều tốt, tránh điều xấu làm phương hại đến đời sống tâm linh của ta cũng như mọi người. Không bao giờ được sống kiểu lập lờ; bắt cá hai tay… Tránh cho xa cái thói đê tiện làm cho ta ghen tức mà tìm cách hại người khác như triệt hạ uy tín của họ cách này hay cách khác. Cần có sự tha thứ cho anh chị em mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Luôn biết sống trong sự khiêm tốn và yêu thương mọi người. Amen.
 

QUYỀN NGÔN LUẬN

(Thứ Sáu sau Chúa Nhật XXVII TN – Lc 11,14-26) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Khi đề cập đến các quyền căn bản của con người mà Liên Hiệp Quốc khẳng định trong Bản Tuyên Ngôn Nhân quyền năm 1948 thì rất nhiều người đồng thuận với nhau là để có được các quyền ấy một cách nào đó thì tiên vàn phải có được quyền ngôn luận. Trong các xã hội độc tài toàn trị thì đây là cái quyền mà người dân bị hạn chế và bị kiểm soát gay gắt nhất. Lịch sử cho thấy trong chiến tranh điều đầu tiên mà phe chiến thắng làm đó là chiếm và kiểm soát các đài phát thanh và truyền hình. Làm chủ được thông tin thì rất dễ điều khiển công chúng theo ý của mình.

Tin Mừng tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Sau khi quỷ xuất thì người câm nói được. Trong khi dân chúng hân hoan đến sững sờ thì có một số người lại gièm pha xuyên tạc cho rằng Chúa Giêsu lấy quyền của tướng quỷ (quỷ Bêendêbun) mà trừ quỷ. Một số người này là những ai và Chúa Giêsu đã có thái độ gì trước sự gièm pha xuyên tạc này?

Tin Mừng Luca chỉ nói có một số người (Lc 11,15); Tin Mừng Matthêu thì nói khá rõ hơn đó là những người Pharisêu (Nhóm Biệt phái) (Mt 12,24); Tin mừng Maccô ghi cách cụ thể đó là những kinh sư (các vị tiến sĩ luật) từ Giêrusalem xuống (Mc 3,22). Tổng hợp lại thì chúng ta có thể nói đó là một số người đang lãnh đạo dân chúng trong Do Thái giáo thời bấy giờ.

Trong vai vị lãnh đạo ngoài xã hội, thậm chí cả trong các tập thể tôn giáo thì người ta dễ bị cám dỗ không thích, không muốn và tìm mọi cách để không cho người thuộc quyền nói, dĩ nhiên là nói những gì khác ý thích, trái ý muốn, trái với đường lối, chủ trương và cung cách hành xử của mình. Chính vì thế mà chủ đề “tự do ngôn luận” thường là chủ đề được xem là “nhạy cảm”. Qua thông tin nhận thấy tại các cuộc họp cấp cao ngoài xã hội dường như chuyện phát biểu chỉ là một chiều từ trên xuống dưới. Không biết tại các dòng tu như thế nào, còn ở nhiều giáo phận thì chuyện chẳng khác là bao, thường là trên phán dưới nghe. Và tại không ít giáo xứ vẫn phổ biến tình trạng này. Từng hỏi một vài vị đã đảm nhiệm vai vị Đại Biểu nhân dân các cấp và ở cấp cao nhất là Quốc Hội rằng sao không thấy phát biểu gì thì được trả lời: “Muốn nói gì thì phải đăng ký nội dung trước và được cho phép mới được nói!”. Cũng từng hỏi nhiều linh mục trẻ rằng sao không thấy các vị trẻ lên tiếng thì cũng được trả lời rằng: “Ai mà dám, mới chịu chức dăm bảy năm mà dám mở miệng hà!”.

Trước sự gièm pha, xuyên tạc của mấy người được xem là lãnh đạo lúc bấy giờ thì Chúa Giêsu đã tỏ thái độ rất gay gắt. Sau khi giải thích rõ sự sai lạc trong luận điệu của những người xuyên tạc thì Chúa Giêsu đã mạnh mẽ khẳng định: “Ai không thuận với Tôi là nghịch cùng Tôi, và ai không thu góp với Tôi là phân tán” (Lc 11,23; x.Mt 12,30). Không chỉ khẳng định dứt khoát rằng từ chối ánh sáng chân lý là đi vào bóng tối… mà Chúa Giêsu còn kết án đây là thứ tội muôn đời không được tha vì đó là “tội phạm đến Thánh Thần” (Mt 12,32; Mc 3,29).

Không muốn người dân, người thuộc quyền nói những gì mình không thích quả là một chước cám dỗ khó vượt qua khi chúng ta có chút vai vị và quyền lực. Điều này có thể được thông cảm cách nào đó vì nó thuộc bình diện tâm lý. Tuy nhiên nếu vì sự độc tôn, độc quyền của mình mà tìm mọi cách kể cả luật lệ để kìm hãm và bóp nghẹt tiếng nói của người dân, người thuộc quyền khi đó là những ý kiến khác chiều hay là trái chiều thì đúng là đáng trách và đáng lên án vì nó đã bước sang phạm trù ý chí rồi. Đây chính là trường hợp cố tình đóng kín cõi lòng trước chân lý. Và chắc chắn chân lý không thể nào giải thoát họ khỏi ách nộ lệ của thần dữ vốn là “cha của sự gian dối” (Ga 8,44).

Nhận thức khi “đã là quyền thì không phải là ân huệ xin cho”. Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã khẳng định mạnh mẽ sự thật này trước Chính quyền Hà Nội khi nói về Quyền tự do tôn giáo. Vấn đề là chúng ta có tích cực và can đảm nắm lấy các quyền căn bản mà Thiên Chúa tặng ban để sống cho xứng với phẩm vị con người vốn là hình ảnh của Đấng Tạo Thành không? Dĩ nhiên trong nhiều trường hợp muốn nắm được các quyền này thì phải đòi hỏi mà thôi. Đã đòi hỏi thì tất yếu có cái giá phải trả vì mãi còn đó nhiều người không muốn kẻ thuộc quyền có chúng, nhất là quyền ngôn luận.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây