Suy niệm Tin Mừng Lễ Thánh Gia -Năm C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 2, 41-52)
Hằng năm, cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.
Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.
Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.
Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.
Suy niệm Tin Mừng Lễ Thánh Gia - Năm C
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh
Suy niệm
Nhắc đến gia đình là nhắc đến một nơi chốn thiêng liêng nhất của một phận người, đi đâu, làm gì hay sống ở đâu, con người luôn hướng về nơi thiêng liêng đó, luôn mong được trở về với mái ấm gia đình của mình, nơi đó họ tìm lại được chính mình, gặp lại những người thân thương và được ngụp lặn trong vòng tay ấm áp của tình gia đình. Lễ Thánh Gia mời gọi người tín hữu Kitô, hãy hướng về gia đình Thánh Gia để học lấy những bài học về tình gia đình, học cách ứng xử với nhau giữa các thành viên, đặc biệt học cách cộng tác với nhau để xây dựng tổ ấm, học cách tha thứ cho nhau và học cách yêu nhau đúng nghĩa của tình vợ chồng, tình Cha Mẹ - con cái và tình anh chị em trong cùng một tổ ấm.
Tác giả sách Huấn Ca đã ghi lại những kinh nghiệm của những người đi trước, đặc biệt là những bài giáo huấn của Thiên Chúa gởi tới các gia đình, để nhắc mọi thành viên trong mỗi gia đình, sống làm sao cho vẹn toàn chữ hiếu, nâng đỡ nhau cho sáng chữ tình: “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ”. Không những tình yêu là nền tảng của mỗi gia đình, nhưng tình người còn là hơi ấm, là sức mạnh tinh thần, giúp gia đình đứng vững trước mọi thách đố và thăng tiến khi đối diện với mọi trào lưu chủ nghĩa tác động. Nếu mỗi gia đình luôn biết dành một chiếc ghế trong bàn ăn cho Đấng Tình Yêu ở lại đó, chắc chắn gia đình ấy sẽ ấm áp tình người và tình yêu lên ngôi.
Để có một gia đình trong ấm ngoài êm, ngoài ân sủng từ trời qua bí tích Hôn Phối, cần có sự cộng tác, chia sẻ và hy sinh của con người, đặc biệt là vợ chồng, cha mẹ, thánh Phaolô đã căn dặn con cái thành Ê-phê-sô, hãy sống quảng đại, tha thứ và hy sinh, anh em sẽ có một gia đình ấm êm, một gia đình đúng với từ tổ ấm: “Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện”. Gia đình là một cộng đoàn nhỏ mang hình ảnh của cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa, vì thế, thánh nhân đề nghị mỗi thành viên hãy mặc lấy những tâm tình như Ba Ngôi Thiên Chúa, tôn trọng, yêu thương và đồng hành với nhau trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.
Cha Mẹ Con Thiên Chúa làm người luôn dành chỗ nhất cho gia đình mình, vì thế hàng năm, cả nhà đều trở về đền thờ lớn của mọi người cùng dâng lễ, dâng chính con cái mình và dâng cả những khó nhọc vất vả trong cuộc sống gia đình: “Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết”. Để duy trì được một thói quen về đời sống tôn giáo, Cha Mẹ trong mỗi gia đình cần có một nền tảng niềm tin sâu sắc và xác tín. Gia đình Thánh Gia đã làm được điều đó khi cả hai được sinh ra, lớn lên trong các gia đình có chiều sâu tâm tình tôn giáo và một đức tin kiên trung. Tất cả là nền tảng cho gia đình và là những bài học cơ bản trong việc giáo dục, hướng dẫn con cái lớn lên.
Gia đình Thánh đã đặt nền móng cho tổ ấm bằng một tinh thần tôn giáo sâu đậm, cả cha và mẹ đều được các vị tiền nhân dạy dỗ kỹ lưỡng với những bài học giáo lý căn bản, tất cả để được lớn lên và được làm người đúng nghĩa. Với kinh nghiệm tôn giáo đã đi vào từng hơi thở, từng nhịp sống, thánh Giuse và Mẹ Maria đã dạy con những bài học vỡ lòng về tôn giáo, hơn nữa, còn dạy con biết cùng với cộng đoàn cầu nguyện, cùng về đền thờ để dâng lễ vật cho Thiên Chúa, xin cho gia đình và mọi người được an bình, gia đình được ấm êm. Chính những bài học đó cùng với cách ứng xử giữa vợ chồng với nhau bằng những ngôn ngữ của tình yêu, gia đình ngày một thăng tiến, mỗi thành viên biết yêu thương và tôn trọng nhau hơn. Mỗi gia đình đều hướng về gia đình Thánh đó chắc sẽ tìm thấy cho mình một lối nẻo rất riêng để giúp nhau trong việc xây dựng tổ ấm, giúp nhau thăng tiến niềm tin và tình người.
Thiên Chúa luôn chúc lành cho các gia đình, chúc lành cho những ai quảng đại chọn ơn gọi hôn nhân để cộng tác với Ngài, nếu mỗi gia đình đều ý thức được điều đó, chắc sẽ có một cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương, tiếc thay, vì con người luôn có tính xã hội, luôn bị cuốn vào sự phát triển của xã hội, vì thế, nhiều yếu tố thiếu tích cực đã và đang len lỏi vào các gia đình, đặc biệt trong suy nghĩ và nhận thức của những bậc làm cha, làm mẹ. Từ đó, ý thức hệ về gia đình, cách chăm sóc và giáo dục con cái nặng tính khoa học và máy móc, thiếu tình thương, thiếu sự tôn trọng và thiếu cả tình gia đình, hậu quả là những đứa con ra đời trong niềm vui khoái lạc chứ không đến từ tình yêu. Những đứa con lớn lên trở thành nạn nhân của quyền lực, của tiền bạc và chủ nghĩa cá nhân, trở thành những ông hoàng, bà chúa trong mỗi gia đình, trật tự bị đảo lộn, cha mẹ trở thành những người phục vụ cho con cái mình, xã hội phải đáp ứng mọi nhu cầu cho giới trẻ, ông bà, người cao tuổi trở thành gánh nặng và bị loại trừ. Nhiều mẫu gia đình trông bề ngoài rất hạnh phúc nhưng sâu thẳm bên trong là địa ngục, là tổ nóng, là nơi sản sinh những cỗ máy cho xã hội thực dụng và thiếu đạo đức làm người.
Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều có một gia đình để trở về, để được yêu thương, xin Chúa chúc lành cho Cha Mẹ và mọi người trong gia đình chúng con, nhiều lúc chúng con chưa thực sự yêu thương gia đình của mình, xin Chúa tha thứ. Chúa đã chọn một gia đình nhỏ để được học làm người, được học làm con Thiên Chúa, xin giúp các bậc làm cha làm mẹ, biết giáo dục con cái trở thành những con người thực sự trong xã hội, những người có một niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa, để mỗi gia đình luôn là một cộng đoàn thánh, một gia đình đầy ắp tình người và một nơi dạt dào tình thương và sự trân quý lẫn nhau. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn