Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 14/11/2023 19:07 |   365
“Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.” (Lc 17,32-33)

17/11/2023
thứ sáu tuần 32 THƯỜNG NIÊN

Thánh Êlisabeth Hungari

t6 t32 TN

Lc 17,26-37


CHỌN LỰA KHÔN NGOAN
“Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.” (Lc 17,32-33)

Suy niệm: Việc thiên hạ vẫn “ăn uống, cưới vợ, lấy chồng” trong câu chuyện “thời ông Nô-ê” hay việc dân thành Xơ-đôm thời ông Lót “ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất” là những việc bình thường, vốn không xấu. Họ bị tiêu diệt trong cơn hồng thuỷ hoặc trong cơn ‘mưa lửa từ trời’ không phải vì họ làm gì nên tội, mà vì họ quá ‘gắn bó đến những sự đời này’ nên khi Ngày Chúa cách bất ngờ, họ đã không kịp trở tay. Sự tiếc nuối ‘của cải đời này’ được khắc hoạ nơi hình ảnh bà Lót không nghe lời dặn dò của thiên sứ đã quay ngoái lại đằng sau và hóa thành cột muối” (St 19,26). Với những ví dụ ‘minh hoạ’ ấy, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng phải dám “liều thân” vì Chúa và vì Tin Mừng, thì mới “bảo tồn được mạng sống mình” và được Chúa đón nhận trong ngày Ngài đến.

Mời Bạn: Con người ở mọi thời vẫn luôn bị vấn đề cơm áo gạo tiền chi phối. Nhưng với người Ki-tô hữu, vấn đề không dừng lại ở cõi trần này. Hướng về cuộc sống mai sau, để được chọn hay bị loại bỏ, được cứu độ hay hư mất, tất cả tuỳ thuộc vào cách sống hiện tại: “Người tín hữu hiện tại không biết và sẽ không biết ngày giờ phán xét chung, cho nên người Ki-tô hữu phải trung thành mỗi ngày; họ luôn kính sợ bởi vì luôn hy vọng” (Tertullianô).

Sống Lời Chúa: Từ bỏ chi tiêu một việc không thiết yếu, gác lại việc giải trí riêng tư, dành tiền bạc, thời giờ phục vụ những người đang lâm cảnh khó khăn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp chúng con luôn sống theo lời Chúa, biết chọn thực tại Nước Trời thay vì những đam mê trần thế mau qua. Amen.

Ngày 17 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cố gắng để sống thánh thiện mỗi ngày, xin cho chúng con luôn biết cảnh giác trước những kẻ thù của việc nên thánh: Tiến Sĩ Bàn Giấy luôn cầm tù người khác trong các tư tưởng của họ; đo lường sự hoàn thiện bằng tri thức, hiểu biết, nhưng bỏ quên đức ái. Họ không quan tâm đến tha nhân, nên họ thiếu khả năng chạm đến những đau khổ của Đức Kitô nơi những người khác. Họ giảm trừ giáo huấn của Đức Giêsu thành một luận lý khắc nghiệt, lạnh lùng. Họ là những tiên tri giả, sử dụng tôn giáo để quảng bá tri thức như: thay thế Thiên Chúa Ba Ngôi và Nhập Thể bằng Đơn Nhất Tính. Họ tự cho mình là thánh, là tốt lành hơn những đám đông dốt nát. Xin cho chúng con đừng bao giờ muốn tự mình nên thánh bằng sự thông tuệ của mình. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ sáu tuần 32 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Xin cho lời tôi khẩn nguyện thấu đến tai Chúa; lạy Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng tôi kêu cầu.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến chúng con, trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 13, 1-9

“Nếu họ đã có thể truy tầm càn khôn, sao họ lại không nhận thấy Chúa tể Càn khôn”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Khờ dại thay tất cả những người không chịu nhận biết Chúa, và cả những người không biết căn cứ vào các sự vật hữu hình để tìm hiểu Ðấng Tự Hữu, và không chú ý đến các công trình để biết ai là Ðấng Hoá công. Nhưng họ kể lửa, gió, khí thiêng, bầu trời đầy tinh tú, nước lũ, mặt trời, mặt trăng là những thần minh bá chủ hoàn cầu. Nếu họ say mê vẻ đẹp của các vật đó mà kể chúng là chúa tể, thì phải biết rằng: Ðấng quản trị các vật đó còn tốt đẹp hơn bội phần, vì chính Ðấng tác sinh thiện mỹ, đã tạo thành mọi vật đó. Hoặc nếu họ ngạc nhiên về năng lực và kỳ công của những tạo vật đó, thì do đó họ phải hiểu rằng Ðấng đã tạo thành các vật đó, còn có quyền lực hơn nhiều, vì do sự cao sang tốt đẹp của tạo vật mà người ta có thể nhìn biết Ðấng tạo dựng mọi loài.

Dầu sao họ cũng không đáng trách mấy, vì chưng, có lẽ họ lầm trong khi tìm kiếm Chúa, và muốn gặp Người. Họ tìm kiếm, khi sống giữa các kỳ công của Chúa, nhưng họ ngộ nhận khi thấy các vật kia tốt đẹp.

Tuy vậy, chính họ cũng không đáng được tha thứ, vì nếu họ có khả năng nhận thức để truy tầm càn khôn, sao họ lại không nhận thấy cách dễ dàng hơn chính Chúa tể càn khôn?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5

Ðáp: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa

Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia.

Xướng: Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. 

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Ga 4-9

“Kẻ nào giữ vững đạo lý này, sẽ được Chúa Cha và Chúa Con”.

Trích thư thứ hai của Thánh Gioan Tông đồ.

Thưa Bà đáng kính, tôi rất đỗi vui mừng vì đã gặp thấy trong hàng con cái Bà có những kẻ sống trong chân lý, theo mệnh lệnh chúng ta đã nhận từ nơi Chúa Cha. Và thưa Bà, bây giờ tôi xin Bà, không phải như thể tôi viết cho Bà một mệnh lệnh gì mới, nhưng là mệnh lệnh chúng ta có từ ban đầu: là chúng ta phải thương yêu nhau. Và lòng mến này là chúng ta hãy sống theo mệnh lệnh của Người, vì đây là mệnh lệnh, là anh em hãy sống theo luật yêu mến, như anh em đã học biết từ ban đầu.

[Ấy là vì đã có lắm kẻ lừa gạt xuất hiện trong thế gian, những kẻ không tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô đến trong xác thịt. Ðó là kẻ lừa gạt, và là Phản-Kitô. Hãy coi chừng chính mình anh em, để khỏi làm hư hỏng mất các công khó của chúng tôi, nhưng mà để được lĩnh một phần thưởng sung mãn. Phàm ai xông tới trước mà không lưu lại trong giáo huấn của Ðức Kitô, tất không có Thiên Chúa. Kẻ nào lưu lại trong giáo huấn, kẻ ấy được có Cha và Con.]

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 1. 2. 10. 11. 17. 18

Ðáp: Phúc đức những ai tiến thân trong luật pháp của Chúa (c. 1b).

Xướng: Phúc đức những ai theo đường lối tinh toàn, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa. – Ðáp.

Xướng: Phúc đức những ai giữ lời Ngài nghiêm huấn, những người đó tận tâm kiếm tìm Ngài. – Ðáp.

Xướng: Với tất cả tâm can con tìm Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài. – Ðáp.

Xướng: Con chôn cất trong lòng lời răn của Chúa, để con không phạm tội phản nghịch Ngài. – Ðáp.

Xướng: Xin gia ân cho tôi tớ Ngài được sống, để tuân giữ những lời Ngài răn. – Ðáp.

Xướng: Xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. – Ðáp.

Alleluia: 1 Ga 2, 5

Alleluia, alleluia! – Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 26-37

“Cũng xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người.

“Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện.

“Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó.

“Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Hai phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại. Hai người ở ngoài đồng, thì một người bị đem đi, và người kia được để lại”.

Các môn đệ thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, chuyện đó ở đâu vậy?” Người phán bảo các ông: “Xác ở đâu thì diều hâu tựu lại đó”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin mở lượng khoan hồng đoái nhìn lễ vật Hội Thánh Chúa tiến dâng; để khi cử hành lễ tưởng niệm Con Chúa chịu khổ hình thập giá, chúng con biết đem cả tâm hồn lãnh nhận ơn phục sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ, Người hướng dẫn tôi tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi.

Hoặc đọc

Hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con xin hết lòng cảm tạ, vì Chúa đã dùng của ăn thánh bồi dưỡng chúng con, và tuôn đổ trên chúng con sức mạnh của Chúa, xin tiếp tục ban ơn Thánh Thần giúp chúng con bền chí sống cuộc đời ngay thẳng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NGÀY QUANG LÂM CỦA ĐỨC GIÊ-SU (Lc 17, 26-37)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Sau khi nói về ngày khai mạc và kết thúc Nước Trời ở trần gian, Đức Giê-su nói về ngày quang lâm của Ngài, tức là ngày tận thế. Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Đức Giê-su đã bảo đừng mất công tìm hiểu khi nào và dấu nào cho biết ngày ấy đến. Điều quan trọng là phải sẵn sàng. Lời cảnh cáo của Đức Giê-su cho thấy đó là ngày đáng sợ, không ai có thể thoát. Nhưng đó là ngày hân hoan hạnh phúc cho những ai ở đời này đã sống hết mình với Chúa, với tha nhân: dám hy sinh tất cả dù phải mất mạng sống mình. Mọi người tín hữu phải có thái độ sẵn sàng chờ đợi ngày ấy trong từng giây phút hiện tại của mình.

2. Các môn đệ khi nghe Đức Giê-su nói đến việc Ngài lại đến, đã tò mò muốn biết lúc nào, tại đâu và như thế nào? Nhưng trong cách trả lời của Chúa, chúng ta nhận thấy điều quan trọng đáng quan tâm không phải là biết thời giờ và ở đâu, mà là thái độ sẵn sàng của mỗi người. Người Ki-tô hữu cần ý thức rằng cách tốt nhất để chuẩn bị đón Chúa đến, là không thụ động ngời chờ, nhưng tích cực hướng về Chúa và dấn thân phục vụ.

3. Đức Giê-su không mạc khải về thời giờ cụ thể của ngày ấy, Ngài chỉ nói có ngày tận thế và ngày ấy đến rất là nhanh chóng và bất ngờ như “ánh chớp chói lòa ánh sáng từ phương trời này đến phương trời kia”. Và để minh họa cho tính bất ngờ của ngày tận thế ấy, Đức Giê-su dùng hai sự kiện cụ thể trong thời Cựu Ước, đó là Lụt Đại Hồng Thủy và Lửa thiêu hủy Sô-đô-ma thời ông Lót để mời gọi mọi người phải có thái độ sẵn sàng cho ngày ấy. Ngay tận thế sẽ đến bất ngờ và nhanh chóng, và cái chết cũng đến với mỗi người chúng ta bất ngờ như vậy. Vì thế, cần luôn tỉnh thức cầu nguyện và chuẩn bị hành trang thiêng liêng là làm việc lành phúc đức, để khi Chúa đến, Ngài sẽ gặp thấy chúng ta  là những người đầy tớ trung thành và khôn ngoan và triều đại Thiên Chúa sẽ thuộc về chúng ta.

4. Ngày tận thế, khi cuộc phán xét chung diễn ra, đó là lúc chương trình của Thiên Chúa được hoàn tất, là ngày mà từng người đối mặt với vấn đề thiết yếu nhất của mình: được cứu độ hay không được cứu độ: “Ai sẽ được đem đi và ai bị bỏ lại”. Lúc này, những người cùng trong một hoàn cảnh, sẽ được đối xử bằng cách đối nghịch nhau. Trong bối cảnh này, việc phân biệt đối xử giữa họ sẽ được dựa trên việc họ sẵn sàng như thế nào để đón chào Chúa đến. Ngày kẻ lành được thưởng công và kẻ dữ bị tiêu diệt. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi sống trong tâm thế sẵn sàng đón Chúa quang lâm, trong khi vẫn dấn thân xây dựng trần thế tốt đẹp theo ý Chúa. Việc sẵn sàng đối diện với Ngày Chúa đến không phải là tích trừ đèn nến hay lương thực để đối phó (vì chỉ vô ích) mà hãy lo chuẩn bị tâm hồn trong sạch để xứng đáng với Ngày Vua Công Chính ngự đến (Hiền Lâm).

5. Cơn bão số 9 mang tên Ketsana hồi cuối tháng 9 năm 2009 được dự báo sẽ theo hướng tây bắc đổ bộ vào Quảng Trị, bỗng bất ngờ chuyển hướng tây nam ập vào Quảng Ngãi khiến nhiều ghe tầu trở tay không kịp. Giống như thế, ngày cánh chung cũng được báo trước và chắc chắn sẽ đến, thế nhưng tính bất ngờ vẫn còn nguyên. Vì thế, Đức Giê-su nhắc nhở chúng ta luôn tỉnh thức, sẵn sàng. Cưới vợ, lấy chồng, làm ăn, trồng trọt, xây cất… không phải là điều xấu. Thế nhưng mải mê lo toan những điều đó mà quên đi mục đích tối hậu là “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” thì lời cảnh cáo thời ông Nô-ê vẫn còn hiện thực trong thời của chúng ta (5 phút Lời Chúa).

6. Nhân đây, chúng ta hãy nghĩ về sự chết của từng người. Ý nghĩ về sự chết hướng con người đến cùng đích của mình để tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống. Ý nghĩa ấy luôn gợi lên cho con người ý thức về thân phận mong manh bất toàn của kiếp người và mời gọi con người tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời. Với ý thức ấy, con người hướng về cùng đích của cuộc sống và tỉnh thức không những để chờ đợi Chúa đến vào ngày sau hết, hay để được đợi mong Ngài mau đến trong những khoảng khắc của cuộc sống.

7. Truyện: Cứ từ từ, đừng vội!

Có một truyện ngụ ngôn về ba con quỉ học việc. Chúng đến trần gian để tập sự. Chúng nói với Sa-tan là chúa quỉ về những kế hoạch cám dỗ loài người.

Con quỉ thứ nhất nói:

– Tôi sẽ bảo với loài người là không có Thiên Chúa.

Con quỉ thứ hai nói:

– Tôi sẽ bảo họ là không có hỏa ngục.

Sa-tan trả lời:

– Mi sẽ không lừa dối ai được bằng cách đó, ngay đến bây giờ loài người vẫn biết có một hỏa ngục dành cho tội nhân.

– Con quỉ thứ ba nói:

– Tôi sẽ bảo với loài người đừng có vội vã làm gì, cứ từ từ.

Sa-tan đáp:

– Đi đi, mày sẽ làm hại được vô số loài người bằng cách đó.

PHÓ CHO NGÀI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống!”.

“Amen”, một từ ngữ giàu ý nghĩa, đầy cảm xúc! “Amen” có nghĩa là “tin”, “trung thành”, “chắc chắn”. Một người tin Chúa sẽ tuyên xưng “Amen”; và khi Thiên Chúa đưa ra một lời hứa, phản ứng của người tin là “Amen”, “Sẽ như vậy!”. Thưa lên “Amen”, chúng ta tin Thiên Chúa, Đấng tạo thành muôn loài; Đấng luôn chân thật và thành tín. Ai khôn ngoan, người ấy ‘phó cho Ngài’ trọn cuộc sống, trọn thân xác, trọn linh hồn!

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá ngạc nhiên khi Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta thưa lên một lời “Amen” với những gì Chúa Giêsu tiết lộ, “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống!”. Nói lên sự thật này, Chúa Giêsu thúc giục bạn và tôi hãy “Amen”, ‘phó cho Ngài’ mọi sự, hiện tại, tương lai, kể cả mạng sống!

Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu! Ngài tín thác và đầu phục Chúa Cha tuyệt đối; làm đẹp lòng Cha mọi đàng trong mọi sự, cho đến chết, “Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Cha!”. Cũng thế, nếu chúng ta tìm cách định hướng cuộc sống mình bằng những nỗ lực riêng, mọi thứ sẽ không diễn ra. Noi gương Chúa Giêsu, bạn và tôi phó thác toàn thân cho Thiên Chúa, buông bỏ mọi ước muốn, để Ngài tự do tiếp quản và toàn quyền định đoạt mọi sự, ‘phó cho Ngài’ tất cả… Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta theo ý muốn thánh thiện nhất của Ngài. Và này, Thiên Chúa cũng sẽ ‘tôn vinh’ chúng ta như đã tôn vinh Đức Kitô Giêsu, Con Một Ngài! Và đây là cách duy nhất để Ngài cứu sống chúng ta!

Thoạt tiên, mức độ tín thác và đầu phục này sẽ rất khó khăn; vì thật không dễ để đạt đến một mức độ tin cậy hoàn toàn vào Chúa! Nhưng nếu làm được điều đó, bạn sẽ phải ngạc nhiên trước thực tế là, đường lối và kế hoạch của Thiên Chúa cho cuộc sống chúng ta tốt hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Khôn ngoan của Ngài là khôn lường; giải pháp của Ngài cho mọi vấn đề là hoàn hảo. Ngài là Chúa Tể Càn Khôn, thấu suốt mọi sự, tạo tác mọi loài, hiểu biết tâm tưởng con người đến từng gang tấc. Bài đọc Khôn Ngoan nói, Ngài là “Đấng sáng tạo mọi loài, tác giả của muôn vẻ đẹp”; từ đó, cả “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa!” như lời Thánh Vịnh đáp ca chúc khen!

Kính thưa Anh Chị em,

“Amen”, một lời tuyên xưng niềm tin hoàn toàn vào sự bảo đảm của Thiên Chúa! Khác với một chiếc máy trong siêu thị vốn được người bán bảo hành trong một thời hạn, bạn và tôi được Chúa bảo hành trọn đời và đời đời. Ngài bảo hành vô thời hạn vì Ngài là tác giả, là Chủ của sự sống mọi loài; Ngài điều khiển, vận hành mọi sự. Vì thế, trả lại cho Chúa những gì là của Ngài, để Ngài toàn quyền quyết định tất cả là tuyệt đỉnh khôn ngoan. Mỗi chúng ta nằm trong kế hoạch ngàn đời xót thương của Ngài, Ngài là “Amen” đời đời của chúng ta. Tuyệt vời thay! Đấng quyền năng vô song đó lại là Cha của chúng ta. Vì thế, đừng ngần ngại ‘phó cho Ngài!’. Hãy bắt đầu ngay bây giờ, từ những tân toan, từ những công việc nhỏ nhặt nhất cho đến mọi kế hoạch, kể cả tương lai và mạng sống!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tin ai ngoài một mình Chúa! Con đầu phục Chúa! Con ‘phó cho Ngài’ vận mệnh của con, con ‘phó cho Ngài’ từng hơi thở của con!”, Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Êlisabeth Hungari

Ca nhập lễ

Chúa phán: Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến: vì xưa Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bảo thật các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong  các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh nữ Êlisabet nhận ra và tôn kính Đức Kitô nơi người nghèo khổ. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu mà ban cho chúng con luôn hết lòng mến yêu phục vụ những ai đang lâm cảnh khốn cùng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa nhân từ, xin chấp nhận của lễ Hội Thánh Chúa dâng tiến; này chúng con đang cùng nhau tưởng niệm tình yêu vô biên của Con Một Chúa, xin cho chúng con cũng biết noi gương thánh Êlisabet để lại. Nhờ đó tình yêu của chúng con đối với Chúa cũng như đối với nhau ngày càng thêm đậm đà thắm thiết. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”

Hoặc đọc:

Chúa nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này, là anh em có lòng thương yêu nhau.”

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa nhờ Thánh lễ chúng con vừa hiệp thông, Chúa đã cho chúng con thêm sức mạnh. Xin giúp chúng con noi gương thánh Êlisabet mà sống với Chúa cho trọn tình con thảo và sống với nhau cho trọn nghĩa anh em. Chúng con cầu xin...
 

12811 St. Elisabet Hungari


Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Élisabeth qua đời tại Marbourg, Thuringen (nước Đức) đêm ngày 16 rạng ngày 17 tháng 11 năm 1231. Bốn năm sau, 1235, ngài được Đức Giáo Hoàng Grégoire IX phong thánh, và năm 1274 được ghi vào lịch phụng vụ Rôma. Cùng với thánh Louis nước Pháp, ngài được chọn làm bổn mạng Dòng Ba Phanxicô.

Sinh năm 1207 ở lâu đài Saros Patak, Élisabeth là công chúa của vua Anđrê II nước Hungari. Từ 4 tuổi đã được đính hôn với thái tử Louis IV của Thuringen (nước Đức), lúc đó thái tử 11 tuổi, và kết hôn với thái tử khi cô 14. Hai vợ chồng được ba người con: Hermann (1222), Sophie (1224) và Gertrude (1227). Năm 1227 chồng bà Élisabeth tử trận tại Brindisi (Ý) khi tham gia thập tự chinh. Trở thành goá phụ, bà Élisabeth bỏ lâu đài Wartburg trong hoàn cảnh cô cùng khó khăn, để hiến mình hoàn toàn cho các công cuộc bác ái. Năm 1228, bà mở một bệnh viện ở Marbourg và chuyên chăm cầu nguyện và phục vụ người nghèo. Ba năm sau, người góa phụ thánh thiện này qua đời, lúc đó bà mới hai mươi bốn tuổi, để lại tiếng tăm vang dội về sự thánh thiện.

Các tranh ảnh về thánh nữ Élisabeth rất phong phú và đã góp phần truyền bá sâu rộng lòng tôn sùng ngài. Một bức tranh khắc vào thế kỷ XIII, còn lưu trữ tại Marbourg nơi ngài được an táng, mô tả những thời kỳ của cuộc đời ngài. Bức Phép Lạ Hoa Hồng được trình bày rất độc đáo bởi Cavallini (Napôli). Simone Martini đã vẽ hình thánh nữ trong vương cung thánh đường thánh Phanxicô ở Assise: Ông diễn tả thánh nữ đầu đội vương miện và bận y phục hoàng hậu. L. Vanni (Washington), Van Eyck (New York), và H. Holbein (Munich) vẽ hình thánh nữ trên những khung cửa kính nhà thờ.

Thông điệp và tính thời sự

Thánh Élisabeth đã biết “nhận ra và tôn kính Đức Kitô nơi những người nghèo” (Lời Nguyện của ngày). Sống vào thời kỳ chịu ảnh hưởng sâu đậm của gương sáng và lời nói của thánh Phanxicô Assise (1181-1226), vị thánh nữ trẻ tuổi đã sớm bị chinh phục bởi tinh thần Phanxicô. Là người mẹ gương mẫu và người vợ hoàn hảo, ngài còn dành rất nhiều thời giờ cho những người nghèo khổ, khiến ai ai cũng nhắc đến lòng bác ái của ngài.

Tình thương ngài dành cho các người nghèo khổ, bệnh tật chỉ là kết quả của sự giàu có nội tâm và tinh thần chiêm niệm của ngài. Cha Conrad de Marbourg, linh hướng của ngài, nói về ngài trong một lá thư viết năm 1232 như sau: “Tuy bà có nhiều công cuộc trong đời sống hoạt động, nhưng tôi quả quyết trước mặt Thiên Chúa, tôi hiếm thấy một phụ nữ nào có tinh thần chiêm niệm hơn bà.”

Chính tinh thần này là nguồn vui cho thánh nữ. Ngài nói: “Tôi không muốn làm Chúa khiếp sợ vì một vẻ mặt thiểu não. Chắc chắn Người thích trông thấy tôi vui tươi, bởi vì tôi yêu Người và Người yêu tôi.” Cha linh hướng của ngài còn nói về ngài như sau: “Rất đông tu sĩ, nam nữ, nhiều lần trông thấy bà khi kết thúc giờ kinh nguyện thinh lặng, vẻ mặt bà rạng rỡ tuyệt vời, và đôi mắt bà sáng ngời như ánh mặt trời.”

Lá thư của cha Conrad de Marbourg trong bài đọc Giờ Kinh Sách là một bức họa chân dung thánh nữ Élisabeth Hungari, đồng thời cũng nhấn mạnh tinh thần phúc âm của việc đền tội và từ bỏ: “Ngày thứ sáu tuần thánh, bà đặt hai tay lên bàn thờ của một nhà nguyện trong thành phố của bà, bà từ bỏ ý riêng, mọi sự phù phiếm thế gian, và tất cả những gì mà trong Tin Mừng Chúa đã dạy chúng ta từ bỏ.” Sau khi xây một bệnh viện ở Marbourg, bà chăm sóc các người ốm đau tật nguyền ở đó, cho những người nghèo khổ và bị khinh dể nhất đến dùng bữa với bà.

Thánh nữ Élisabeth đã chết vì kiệt lực khi còn rất trẻ, mới chỉ 24 tuổi, để lại mọi của cải cho người nghèo. Chứng tá của ngài về đời sống Phan-sinh, tình thương những người nghèo khổ, lòng khiêm nhường và kiên nhẫn trong các thử thách đã được tưởng thưởng và xác nhận qua rất nhiều phép lạ của ngài. Lòng tin nồng cháy và tinh tuyền của ngài vào Đức Kitô mà ngài thờ lạy trong chiêm niệm, yêu mến và phục vụ trong những người hèn kém nhất, đã làm cho thánh Élisabeth Hungari trở thành một mẫu gương thánh thiện đáng ngưỡng mộ, vẫn còn chiếu toả hoàn hảo cho chúng ta ngày hôm nay.

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây