02.01.2025
THỨ NĂM TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Thánh Basiliô Cả và Thánh Grêgôriô Nazianzênô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Ga 1, 19-28
ĐẤNG MÀ TÔI ĐÃ KHÔNG BIẾT
“Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.” (Ga 1,19-28)
Suy niệm: Gio-an đã từng thú nhận chính ông cũng “đã không biết Người” (x. Ga 1,31.33) thế nên chẳng trách dân chúng không biết “có một Đấng đang ở giữa họ.” Thật ra không phải là không ai biết gì về con người Giê-su Na-da-rét mà còn biết rất rõ đó là con bác thợ mộc, sống giữa họ, cũng bình thường như họ, như bao người khác. Phần Gio-an ắt hẳn cũng biết ít nhiều về Giê-su người bà con với mình, nhất là biết những sự kiện lạ lùng về việc sinh ra của Người. Nhưng vẫn còn đó bức màn mầu nhiệm vượt quá trí hiểu của con người. Đứng trước mầu nhiệm Giê-su, Gio-an khiêm tốn nhìn nhận giới hạn nhân loại của mình. Chính nhờ thế, và nhờ ơn mạc khải của Đấng đã sai ông đi làm phép rửa trong nước: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33), Gio-an đã biết Ngài và có thể chứng thực cho toàn dân biết “Đấng mà họ không biết”.
Mời Bạn: Có người thẳng thừng từ khước Thiên Chúa và mầu nhiệm của Ngài. Có những người khác tiếp cận mầu nhiệm theo lối ‘người trần mắt thịt’. Lúc này, lúc khác chúng ta đều có thể thuộc vào một trong hai loại đó, và vì thế chúng ta đã không thể nhận ra “Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở giữa chúng ta.” Cần có lòng khiêm tốn của Gio-an để có thể thấy Chúa đang ở giữa chúng ta, ở trong anh chị em của mình.
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái phục vụ một người anh em bé nhỏ với niềm xác tín mình đang phục vụ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Nhi, xin giúp con nhận ra và phục vụ Chúa nơi những người anh em bé nhỏ, nghèo hèn.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Ca nhập lễ
Nửa đêm khuya, giữa lúc muôn vật đang yên lặng, Ngôi Hai toàn năng đã bỏ ngai trời xuống thế.
Lời nguyện nhập lễ (trước lễ Chúa Hiển Linh)
Lạy Thiên Chúa toàn năng, ngày Con Chúa giáng trần là khởi điểm kỳ diệu cho công trình cứu chuộc dân Chúa; xin cho chúng con được tin cậy vững vàng, để nhờ Con Một Chúa hướng dẫn, chúng con đạt tới phúc vinh hiển Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: 1Ga 2, 22-28
“Ước gì điều các con đã nghe từ ban đầu, vẫn ở lại mãi trong các con”
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Gio-an Tông Ðồ.
Các con thân mến, ai là kẻ nói dối, nếu chẳng phải là kẻ không nhìn nhận Chúa Giê-su là Ðức Ki-tô?
Ai không nhận Chúa Cha và Chúa Con, chính nó là Phản Ki-tô, ai không nhận Chúa Con, thì cũng không được có Chúa Cha. Còn ai tuyên xưng Chúa Con thì cũng được có Chúa Cha. Còn ai tuyên xưng Chúa Con thì cũng được có Chúa Cha.
Phần các con, ước gì điều các con đã nghe từ ban đầu, vẫn ở lại mãi trong các con.
Nếu điều các con đã nghe từ ban đầu vẫn ở lại trong các con, thì các con cũng được ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha nữa. Và này là điều Người đã hứa cho chúng ta, đó là sự sống đời đời.
Ta đã viết những điều này cho các con biết về những người lừa dối các con.
Về phần các con, việc xức dầu mà các con đã nhận lãnh nơi Người vẫn ở lại trong các con, nên các con không cần ai dạy dỗ, nhưng như việc xức dầu của Người đã dạy các con mọi sự, và lại là sự thật, chứ không phải sự dối trá, nên như các con đã được dạy dỗ, hãy ở lại trong Người.
Và giờ đây, hỡi các con bé nhỏ, hãy ở lại trong Người, để khi Người tỏ hiện, chúng ta được dạn dĩ, không phải xấu hổ lìa xa Người, lúc Người đến.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97,1.2-3a, 3cd-4
Ðáp: (3c) Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Xướng: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng. Tay mặt Người đã đem lại toàn thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành đối với nhà Ít-ra-en. – Ðáp.
Xướng: Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy hân hoan mừng Chúa, hãy mừng vui, hoan lạc và đàn ca.
Alleluia: Ga 1, 14 và 12b
Alleluia, Alleluia – Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. Alleluia.
Phúc Âm: Ga 1, 19-28
“Có một Ðấng sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi”
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gio-an.
Ðây là chứng của Gio-an, khi những người Do thái từ Giê-ru-sa-lem sai các vị tư tế và các Thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?”
Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Ki-tô”.
Họ liền hỏi: “Như vậy là thế nào? Ông có phải là Ê-li-a chăng?”
Gioan trả lời: “Tôi không phải là Ê-li-a”.
“Hay ông là một đấng tiên tri?”
Gio-an đáp: “Không phải”.
Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?”
Gio-an đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri I-sai-a đã loan báo”.
Và những người đã được sai đến đều thuộc nhóm biệt phái.
Họ hỏi Gio-an rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Ki-tô, cũng không là Ê-li-a, hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?”
Gio-an trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết.
Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.
Việc này xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi Gio-an làm phép rửa.
Ðó là Lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin…
Kinh Tiền tụng
Trước lễ Hiển Linh: lời tiền tụng Giáng Sinh
Ca hiệp lễ
Hãy đem con trẻ và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin nhận lời chúng con cầu nguyện: ước gì bí tích Thánh Thể không ngừng gia tăng sinh lực cho chúng con trong cuộc sống thường ngày. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
GIO-AN LÀM CHỨNG CHO CHÚA
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Thánh Gio-an đang làm phép rửa ở sông Gio-đan thì có mấy tư tế đến hỏi ông là ai? Ông trả lời: Tôi không phải là Đấng Kitô. Họ lại hỏi ông có phải là Ê-li-a, là tiên tri không? Ông đáp: Không. Họ liền bảo ông cho biết ông là ai, để họ về trả lời cho những người biệt phái đã sai họ. Gio-an đáp: Tôi là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế như tiên tri Ê-li-a đã báo trước. Họ lại hạch sách: Sao ông làm phép rửa? Gio-an cho họ biết: Ông chỉ làm phép rửa trong nước không quan hệ gì. Nhưng có một Đấng cao trọng ở giữa họ mà họ không biết, Đấng ấy có trước ông, và ông không đáng xách dép cho Đấng ấy.
2. Thánh Gio-an đã từng hô hào cho dân chúng dọn đường cho Chúa đến. Hôm nay ngài tự giới thiệu cho người Do thái: Ngài chỉ là người làm chứng và sửa soạn cho Chúa đến. Vì thế Ngài đi rao giảng phép rửa thống hối, từng đoàn người tấp nập kéo đến bờ sông Gio-đan xin chịu phép rửa. Việc này chứng tỏ ảnh hưởng của ông đã lan rộng khắp vùng, làm cho các nhà chức trách thắc mắc: Ông này là ai? Ông có ý đồ gì không?
Vì thế, nhà chức trách gửi một số tư tế và mấy Lê-vi đến điều tra xem Gio-an là ai? Câu hỏi chỉ xoay quanh tư tưởng chủ chốt: “Ông có phải là Đấng Mê-si-a không”? Gio-an đã trả lời thẳng thắn: Ông không phải là Đấng Mê-si-a, cũng không phải là Ê-li-a, thậm chí không phải một trong các tiên tri ngày xưa trở lại. Ông chỉ khẳng định: Ông là sứ giả có trách nhiệm dọn đường cho Chúa thôi. Còn phép rửa của ông làm chỉ là dọn đường mở lối cho phép rửa chính thức của Đấng Cứu Thế. Nhưng ông nhấn mạnh cho họ tư tưởng này: Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ, mà họ không biết.
3. Thánh Gio-an Tẩy Giả là người tràn đầy Thần Khí. Nên Ngài có phân định rõ ràng. Ngài biết mình không là gì. Dù bấy giờ Ngài đã nổi danh, được nhiều người mộ mến. Thậm chí người ta còn gọi Ngài là Đấng Cứu Thế. Nhưng thánh nhân kiên quyết phủ nhận. Ba lần nói “không” để phủ nhận mọi phù hoa ảo ảnh. Ngài nhận tự bản thân mình chẳng là gì. Có là gì là ở trong Thiên Chúa. Phủ nhận mình là khẳng định Thiên Chúa. Ra khỏi bản thân để ở trong Thiên Chúa. Nhờ ở trong Thiên Chúa mà có tất cả. Nhờ ở lại trong Chúa, Gio-an đã làm tròn nhiệm vụ. Nên Ngài trở nên cao trọng nhất trong số nam nhân. Và đóng góp phần quan trọng cho công cuộc Cứu Thế thành công. Đem ân phúc lớn lao cho mọi người.
4. “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.
Khi trả lời cho phái đoàn phỏng vấn, Gio-an khiêm nhường trước mặt người ta khi không nhận cho mình cái danh dự mà người ta nghĩ cho mình là có, và cũng khiêm nhường trước mắt Chúa vì ông đã qui hướng danh dự và vinh quang về Chúa. Noi gương thánh Gio-an, chúng ta cũng phải khiêm nhường trước những lời khen ngợi của người khác và trước mọi thành công nào đó để tránh tự mãn, óc tự kiêu và thái độ kẻ cả. Đồng thời phải dựa vào những thành công đó để hướng về Chúa với lòng cảm tạ tri ân và nỗ lực thêm nữa để làm vinh danh Chúa.
5. Chúng ta có thể diễn đạt toàn bộ sứ điệp của Gio-an như sau: “Tôi không phải là Đấng Cứu Thế, nhưng tôi là người “tiền hô” cho Ngài. Hãy chuẩn bị vì Ngài sắp đến”. Nói khác đi, Gio-an đến để làm chứng cho Đấng Cứu Thế. Chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa trong cuộc sống.
Ki-tô hữu là người được mang danh Chúa Ki-tô, danh hiệu này đã được thánh Phao-lô lần đầu tiên gọi các tín hữu ở An-ti-ô-ki-a. Ki-tô hữu là người thuộc về Chúa Ki-tô, được đồng hóa với Chúa Ki-tô đang sống giữa chúng ta. Chúng ta không như người Do thái phải mất mấy thế kỷ mong đợi Đấng Cứu Thế đến. Hơn nữa, cũng không phải sống lại những biến cố đã qua. Đức Kitô đã đến. Ngài đang có đó. Liên tục hiện diện giữa chúng ta để loan báo Tin mừng cho người nghèo, để chữa lành các tâm hồn bị tan vỡ và giải thoát những kẻ bị xiềng xích.
Người Ki-tô hữu cũng là chứng nhân của Đức Kitô trong cuộc sống thực tế của mình.. Về điểm này, nhà thần học, linh mục Teilhard de Chardin đã ví von rất sống động: “Ánh sáng xuyên qua những đám mây, người ta đoán là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng đoán được có Đức Ki-tô”.
Mục sư Martin Luther King cũng nói: “Chúng ta không làm chứng chỉ bằng lời nói, mà còn làm chứng bẳng cuộc sống của mình”.
6. Truyện: Hãy nhìn mặt trăng
Vào một đêm trăng, Thích Ca ngồi giữa các đệ tử. Ngài lấy ngón tay chỉ mặt trăng và nói: “Kìa là mặt trăng. Cứ ngó theo ngón tay Ta thì thấy, nhưng đừng tưởng ngón tay của Ta là mặt trăng”.
Tin mừng hôm nay cũng đề cập đến một cuộc đối thoại tương tự giữa Gio-an Tẩy Giả và những biệt phái… Họ đặt ra ba hình ảnh về Gio-an: Ông có phải là Đức Ki-tô không ? Ông có phải là Ê-li-a không? Ông có phải là tiên tri không? Gio-an cho mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc “Hãy dọn đường Chúa”. Gio-an đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm tốn. Người Ki-tô hữu cũng phải làm chứng cho Chúa về nhiều phương diện: không những giơ ngón tay chỉ Chúa Giê-su cho người khác mà còn phải là chứng nhân bằng chính cuộc sống nữa (Trích Mỗi ngày một tin vui).
TÌM KIẾM VÀ THỰC HÀNH CHÂN LÝ
(THÁNH BAXILIÔ CẢ & THÁNH GHÊGÔRIÔ NADIEN 02/01)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Baxiliô Cả và Thánh Ghêgôriô Nadien hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã làm cho Giáo Hội nên rạng rỡ nhờ gương sáng và lời giảng dạy của hai thánh Baxiliô và Ghêgôriô, xin Chúa cho chúng ta biết khiêm nhường tìm hiểu chân lý của Chúa và hết lòng yêu mến đem ra thực hành.
Thánh Baxiliô là người tinh thông văn học lại nổi tiếng nhân đức, người tích cực chống lại giáo phái Ariô, người đã soạn thảo những quy luật cho đời sống đan tu, mà cho đến bây giờ, nhiều đan sĩ Đông Phương vẫn còn tuân giữ. Thánh Ghêgôriô đi rất nhiều nơi để học hỏi, người đã kết thân với thánh Baxiliô, đã chọn cuộc sống tu hành, nhưng sau đó, thụ phong linh mục, rồi được chọn làm giám mục. Hậu thế thường gọi thánh nhân là nhà thần học, vì người vừa am tường đạo lý cao siêu, vừa có tài hùng biện.
Tìm hiểu chân lý và đem ra thực hành, bằng cách quy hướng về Đức Kitô, tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Các Kitô hữu là những con người hoàn toàn tự do, chỉ lệ thuộc Đức Kitô. Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Kho tàng anh em để đâu, lòng trí anh em cũng để đó.
Tìm hiểu chân lý và đem ra thực hành, bằng cách buông mình theo làn gió Thánh Thần, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh thánh Ghêgôriô Nadien nói: Chúng tôi để cho luật Thiên Chúa hướng dẫn mình và khuyến khích nhau yêu chuộng đường nhân đức… Thiên Chúa ban khôn ngoan cho các bậc hiền triết, ban tri thức cho người hiểu rộng biết nhiều. Người mặc khải điều thẳm sâu và bí ẩn, và có ánh sáng ở với Người. Chính Thần Khí duy nhất làm ra tất cả những điều đó, và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.
Tìm hiểu chân lý và đem ra thực hành, bằng cách tuân giữ những gì Chúa truyền dạy, và vững tin sẽ được thấy những kỳ công của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Ước chi điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em. Nếu điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em, thì chính anh em sẽ ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 97, vịnh gia đã kêu xin: Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Trong bài Tin Mừng, Ông Gioan nói: Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua Thánh Tử Giêsu, Đấng mà ông Gioan nói: Người đến sau ông và ông không đáng cởi dép cho Người, Đấng mà hai thánh Baxiliô và Ghêgôriô không ngừng khao khát tìm kiếm: Cả hai đều hướng tới một điều đáng mong ước hơn hết mọi sự, đó là được hiểu biết Đức Kitô, và khao khát thuộc về Đức Kitô với mối bận tâm là đi đàng nhân đức, và luôn hướng về những thực tại trên trời, nhằm chuẩn bị cho mình: từ bỏ cõi đời, trước khi từ biệt cõi đời. Vấn đề mà hai thánh quan tâm hơn cả, là được mang danh hiệu Kitô hữu, khao khát tìm kiếm và say mê thực hành chân lý của Đức Kitô. Chúa đã làm cho Giáo Hội nên rạng rỡ nhờ gương sáng và lời giảng dạy của hai thánh Baxiliô và Ghêgôriô, ước gì ta biết khiêm nhường tìm hiểu chân lý của Chúa và hết lòng yêu mến đem ra thực hành. Ước gì được như thế!
NÊN CAO CẢ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.
“Điều hấp dẫn tôi là tôi cảm thấy mình tự làm chủ được số phận; nhưng cảm giác đó hoàn toàn thiếu trung thực và lừa dối bản thân nghiêm trọng. Tự hào về bản thân khiến tôi tự tôn thờ mình như ngẫu tượng; và đó là quốc giáo của địa ngục!” - Howard Butt.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay cho thấy Gioan không theo “quốc giáo của địa ngục” khi không tự tôn, tự hào. Việc Gioan thừa nhận mình không xứng đáng cởi quai dép cho Chúa Giêsu là bằng chứng. Trớ trêu thay, chính sự thừa nhận này lại làm cho Gioan ‘nên cao cả!’.
Bạn có muốn ‘nên cao cả’ mà không tự tôn, tự hào? Bởi lẽ, “Tự tôn, tự hào, tự kiêu, tự đại, tự ti, tự mãn, tự cao, tự ái… và kể cả tự tin, tự trọng đều là tự tử!” - Gioan XXIII. Tự thâm tâm, tất cả chúng ta đều muốn ‘nên cao cả’ và khát khao hạnh phúc. Ước muốn bẩm sinh này thật chính đáng và chẳng có gì sai! Chúng ta muốn cuộc sống mình có ý nghĩa, có mục đích và tạo ra một sự khác biệt. Vấn đề là “Làm thế nào?”. Làm thế nào để tôi có thể ‘nên cao cả’, cao cả thực sự!
Từ góc độ trần thế, sự cao cả thường đồng nghĩa với thành công, giàu có, quyền lực và sự ngưỡng mộ từ người khác… Nhưng từ góc độ thiêng liêng, sự cao cả chỉ đạt được bằng việc dâng cho Thiên Chúa vinh quang lớn nhất mà chúng ta có thể có trong đời. Dâng Chúa mọi vinh quang có tác dụng ‘luỹ thừa’ đối với cuộc sống mỗi người.
Trước hết, dâng Chúa mọi vinh quang cho phép chúng ta sống phù hợp với sự thật là “Chúa và chỉ một mình Chúa” xứng với mọi khen ngợi và vinh quang. Bởi lẽ, mọi điều tốt lành đều đến từ Ngài. Thứ đến, dâng Chúa mọi vinh quang chỉ ra sự thật rằng, chúng ta tội lỗi, hoàn toàn bất xứng và điều này có tác dụng hỗ tương là chính Thiên Chúa sẽ hạ cố và nâng chúng ta lên. “Sự tách biệt khỏi tội lỗi và tính thế gian tự nó không phải là mục đích, nhưng là phương tiện để đạt được điều gì đó lớn lao hơn, cụ thể là Vương Quốc Thiên Chúa, hiệp thông với Thiên Chúa và tình bạn với Thiên Chúa!” - Phanxicô.
Andrew Murray thật thâm thuý, “Khiêm tốn là sự yên tĩnh hoàn hảo của trái tim. Đó là sự bình yên khi không được ai khen ngợi, khi bị chê trách hay khinh thường. Đó là ngôi nhà hạnh phúc, nơi tôi có thể vào, đóng cửa lại và quỳ lạy Cha tôi cách bí mật; và tôi bình an như trong biển sâu yên tĩnh, khi mọi thứ xung quanh và bên trên đều hỗn trọc!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Hãy suy ngẫm về ơn gọi của bạn và chiêm ngắm gương khiêm nhường của Gioan. Đừng bao giờ né tránh việc hạ mình trước sự vĩ đại và quyền năng của Thiên Chúa. Làm như vậy chúng ta không hạ thấp chính mình hoặc cản trở sự cao cả của bản thân. Đúng hơn, chỉ trong sự khiêm nhường nhìn nhận sự yếu hèn, tội lỗi của mình trước Thiên Chúa, bạn và tôi mới có thể cho phép Chúa Giêsu lôi kéo vào sự cao cả của Ngài - ‘cao cả của thập giá’. “Người vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và ban tặng danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu!” - Phaolô.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con ‘tự tử’ khi theo ‘quốc giáo của địa ngục’. Cho con biết hạ mình trước Chúa, trước anh em, để được Chúa hạ cố nâng lên!”, Amen.
AUDIO
Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm trước Lễ Hiển Linh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn